Nghị quyết có phải là văn bản pháp luật không?

Nghị quyết có phải văn bản pháp luật không? Nghị quyết là cụm từ không còn quá xa lạ với chúng ta. Nhiều bạn đọc vẫn chưa biết được nghị quyết có phải là văn bản pháp lý hay không? Nghị quyết do cơ quan nào ban hành? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây nhé.

1. Nghị quyết là văn bản gì?

Hiện nay, khái niệm của Nghị quyết vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể, nhưng có thể hiểu như sau:

Nghị quyết là một văn bản quyết định những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc thông qua bằng biểu quyết của đa số, biểu thị ý kiến của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề nhất định.

Như vậy có thể thấy Nghị quyết được đưa ra sau khi được nhiều đại biểu thống nhất về các vấn đề được đưa ra.

Nghị quyết có phải là văn bản pháp luật không?
Nghị quyết có phải là văn bản pháp luật không?

2. Nghị quyết có phải văn bản pháp luật không?

Căn cứ theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2020 như sau:

Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

1. Hiến pháp.

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Như vậy có thể thấy trong hệ thống văn bản quy pháp pháp luật thì Nghị quyết là một văn bản quy phạm pháp luật mà người dân phải tuân thủ.

Tuy nhiên Nghị quyết được ban hành bởi những chủ thể nhất định nên trường hợp chủ thể không có thẩm quyền ban hành Nghị quyết thì sẽ không có hiệu lực pháp lý (Ví dụ như Nghị quyết của Chính phủ thì không có hiệu lực vì Chính phủ không có thẩm quyền ban hành Nghị quyết).

Từ quy định trên cũng thấy được chủ thể được ban hành Nghị quyết là:

  • Quốc hội;
  • Ủy ban thường vụ Quốc hội;
  • Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
  • Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  • Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
  • Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  • Hội đồng nhân dân tỉnh
  • Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã
  • Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn

3. Ví dụ về các loại Nghị quyết được ban hành

Ví dụ về Nghị quyết như:

- Nghị quyết số 82/2023/QH15 về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022

- Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 Về hướng dẫn hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân, thường trực hội đồng nhân dân, ban của hội đồng nhân dân, tổ đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu hội đông nhân dân.

- Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142,143,144,145, 146, 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Có thể thấy Nghị quyết cũng quy định những vấn đề cơ bản của xã hội, của pháp luật và hướng dẫn thi hành. Nghị quyết của cơ quan cấp cao hơn sẽ có giá trị pháp lý cao hơn. Ví dụ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh có giá trị pháp lý cao hơn Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp Huyện.

4. Nghị quyết của Quốc hội là văn bản gì?

Nghị quyết của Quốc hội ban hành là văn bản quy phạm pháp luật bởi pháp luật đã quy định rõ Quốc Hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết.

Nghị quyết của Quốc Hội cũng sẽ quy định những vấn đề cần thiết được Quốc hội đã họp, đề cập, biểu quyết và thông qua. Nghị quyết thông thường hướng dẫn cơ quan chức năng thực thi các vấn đề liên quan đến luật.

5. Nghị quyết của Chính phủ là văn bản gì?

Như đã phân tích tại Mục 2, Chính phủ không có thẩm quyền ban hành Nghị quyết, các Nghị quyết của Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết của Chính phủ không mang tính quy phạm.

Nghị quyết của Chính phủ chỉ được xem là một loại văn bản hành chính thông thường, được ban hành nhằm quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý nhà nước.

Chỉ có những nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác thì mới được xem là văn bản quy phạm pháp luật.

6. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Cũng theo phân tích tại Mục 2, tại các Khoản 9, 12 và 14 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định rõ về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi Hội đồng nhân dân các cấp như sau:

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 34/2016/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP) quy định về việc xác định văn bản quy phạm pháp luật như sau:

3. Nghị quyết do Hội đồng nhân dân và quyết định do Ủy ban nhân dân ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp sau:

a) Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác;

b) Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu các chức vụ khác;

c) Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân;

d) Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

đ) Nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, Ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định;

e) Nghị quyết tổng biên chế ở địa phương;

g) Nghị quyết dự toán, quyết toán ngân sách địa phương;

g1) Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch;

h) Quyết định phê duyệt kế hoạch;

i) Quyết định giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị;

k) Quyết định về chỉ tiêu biên chế cơ quan, đơn vị; quyết định về khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho từng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;

l) Các nghị quyết, quyết định khác không có nội dung quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 30 của Luật.

Theo đó, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều là văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định cụ thể được quy định như trên thì Nghị quyết của các cấp này ban hành sẽ không còn được coi là văn bản pháp luật.

7. Nghị quyết và Quyết định cái nào có giá trị pháp lý cao hơn?

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn giữa Nghị quyết và Quyết định, đây đều là hai văn bản hành chính thường được sử dụng bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực hành chính, pháp luật.

Về mặt lý thuyết, Nghị quyết thường được coi là có cấp bậc cao hơn Quyết định, vì nó thể hiện ý chí của một tập thể lớn hơn và có tính bao quát hơn. Còn Quyết định sẽ chỉ được một cá nhân có thẩm quyền ký ban hành.

Tuy nhiên trên thực tế, cấp bậc của Nghị quyết và Quyết định còn phụ thuộc vào cơ quan ban hành và nội dung cụ thể của văn bản. Ví dụ, Quyết định của Chủ tịch nước có thể có giá trị pháp lý cao hơn Nghị quyết của một cơ quan cấp dưới.

Như vậy, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ quan ban hành, phạm vi nội dung điều chỉnh, tính chất của vấn đề được giải quyết,... thì mới có thể phân định được cấp bậc pháp lý giữa hai loại văn bản Nghị quyết và Quyết định.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về vấn đề Nghị quyết có phải văn bản pháp luật không? Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật chuyên mục Hành chính liên quan.

Đánh giá bài viết
3 50
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm