Phân tích bài thơ Trường Sơn đông, Trường Sơn tây

Cùng với bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính thì Trường Sơn đông, Trường Sơn tây là  một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về những năm tháng kháng chiến gian khổ của dân tộc. Trường Sơn đông, Trường Sơn tây đã đưa độc giả đến với những giây phút bồi hồi và xúc động về tình người, tình đồng chí đồng đội của những người lính năm  xưa. Sau đây là mẫu  dàn ý phân tích bài thơ Trường Sơn đông, Trường Sơn tây hay và chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích Trường Sơn đông, Trường Sơn tây

1. Dàn ý phân tích Trường Sơn đông, Trường Sơn tây

1. Mở bài

- Tác giả, tác phẩm:

+Nói đến Phạm Tiến Duật “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại” là nói đến "nhà thơ lớn thời chống Mỹ” với phong cách nghệ thuật độc đáo, giàu chất lính. Thơ ông là tiếng nói sôi nổi, lạc quan, ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình đồng đội, tình quê hương đất nước với giọng điệu trẻ trung, tinh nghịch mà sâu sắc. Trong tâm hồn của người chiến sĩ tài hoa, lãng tử ấy có sẵn niềm say mê được hoà mình vào không khí của những ngày sục sôi đánh Mỹ.

+ Bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” ra đời năm 1969 tại Quảng Bình. Ngay khi mới ra đời, bài thơ đã luôn có mặt trong túi áo của mỗi người lính trên tuyến lửa. Khi bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thì chất thơ, chất nhạc quyện chặt với nhau, nâng cánh cho nhau vang vọng khắp các chiến trường, thôi thúc hàng triệu trái tim Việt Nam xông pha nơi tiền tuyến, giết giặc lập công, giải phóng đất nước.

2. Phân tích

a. Phân tích nội dung

Bài thơ “ Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của Phạm Tiến Duật đã phản ánh chân thực hiện thực đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, khốc liệt của dân tộc ta.

+ Bài thơ ra đời năm 1969, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, ác liệt khi đế quốc Mỹ liên tục rải bom xuống tuyến đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn con đường tiếp tế của hậu phương cho tiền tuyến.

+ Hiện thực ấy đã khiến cả dân tộc tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mĩ đặc biệt là thế hệ trẻ. Hơn ai hết nhà thơ Phạm Tiến Duật – người lính đã trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại này nên ông đã ghi lại được hiện thực cuộc sống chiến tranh hết sức sống động với một tình yêu lớn: Tình yêu Tổ quốc.

Từ hiện thực cuộc sống đất nước những năm kháng chiến chống Mỹ chất thơ được “nảy nở” thể hiện ở tình yêu Tổ quốc trong lòng người chiến sĩ.

- Bài thơ “ Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của Phạm Tiến Duật được sáng tác trên cảm hứng lịch sử, được ngân lên từ tiếng lòng, tình cảm đằm thắm, sức sống mãnh liệt và niềm tin tất thắng trong tâm hồn của những người lính Trường Sơn thuở ấy.“Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” thực sự là một bản tình ca trong chiến tranh.

+ Mở đầu là lời tâm tình của đôi lứa yêu nhau nhưng phải chịu sự ngăn cách vời vợi vì ở hai đầu của dãy Trường Sơn hùng vĩ, hiểm trở và bởi nhiệm vụ thời chiến với bao thử thách và khốc liệt:

"Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

…………………………………..

Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”.

+ Trên đường hành quân ra mặt trận, dẫu đầy cam go luôn rình rập, nhà thơ vẫn dành cho mình những phút riêng tư, gửi nỗi nhớ, niềm thương về "em", người bạn gái đang hành quân bên sườn đông dãy Trường Sơn. + Nhà thơ đã lấy không gian để đo nỗi nhớ của mình, nỗi nhớ “ em” lan toả ra cả không gian của đại ngàn Trường Sơn. Cùng chung dải rừng nhưng xa nhau vời vợi…Giữa hai chiều không gian đông – tây của Trường Sơn đã có sự kết nối với nhau thành một miền ký ức sâu thẳm đó là tình yêu của người lính đầy trong sáng và tình tứ. Nó đã làm nên những hương vị ngọt ngào để tiếp thêm sức mạnh, chiến đấu và chiến thắng cho những người chiến sĩ.

+ Khát vọng cống hiến vì lẽ sống cao đẹp đã giúp cho “anh” và “ em” đi vào chiến trường khói lửa với tâm thái thanh thản. Chính giữa bộn bề gian khổ của đời lính, những câu thơ vút lên tươi rói chất liệu hiện thực khiến người đọc vừa thú vị, vừa cảm động.

Một dãy núi mà hai màu mây

……………………………..

Như Đông với Tây một dải rừng liền.

+ Với biện pháp tu từ so sánh “Hai phía của dãy Trường Sơn cũng như hai con người (anh và em), hai miền đất nước (Nam và Bắc), hai hướng (Đông và Tây) của một dải rừng cùng với biện pháp tương phản: mây, mưa, nắng,... dù có khác nhau về vị trí địa lí, về khí hậu, thời tiết, màu mây ….dẫu trên cùng một dãy núi nhưng tình người, tình đồng đội,tình bạn chiến đấu, tình dân tộc, trước sau vẫn son sắt, gắn bó keo sơn, bền chặt thủy chung. Họ cách xa nhau về vị trí địa lý nhưng lòng vẫn hướng về nhau, “anh” gửi tình thương về bên “em”, quan tâm lo lắng cho “em”

Trường Sơn tây anh đi, thương em

………………………………………

Rau hết rồi, em có lấy măng không.

+ Dẫu bom đạn kẻ thù có cày xới cả dãy Trường Sơn song “anh” vẫn giữ cho mình những khoảnh khắc riêng tư. Những vật vô tri, vô giác như mưa, nắng, khe, măng… đều cùng tham dự vào diễn biến tình yêu. Và đó cũng chính là dòng bộc lộ cảm xúc tha thiết và nhớ nhung của đôi lứa đang yêu. Cảnh vật xung quanh như cũng hiểu thêm về tâm trạng của lứa đôi, của con người.Trong “ anh” và “ em”, tình yêu nam nữ và tình yêu đất nước hòa quyện vào nhau, thống nhất trong nhau. Nó trở thành động lực, thành hành trang nâng bước chân người chiến sĩ trên dặm dài hành quân.

+ Tuy là những chất liệu đời thường nhưng chính tình yêu của những người chiến sĩ đã làm cho bức tranh hiện thực ấy thêm phần thi vị. Ở đó không phải sự xù xì gân guốc của chiến trường mà là sự chân thành, đằm thắm, mến yêu.

Em thương anh bên tây mùa đông

……………………………………

Chắc em lo đường chắn bom thù

+ Con đường Trường Sơn là con đường vận tải huyết mạch đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh. Trong trái tim người lính trẻ, tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước hòa quyện, tiếp thêm sức mạnh để người chiến sĩ vượt qua tất cả gian nan, có được niềm tin sắt son vào tương lai. Gắn bó với núi rừng Trường Sơn, với những đồng đội ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, với bom đạn, “ em” và “anh” vẫn luôn lạc quan, tin tưởng, nhìn mọi thứ, kể cả những góc khuất và bi kịch của cuộc chiến qua một lăng kính hồn nhiên, vô tư đến lạ thường:

"Đông sang Tây không phải đường thư

……………………………………………..

Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh”.

+ Cái hay của thơ Phạm Tiến Duật là nhà thơ không chỉ nói lên tình cảm của riêng cá nhân mình mà đã nói lên được tiếng nói của một thế hệ, của dân tộc và cảm xúc lớn của thời đại hồi bấy giờ. Điều này được thể hiện cô đọng ở phần kết của bài:

"Từ nơi em gửi đến nơi anh

……………………………….

Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn".

+ Từ “bên em” và “bên anh” tuy xa cách thăm thẳm nhưng được nối kết bằng “những đoàn quân trùng trùng ra trận” trong bầu không khí sục sôi, hào hùng. Lòng yêu đời, luôn hướng về ánh sáng, niềm tin chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa bằng một tượng đài anh dũng, bất khuất. Tình yêu của “ anh” với “em” và tình yêu đất nước như cuồn cuộn, hoà quyện hóa thành mạch sống dâng trào trong trái tim người lính Trường Sơn, trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Trường Sơn trong trái tim của mỗi chúng ta luôn chứa đựng tình cảm lớn lao và cũng rất đỗi thiêng liêng, là huyết mạch của con đường tiến về giải phóng miền Nam, là những đoàn quân từ Bắc vào Nam trùng trùng điệp điệp, là cuộc hành quân lớn của hậu phương chi viện cho tiền tuyến với tất cả tình cảm máu thịt một nhà.

+ Con đường Trường Sơn là con đường đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh, song vượt lên trên tất cả những gian nan đó là niềm tin sắt son, là ý chí sắt đá, là động lực thôi thúc tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam thân yêu.

=> Bài thơ là tiếng nói trái tim đang được ngọn lửa yêu nước nung nấu. Chính cuộc sống đã sản sinh ra ngọn lửa trong trái tim người sáng tác. Đối với những người chiến sĩ Trường Sơn từng chiến đấu và hy sinh một thời, thì đây là bài hát bất tử, là nghĩa tình đồng đội và niềm tự hào mỗi khi họ cùng nhau hát về Trường Sơn hùng vĩ, anh hùng. . .Mấy chục năm bom đạn khói lửa chiến tranh đã lùi xa, có biết bao bài thơ, bài ca mới ra đời và cũng được nhiều người ưa thích, song bài thơ, bài hát “Trường Sơn đông - Trường Sơn tây” vẫn là một bài ca “ đi cùng năm tháng”, có sức sống lâu bền, rất nhiều người thuộc lòng, yêu thích.

b. Phân tích hình thức nghệ thuật đặc sắc.

+ Thi phẩm viết theo thể thơ tự do, giàu chất nhạc, dễ nhớ, dễ thuộc làm toát lên vẻ đẹp tươi trẻ, chất trữ tình lãng mạn bay bổng hoà quyện với chất sử thi hào hùng.

+ Cấu trúc dễ nhớ, dễ thuộc, bình dị, mang âm hưởng đời thường và đậm chất lính, tính trữ tình quyện chặt với tính hùng ca,cảm xúc đong đầy. + Ngôn từ tự nhiên như lời người lính thường hay nói mà vẫn rất thơ. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng nghệ thuật tương phản: mây, mưa, nắng…

+ Điểm đặc biệt trong bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” chính là nhà thơ đã thành công trong việc cách tân để phù hợp với không khí của cuộc chiến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhân vật trữ tình được đặt trong một phông nền lớn của đồng đội…

+ Bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp nâng cánh bằng những giai điệu tuyệt đẹp, ca từ trong sáng,tiết tấu dễ hát, tính trữ tình quyện chặt với tính hùng ca. Bởi vậy thi phẩm cùng với nhạc phẩm như một cặp song sinh đã và sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng, được nhiều thế hệ yêu thích.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của bài thơ.

- Cảm xúc hoặc lời nhắn gửi tới mọi người.

2. Phân tích tác phẩm Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây

Bài thơ “ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Phạm Tiến Duật được sáng tác trên cảm hứng lịch sử, được ngân lên từ tiếng lòng, tình cảm đằm thắm, sức sống mãnh liệt và niềm tin tất thắng trong tâm hồn của những người lính Trường Sơn thuở ấy.“Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” thực sự là một bản tình ca trong chiến tranh.

Nói đến Phạm Tiến Duật “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại” là nói đến "nhà thơ lớn thời chống Mỹ” với phong cách nghệ thuật độc đáo, giàu chất lính. Thơ ông là tiếng nói sôi nổi, lạc quan, ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình đồng đội, tình quê hương đất nước với giọng điệu trẻ trung, tinh nghịch mà sâu sắc. Trong tâm hồn của người chiến sĩ tài hoa, lãng tử ấy có sẵn niềm say mê được hoà mình vào không khí của những ngày sục sôi đánh Mỹ. Bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” ra đời năm 1969 tại Quảng Bình. Ngay khi mới ra đời, bài thơ đã luôn có mặt trong túi áo của mỗi người lính trên tuyến lửa. Khi bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thì chất thơ, chất nhạc quyện chặt với nhau, nâng cánh cho nhau vang vọng khắp các chiến trường, thôi thúc hàng triệu trái tim Việt Nam xông pha nơi tiền tuyến, giết giặc lập công, giải phóng đất nước.

Thi phẩm viết theo thể thơ tự do, giàu chất nhạc, dễ nhớ, dễ thuộc làm toát lên vẻ đẹp tươi trẻ, chất trữ tình lãng mạn bay bổng hoà quyện với chất sử thi hào hùng. Mở đầu là lời tâm tình của đôi lứa yêu nhau nhưng phải chịu sự ngăn cách vời vợi vì ở hai đầu của dãy Trường Sơn hùng vĩ, hiểm trở và bởi nhiệm vụ thời chiến với bao thử thách và khốc liệt:

"Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”.

Trên đường hành quân ra mặt trận, dẫu đầy cam go luôn rình rập, nhà thơ vẫn dành cho mình những phút riêng tư, gửi nỗi nhớ niềm thương về "em", người bạn gái đang hành quân bên sườn đông dãy Trường Sơn. Nhà thơ đã lấy không gian để đo nỗi nhớ của mình, nỗi nhớ “ em” lan toả ra cả không gian của đại ngàn Trường Sơn. Cùng chung dải rừng nhưng xa nhau vời vợi…Giữa hai chiều không gian đông – tây của Trường Sơn đã có sự kết nối với nhau thành một miền ký ức sâu thẳm đó là tình yêu của người lính đầy trong sáng và tình tứ. Nó đã làm nên những hương vị ngọt ngào để tiếp thêm sức mạnh, chiến đấu và chiến thắng cho những người chiến sĩ. Khát vọng cống hiến vì lẽ sống cao đẹp đã giúp cho “anh” và “ em” đi vào chiến trường khói lửa với tâm thái thanh thản. Chính giữa bộn bề gian khổ của đời lính, những câu thơ vút lên tươi rói chất liệu hiện thực khiến người đọc vừa thú vị vừa cảm động.

Một dãy núi mà hai màu mây

Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc

Như Đông với Tây một dải rừng liền.

Với biện pháp tu từ so sánh “Hai phía của dãy Trường Sơn cũng như hai con người (anh và em), hai miền đất nước (Nam và Bắc), hai hướng (Đông và Tây) của một dải rừng cùng với biện pháp tương phản: mây, mưa, nắng,... dù có khác nhau về vị trí địa lí, về khí hậu, thời tiết, màu mây ….dẫu trên cùng một dãy núi nhưng tình người, tình đồng đội, tình dân tộc, tình bạn chiến đấu, trước sau vẫn son sắt, gắn bó keo sơn, bền chặt thủy chung. Họ cách xa nhau về vị trí địa lý nhưng lòng vẫn hướng về nhau, “anh” gửi tình thương về bên “em”, quan tâm lo lắng cho “em”

Trường Sơn tây anh đi, thương em

Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo

Muỗi bay rừng già cho dài tay áo

Rau hết rồi, em có lấy măng không.

Dẫu bom đạn kẻ thù có cày xới cả dãy Trường Sơn song “anh” vẫn giữ cho mình một khoảnh khắc riêng tư. Những vật vô tri vô giác như mưa, nắng, khe, măng… đều cùng tham dự vào diễn biến tình yêu. Và đó cũng chính là dòng cảm xúc tha thiết và nhớ nhung của đôi lứa đang yêu. Bởi cảnh vật xung quanh như cũng hiểu thêm về tâm trạng của lứa đôi, của con người ấy.Trong “ anh” và “ em”, tình yêu nam nữ và tình yêu đất nước hòa quyện vào nhau. Nó trở thành động lực, hành trang nâng bước chân người chiến sĩ. Họ đã ngày đêm vật lộn với mưa bom bão đạn quân thù để chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Tuy là những chất liệu đời thường nhưng chính tình yêu của những người chiến sĩ đã làm cho bức tranh ấy thêm phần thi vị. Ở đó không phải sự xù xì gân guốc của chiến trường mà là sự chân thành, đằm thắm, mến yêu.

Em thương anh bên tây mùa đông

Nước khe cạn bướm bay lèn đá

Biết lòng anh say miền đất lạ

Chắc em lo đường chắn bom thù

Ngôn từ tự nhiên như lời người lính thường hay nói mà vẫn rất thơ. Con đường Trường Sơn là con đường vận tải huyết mạch đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh. Trong trái tim người lính trẻ, tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước hòa quyện, tiếp thêm sức mạnh để người chiến sĩ vượt qua tất cả gian nan, có được niềm tin sắt son vào tương lai. Gắn bó với núi rừng Trường Sơn, với những đồng đội ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, với bom đạn, “ em” và “anh” vẫn luôn lạc quan, tin tưởng, nhìn mọi thứ, kể cả những góc khuất và bi kịch của cuộc chiến qua một lăng kính hồn nhiên, vô tư đến lạ thường:

"Đông sang Tây không phải đường thư

Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo

Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo

Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh”.

Có người nhận xét: Thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ được đánh giá là "có sức mạnh của một sư đoàn”. Thật vậy, cái hay của thơ Phạm Tiến Duật là nhà thơ không chỉ nói lên tình cảm của riêng cá nhân mình mà đã nói lên được tiếng nói của một thế hệ , của dân tộc và cảm xúc lớn của thời đại hồi bấy giờ. Điều này được thể hiện cô đọng ở phần kết của bài:

"Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đoàn quân trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn".

Từ “bên em” và “bên anh” tuy xa cách thăm thẳm nhưng được nối kết bằng “những đoàn quân trùng trùng ra trận” trong bầu không khí sục sôi, hào hùng. Lòng yêu đời, luôn hướng về ánh sáng, niềm tin chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa bằng một tượng đài anh dũng, bất khuất. Tình yêu giữa anh với em và tình yêu đất nước như cuồn cuộn, hoà quyện hóa thành mạch sống dâng trào trong trái tim người lính Trường Sơn, trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Đó là những da diết hoà hợp với hơi thở và nhịp sống của cả một thế hệ. Trường Sơn trong trái tim của mỗi chúng ta luôn chứa đựng tình cảm lớn lao và cũng rất đỗi thiêng liêng, là huyết mạch của con đường tiến về giải phóng miền Nam, là những đoàn quân từ Bắc vào Nam trùng trùng điệp điệp, là cuộc hành quân lớn của hậu phương chi viện cho tiền tuyến với tất cả tình cảm máu thịt một nhà. Đây cũng là con đường đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh, song vượt lên trên tất cả những gian nan đó là niềm tin sắt son, là ý chí sắt đá, là động lực thôi thúc tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam thân yêu.

Phạm Tiến Duật đã thành công trong việc khắc họa và thắp sáng ngọn lửa lý tưởng và sáng ngời của người lính thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Bài thơ là tiếng nói trái tim đang được ngọn lửa yêu nước nung nấu. Chính cuộc sống đã sản sinh ra ngọn lửa trong trái tim người sáng tác. Đối với những người chiến sĩ Trường Sơn từng chiến đấu và hy sinh một thời, thì đây là bài hát bất tử, là nghĩa tình đồng đội và niềm tự hào mỗi khi họ cùng nhau hát về Trường Sơn hùng vĩ, anh hùng.

Thi phẩm viết theo thể thơ tự do, giàu chất nhạc, dễ nhớ, dễ thuộc làm toát lên vẻ đẹp tươi trẻ, chất trữ tình lãng mạn bay bổng hoà quyện với chất sử thi hào hùng.Cấu trúc dễ nhớ, dễ thuộc, bình dị, mang âm hưởng đời thường và đậm chất lính, tính trữ tình quyện chặt với tính hùng ca,cảm xúc đong đầy. Ngôn từ tự nhiên như lời người lính thường hay nói mà vẫn rất thơ. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng nghệ thuật tương phản: mây, mưa, nắng…Bài thơ đã truyền lửa vào trái tim của mỗi người ra trận. Điểm đặc biệt trong bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” chính là nhà thơ đã thành công trong việc cách tân để phù hợp với không khí của cuộc chiến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhân vật trữ tình được đặt trong một phông nền lớn của đồng đội…Phạm Tiến Duật đã thành công trong việc khắc họa và thắp sáng ngọn lửa lý tưởng và sáng ngời của người lính thời kỳ chống Mỹ cứu nước bởi “không chỉ riêng mình nhà thơ viết “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, cả con muỗi, con bướm, cái gạt nước, ngọn măng rừng và đồng chí, đồng đội cùng viết chung với nhà thơ Phạm Tiến Duật, tạo nên một bài thơ vừa hài hòa, vừa đẹp đẽ, vừa có giá trị".

Bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp nâng cánh bằng những giai điệu tuyệt đẹp, ca từ trong sáng,tiết tấu dễ hát, tính trữ tình quyện chặt với tính hùng ca. Bởi vậy thi phẩm cùng với nhạc phẩm như một cặp song sinh đã và sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng, được nhiều thế hệ yêu thích. Mấy chục năm bom đạn khói lửa chiến tranh đã lùi xa, có biết bao bài thơ, bài ca mới ra đời và cũng được nhiều người ưa thích, song bài thơ, bài hát “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” vẫn là một bài ca “ đi cùng năm tháng”, có sức sống lâu bền, rất nhiều người thuộc lòng, yêu thích.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 4.300
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm