(Cực hay) 60 đề đọc hiểu Ngữ văn 9 có đáp án (208 trang)

Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết này bao gồm 60 đề đọc hiểu Ngữ văn 9 có đáp án với đa dạng mẫu đề có đáp án chi tiết sẽ giúp các em nắm được cách làm dạng đề đọc hiểu Ngữ văn 9 sao cho đúng để củng cố kiến thức môn Văn lớp 9.

Sau đây là nội dung chi tiết bộ đề đọc hiểu Văn 9 có đáp án, mời các em cùng tham khảo.

Lưu ý: Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 9 có đáp án rất dài, dưới đây chỉ là một phần nội dung. Các em sử dụng file tải về để xem toàn bộ nội dung chi tiết.

Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9

1. Cuộc chia ly màu đỏ đọc hiểu

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

CUỘC CHIA LI MÀU ĐỎ

Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai hồng

Trưa một ngày sắp ngả sang đông

Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng đi với nhiều đồng chí nữa.

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy không nguôi trước cảnh chia li

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy

Không che được nước mắt cô đã chảy

Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời

Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi

Và rạng đông đang hừng trên nét mặt

Một rạng đông với màu hồng ngọc.

Cây si xanh gọi họ đến ngồi

Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai…

Ngày mai sẽ là ngày sum họp

Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!

Nắng vẫn còn ngời trên những lá si

Và người chồng ấy đã ra đi…

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế

Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ

Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào

“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy

Cái màu đỏ như màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp

Một làng xa giữa đêm gió rét…

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia li…

(Nguyễn Mĩ, 9 – 1964)

Câu 1. Hãy xác định thể thơ của bài thơ trên?

Câu 2. Cụm từ “màu đỏ” được nhắc mấy lần trong khổ thơ cuối?

Câu 3. Những hình ảnh nào tác giả muốn xây dựng để gợi màu đỏ thị giác? Những hình ảnh nào không cảm nhận được bằng thị giác? Ý nghĩa của những hình ảnh đó?

Câu 4. Hãy lí giải ý nghĩa thông điệp: Như không hề có cuộc chia li.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩa của anh (chị) về tuyên ngôn tình yêu trong những năm kháng chiến chống Mĩ: Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. – Thể thơ của bài thơ trên được viết theo thể tự do.

Câu 2. – Cụm từ “màu đỏ” được nhắc lại bốn lần trong khổ thơ cuối.

– Mỗi “màu đỏ” hiện lên theo bước chân người ra trận. Cái “màu đỏ” đi hết hành trình của một tứ thơ vận động từ tả thực sang ẩn dụ, từ tình cảm lứa đôi hướng về những tình cảm lớn đối với đất nước.

Câu 3. – Những hình ảnh tác giả muốn xây dựng để gợi màu đỏ thị giác là:

+ Mùa đỏ của vườn hoa.

+ Của chiếc áo rực lên như than lửa.

+ Của cánh nhạn lai hồng.

+ Màu hồng ngọc của rạng đông.

– Những hình ảnh không cảm nhận được bằng thị giác là:

+ Tình yêu cô rực cháy.

+ Bức tranh chan chứa sắc màu tình yêu.

+ Cuộc chia tay không mang nét bi thương.

+ Hùng tráng mạnh mẽ đầy tính sử thi.

– Ý nghĩa của những hình ảnh đó là: tượng trưng cho tình yêu nồng cháy.

Câu 4. Ý nghĩa thông điệp: Như không hề có cuộc chia li là:

– Cuộc chia li không mang nét bi thương, xót xa. Mang cảm hứng lãng mạn.

– Như chưa hề có nghĩa tình yêu đồng hành cùng chàng trai. Động viên tinh thần, không bao giờ rời xa nhau.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

HS tham khảo nội dung dưới đây để viết đoạn văn:

1. Giải thích

– Chia li, cách xa người thân là điều không ai muốn. Vượt lên trên tất cả vẫn là tình yêu đất nước.

– Sự hi sinh tình cảm cá nhân để chiến đấu vì nghĩa lớn.

– Chia li là đau buồn nhưng cần thiết. Khi Tổ quốc cần phải ra đi để gìn giữ đất nước, bảo vệ non sông.

2. Phân tích và bình luận

– Có biết bao nhiêu người ra đi mà không trở về. Nhưng những cuộc tòng quân vẫn cứ tiếp tục.

– Chia li để nối liền đất nước, mang hạnh phúc trở về.

– Sẽ mãi không quên quá khứ đau thương, hào hùng của dân tộc. Bài ca yêu nước sẽ vang vọng mãi.

– Lịch sử chứng kiến những cuộc tiễn đưa đầy nước mắt.

– Tình yêu đất nước được đặt lên hàng đầu. Khi Tổ quốc lên tiếng gọi họ sẵn sàng ra đi để bảo toàn sông núi Việt Nam.

– Không vì lợi ích cá nhân mà họ quên đi nhiệm vụ. Sẵn sàng gác nỗi nhớ, để vững tay súng.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Luôn ra sức học tập và rèn luyện để bảo vệ thành quả mà cha ông đã dày công xây dựng và để lại.

– Rèn luyện ý chí, sức vóc để cống hiến cho Tổ quốc. Luôn “tu trí lực” để xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

– Luôn đặt tình yêu Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

– Tiếp nối hành trình ra đi để xây dựng quê hương xứng đáng với sự hi sinh mà cha ông đã đổ bao xương máu để gìn giữ non sông đất nước này.

2. Bức thư của thủ lĩnh da đỏ đọc hiểu

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

(1) Không khí quả là người quý giá với người da đỏ bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở. Người da trắng cũng cùng chia sẻ, hít thở bầu không khí đó. Nhưng hình như người da trắng chẳng để ý gì đến nó. Nếu chúng tôi bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ rằng không khí đối với chúng tôi là vô cùng quý giá và phải chia sẻ linh hồn với tất cả cuộc sống mà không khí ban cho. Ngọn gió mang lại hơi thở đầu tiên của cha ông chúng tôi và cũng nhận lại hơi thở cuối cùng của họ. Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ.

(2) Như vậy, chúng tôi mới cân nhắc những ý muốn mua mảnh đất này của Ngài. Nếu có quyết định chấp nhận yêu cầu của Ngài, chúng tôi phải đưa ra một điều kiện – đó là, người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em.

(3) Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác. Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.

(4) Ngài phải dạy cho con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi, và vì thế, chúng phải kính trọng đất đai. Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên. Hãy khuyên bảo chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình.

(5) Ngay cả đối với người da trắng, họ được đi cùng và nói chuyện với chúng như người bạn đối với người bạn, cũng không thể nào tránh khỏi số phận chung của con người. Sau hết chúng ta có thể trở thành anh em và hãy chờ xem. Nhưng điều mà chúng tôi biết trước được là đến một ngày nào đó người da trắng sẽ hiểu là chúng ta có cùng một Chúa, có thể lúc này Ngài nghĩ Ngài có Người (Chúa) nên Ngài muốn có mảnh đất này của chúng tôi. Nhưng Ngài sẽ không thể nào có được. Người là vị chúa của con người và tình cảm của Người sẽ được chia sẻ công bằng cho người da đỏ cũng như người da trắng. Mảnh đất này đối với Người là quý giá và làm tổn hại đến mảnh đất là khinh rẻ Đấng tạo thế. Người da trắng cũng vậy, rồi sẽ qua đi và còn sớm hơn tất cả các bộ lạc khác. Làm ô uế nấm mồ của Ngài, thì một đêm nào đó Ngài sẽ chết vì ngạt thở trên đất hoang mạc của Ngài.

(Trích Bức thư của thủ lĩnh da đỏ – Xi-at-tơn, Theo tài liệu Quản lí môi trường phụ vụ phát triển bền vững, dẫn theo Ngữ văn 6, Tập hai, NXB Giáo dục, 2017)

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chức năng nào? Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2. Nêu đề tài và mục đích của đoạn trích?

