Phân tích Tự tình tháng Ba

Phân tích bài thơ Tự tình tháng 3 Bình Nguyên Trang

Tháng Ba có những nỗi niềm cụ thể gọi thành tên nhưng cũng có nỗi niềm mơ hồ như sương như khói. Với Bình Nguyên Trang, Tự tình tháng Ba như đưa người đọc về một vùng yên bình, ngọt ngào và sâu lắng. Sau đây là bài văn mẫu phân tích bài thơ Tự tình tháng Ba của tác giả Bình Nguyên Trang hay và chi tiết sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về bài thơ.

1. Đôi nét về tác giả Bình Nguyên Trang

- Bình Nguyên Trang đã có hơn 20 năm cầm bút với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được bạn đọc trẻ yêu thích. Là người sống chân thành, viết chân thành, nhạy cảm và tinh tế, thơ như chính con người mình, tinh khôi mà da diết nỗi người, nỗi đời, sâu sắc một cách tự nhiên.

- Thơ Bình Nguyên Trang ý vị, đậm nữ tính, giàu nội tâm, đôi khi man mác nỗi u hoài xa vắng. Với lối viết chân thành giản dị và các đề tài đơn giản của cuộc sống hiện đại, nên các vần thơ của Bình Nguyên Trang dễ chạm tới trái tim bạn đọc yêu thơ.

- Bài thơ “Tự tình tháng Ba” in trong tập thơ “Chỉ em và chiếc bình pha lê biết”, NXB Văn học 2003 đã khơi lên trong lòng độc giả những nỗi niềm đồng cảm sâu xa về nỗi nhớ quê, nhớ người, nỗi niềm bâng khuâng, mơ màng về phía hoài niệm thuở hoa niên trong trẻo, về miền kí ức đã xa nhưng vô cùng gần gũi, thân thương.

2. Hướng dẫn phân tích bài thơ Tự tình tháng 3

a. “Tự tình tháng Ba" – Những nỗi niềm chưa gọi thành tên trong miền nhớ:

- Tháng Ba có những nỗi niềm cụ thể gọi thành tên nhưng cũng có nỗi niềm mơ hồ như sương như khói, bàng bạc hoài niệm trong mỗi ánh mắt, trong nụ cười ấm áp gợi về tình yêu, về tuổi thơ, về quê cũ. Và tháng Ba có cả những nỗi nhớ miên man cháy rực trời chiều theo sắc đỏ trên mỗi cành hoa gạo, có những ký ức chập chờn giữa xa xôi và gần gũi.

- Những ngày tháng Ba đang bước đi trong hơi thở dịu dàng cuối cùng của mùa Xuân, trước khi dần khuất bóng, bỏ ngỏ lối về cho tháng Tư giao mùa phía Hạ bước sang. Tháng Ba khiến cho bao cảm xúc thăng hoa trong tâm hồn thi sĩ. Tháng Ba khi những vạt nắng đã trở nên vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật, cũng là lúc ở mỗi làng quê, những bông hoa gạo bắt đầu nở đỏ. Hoa như đang thắp lửa, đỏ rực một vùng trời và rồi cái nhớ cứ cồn cào trong tâm tưởng người đi xa. Với Bình Nguyên Trang, chị có cả một chùm thơ hay, tràn ngập cảm xúc về tháng Ba như: “Mỗi tháng Ba về”, “Tháng Ba hoa gạo”, “Nỗi niềm tháng Ba” ... Và nhất là “Tự tình tháng Ba” là mạch hoài niệm bâng khuâng, đưa người đọc về một vùng yên bình, ngọt ngào và lắng sâu:

“Mùa Xuân ơi

Người gieo hạt trên cánh đồng kỉ niệm

Tháng Ba sương khói như lòng

Tôi thả tình tôi trên một dòng sông

Chiều đồng giao thức màu hoa bèo tím”

- Bình Nguyên Trang mượn hình thức tâm tình, cất lên tiếng gọi thân thương, nhân hóa mùa Xuân như một “Người gieo hạt trên cánh đồng kỉ niệm”, đưa nhà thơ về với một vùng kí ức trong lòng mình, kí ức về tháng Ba “sương khói như lòng”, để mặc kỷ niệm tuôn trào theo hồi tưởng.

- Cái hay và độc đáo của bài thơ là thi sĩ đã vẽ nên hoài niệm về tháng Ba bằng những sắc màu phong phú, tươi sáng, tỉnh khôi. Sắc màu của vùng quê thanh bình, yên ả. Đó là “Chiều đồng giao thức màu hoa bèo tím”, là “Kí ức xanh một vùng bến bãi”, là “Vàng đi nắng ơi”...; và cả màu đỏ rực của hoa gạo, dù không được gọi thành tên.

- Những vần thơ về tháng Ba, về hoa gạo của Bình Nguyên Trang làm dấy lên trong lòng độc giả những rung cảm đặc biệt. Không rung động sao được khi những vần thơ của Bình Nguyên Trang viết về hoa gạo giống như những lời tự tình: “Và trong tôi hoa gạo vẫn nhọc nhằn”. Để rồi khi lớn lên, bươn bả nơi xứ người, trong những nỗi nhớ hướng về đất mẹ, không thể thiếu nỗi nhớ hoa gạo.

- Hoa gạo khiến lòng người đi xa nôn nao, nhung nhớ, mỗi lần ngắm thấy bông gạo đỏ rụng tả tơi trong ngày tháng Ba lòng lại đầy khắc khoải, dâng lên một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi. Không rung động sao được, khi những vần thơ viết về hoa gạo giống như những lời tự tình. Hình ảnh “hoa gạo” xuất hiện hơn một lần trong các bài thơ của Bình Nguyên Trang, vừa gần gũi nhưng cũng đầy day dứt, thương cảm. Thương lắm, nhớ lắm những bông hoa gạo của quê nghèo, lam lũ. Hoa gạo thắp lên những đốm lửa đỏ khát khao trên bầu trời quê như thắp lên ngọn lửa của niềm tin, hi vọng. Thơ Bình Nguyên Trang nôn nao với “nỗi niềm hoa cà, hoa cải” đã theo biết bao người đi suốt những con đường hoa niên như một ám ảnh, như một vùng kí ức bền lâu, gọi về những hoài niệm quê cũ, người xưa:

“Nôn nao nỗi niềm hoa cà hoa cải

Dáng con đò gầy như dáng chị tôi”

- Tháng Ba gọi về những gì xa xưa, đã trôi vào dĩ vãng nhưng nỗi nhớ nôn nao chẳng thể nào quên. Hình ảnh so sánh thật lạ mà cũng rất gợi cảm: “Dáng con đò gầy như dáng chị tôi”. Câu thơ trở nên có hồn, con đò được tạo dáng, được ví như dáng chị, mảnh mai, chịu thương, chịu khó cần mẫn, quen thuộc nơi làng quê thuở nào. Bao yêu thương đọng lại nơi dáng đò, dáng chị thân thương ấy.

- Tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho quê cũ mới tha thiết làm sao. Đó là tình yêu, là sự gắn bó, trở thành máu thịt nên “tiếng chuông nguồn cội” luôn vọng về trong tâm thức, để nhắc nhớ, để hướng về cội nguồn, về cố hương:

“Tôi mặc lòng tôi lang thang đầu con sóng

Nghe tiếng chuông nguồn cội nhắc tên mình”

- Trong nỗi nhớ da diết của người đi xa, dù có nỗi buồn đọng lại nhưng cao hơn cả vẫn là những vần thơ chứa chan niềm hi vọng, tin tưởng:

“Xin được bắt đầu bằng hai chữ bình minh

Cho bài hát hoài niệm về quê cũ”

- Thơ về tháng Ba của Bình Nguyên Trang thường đau đáu hoài niệm, mang nỗi buồn man mác của người con xa quê nhưng luôn chứa chan màu xanh của niềm tin, hi vọng. Thế nên trong tâm tưởng nhà thơ luôn tâm niệm “Để mỗi tháng Ba về cuộc sống lại bắt đầu”.

Bài thơ khép lại bằng tứ thơ độc đáo: “đi xa để trở về”, đi xa để thêm gắn bó:

“Tôi đi xa để gần gũi ngàn năm

Nỗi đau đầu của một người viễn xứ

Ngày đang mới trong một chiều đã cũ

Gọi tên mùa trong tiếng lá dần xanh”

- Bài thơ là nỗi nhớ bồi hồi, là kí ức chẳng thể nhạt phai, là màu của quê hương vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Nhớ thương, bồi hồi, luyến tiếc, tất cả chỉ còn là hoài niệm nhưng chính những hoài niệm về tháng Ba trong một khúc tự tình giàu suy tư đã góp phần làm đẹp tâm hồn ta, tiếp thêm cho ta nguồn động lực về một “ngày đang mới”, như chính Bình Nguyên Trang từng gửi gắm tâm tình:

“Đành rằng tháng Ba vẫn thắp màu hoa cũ

Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa”

(Nỗi niềm tháng Ba)

b. Những đặc sắc nghệ thuật:

Giọng thơ tâm tình, thủ thỉ từ đầu đến cuối bài thơ, đọc lên như bắt gặp chính tâm hồn mình mỗi độ tháng Ba về. Bài thơ có 5 khổ, được viết theo thể thơ tự do, như mạch hoài niệm bâng khuâng, đưa người đọc về một vùng yên bình, ngọt ngào và lắng đọng nơi làng quê vốn rất ân tình, ân nghĩa. Biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá, nhiều hình ảnh đẹp gợi không gian êm đềm làng quê.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 101
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm