Chế độ sinh con thứ 3, thứ 4 năm 2024

Chế độ sinh con thứ 3, thứ 4 được quy định như thế nào? Người sinh con thứ 3, thứ 4 có quyền lợi hay bị cắt quyền lợi nào không? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu nhé.

1. Chế độ sinh con thứ 3, thứ 4

Mục 2 Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 quy định về đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số, chính phủ khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Do đó, nhiều người lao động thắc mắc khi sinh con thứ 3 trở lên thì họ có được hưởng chế độ thai sản hay không. Hoatieu.vn xin giải đáp như sau:

1.1 Sinh con thứ 3, thứ 4 có được hưởng thai sản?

Sinh con thứ 3, thứ 4 có được hưởng chế độ thai sản không?

Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định những trường hợp sau được hưởng thai sản:

  • Lao động nữ mang thai;
  • Lao động nữ sinh con;
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
  • Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
  • Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

=> Như vậy, hiện nay, theo Luật BHXH không giới hạn người lao động chỉ được sinh 2 con. Người lao động sinh con thứ 3, thứ 4 vẫn sẽ được hưởng chế độ thai sản, chỉ cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

1.2 Sinh con thứ 4 tại Việt Nam có được thưởng không?

Chế độ sinh con thứ 3, thứ 4

Hiện nay trên mạng xuất hiện những thông tin rằng sinh con thứ 4 sẽ được nhà nước tặng 200 triệu đồng. Tuy nhiên thông tin này là không chính xác.

Hiện nay nhà nước ta vẫn khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh 2 con. Việc sinh con thứ 3, thứ 4 tuy không bị xử phạt song cũng không được thưởng gì.

1.3. Mức hưởng thai sản đối với lao động nữ sinh từ con thứ ba trở lên

Căn cứ Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.

=> Như vậy, người lao động sinh con thứ ba trở lên vẫn được hưởng mức thai sản như người sinh 2 con, Luật BHXH hiện nay không giới hạn số lần nhận tiền thai sản.

Số tiền thai sản người lao động nhận được bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Mức hưởng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ x 06 tháng.

2. Chồng có được nghỉ hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con thứ 3?

Theo Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con đối với lao động nam như sau:

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

=> Như vậy, quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con không phụ thuộc vào việc vợ sinh con thứ mấy. Trong điều kiện người chồng đang đóng BHXH có vợ sinh con thứ 3 vẫn sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH.

3. Đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4 có bị kỷ luật?

Theo quy định tại Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 về vi phạm quy định chính sách dân số.

1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.

b) Vi phạm chính sách dân số.

2. Trường hợp vi phạm đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Tuyên truyền, phổ biến hoặc ban hành văn bản có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

b) Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm sinh thêm con ngoài giá thú hoặc trái quy định.

3. Trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

Bên cạnh đó, theo Mục 2 Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 quy định về đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số

Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển.

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

=> Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 không quy định rõ ràng, cụ thể đảng viên sinh con thứ 3 có vi phạm và bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, với nội dung về công tác dân số, theo chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chính sách dân số, mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con để chăm sóc, nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc. Mà đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chính sách về công tác dân sốt, nhất là việc chỉ sinh đủ 2 con, không phân biệt giới tính đứa trẻ. Do đó, việc đảng viên sinh từ con thứ 3 trở lên vẫn là hành vi vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình và sẽ bị kỷ luật theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Hoatieu.vn đã cung cấp cho các bạn các quy định về Chế độ sinh con thứ 3, thứ 4 năm 2024

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên Hỏi đáp pháp luật.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
2 6.255
0 Bình luận
Sắp xếp theo