Câu 3. Nêu các phép liên kết được sử dụng trong phần (1) của đoạn trích?

Câu 4. Đoạn trích khơi gợi cho anh (chị) tình cảm gì? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Bằng hiểu biết của mình và qua ý kiến của người viết trong đoạn trích, hãy bàn luận về quan niệm: “Đất Là Mẹ” và thái độ của con người ngày nay đối với đất đai (trong một đoạn văn khoảng 200 chữ).

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. – Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận/ sinh hoạt.

– Văn bản này là bức thư trao đổi giữa vị thủ lĩnh với Tống thống Mĩ Franklin, nêu quan điểm về vấn đề bán đất và bảo vệ môi trường sống của người da đỏ.

Câu 2. – Đề tài của đoạn văn là vấn đề môi trường. Mục đích của người viết là kêu gọi và khuyên bảo người da trắng cần thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên, cần biết tôn trọng và bảo vệ môi trường sống.

Câu 3. – Phép kiên kết trong phần (1) là phép lặp: lặp từ: “không khí”, “người da trắng”, “Ngài”, “chúng tôi”, “nếu”…

– Lặp cấu trúc câu: “Nếu… Ngài…”.

– Phép thế: “chúng tôi” thay thế cho “người da đỏ”.

– Phép nối: “nhưng” nối câu thứ ba và câu thứ tư của đoạn.

– Phép liên tưởng: trường từ vựng về thiên nhiên: “không khí, muông thú, cây cối, con người, mảnh đất, ngọn gió, làn gió, hương hoa đồng cỏ…”.

– Trường từ vựng về con người: “người da đỏ, hít thở, người da trắng, linh hồn, cuộc sống, cha ông…”.

Câu 4. – Đoạn trích khơi gợi tình yêu thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên và ý thức bảo vệ gìn giữ môi trường. Bởi vì:

+ Thiên nhiên là bà mẹ cuộc sống trên Trái Đất này, mà con người chỉ là một phần của sự sống đó.

+ Tác giả nhắc đến thiên nhiên với thái độ trân trọng, quý giá.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

HS tham khảo nội dung dưới đây để viết đoạn văn:

1. Giải thích

– Đất là Mẹ:

+ Đất theo nghĩa hẹp là đất đai, nghĩa rộng là Trái Đất, tức mọi thứ của thiên nhiên.

+ Mẹ ban cho mỗi người sự sống, chăm sóc và nuôi dưỡng cả thân thể và tâm hồn.

¨ Đất cũng vậy. Đất sinh ra con người, cho con người nơi ở, nước uống, thức ăn, đồ mặc… Đất nuôi dưỡng tâm hồn con người bằng những đồi hoa, bằng những vườn trái chín, bằng con sông uốn lượn…

2. Lí giải: vì sao tác giả coi “Đất là Mẹ”?

– Vì đó là quan niệm từ cổ xưa: Đất mẹ, thần đất mẹ Gaia, Đemete…

– Vì Đất là khởi nguyên và liên quan trực tiếp đến sự sống của con người.

– Cách so sánh gợi được vai trò của đất với nhân loại.

3. Chứng minh

– Ta trồng cây trên đất đai.

– Ta xây nhà trên đất.

– Ta khai thác biết bao tài nguyên từ lòng đất…

4. Bàn luận

– Đất là Mẹ: quan niệm đúng đắn, cách ví von giản dị mà giàu sức gợi tả, dù hàng trăm năm vẫn có ý nghĩa và thiết thực.

– Ngày nay, ta chưa hiểu được tầm quan trọng của đất, ta đang tàn phá đất đai, đó là tự hủy hoại mình.

5. Vận dụng

– Bảo vệ đất đai là bảo vệ cuộc sống.

– Cần phục hồi những miền đất bị con người biến thành khô cằn, sỏi đá.

6. Liên hệ bản thân

3. Thầy năm nay đã 79 tuổi đọc hiểu

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Thầy năm nay đã 79 tuổi. Thầy được “cắp sách đến trường” liên tục từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, rồi đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ… Và bây giờ khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, thầy phải thừa nhận rằng những điều mình đã được học ở trường thực ra không phải là toàn là những “bảo bối”, cũng không phải là những “cẩm nang thần diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy… trong đó cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân định rõ ràng. Bởi vì hồi bấy giờ nhà trường chỉ truyền thụ những kiến thức thuần túy sách vở, ít gắn liền với đời sống xã hội ngoài nhà trường.

Cũng còn may là ở cái thuở thiếu thời ấy, thầy không chỉ chúi đầu vào sách vở, mà do hoàn cảnh gia đình, thầy còn phải làm nhiều việc khác nhau, ngẫm nghĩ những vấn đề khác nhau… Dẫu sao thầy vẫn ân hận và lấy làm tiếc cho cái thuở đến trường ấy đã không tranh thủ để học được nhiều hơn những bài học bổ ích vốn không nằm trong chương trình và sách giáo khoa. Bởi vậy với tư cách là một thầy giáo nhiều tuổi nghề và nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng: “Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi”.

Nền giáo dục của chúng ta đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt thì ngoài những kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp.

Trong những năm học vừa qua, rất nhiều em học sinh đã tham gia đội Thanh niên Tình nguyện để làm những công việc khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn… Chẳng hạn trong suốt một tháng hè họ đã miệt mài lao động để làm đẹp thêm mái trường chúng ta: họ làm vệ sinh các phòng ốc, sơn mới các bức tường, sửa chữa nhà ăn… Qua đó họ đã thu hoạch được những bài học quý giá cho mình: họ biết tìm hiểu công việc, biết vạch ra kế hoạch làm việc, biết cách làm việc theo nhóm, biết phân công và hỗ trợ lẫn nhau, biết cải tiến kĩ năng lao động và biết sáng tạo trong lao động. Qua những công việc mang tính phục vụ cộng đồng như vậy, mỗi cá nhân cảm thấy gắn bó và hòa đồng với tập thể của mình hơn và thương yêu nhau hơn… Thầy nghĩ rằng những bài học như thế không có hoặc ít có trong các tiết học Toán, Lí, tiếng Anh… hay Sinh, Sử…

Bên cạnh những niềm vui, đôi lúc thầy vẫn thoáng gặp những hiện tượng đáng buồn. Đó là khi thầy trông thấy một em nào đó vô tư vất rác không đúng chỗ, đó là khi trên mặt bàn mới toanh ai đó đã ngang nhiên viết và vẽ bậy, hoặc bôi bẩn bằng kẹo cao su, đó là khi trên mặt tường trắng đẹp bỗng in hằn một dấu chân bẩn thỉu… Những hành động, tuy rất hiếm hoi, nhưng không thể nào chấp nhận được, phải nói thẳng đó là những hành động không tử tế. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, trước hết các em phải là những người tử tế, muốn vậy cần phải học tập và rèn luyện thường xuyên ngay trong thời gian cắp sách tới trường.

Các em thân mến. Rồi đây khi rời mái trường Lương Thế Vinh thân yêu, các em sẽ bước vào đời bởi nhiều con đường khác nhau, do chính mình lựa chọn, hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy. Thầy mong rằng những điều đã học – theo nghĩa rộng của từ này – sẽ giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống. Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác… nhưng trước hết phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

(Trích Bài phát biểu của thầy Văn Như Cương trong ngày khai giảng năm học 2015 – 2016 tại trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội. Baomoi.vn ngày 05 – 09 – 2015)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. Đoạn trích này được diễn đạt theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2. Anh (chị) hiểu thế nào về câu nói sau: Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi?

Câu 3. Theo anh (chị), vì sao tác giả lại khẳng định: Những điều mình đã được học ở trường thực ra không phải là toàn là những “bảo bối”, cũng không phải là những “cẩm nang thần diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường?

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh (chị).

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chi) về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, trước hết các em phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. – Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là phương thức nghị luận.

– Đoạn trích này được diễn đạt theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Câu 2. Câu nói: Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc:

– “Vùng biển gần bờ” là vùng so với toàn bộ đại dương, dẫu sao vẫn là một không gian nhỏ hẹp, chưa sâu rộng, nhiều người có thể tiếp cận và chinh phục.

– Quá trình học tập tiếp thu kĩ năng, kiến thức, kinh nghiệm sống giống như biển lớn, vô cùng sâu rộng, mênh mông.

– Khẳng định tầm quan trọng của sách vở, nhưng câu nói này đè cao vai trò của những kĩ năng, kiến thức, kinh nghiệm mà mỗi người cần học tập và tiếp thu từ chính thực tế đời sống đa dạng, phức tạp, mênh mang. Vì vậy, nhiệm vụ của mõi người không chỉ là học tập về mọi mặt, rèn luyện những năng lực, những kĩ năng chuẩn bị hành trang kiến thức cũng như về nhân cách để bước vào đời vững vàng.

Câu 3. Sở dĩ tác giả khẳng định: … những điều mình đã được học ở trường thực ra không phải là toàn là những “bảo bối”, cũng không phải là những “cẩm nang thần diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường là vì:

– Cuộc sống đời thường là một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy… trong đó cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân biệt rõ ràng, nên những điều học được trong nhà trường – dù sâu sắc và toàn diện đến đâu – có thể vẫn xa vời hoặc không phù hợp với thực tế đời sống, không thể giải quyết được mọi vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

– Để có thể bước vào cuộc sống đời thường một cách vững vàng, thành đạt; ngoài liến thức sách vở, mỗi người cần được trang bị thêm những kĩ năng sống, những kiến thức từ thực tế đời sống, những phương pháp giải quyết vấn đề mà đời sống đặt ra cũng như giá trị để phát triển toàn diện.

Câu 4. – HS tự chọn cho mình một thông điệp mà bản thân cho là có ý nghĩa nhất. Sau đó, giải thích vì sao chọn thông điệp đó.

– Có thể lựa chọn một trong những thông điệp dưới đây:

+ Ý nghĩa những điều mình đã được học ở trường thực ra không phải là toàn là những “bảo bối”, cũng không phải là những “cẩm nang thần diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường.

+ Cuộc sống đời thường là một thực tế sôi động, dầy cơ hội và cạm bẫy… trong đó cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân định rõ ràng.

+ Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi.

+ Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, trước hết các em phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

HS có thể tham khảo những nội dung dưới đây để viết đoạn văn:

1. Giải thích

– Người tử tế là người đàng hoàng, đứng đắn, tốt bụng, có lòng tốt trong đối xử với nhau, biết sống có đạo lí, tình nghĩa, được mọi người coi trọng.

¨ Toàn bộ quan niệm trên đề cập đến những phẩm chất quan trọng mà trước hết mỗi học sinh cần có.

2. Bàn luận vấn đề

– Để trở thành một con người chân chính, trước hết phải biết “sống tử tế”, biết yêu – ghét đúng sai; phải có tính cách, tình cảm, phẩm chất đạo đức tốt đẹp; phải có ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước… Đó là những giá trị hợp với truyền thống, đạo lí góp phần làm cho đời người có ý nghĩa hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn.

– Tình yêu Tổ quốc và nhân dân, ý thức sống và cống hiến vì nhân dân, vì đất nước sẽ là động lực lớn thúc đâye học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Mỗi học sinh cần rèn đức luyện tài để trở thành những người công dân chân chính.

– Để thành đạt, vững vàng hơn trong cuộc sống; mỗi học sinh cần phải học tập và rèn luyện để phát triển một cách toàn diện: học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim; học tập một cách chủ động, sáng tạo với những khát vọng và trách nhiệm vì Tổ quốc.

....................

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 309
0 Bình luận
Sắp xếp theo