Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi đọc hiểu

Đề đọc hiểu Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi - Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971. Bài thơ là một bản hòa ca giữa tình yêu thương con của người mẹ và tình yêu quê hương đất nước. Tác phẩm đã được giới thiệu đến các em học sinh trong chương trình môn Ngữ văn. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em bộ đề đọc hiểu Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ để các em hiểu rõ hơn về phương thức biểu đạt, nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm.

Đọc hiểu Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi đề số 1

Đọc hiểu Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka–lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

- Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói.
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka–lưi...

Câu 1: Đoạn trích trên được trích trong bài thơ nào? Của ai? Giới thiệu đôi nét về tác giả

Câu 2: Nội dung chính của đoạn thơ.

Câu 3: Từ "lưng" trong câu thơ: "Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ" là dùng nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Phương thức chuyển nghĩa là gì? Nêu ý nghĩa của câu thơ trên.

Câu 4: Trong hai câu thơ: Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng. Từ “mặt trời” trong câu thơ thứ hai được sử dụng theo biện pháp tu từ từ vựng nào? Có thể coi đây là hiện tượng một nghĩa gốc của từ phát triển thành nhiều nghĩa được không? Vì sao?

Câu 5: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ gì?

Câu 6: Cụm từ "Con mơ cho mẹ" trong câu thơ "Con mơ cho mẹ, hạt bắp lên đều" có ý nghĩa gì?

Gợi ý

Câu 1: Đoạn trích trên được trích trong bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm.

- Giới thiệu đôi nét về tác giả: Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 trong một gia đình trí thức cách mạng, quê ở làng An Cựu, xã Thuỷ An, thành phố Huế. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc.

Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích: khúc hát ru của người mẹ thương con, thương dân làng.

Câu 3:

- Từ "lưng" trong cụm từ "lưng mẹ" là nghĩa gốc.

- Từ "lưng" trong cụm từ "lưng núi" được hiểu theo nghĩa chuyển, chỉ bộ phận lưng chừng núi.

- Phương thức chuyển nghĩa bằng cách ẩn dụ.

- Ý nghĩa của câu thơ: câu thơ vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa biểu tượng, đã gợi ra sườn núi mênh mông rộng lớn còn bóng dáng của người mẹ lại rất nhỏ bé. Hai vế của câu thơ tương phản đối lập nhau còn nói lên nỗi vất vả nhọc nhằn của người mẹ trong công việc tỉa bắp. Bao mồ hôi của người mẹ đã thấm xuống lưng núi để có hạt bắp lên đều.

Câu 4: Trong hai câu thơ: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng". Từ “mặt trời” trong câu thơ thứ hai được sử dụng theo biện pháp tu từ từ ẩn dụ.

- Không thể coi đây là hiện tượng một nghĩa gốc của từ phát triển thành nhiều nghĩa vì: Nhà thơ gọi em bé (đứa con của người mẹ Tà ôi là “mặt trời” dựa theo mối quan hệ tương đồng giữa hai đối tượng được cảm nhận theo chủ quan của nhà thơ. Sự chuyển nghĩa của “mặt trời” trong câu thơ chỉ có tính chất lâm thời, nó không làm cho từ có thêm nghĩa mới và không thể đưa vào để giải thích trong từ điển.

Câu 5: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do.

Câu 6: Cụm từ "Con mơ cho mẹ" trong câu thơ "Con mơ cho mẹ, hạt bắp lên đều" có ý nghĩa: người mẹ đã gửi trọn niềm mong mỏi vào giấc mơ của đứa con.

Đọc hiểu Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi đề số 2

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:

– Ngủ ngoan a - kay ơi, ngủ ngoan a - kay hỡi

Mẹ thương a - kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân...

(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 152 – 153)

Câu hỏi:

1. Những hình ảnh nào cho thấy người mẹ đã không quản ngại khó khăn, vất vả để chăm lo cho các anh bộ đội?

2. Tình yêu thương của người mẹ đối với con được thể hiện qua những hình ảnh nào?

3. Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai dòng thơ: Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần / Mai sau con lớn vung chày lún sân?

4. Qua đoạn thơ, em cảm nhận được phẩm chất gì của người mẹ Tà-ôi?

5. Trong hai dòng thơ Ngủ ngoan a - kay ơi, ngủ ngoan a - kay hỡi / Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ gì? Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó.

6. Hãy chọn và phân tích một vài trường hợp để làm rõ cách sử dụng từ ngữ đặc sắc trong đoạn thơ: Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng / Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi / Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối / Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.

Gợi ý

1. Những hình ảnh cho thấy người mẹ đã không quản ngại khó khăn, vất vả để chăm lo cho các anh bộ đội: mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội, mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,… Người mẹ vừa địu con vừa giã gạo để nuôi bộ đội, vừa lo việc nhà vừa lo việc nước. Công việc vất vả, nhưng tình yêu của mẹ dành cho các anh bộ đội thì vô cùng sâu sắc.

2. Tình yêu thương của người mẹ đối với con được thể hiện qua những hình ảnh: Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi / Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối / Lưng đưa nôi và tim hát thành lời… Người mẹ Tà-ôi luôn địu con trên lưng lúc làm việc, dù công việc có nặng nhọc, vất vả đến đâu thì em cu Tai vẫn luôn bên mẹ. Mẹ lấy lưng mình làm nôi, vai mình làm gối và ru con bằng lời ru cất lên từ sâu thẳm trái tim.

3. Qua hai dòng thơ Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần / Mai sau con lớn vung chày lún sân, ta thấy ước mơ thật giản dị mà cao đẹp của người mẹ Tà-ôi: Mẹ mong giã được thật nhiều gạo để nuôi bộ đội, mong con sau này lớn lên sẽ khỏe mạnh, vạm vỡ, cường tráng, “vung chày lún sân”, con cũng sẽ tiếp tục làm ra lúa gạo để góp phần nuôi bộ đội. Hình ảnh người mẹ Tà-ôi với ước mơ giản dị mà cao đẹp thật đáng quý, đáng trân trọng.

4. Qua đoạn thơ, em cảm nhận được những phẩm chất đáng quý của người mẹ Tà-ôi. Đó là người mẹ tảo tần, lam lũ, chịu đựng gian khổ, vất vả để nuôi con, mơ những giấc mơ đẹp cho con, mong con trở thành chàng trai khoẻ mạnh, thành người tự do, thành chiến sĩ cách mạng,… Mẹ còn là người mẹ kháng chiến, tình yêu con của mẹ gắn với tình yêu kháng chiến, yêu buôn làng, yêu đất nước. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung là khúc hát yêu thương con, khúc ca đầy khát vọng của người mẹ Tà-ôi trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

5. Trong hai dòng thơ Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi / Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội, tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ nhằm nhấn mạnh tấm lòng của người mẹ tha thiết yêu thương con. Mẹ mong cho con ngủ ngoan và có những giấc mơ đẹp. Mẹ mong trong giấc ngủ, em cu Tai sẽ mơ giấc mơ của mẹ là có thật nhiều gạo ngon để nuôi bộ đội, phục vụ kháng chiến và mẹ cũng mong em lớn thật nhanh để giúp mẹ giã gạo nuôi quân.

6. Cách sử dụng từ ngữ của nhà thơ trong dòng thơ: Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng rất đặc sắc. Sự sóng đôi của từ nghiêng đã vẽ nên hình ảnh người mẹ đang giã gạo trong khi đứa con nhỏ đang ngủ trên lưng, nhịp chày nghiêng, kéo theo giấc ngủ con nghiêng. Với từ nghiêng được lặp lại, tác giả vừa miêu tả công việc giã gạo nặng nhọc của người mẹ, vừa miêu tả giấc ngủ chập chờn của em bé trên lưng mẹ. Dường như em bé cũng cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ nên em đã ngủ ngoan cho mẹ yên lòng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
6 3.165
0 Bình luận
Sắp xếp theo