(Có đáp án) Bộ đề Ngữ văn 9 sách mới dùng chung cả 3 bộ sách 2024-2025

Tải về

Bộ đề Ngữ văn 9 sách mới có đáp án

Trong năm học 2024-2025 tới đây, các em học sinh lớp 9 sẽ chính thức sử dụng bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em bộ đề ôn luyện Ngữ văn 9 chương trình mới có đáp án được sử dụng chung cho cả 3 bộ sách Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Sau đây là nội dung chi tiết đề kiểm tra Ngữ văn 9 sách mới, mời các bạn cùng tham khảo.

Đề kiểm tra Ngữ văn 9 KNTT

I. ĐỌC – HIỂU (6.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

"Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, là một người tuấn sảng hào mại không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về cái tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt. Khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử Hư đi thi vẫn chưa đỗ; đời Trần, sang du học ở kinh, ngụ ở trong một nhà dân bên bờ hồ Tây.

Một buổi sáng, ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững chạc. Tử Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm. Chàng toan đến gần sụp lạy nhưng Trạm xua tay nói:

- Giữa đường không phải chỗ nói chuyện, tối mai nên đến đền Trấn Vũ cửa Bắc, thầy trò ta sẽ hàn huyên. Tử Hư bèn sắm rượu và thức nhắm, đúng hẹn mà đến. Thầy trò gặp nhau vui vẻ lắm, chàng nhân hỏi rằng:

- Thầy mới từ trần chưa bao lâu, thoắt đã trở nên hiển hách khác hẳn ngày trước, xin thầy cho biết rõ duyên do để con được vui mừng. Dương Trạm nói:

- Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng. Hôm qua ta hầu lính giá ngài lên chầu Thiên cung, tình cờ lại gặp nhà ngươi, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên…"

(Trích chuyện Phạm Tử Hử lên chơi Thiên Tào, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Trẻ, 2016, Tr.142)

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên

Câu 2. Theo đoạn trích, tính cách nào của Tử Hư được Dương Trạm răn đe và sửa đổi?

Câu 3. Xác định các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích trên

Câu 4. Điều gì khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng?

Câu 5. Từ Hán Việt "kiềm thúc" được hiểu nghĩa như thế nào?

Câu 6: Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 7. Ý nào khái quát nội dung chính của đoạn trích?

Câu 8. Chi tiết khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về cho thấy Phạm Tử Hư là người như thế nào?

Câu 9. Theo anh/chị tinh thần tôn sư trọng đạo được biểu hiện như thế nào?

Câu 10. Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, anh /chị có suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta?

II. VIẾT (4.0 điểm)

“Tại mẹ nên con mới thế”, “Tại bạn ấy cứ đuổi nên con mới ngã”, “Tại trời mưa/tắc đường/hỏng xe… nên em đi học muộn”, “Tôi không thể làm xong báo cáo vì bên A chưa cung cấp đủ dữ liệu…”, “Mất mùa là tại thiên tai…”,… Đó là hàng loạt chiêu đổ lỗi/né tránh của con người dù là trẻ con hay người trưởng thành trước khi nhận trách nhiệm của mình trong đó. Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đổi lỗi/né tránh trách nhiệm.

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

I

ĐỌC HIỂU

1

Truyền kì

2

Kiêu căng

3

Phạm Tử Hư, Dương Trạm

4

Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi.

5

Kiềm chế bó buộc trong hoạt động.

6

Ca ngợi phẩm chất cao quý của Tử Hư.

Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tốt.

7

Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Dương Trạm và tình nghĩa thầy trò cao quý.

8

Là người sống có tình, có nghĩa, biết tôn sư trọng đạo.

9

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, miễn là tỏ ra hiểu vấn đề: Những biểu hiện của tinh thần tôn sư trọng đạo:

- Tôn trọng, lễ phép, chăm học.

- Luôn nghĩ về công lao thầy cô, mong muốn được đền đáp.

- Người đi học cần rèn trước hết là đạo đức…

10

Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của nhân dân ta. Truyền thống nhằm để tôn vinh, kính trọng và sự biết ơn của mỗi cá nhân đối với người thầy của mình.

II

VIẾT

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen gây bè phái, chia rẽ tập thể lớp.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm.

- Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

Mở bài:

- Giới thiệu

- Nêu vấn đề

Thân bài:

- Thói quen đổ lỗi/né tránh trách nhiệm là gì?

“Đổ lỗi/né tránh trách nhiệm” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.

- Biểu hiện của thói quen đổ lỗi/né tránh trách nhiệm

+ Các nhà thầu xây dựng yếu kém, ăn bớt vật liệu khiến công trình sụp đổ, gây tai nạn, không chịu nhận trách nhiệm mà đổ lỗi do địa hình, khí hậu.

+ Thất bại trong cuộc sống, nhiều người đổ lỗi do hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó mà quên mất rằng cũng nhiều người nhờ nỗ lực không ngừng mà làm giàu từ hai bàn tay trắng.

+ Học sinh lười biếng, không chăm chỉ học tập đạt kết quả kém lại đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa nặng nề, giáo viên dạy khó hiểu…

- Nguyên nhân của thói quen đổ lỗi/né tránh trách nhiệm

+ Do sự lười nhác, không cống hiến mà chỉ mong thụ hưởng của nhiều người. Khi nhìn thấy sai lầm của người khác hoặc bản thân gây ra sai lầm, họ vẫn vô tâm, không tích cực ngăn chặn hoặc khác phục để hạn chế tổn hại.

+ Do con người hèn nhát, không dám đối mặt với lỗi lầm của mình. Nhiều người chỉ vì quá hèn nhát, sợ hãi khi xảy ra sai lầm, họ đã trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, đổ lối cho người khác khiến cho hậu quả của hành động ấy còn lớn hơn hậu quả do sai làm ấy gây ra.

+ Do con người ích kỉ, thiếu trách nhiệm, chỉ muốn đùn đẩy phần khó khăn cho người khác. Nhiều người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Khi sai lầm xảy ra, họ chỉ cố sức bảo vệ mình, bỏ mặc người khác dù hậu quả có thế nào đi chăng nữa. Những kẻ vô tâm ấy thường gây nên những tổn thất rất lớn cho xã hội.

+ Do lòng tham khiến cho con người mở mắt, sẵn sàng làm những việc trái với lương tâm và tìm cách đổ vạ cho người khác… Để vét đầy túi tham, nhiều kẻ đã bất chấp lương tâm, làm những việc tàn nhẫn chỉ để có được điều mình mong muốn.

- Hậu quả của thói quen đổ lỗi/né tránh trách nhiệm

+ Hiện tượng đổ lỗi gây mất đoàn kết trong tập thể, khi không ai nhận trách nhiệm về mình cứ cứ đùn đẩy cho người khác.

+ Hiện tượng đổ lỗi không giúp khắc phục hậu quả gây ra, mà trái lại càng làm việc khắc phục hậu quả thêm trì trệ, khiến hậu quả càng nghiêm trọng.

+ Hiện tượng đổ lỗi khiến chúng ta trở thành kẻ vô trách nhiệm, tự huyễn hoặc bản thân rằng mình không bao giờ sai, từ đó không thể tiến bộ, hoàn thiện mình.

+ Nếu xã hội ai cũng chỉ biết đổ lỗi mà không có tinh thần trách nhiệm, khắc phục sai lầm, thì xã hội đó sẽ trở nên trì trệ, chậm phát triển.

- Giải pháp khắc phục thói quen đổ lỗi/né tránh trách nhiệm

Dám nhận lỗi là một hành động dũng cảm, là sống có trách nhiệm đối với công việc, bản thân và người khác. Vì thế:

+ Bạn cần biết tự ý thức, có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi, sửa lỗi.

+ Gia đình, nhà trường giáo dục con em hình thành ý thức nhận lỗi; người lớn phải làm gương cho trẻ em, không ngần ngại nói “Xin lỗi” khi mình mắc sai lầm và có cách thức cụ thể, thiết thực để sửa chữa lỗi lầm.

+ Ngoài ra, bạn và mọi người cũng nên khoan dung tạo điều kiện cho người mắc sai lầm có cơ hội được sửa sai.

+ Có nhiều người khi phạm phải lỗi lầm đã hèn nhát lẫn trốn và đổ lỗi cho người khác. Với những người như thế thật đáng lên án, bạn cần góp phần phát hiện, tố giác và cần thiết phải đề xuất xử lí kịp thời.

Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề

- Rút ra bài học cho bản thân

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Đề kiểm tra Ngữ văn 9 CTST

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

HẠT GỬI MÙA SAU

(Nguyễn Ngọc Tư)

Ông già như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông thò đầu vào lục lọi trong tủ chén. Đầu vướng đầy mạng nhện, ông cằn nhằn cử nhử, rõ ràng, mình cất ở đây, sao bây giờ nó mất biệt rồi, kỳ quá, kỳ quá. Tụi nhỏ cũng chạy lại, nghiêng chỗ này, ngó chỗ kia, cũng nói lạ quá trời, tự nhiên mất vậy cà. Nói, mà sợ tím ruột bầm gan, vì cái vật mà ông già muốn tìm tụi nhỏ đã cương quyết giấu biệt rồi.

Ai mà biết ông già coi trọng mớ bông vạn thọ, mồng gà khô đó dữ vậy, tụi nhỏ chống chế. Nhưng rõ ràng, tụi nhỏ biết. Sống chung một nhà, làm gì mà không rõ mỗi lần chim én bay hấp háy, đậu trên đám chà dưới mé sông, ông già lại đi lật lịch thăm chừng. Một tháng trước Tết, ông vác cuốc ra sân, tụi nhỏ dù muốn dù không cũng phải vác cuốc đi theo, xới nhừ mảnh sân trước nhà, lụi hụi tưới nước cho mềm xốp lại. Ông già đi lục lọi mớ bông để giống từ Tết năm ngoái, rải hạt. Kế Tết, lúc ông già đứng tỉa lại hàng bông bụp, bông lồng đèn thì bông vạn thọ, mồng gà, sao nhái đã nở rực cả vạt sân. Bông móng tay thấy thân phận nhợt nhạt của mình, nép thành một hàng dài dọc đường đi. Nghỉ tay, ông đứng chống nạnh, khoan khoái đứng ngắm bông, hết đứng gần rồi lại lùi ra, cười khà khà khà, khoái trá.

Với ông, Tết mà không trồng bông thì mất vui đi. Dù cực, dù ngày mấy lượt khệ nệ xách thùng đi tưới. Có cho đi, thì mới nhận lại, thử hỏi, ba ngày Tết, ngồi khề khà mấy ly trà, ngó ra cái sân vàng rực mênh mông, bông chật ních con mắt, có sướng không? Sướng! Vì vậy mà khi trời bắt đầu trở chướng, ông già thì trở… chứng, không chịu ở trong nhà. Suốt ngày tha thẩn ngoài sân, sửa sang, uốn lại mấy bụi chùm rụm, tỉa hai cây sộp, chăm sóc đám bông… Ông gọi là bông thì tụi nhỏ không được gọi hoa, ông nói hoa là hoa hồng hoa huệ gì đó, còn mồng gà, vạn thọ hay sao nhái thì phải kêu bằng bông, cũng như núm mối mà cứ học đòi nấm mối, cái thứ dân dã, mọc vườn hoang phải kêu sao cho dân dã, dễ nghe...

Đám trẻ tịt ngòi. Tụi nó thấy đám bông đúng là mang rắc rối tới cho tụi nó. Mấy bữa ông đi đám giỗ xa, về nhà, thấy bông héo, ông rầy tụi nó cả buổi. Mà, tụi nhỏ thấy bông cũng có ích lợi gì lắm đâu, ừ, có bông thì nhà sẽ đẹp mấy ngày Tết, nhưng mắc công. Sau Tết, bông tàn, lại phải chọn những bông lớn nhất, đẹp nhất, già nhất đem phơi khô, lại phải nhổ bỏ đám cây rụi lá, dọn dẹp cho sạch, chuẩn bị sân phơi lúa. Tụi nhỏ nghĩ, đẹp, mà không ăn được, thì cũng phí.

Một phần, tụi nhỏ thương ông già, cứ lụi hụi cho cực thân. Ba năm rồi, đất nhiễm mặn, tan hoang, trồng bông cũng không nước tưới. Ngày xưa còn bờ dừa còn liếp chuối, bông trên sân phối hợp với cảnh chung quanh, giờ cây cỏ đìu hiu, cái màu vàng rực lên của sao nhái, vạn thọ càng làm khó chịu, chói gắt con mắt. Một bữa dọn dẹp ổ mối trong tủ, tụi nhỏ lén đem cái gói bông khô giấu trên giàn củi. Và ông già tìm kiếm trong tuyệt vọng.

Không thể tưởng tượng được, Tết này lại không có bông, ông già rầu rĩ, nằm gác tay lên trán. Ngày dài, nằm chán, ông già ra đằng trước, nhìn cái sân chang chang nắng, thở dài ứ hự, mắt hoang vắng, thất thần. Tụi nhỏ đã dự tính trước, ông già sẽ buồn, nhưng nghĩ nỗi buồn qua mau, mai mốt ông quên tuốt. Nhưng ngó bộ dạng ông vẫn long đong tìm kiếm, tụi nó hoảng hồn, Tết sau, sau nữa, ông cũng sẽ nhớ hoài mùa bông cũ. Tụi nhỏ nhận ra, ông già trồng bông không hẳn vì chúng đẹp (bởi thật ra chúng đâu có đẹp, thậm chí, bông vạn thọ hôi rình), trồng để thấy tuổi xế bóng còn làm được việc thần kỳ, còn có thể vun đắp sự sống từ bàn tay cứng quèo, gân guốc, trồng bông để nhớ cái thời sạ lúa trên đồng, và bông như một món quà Tết duy nhất ông có thể làm cho con cháu.

Bữa sau, ông tìm được gói bông khô trên cái gióng cá khô treo đầu bếp. Ông mừng quýnh, nói kỳ quá, kỳ quá, tao kiếm ở đây nát hết mà không thấy, vậy mà bây giờ tự nhiên nằm chình ình, y như ma giấu. Tụi nhỏ ngó nhau cười cười, mếu mếu.

Lại phải phụ ông già cuốc đất, lại gieo, lại đeo cây nước bơm từng thùng đem tưới. Bông lại nở rực trước sân nhà. Và Tết tàn, ông già lại nâng niu đi hái từng bông hoa héo khô, rũ cánh, giữ hạt cho mùa sau. Nghe như một người tàn và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống.

Tụi nhỏ ngậm ngùi, ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt. Giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng (bệnh này đang lan nhanh dữ dội từ hồi chuyển sang làm vuông nuôi tôm). Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ…

Giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà…

( https://isach.info/story.php?story=hat_gui_mua_sau__nguyen_ngoc_tu )

Chú thích:

1. Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau. Là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách, chị miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, chị biết rằng chị muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn chị đậm chất Nam Bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh. Chị đã nhận giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, trở thành tâm điểm của sự hy vọng vào một nền văn trẻ đương đại. Tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của chị gây được tiếng vang lớn, nhận được nhiều giải thưởng cũng như chuyển thể thành kịch, phim điện ảnh.

2. Truyện ngắn “Hạt gửi mùa sau” tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người Nam Bộ chân chất, thật thà, giàu tình cảm.

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Xác định ngôi kể và người kể chuyện trong văn bản?

Câu 2. Lí do quan trọng nhất khiến nhân vật ông già luôn thích gieo bông vào khoảng thời gian một tháng trước Tết là gì?

Câu 3. Tâm trạng của “ông già” khi không tìm thấy mớ bông hạt giống?

Câu 4. Vì sao tụi nhỏ lại giấu gói bông hạt giống của ông già?

Câu 5. Nhan đề “Hạt gửi mùa sau” có ý nghĩa gì?

Câu 6. Câu văn: Ông gọi là bông thì tụi nhỏ không được gọi hoa, ông nói hoa là hoa hồng hoa huệ gì đó, còn mồng gà, vạn thọ hay sao nhái thì phải kêu bằng bông, cũng như núm mối mà cứ học đòi nấm mối, cái thứ dân dã, mọc vườn hoang phải kêu sao cho dân dã, dễ nghe nói lên tập quán nào của người Việt? có gì đặc biệt?

Câu 7. Nêu ngắn gọn nội dung chính của văn bản.

Câu 8. Anh/chị có cảm nhận như thế nào trước hành động trồng bông của ông già?

Câu 9. Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Qua tác phẩm Hạt gửi mùa sau của Nguyễn Ngọc Tư trong phần Đọc hiểu, ta thấy được một số vấn đề đáng bàn luận như tình cảm gia đình, giáo dục về tinh thần lao động,.….Anh/chị hãy bàn luận về một vấn đề mà mình quan tâm nhất từ tác phẩm.

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

I

ĐỌC HIỂU

1

Ngôi thứ ba, người kể chuyện toàn tri

2

Để giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng; giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ

3

Rầu rĩ, thất thần

4

Vì thương ông già vất vả, cứ lụi hụi cho cực thân

5

Giữ lại hạt để mùa sau gieo trồng

Giữ lại những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ sau

Giáo dục thế hệ sau gìn giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp mà thế hệ trước để lại

6

Sử dụng từ địa phương

7

- Truyện kể về nhân vật chính là ông già, ông rất thích trồng bông vào những ngày gần tết.

- Con cháu thương ông nên đem giấu hạt giống đi, ông già tìm không thấy nên rầu rĩ, thất thần.

- Cuối cùng, con cháu cũng hiểu ông gieo hạt bông để thể hiện tình cảm của mình ở đó cho con cháu, cũng là cách để dạy bảo con cháu về việc gìn giữ những nét đẹp của thế hệ trước để lại.

8

HS trả lời theo nhiều cách. Sau đây là định hướng:

- Ông già là một người rất chăm chỉ, cần mẫn, yêu hoa.

- Ý nghĩa của hành động: không chỉ thể hiện tình yêu hoa của ông già, trồng hoa để làm đẹp trong ngày tết mà còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc: ươm mầm những điều tốt đẹp cho đời sau; giáo dục tụi trẻ về tinh thần lao động, duy trì nếp nhà cũng như những phong tục lâu đời, tốt đẹp của cha ông.

9

HS trả lời thông điệp theo nhiều cách. Sau đây là gợi ý:

- Trân trọng tình cảm gia đình

- Biết giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của thế hệ ông cha để lại

- Yêu lao động…

Lí giải hợp lí đều có thể cho điểm.

II

VIẾT

Qua tác phẩm Hạt gửi mùa sau của Nguyễn Ngọc Tư trong phần Đọc hiểu, ta thấy được một số vấn đề đáng bàn luận như tình cảm gia đình, giáo dục về tinh thần lao động, duy trì nếp nhà cũng như những phong tục lâu đời, tốt đẹp của cha ông.….Anh/chị hãy bàn luận về một vấn đề mà mình quan tâm nhất từ tác phẩm.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Anh/chị hãy bàn luận về một vấn đề mà mình quan tâm nhất từ tác phẩm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

- Giới thiệu truyện kể: “Hạt gửi mùa sau” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

- Dẫn dắt vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm.

II. THÂN BÀI

* Phần 1: Trong tác phẩm

a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

b. Giới thiệu vấn đề xã hội trong tác phẩm

c. Giải thích vấn đề xã hội trong tác phẩm

d. Biểu hiện của vấn đề trong tác phẩm

e. Ý nghĩa của vấn đề trong tác phẩm.

* Phần 2: Trong đời sống (trọng tâm)

a. Sự cần thiết của vấn đề trong đời sống

b. Biểu hiện cụ thể của vấn đề trong đời sống

c. Ý nghĩa của vấn đề trong đời sống

d. Phản đề

e. Bài học nhận thức và hành động:

KẾT BÀI:

Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải quyết ở thân bài, góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn cho bài văn.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

.......................

Mời các  bạn sử dụng file tải về để xem nội dung chi tiết  toàn bộ các đề ôn luyện Ngữ văn 9 sách mới.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.555
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm