Phân tích bài thơ Thời nắng xanh của Trương Nam Hương

Phân tích bài Thời nắng xanh

Thời nắng xanh là một bài thơ hay của Trương Nam Hương về những kí ức trong trẻo của một thời thơ bé. Những câu thơ nhẹ nhàng làm rung động tâm hồn người đọc trở lại với miền đất mang tên kỉ niệm về một thời thương nhớ. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc mẫu dàn ý phân tích bài thơ Thời nắng xanh của Trương Nam Hương chi tiết sẽ giúp các  em nắm được các ý chính khi viết bài.

Phân tích bài Thời nắng xanh

Dàn ý phân tích Thời nắng xanh

Nắng trong mắt những ngày thơ bé

cũng xanh mơn như thể lá trầu

bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau

chở sớm chiều tóm tém

hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm

nắng xiên khoai qua lớp vách không cài

bóng bà đổ xuống đất đai

rủ châu chấu cào cào về cháu bắt

rủ rau má rau sam...

vào bát canh ngọt mát

tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.

(Trích)

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+Trương Nam Hương có một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, với nhiều suy tư và trắc ẩn. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi giọng dịu ngọt, gần gũi thân thương, ngôn ngữ uyển chuyển, linh hoạt, lạ, bất ngờ góp phần làm cho thơ ông nét độc đáo. Những hình ảnh bình dị, gần gũi của đời thường được Trương Nam Hương khéo léo đưa vào thơ và thổi hồn mình vào đó để tạo nên vẻ đẹp riêng.Vì thế, đến với thơ Trương Nam Hương, tâm hồn con người sẽ trở nên trong trẻo, đáng yêu và nhân hậu hơn.Thế giới hình ảnh đa dạng, độc đáo tạo ra được những tứ thơ hay.

+ Ở “Thời nắng xanh” người đọc vẫn thấy Trương Nam Hương trung thành với lối thơ truyền thống nhưng có sự giao thoa với hiện đại, sâu lắng và đầy ân tình.

2. Phân tích

a. Phân tích nội dung và chủ đề của tác phẩm.

Đoạn trích “ Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương là tình bà cháu ấm nồng, tha thiết.

- Hình ảnh người bà tần tảo, chịu thương, chịu khó, yêu thương con cháu.

+ Nhan đề “Nắng thời xanh” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi dường như một phần đời nơi tâm hồn ấy mãi ở lại với những hồi ức đẹp nhất, rực rỡ tựa ánh nắng của thiên nhiên đất trời. Và thi sĩ cũng dùng hình ảnh nắng để vẽ nên bức chân dung người bà kính yêu mang vẻ đẹp giản dị truyền thống, chân quê…

“Nắng trong mắt những ngày thơ bé

………………………………

Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm

+ “ Nắng xanh” là màu nắng trong trẻo, trẻ trung, được nhìn bằng cặp mắt tươi trẻ của tuổi xanh. Phải chăng đó là quãng thời gian hạnh phúc vui vẻ nhất của cháu trong suốt tuổi thơ của mình. Màu xanh gợi liên tưởng đến một sức sống thanh xuân khoẻ khoắn, bền lâu trong dòng chảy vô tình của thời gian.

+ Trong mắt cháu “nắng xanh mơn như lá trầu” - màu xanh mơn man rười rượi, nắng xanh mơn - cái nắng được lọc qua hồi ức về một người bà tóm tém nhai trầu, vì thế mà nó càng trở nên lung linh, huyền thoại. .

+ Bà bình dị trong cuộc sống lao động hàng ngày: Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền và giành để thưởng thức sớm chiều. Hình ảnh bà gắn với thói quen ăn trầu dân dã, cổ truyền (Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/Chở sớm chiều tóm tém), gương mặt bà trong ráng chiều (Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm) sự tần tảo đồng áng (Bóng bà đổ xuống đất đai)...

=> Cuộc đời bà vất vả, dãi dầu nhưng chính sự tần tảo của bà đã đem lại cho cháu một không gian bình yên để mơ mộng, để lớn lên. Bà đã trở thành một miền hoài niệm. Bà gắn với những gì đẹp đẽ nhất, trong trẻo nhất, làm nên “thời nắng xanh” của cháu.

- Những kỉ niệm về bà như một cuốn sách tiếp tục được lật mở đến không gian mới :

Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài

………………………………………….

Vào bát canh ngọt mát”

+ Bà một lần nữa xuất hiện cùng hình ảnh “nắng” trong những luống khoai liếp vách không cài. Nắng hồn nhiên như trẻ con tinh nghịch. Cả khu vườn rắc đầy bụi vàng của nắng. Hình ảnh thôn quê thanh bình, yên ả, đó là không gian êm đềm của tuổi thơ cháu.

“Bóng bà đổ xuống đất đai”

+ Bà mang dáng dấp của những người nông dân lao động cần cù, vất vả. Nhưng tất cả những gian truân ấy để đổi lấy niềm vui cho đứa cháu thơ “rủ châu chấu cào cào” và cả những món ăn dân dã trong những ngày còn thiếu thốn, khó khăn nhưng mát lòng, mát dạ.

+ Hạnh phúc của cháu là những khi được lắng vào bát canh yêu thương ngọt mát. Một thời thơ ấu bình yên bên bà, dù còn nhiều khó khăn nhưng cháu vẫn có được tuổi thơ trọn vẹn. Những kí ức bình yên ấy làm bóng mát cho tâm hồn cháu để khi nhớ lại bật thành thơ dồn nén cảm xúc: “Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình”.

+ Tất cả những kỉ niệm hồi cháu sống với bà đã hoá thân vào hình ảnh “bát canh” ngọt lành bà cho. Bát canh đầy ăm ắp những hạnh phúc giản dị bình yên ấy chan lên “thời nắng xanh” của cháu trở thành tuổi thơ không bao giờ quên. Chỉ với một câu thơ mà bao nhiêu phù sa tình cảm lắng đọng xuống đáy sâu trong lòng người đọc về tình cảm của cháu dành cho bà, cả một bầu trời thương nhớ gửi đến người bà kính yêu. Chính tuổi thơ ngọt ngào bên người bà đã nâng đỡ thi sĩ bước trên hành trình dài rộng của cuộc đời.

=> Qua những hồi ức về tuổi thơ của nhân vật trữ tình, ta nhận ra vẻ đẹp của bà: truyền thống, tần tảo, luôn bao bọc chở che để cháu có một tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo. Đồng thời, ta còn nhận ra vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình: nhạy cảm, tinh tế, giàu tình yêu thương. ( Liên hệ: Hình ảnh người bà trong thi ca là nguồn thi liệu khơi gợi cảm xúc của người nghệ sĩ như “Bếp lửa” của Bằng Việt hay “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương cũng đóng góp một cái nhìn mới vào dòng chảy của văn chương nghệ thuật).Hai khổ thơ đầu của “ Thời nắng xanh” và cả bài thơ là lời tự bạch, lời cảm ơn chân thành nhất đối với người bà thân yêu, với tuổi thơ, với quê hương, đất nước...của thi sĩ.Tất cả luôn đồng hiện trong tâm thức nhà thơ và trở thành những hình ảnh thân thuộc đằm sâu trong tâm tưởng và cũng là của tất cả những đứa cháu yêu bà, thương bà!

b. Phân tích hình thức nghệ thuật độc đáo:

- Lời thơ giản dị, nhẹ nhàng mà dồn nén tất cả cảm xúc chan chứa từ bên trong. Giọng thơ hiền lành, uyển chuyển nhưng lại có những câu óng mượt, long lanh như những sợi tơ vàng.

- Vẫn câu chữ nhẹ nhàng, ý thơ trong trẻo, mượt mà nhà thơ đưa ta về với những kỉ niệm thuở thiếu thời đầm ấm, vui vầy bên người bà thân yêu.

- Nhiều hình ảnh đẹp , các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, điệp, lối nói lạ hóa làm nên sức hấp dẫn cho đoạn thơ. Nghệ thuật so sánh kết hợp với những hình ảnh của cuộc sống quen thuộc “lá trầu”, “cào cào”, “châu chấu” , “bát canh” tạo dựng lên hình ảnh cuộc sống chân quê thanh bình, yên ả nhưng thật gần gũi thân thương trong ký ức.

- Cái hay là nhà thơ đã tạo ra được những liên tưởng mới mẻ, độc đáo với những tứ thơ lạ; ngôn ngữ trôi chảy theo mạch tự nhiên nhưng giàu cảm xúc, nhiều từ ngữ sử dụng rất đắt, hình ảnh thơ mang tính hình tượng cao, mang phong cách sáng tạo và bút pháp riêng của Trương Nam Hương.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của bài thơ.

- Cảm xúc hoặc lời nhắn gửi tới mọi người.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 930
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm