(Có đáp án) Đọc hiểu Người liệt nữ ở An ấp

Đọc hiểu văn bản Người liệt nữ ở An ấp

Truyện “An ấp liệt nữ” là một trong bốn truyện viết về người phụ nữ trong Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm. Truyện viết về Đinh phu nhân, một phụ nữ thông minh, xinh đẹp, “lại giỏi văn thơ” nhưng cuộc sống của bà lại là một bi kịch đau khổ. Sau đây là mẫu đề đọc hiểu Người liệt nữ ở An ấp có đáp án chi tiết sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về văn bản Người liệt nữ ở An ấp.

Đọc hiểu văn bản Người liệt nữ ở An ấp

Đọc hiểu Người liệt nữ ở An ấp - Đoàn Thị Điểm

NGƯỜI LIỆT NỮ Ở AN ẤP

(Lược trích một phần: Thời Lê đời niên hiệu Vĩnh Thịnh (1) có vị Tiến sĩ trẻ tên Đinh Hoàn, người làng An Ấp, tỉnh Nghệ An (2). Đinh Hoàn lấy vợ lẽ là con quan họ Nguyễn, bà nghi dung nhàn nhã, ăn nói đoan trang, thêu thùa khéo léo lại có tài the phú nên rất tâm đầu ý hợp với chồng. Có người vợ khuyên nhủ, người chồng càng mẫn cán và trở thành vị quan cần mẫn. Ông được cử đi sứ Trung Quốc, người vợ rất lo lắng cho sức khoẻ của chồng. Nhưng việc triều đình, ông vẫn phải dứt áo rời đi. Người vợ ở nhà thương nhớ, lo lắng khôn nguôi. Trên đường đi xứ, chẳng may ông mắc bệnh và qua đời. Linh cữu được đưa về nước, phu nhân họ Nguyễn đau đớn, viết bài văn tế chồng, trong đó ẩn ý muốn quyên sinh. Người nhà lo lắng khuyên can không được nên trông chừng bà rất cẩn thận. Thời gian trôi qua, phu nhân vẫn sống trong đau khổ, một hôm nằm mộng gặp được người chồng.)

Một hôm, phu nhân đốt đèn ngồi một mình... Nỗi thương tâm khiến phu nhân đờ đẫn, nhìn đâu cũng toàn thấy cảm sầu. Phu nhân càng thêm thê thảm, gục xuống bàn mà nức nở khiến cõi lòng chìm sâu vào cõi mê. Trong cơn dật dờ đó, thấy một người khăn vuông đai rộng từ xa đến gần, nhìn kĩ hoả ra chính là chồng vậy. Phu nhân đón chào, mừng quá chảy nước mắt mà rằng:

-Từ khi cách biệt đã bốn năm rồi, biết bao nỗi bi sầu, mộng hồn tản mát, không nơi nào là không tìm tung tích của lang quân, ấy thế mà lang quân chẳng có đoái hoài gì đến thiếp. Nếu bảo rằng trần gian và thiên thượng hai nơi cách biệt, thì sao Thuấn Phi (3) có hội ngộ, Chức Nữ (4) lại tương phùng, vậy thì lang quân đối với thiếp rất là bạc tình!

Ông buồn nét mặt mà rằng:

- Ta từ khi về chầu thiên đình, được trông coi việc bút nghiên, nơi thiên tào công việc nhiều, không có thì giờ đến thăm nàng, còn tấm lòng khăng khít thuỷ chung không bao giờ thay đổi.

Phu nhân muốn lưu ông ở lại tự tình. Ông vỗ về nói:

- Chết sống là lẽ thường xưa nay, hợp tan là tuần hoàn việc thế. Vĩ Ngọc Tiên (5) có duyên tái hợp, Dương Thái Chân (6) cơ ước lai sinh. Nàng không cần bị phiền vì nỗi hạc lánh gương ta, cái ngày chúng ta gặp nhau gần đến rồi.

Nói xong, có một trận thanh phong, không biết ông biến đi đâu mất. Phu nhân thương khóc chợt tỉnh dậy, sai thị nữ ra xem trời đất chi thấy sương mù trăng mờ, đêm đã gần sáng rồi.

(Lược trích một đoạn: Sau đó, nhân một ngày cả nhà đi vắng, phu nhân đã quyên sinh. Bà được triều đình cho lập đền thờ, khắc chữ “Trinh liệt phu nhân từ”. Đền rất linh thiêng. Vài năm sau, có người thư sinh họ Hà hay thơ phú, ghé thăm đền và đề bài thơ. Bài thơ ngụ ý nói viên quan họ Đinh không có công trạng, nhờ người vợ thuỷ chung mà được thơm lây. Tối đó, khi về chỗ trọ, Hà sinh thấy có người con gái áo xanh đến báo có phu nhân mời tới trò chuyện. Đến một lầu son gác tía, Hà sinh mới hay phu nhân đó là chủ nhân ngôi đền. Phu nhân nói bài thơ của Hà sinh đề trên đền có ý chưa được đúng, xem thường tướng công của bà, nên kể rõ sự tình để Hà sinh thấu tỏ công đức của người chồng.)

Hà sinh nghe phu nhân nói xong, bỗng tỉnh ngộ, vội vàng đứng dậy ta rằng:

-Tiểu sinh ham chơi sơn thuỷ, thích hứng rượu thơ, nhân lúc say sưa phóng bút viết bậy, thực sự biết đắc tội rất nặng với bậc tôn linh, nay tình nguyện nối lại nguyên văn để chuộc cái lỗi nói càn.

Phu nhân nói:

- Bằng lòng cho hoạ lại.

...

Mới viết xong hai câu, chợt nghe tiếng người con gái mặc áo vàng đứng ngoài điện bẩm rằng:

- Thượng đế có chiếu chỉ với phu nhân, hiện xe loan đã sắp sẵn đợi ở ngoài rồi.

Phu nhân đi rảo bước xuống thềm, ngoảnh lại bảo Hà sinh:

- Tiên sinh sau này phát đạt. Nhưng phải cẩn thận lời nói...

Hà sinh đứng dậy vâng lệnh lui ra, bỗng thấy mây lành bao phủ, gió thoang thoảng, phu nhân bước lên xe loan đi như bay...

(Theo Đoàn Thị Điểm*, Truyền kì tân phả, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục tr.344-362)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn ngữ liệu?

Câu 2. Nhân vật chính trong truyện Người liệt nữ ở An Ấp là ai ?

Câu 3. Từ Hán Việt “ liệt nữ” được hiểu nghĩa như thế nào?

Câu 4. Chủ đề chính của truyện Người liệt nữ ở An Ấp là gì?

Câu 5. Từ văn bản Người liệt nữ ở An Ấp, em có suy nghĩ, tình cảm gì đối với số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa?

Câu 6. Viết đoạn văn phân tích một vài nét nghệ thuật tiểu biểu của truyện truyền kì Người liệt nữ ở An Ấp của Đoàn Thị Điểm ở phần Đọc hiểu.

Gợi ý

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn ngữ liệu?

- Tự sự

Câu 2. Nhân vật chính trong truyện Người liệt nữ ở An Ấp là ai ?

- Phu nhân họ nguyễn.

Câu 3. Ca ngợi tấm lòng thuỷ chung, son sắt của người phụ nữ ở An Ấp.

Câu 4: “liệt nữ” người phụ nữ có khí tiết hoặc có khí phách anh hùng.

Câu 5.

Suy nghĩ về số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa:

+ Chịu nhiều thiệt thòi khi phải lấy làm thê thiếp, phải chịu cảnh vợ chồng xa cách.

+ Thuỷ chung, son sắt, một lòng một dạ với người chồng.

+ Bao dung, vị tha, dẫu chết vẫn mong muốn những điều tốt đẹp cho chồng, cho mọi người.

- Tình cảm: Thấu hiểu, cảm thông và trân trọng người phụ nữ Việt Nam xưa.

Câu 6. 

* Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận.

* Thân đoạn: Phân tích một số đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.

+ Nghệ thuật xây dựng không gian, thời gian mang đặc trưng của truyện truyền kì. Trong truyện có sự đan xen giữa thế giới thực và thế giới mộng ảo. Ở đó, con người có thể trò chuyện được với người đã khuất. Thời gian trong truyện cũng mang đặc điểm riêng, con người có thể sống ở một cõi sống khác chứ không phải chỉ có cõi trần. Chính những đặc điểm về không gian, thời gian đó đã tạo nên yếu tố kì ảo, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn cho câu chuyện.(dẫn chứng)

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng mang đặc trưng của thể loại truyền kì. Nhân vật người chồng là vị quan mẫn cán, sau khi mất được thiên đình trọng dụng vào việc bút nghiên. Đặc biệt là nhân vật người vợ - nhân vật chính của truyện, không chỉ được khắc hoạ qua lai lịch xuất thân, lời nói, hành động mà còn qua các yếu tố kì ảo, siêu thực như việc bà được gặp và trò chuyện với chồng sau khi ông mất. Hay việc bà có thể chứng kiến rồi gặp gỡ giáo huấn người họ Hà. Và dù ở cõi trần hãy cõi âm, thì người phụ nữ ấy đều ánh lên vẻ đẹp của tấm lòng chung thuỷ, trước sau như một với chồng, xứng đáng với danh hiệu Trinh liệt phu nhân mà triều đình và người đời phong tặng cho bà.

+ Đặc biệt thành công nhất trong truyện và việc xây dựng các yếu tố kì ảo, hoang đường đan xen yếu tố thực. Giữa thực và mộng, giữa âm và dương điều đó càng làm cho câu chuyện kể thêm li kì, hấp dẫn, đồng thời cũng góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm.(dẫn chứng)

* Kết đoạn: Khái quát lại vấn đề nghị luận. Bài học cho bản thân.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 6.084
0 Bình luận
Sắp xếp theo