Phân tích bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên

Phân tích bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên - Ra đời cùng thời kì với các bài thơ viết về đề tài người lính như Tây tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, bài thơ Nhớ của tác giả Hồng Nguyên cũng đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc về cuộc sống của người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số bài văn mẫu phân tích bài Nhớ của tác giả Hồng Nguyên, mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích bài thơ Nhớ của tác giả Hồng Nguyên

Nhớ của Hồng Nguyên như một bộ phim không lời tái hiện lại toàn bộ những miền kí ức xa  thẳm của những ngày dài hành quân gian khổ, nhọc nhằn, nhưng cũng đầy lạc quan phấn khởi. Bao nhiêu kỷ niệm về những làng quê, về những con người và những tấm lòng thơm thảo của những miền đất lạ đã in đậm trong tâm hồn người chiến sĩ. Những kỷ niệm ấy sẽ vĩnh viễn không phai mờ theo năm tháng bởi nó đã được ghi lại trong kí ức của mỗi con người.

1. Dàn ý phân tích bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Hồng Nguyên làm công tác văn nghệ trong quân đội và trở thành một nhà thơ được chú ý đến trong nền thơ ca kháng chiến chống Pháp. Thơ ông viết về nhiều đề tài nhưng thường tập trung thể hiện tình cảm đối với anh bộ đội, nói lên niềm tin son sắt vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

+ “Nhớ” là bài thơ hay nhất của Hồng Nguyên, ghi nhận một trong những thành tựu xuất sắc đầu tiên của thơ ca chống Pháp viết về anh bộ đội. Bài thơ giống như "kịch bản phân cảnh" của một bộ phim tài liệu, nói về một cuộc hành quân chiến đấu của những người lính Vệ quốc đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

2. Phân tích

a. Phân tích nội dung và chủ đề của tác phẩm.

Bài thơ “Nhớ” của nhà thơ Hồng Nguyên đã ngợi ca vẻ đẹp tình đồng chí, đồng đội của những người lính cách mạng mộc mạc, giản dị mà giàu lòng yêu nước, có lí tưởng cao đẹp, dũng cảm, tâm hồn lãng mạn, giàu chất thơ, có tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu và niềm lạc quan cách mạng dẫu kháng chiến nhiều khó khăn, gian khổ:

- “Nhớ” những ngày đầu vừa nhập ngũ, cùng nhau đứng dưới lá quân kì.

+ Họ đã tự giới thiệu về mình thật vô tư, hồn nhiên, số lượng tuy không công bố cụ thể nhưng khá đông. Trình độ văn hóa cũng rất thấp và trình độ quân sự cũng chưa cao. Tuy nhiên ở “chúng tôi” có điểm đặc biệt đó chính là tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu và niềm lạc quan vẫn vui cười dẫu kháng chiến nhiều khó khăn.

+ Những ngày đầu kháng chiến, các anh từ nhiều miền quê khác nhau hăng hái nhập ngũ, cùng nhau tập hợp về đây, cùng đứng dưới lá quốc kỳ. Họ là những người sống chân thực, khiêm tốn và cũng luôn náo nức với bao niềm vui của tuổi trẻ và trong cuộc đời mới.Ở họ quy tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp của quần chúng cách mạng.

+ Những con người ấy đã từ luống cày mà bước ra, từ sau lũy tre làng bước tới. Hình ảnh này cũng giống với hình ảnh của những anh chiến sĩ trong thơ Chính Hữu. Họ từ “ nước mặn đồng chua”, từ miền quê nghèo “đất cày nên sỏi đá” để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và trở thành đồng đội. Đó cũng chính là ý thức chiến đấu, giải phóng dân tộc sâu sắc của anh bộ đội Cụ Hồ.

+ Tuy là những người tứ xứ, không hẹn mà quen, nhưng không hề xa lạ. Họ vốn là những người nông dân lần đầu mặc áo lính, họ gắn bó với ruộng đồng, quen thuộc với cuộc sống thanh bình, không quen chuyện binh đao. Trong giai đoạn này người lính còn bị hạn chế về trình độ văn hóa, nhiều người còn chưa biết chữ…Cái quan trọng nhất mà họ có được đó là lòng nhiệt tình yêu nước và tinh thần lạc quan. Không hề ngập ngừng, sợ hãi, họ chủ động tìm giặc mà đánh với những vũ khí thô sơ.

+ Cái thuở ban đầu đầy gian khó nhưng lòng các anh vẫn tràn đầy niềm vui và niềm tin yêu cuộc sống. Chính vì trong lòng luôn có sẵn niềm tin, niềm yêu như vậy nên dù bao khó khăn, thiếu thốn các anh vẫn vững vàng, chủ động “ áo vải chân không đi lùng giặc đánh”. Không ở đâu trên trái đất này, người chiến sĩ gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, thiêng liêng nhất lại có một vẻ đẹp mộc mạc, bình dị đến thế !

+ Người lính dường như chỉ có tay không này sẽ tạo nên tất cả, thiếu giáo gươm họ sẽ rèn nên gươm giáo, thiếu súng đạn sẽ tìm ra súng đạn.

( Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng )

-> Bài thơ biểu thị khí thế của cuộc chiến tranh nhân dân; nhân dân khi đã được giác ngộ lí tưởng cách mạng, với lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần căm thù địch, mọi người đều thể hiện dũng khí trong chiến đấu.

- Nỗi nhớ quê hương

+ Người lính trong bài thơ không chỉ làm ta khâm phục mà còn khiến ta mến thương bởi ân tình của các anh đối với quê hương. Là những người nông dân mặc áo lính, từ nông dân mà ra nên dù có ra đi vì nghĩa lớn, dù có cách xa quê hương ngàn dặm thì mối tình quê vẫn không hề thay đổi, vẫn da diết trong sâu thẳm hồn các anh. Đến với quân ngũ, người lính đã để lại ở hậu phương, gia đình và những người thân yêu. Trong cuộc hành quân trường kỳ, gian khổ, cái đọng lại trong lòng mỗi người lính chính là nỗi nhớ quê da diết, cồn cào. Và cũng có thể nói tình yêu quê nhà vọng về trong nỗi nhớ.

- “Nhớ” tình đồng đội và sinh hoạt của người chiến sĩ trong quân ngũ

+ Tình đồng đội được biểu hiện sâu sắc, đằm thắm trong sinh hoạt hằng ngày. Trên những chặng đường hành quân còn ghi lại bao kỉ niệm, bình dị mà ân tình, sâu sắc.

+ Cuộc hành quân nhiều gian lao và khó khăn nhưng cũng có những khi phấn khởi bởi có được những lúc mộng mơ, đùa vui tếu táo. Tình nghĩa đậm đà ấy càng trở nên đáng nhớ hơn, bởi những tâm tình sâu kín được thể hiện thật nghịch ngợm, hóm hỉnh.

-> Tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, sâu nặng đã giúp họ vượt lên mọi khó khăn gian khổ.

+ Với các anh cuộc đời lưu động là cuộc đời anh đã chọn nên mỗi bờ tre, mái rạ, mỗi đêm khuya “giường kê cách cửa, bếp lửa khoai vùi” và cả những chặng đường hành quân tưởng chừng không dứt đều đã trở thành máu thịt. Tất cả, tất cả những kỉ niệm ấy đều gặp nhau ở mối tình quân dân cá nước mộc mạc mà cảm động

+ Làng quê trong những năm đầu kháng chiến được miêu tả với tình cảm thân thiết, khai thác được nhiều cái mới của sinh hoạt tập thể, từ hình ảnh “nắng chiều đột kích mấy hàng cau” đến buổi “khai hội, yêu cầu, chất vấn”. Từ hình ảnh “ người mẹ già bắt rận cho những đứa con xa” đến phút chia tay đầy lưu luyến và có sắc thái riêng độc đáo về động tác và ngôn từ. Làm sao không nhớ được những làng quê đẹp, bình dị, giàu tình người như thế. Hồng Nguyên đã thành công trong việc khai thác bức tranh quê đẹp chan chứa ân tình.

- Nỗi nhớ, tình yêu thương đối với nhân dân và với đất nước.

+ Tầm mắt được mở rộng hơn nên vì thế cũng đầy sự lạc quan và yêu đời. Lần lượt nhiều cảnh sắc nếp sống sinh hoạt được ùa về như những cảnh phim rộng với lời thơ thanh thoát, thảnh thơi…

+ Nhớ lời dặn dò chân tình, đơn sơ mang phong vị miền Trung tahwms tình quân dân ẩn chứa niềm tin chiến thắng, khát vọng hoà bình của cả dân tộc .Cái tình quân dân cá nước sao mà tha thiết và gần gũi đến thế. Bao nhiêu kỷ niệm của làng quê về những con người, những tấm lòng của miền đất lạ đã in dấu và trong tâm hồn của người chiến sĩ. Và những kỷ niệm ấy sẽ không thể phai mờ theo năm tháng.

=> Bài thơ – mang chất sống của cuộc đời chiến sĩ gian lao và anh dũng, thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết, tâm hồn sôi nổi, lạc quan của những người nông dân mặc áo lính.

b. Phân tích những hình thức nghệ thuật đặc sắc

-Trong cấu tứ, lời thơ, “Nhớ” kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể chuyện với bộc lộ tâm trạng, cảm xúc. Hình ảnh, ngôn từ của “Nhớ” bình dị mà tinh tế, gợi cảm, chặt chẽ mà tự nhiên, phóng khoáng.

- Hồng Nguyên đã mạnh dạn đưa ồ ạt tiếng địa phương và khẩu ngữ vào thơ, ngôn ngữ thơ đậm chất miền Trung làm nên nét đặc trưng riêng của người con Thanh Hoá.

- Bằng việc chuyển hẳn thơ từ giọng ngâm sang giọng nói, ông đã góp phần làm cho thơ Việt chuyển hẳn sang một nội hàm và thi pháp mới.Chính vì vậy, bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên mãi mãi là viên ngọc sáng trong nền thi ca Việt Nam hiện đại.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của bài thơ, nêu cảm xúc của cá nhân hoặc bức thông điệp mà tác giả muốn gửi tới mọi người.

2. Phân tích bài thơ Nhớ của tác giả Hồng Nguyên

Ngay từ khi mới xuất hiện bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên đã trở thành một hiện tượng, một sự kiện được lan truyền rộng rãi. Cũng đã ghi đậm vào tâm trí của nhiều người và cũng đi cùng năm tháng.

Bài thơ Nhớ gồm có 62 dòng thơ và dòng dài nhất có 10 chữ. Nó được chia làm ba khổ thơ với ba mạch cảm xúc khác nhau. Nhưng ta cũng có thể thấy được ngay từ đoạn đầu bài thơ đã lựa chọn cách thể hiện rất riêng. Đó là hình ảnh của những người lính Vệ quốc đoàn trong những năm tháng kháng chiến. Họ có bao nhiêu người và gồm những ai? Thông tin này đã được nhà thơ giới thiệu thông qua những vần thơ đầu tiên.

Họ đã tự giới thiệu thế đây, số lượng tuy không công bố cụ thể nhưng khá đông. Và trình độ văn hóa cũng rất thấp và trình độ quân sự cũng chưa cao. Tuy nhiên ở chúng tôi có điểm đặc biệt đó chính là tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu và sự lạc quan vẫn vui cười khi kháng chiến.

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “Một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu,
Rèn thêm đao kiếm,
Áo vải chân không,
Đi lùng giặc đánh.
Ba năm rồi gửi lại quê hương.

Bằng những câu thơ hóm hỉnh nhà thơ đã tự giới thiệu về những đồng đội của mình đáng yêu và chân thành biết bao. Những con người ấy đã từ luống cày mà bước ra. Hình ảnh này cũng giống với hình ảnh của những anh chiến sĩ trong thơ Chính Hữu. Họ từ nước mặn đồng chua, từ miền quê nghèo đất cày nên sỏi đá để đi theo tiếng gọi tổ quốc. Cũng chính là ý thức chiến đấu, giải phóng dân tộc sâu sắc.

Trong cuộc hành quân ấy, cái đọng lại trong lòng mỗi người chính là nỗi nhớ quê đầy da diết và cồn cào. Và cũng có thể nói tình yêu quê nhà vọng về trong nỗi nhớ. Chỉ với những câu thơ này đã có thể tái hiện được nỗi nhớ ấy và nó amng tính ám ảnh rất cao. Đó chính là hình ảnh người vợ trẻ với tình thương và nỗi nhớ đong đầy.

Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chán tìm hơi ấm đêm mưa
– Đằng nớ vợ chưa?
– Đằng nớ?
– Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu…

Cuộc hành quân ấy vẫn gian lao và khó khăn nhưng cũng có những khi phấn khởi bởi có được những lúc mộng mơ. Đó là hình ảnh của những o thôn nữ ở cuối nương dâu. Là những câu chuyện về người vợ người con từ các chú chiến sĩ với điệu cười sảng khoái.

Nỗi nhớ quê nhà ấy trong bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên còn thể hiện ở một cấp độ cao hơn chính là nỗi nhớ, tình yêu thương đối với nhân dân và với đất nước. Tầm mắt được mở rộng hơn nên vì thế cũng đầy sự lạc quan và yêu đời. Lần lượt nhiều cảnh sắc nếp sống sinh hoạt được ùa về như những cảnh phim rộng. Và đoạn này tác giả đã thành công trong việc khắc họa những điều đó nhờ lời thơ thanh thoát, thảnh thơi…

Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ…
..
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
“Độc lập, nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”

Và cái tình quân dân cá nước ấy sao mà tha thiết và gần gũi tới thế. Bao nhiêu kỷ niệm của làng quê về những con người, những tấm lòng của miền đất lạ đã in dấu và trong tâm hồn của người chiến sĩ. Và những kỷ niệm ấy sẽ theo năm tháng mà không phai mờ và ta cũng sờ thấy được.

Tuy nhiên sau những giờ phút mệt nhọc ấy các anh lại lên đường với nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Đó là nhiệm vụ mà đắt nước giao cho và cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Nó cũng giống như sức nặng của khẩu súng mà các anh vác trên vai. Qua đó cũng khắc họa được hình ảnh của người chiến sĩ với ý chí kiên cường và bất khuất. Đó cũng chính là giá trị của bài thơ Nhớ của nhà thơ Hồng Nguyên.

3. Phân tích bài thơ Nhớ - Hồng Nguyên học sinh giỏi

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một, hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến...

Khổ thơ gợi lên không khí những năm đầu kháng chiến chống Pháp, thanh niên cùng lứa tuổi từ nhiều miền quê khác nhau hăng hái nhập ngũ. Họ là những người sống chân thực, khiêm tốn và cũng luôn náo nức với bao niềm vui của tuổi trẻ và trong cuộc đời mới.

Trong nhũng năm kháng chiến chống Pháp hình tượng người chiến sĩ có một vị trí quan trọng trong văn thơ. Ở họ qui tụ nhiều phẩm chất đẹp của quần chúng cách mạng. Văn học giai đoạn này tập trung viết nhiều về người chiến sĩ quân đội. Trong văn có Trần Đăng, Hồ Phương, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi. Trong thơ có Tố Hữu, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Quang Dũng. Bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên được giải nhất trong cuộc họp Ban Văn nghệ Lam Sơn năm 1948 ở Thanh Hóa.

Bài thơ thể hiện chân thực hình ảnh người chiến sĩ quân đội trong thời kì đầu thành lập lực lượng vũ trang, những năm tháng gian khổ, thiếu thốn nhưng tinh thần chiến đấu vẫn tràn đầy quyết tâm. Viết về người chiến sĩ, các nhà thơ thường tìm tiếng nói gần gũi nhất với người chiến sĩ, Hồng Nguyên trong bài thơ Nhớ đã để cho chính người chiến sĩ nói về mình:

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ.

Lúc này lực lượng võ trang mới hình thành. Có một cái gì rất thân mật, gần gũi trong không khí tập thể của quân đội. Tuy là những người tứ xứ, không hẹn mà quen, nhưng không hề có không khi xa lạ. Cụm từ “lũ chúng tôi” không có ý xem nhẹ hoặc thiếu tôn trọng với đối tượng miêu tả mà đây là cách nói về mình một cách gần gũi tự nhiên. Họ vốn là những thanh niên nông dân mặc áo lính, gắn bó với ruộng đồng, quen thuộc vối cuộc sống thanh bình, không quen chuyện binh đao. Trong giai đoạn này người lính còn bị hạn chế về trình độ văn hóa, nhiều người còn chưa biết chữ, rồi đây tất cả sẽ được khắc phục trong những năm tháng ở quân đội. Cái quan trọng nhất mà họ nhiệt tình yêu nước và tinh thần lạc quan. Không hề ngập ngừng, sợ hãi, họ chủ động tìm giặc mà đánh với những vũ khí thô sơ:

Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh.

Đây có thể xem là đoạn thơ tiêu biểu nhất cho quyết tâm giết giặc của những chiến sĩ trong giai đoạn này. Người lính dường như chỉ có tay không này sẽ tạo nên tất cả, thiếu giáo gươm họ sẽ rèn nên gươm giáo, thiếu súng đạn sẽ tìm ra súng đạn. Bài thơ biểu thị khí thế của cuộc chiến tranh nhân dân; nhân dân khi đã được giác ngộ lí tưởng cách mạng, với lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần căm thù địch, mọi người đều thể hiện dũng khí trong chiến đấu. Đến với quân ngũ, người lính đã để lại ở hậu phương, gia đình và những người thân yêu:

Mái lều tranh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

Tình cảm với hậu phương là một tình cảm phổ biến của người ra đi chiến đấu và đã được các nhà thơ thể hiện với nhiều sắc thái khác nhau. Trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi bộc lộ tâm trạng người lính:

Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Chính Hữu trong Đồng chi cũng miêu tả tấm lòng và nỗi nhớ của hậu phương:

Giếng nước gốc đa
Nhớ người ra lính.

Đời sống nơi quê hương còn nhiều khó khăn. Những người chiến sĩ nghĩ về hậu phương với tình cảm nhớ thương chia sẻ nhưng không hề có sự tủi buồn và nản lòng, trong tấm lòng nhớ về hậu phương thì tha thiết nhất là tình cảm nhớ thương người vợ. Hồng Nguyên cũng đã nói đến tình cảm trên qua một hình ảnh cụ thể gợi cảm: “ít nhiều người vợ trẻ, mòn chân bên cối gạo canh khuya”. Người lính ra đi chiến đấu nhớ thương vợ, nghĩ đến hình ảnh người vợ vất vả sớm hôm trong trách nhiệm của người phụ nữ với gia đình và trách nhiệm của hậu phương với tiền tuyến.

Hai chữ “mòn chân” gợi nhiều xúc động nhớ thương của người ra đi với người thân yêu ở hậu phương.

Nhớ là một bài thơ nói về người chiến sĩ thông qua nhiều mối quan hệ, bài thơ đã nói lên chân thực, sinh động tình đồng đội và sinh hoạt của người chiến sĩ trong quân ngũ, đời sống còn khó khăn nhưng họ rất vui, lạc quan. Tình đồng đội được biểu hiện sâu sắc, đằm thắm trong sinh hoạt hằng ngày. Trên những chặng đường hành quân còn ghi lại bao kỉ niệm, bình dị mà ân tình sâu sắc:

Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kì hộ lưng nhau, ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa ...
- Đằng nớ vợ chưa? Đằng nớ
-Tớ còn chờ Độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.

Bài thơ cũng bộc lộ sâu sắc tình quân dân. Làng quê trong những năm đầu kháng chiến được miêu tả với tình cảm thân thiết, khai thác được nhiều cái mới của sinh hoạt tập thể, từ hình ảnh “nắng chiều đột kích mấy hàng cau” đến buổi “khai hội, yêu cầu, chất vấn”. Từ hình ảnh người mẹ già bắt rận cho những đứa con xa đến phút chia tay đầy lưu luyến và có sắc thái riêng độc đáo về động tác và ngôn từ:

Chúng tôi đi, nhớ nhất câu nì
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
“Độc lập nhớ rẽ viền với chắc”.

Làm sao không nhớ được những làng quê đẹp, bình dị, giàu tình người như thế. Hồng Nguyên đã thành công trong việc khai thác bức tranh quê đẹp chan chứa ân tình.

4. Vẻ đẹp anh bộ đội trong bài Nhớ của Hồng Nguyên

Cuộc kháng chiến thần kì của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn là một dấu mốc đáng nhớ của văn học Việt Nam. Bởi lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam xuất hiện những con người mới tiêu biểu cho một dân tộc anh hùng: Đó là anh bộ đội cụ Hồ - anh bộ đội của thời kì đầu kháng Pháp với biết bao khó khăn gian khổ. Nhắc đến tên anh, tất cả chúng ta sẽ không thể quên bài Đồng chí của Chính Hữu - bài thơ như một định nghĩa hoàn hảo nhất về người lính và tình đồng chí cao đẹp. Nhưng chúng ta cũng mãi nhớ đến các anh trong một bức chân dung mới lạ - bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên

Bài thơ mở đầu thật độc đáo, độc đáo ngay ở cách các anh tự giới thiệu về mình:

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi 1,2

Súng bắn chưa quen

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến

Những hình ảnh thơ liên tiếp xuất hiện đã gây cho người đọc ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc về những anh bộ đội của thời kì đầu chống Pháp. Cái thuở ban đầu đầy gian khó nhưng lòng các anh vẫn tràn đầy niềm vui & niềm tin yêu cuộc sống

Chính vì trong lòng luôn có sẵn niềm tin, niềm yêu như vậy nên dù bao khó khăn, thiếu thốn các anh vẫn vững vàng, chủ động, đi tìm giặc mà đánh. Những câu thơ thật khoẻ khoắn, mạnh mẽ:

Lột sắt đường tàu

Rèn thêm dao kiếm

Áo vải chân không

Đi lùng giặc đánh

Đọc đến đây tất cả chúng ta đều cảm thấy ngạc nhiên & cảm động. Bởi không ở đâu trên trái đất này, người chiến sĩ gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, thiêng liêng nhất lại có một vẻ đẹp mộc mạc, bình dị đến như vậy. Nhưng đó chính là hiện thực – một hiện thực nguyên sơ không hề được điểm trang hay tô vẽ của cuộc kháng chiến trường kì. Chính vì vậy hình ảnh các anh bộ đội áo vải chân không mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ một đi không trở lại trong lịch sử dân tộc

Người lính trong bài thơ không chỉ làm ta khâm phục mà còn khiến ta mến thương bởi ân tình của các anh đối với quê hương:

Ba năm rồi gửi lại quê hương

Mái lều gianh

Tiếng mõ đêm trường

Luống cày đất đỏ

ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya

Là những người nông dân mặc áo lính, từ nông dân mà ra nên dù có ra đi vì nghĩa lớn, dù có cách xa quê hương ngàn dặm thì mối tình quê vẫn không hề thay đổi, vẫn da diết trong sâu thẳm hồn anh. Biết bao nghĩa tình sâu nặng với người vợ trẻ chất chứa trong câu thơ Mòn chân bên cối gạo canh khuya. Tình cảm ấy như một sợi chỉ đỏ mỏng manh, vô hình nhưng theo suốt cuộc đời chinh chiến của các anh, không bao giờ đứt nối

Trôi theo mạch hồi tưởng, nhớ nhung của bài thơ, ta còn thấy thêm được nhiều nét đẹp trong cuộc đời người lính. Những chặng đường hành quân gian khổ: Nắng mưa sờn mép ba lô, tháng năm bạn cùng thôn xóm nhưng các anh vẫn bền bỉ vượt qua. Động lực nào, sức mạnh nào đã làm nên điều kì diệu ấy? Đó chính là tình đồng chí, đồng đội. Nói về tình cảm cao đẹp này Chính Hữu viết: Thương nhau tay nắm lấy bàn tay, còn Hồng Nguyên lại viết: Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa. Cả hai đều là những câu thơ làm rung động lòng người, gợi bao ấm áp trong tâm hồn. Tình nghĩa đậm đà ấy càng trở nên đáng nhớ hơn, bởi những tâm tình sâu kín được thể hiện thật nghịch ngợm, hóm hỉnh:

- Đằng nớ vợ chưa

- Đằng nớ

- Tớ còn chờ độc lập

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu

Ta tưởng như hình ảnh lãng mạn ấy, tiếng cười vui vẻ lạc quan ấy còn vang đâu đây như nhắc nhở chúng ta về một thời gian khổ nhưng quá đỗi hào hùng của dân tộc

Bài thơ nhiều lần nhắc lại cụm từ Tôi nhớ, chúng tôi đi. Phải chăng với các anh Cuộc đời lưu động là cuộc đời anh đã chọn nên mỗi bờ tre, mái rạ, mỗi đêm khuya giường kê cách cửa, bếp lửa khoai vùi và cả những chặng đường hành quân tưởng chừng không dứt đều đã trở thành máu thịt. Tất cả, tất cả những kỉ niệm ấy đều gặp nhau ở mối tình quân dân cá nước mộc mạc mà cảm động:

Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni

Dân chúng cầm tay lắc lắc

Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc

Độc lập nhớ rẽ về chơi với nhau , lời dặn dò đơn sơ mang phong vị miền Trung ấy từ lâu đã để lại dấu ấn trong lòng bao thế hệ yêu thơ. Bởi nó nói được niềm tin chiến thắng, khát vọng hoà bình của cả dân tộc bằng những câu thơ vô cùng giản dị.

Bài thơ đã khép lại nhưng còn đọng mãi trong mỗi chúng ta hình ảnh anh bộ đội của thời kì đầu kháng Pháp với những đặc điểm riêng biệt thật khó quên nhưng luôn sáng mãi những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 11.425
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm