Trình bày ý kiến về quan niệm Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều

Tải về

Người xưa có câu: "Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều". Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên. Đây là nội dung đề số 1 thuộc bài viết số 5 lớp 11 trong chương trình Ngữ văn 11 tập 2 bài Nghị luận văn học trang 10. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý nghị luận câu Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều cùng với các bài văn mẫu trình bày ý kiến về quan niệm Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo để hoàn thành bài viết số 5 lớp 11 đề 1.

1. Cách làm bài viết số 5 lớp 11 đề 1

Cách làm bài viết số 5 lớp 11 đề 1

2. Dàn ý Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

I. Mở bài

- Giới thiệu câu nói của người xưa: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

- Nêu suy nghĩ của bản thân: đây là quan niệm sai lầm của các nhà Nho bảo thủ trong chế độ phong kiến ngày xưa đối với nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều (chủ yếu là Thúy Kiều) và Truyện Kiều của Nguyễn Du.

II. Thân bài.

* Giải thích câu nói.

- Câu nói đầy đủ là:

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

- Ý người xưa muốn gửi gắm qua câu trên là khuyê đàn bà, con gái không nên đọc (chở kể) Truyện Kiều và không được bắt chước Thúy Kiều vì cho rằng nàng là một con gái hư, dám vượt qua lễ giáo phong kiến.

* Ý kiến của bản thân trước câu nói này.

- Đây là một quan niệm sai lầm, bảo thủ, chỉ nhìn nhận và đánh giá Thúy Kiều một cách phiến diện. Lấy đạo đức Nho giáo cứng nhắc làm tiêu chí để đánh giá phẩm chất của một người con gái.

- Thúy Kiều là ngườ con gái đáng thương và đáng trân trọng.

+ Trong tình yêu: Nàng đã mạnh dạn vượt qua rào cản vô hình nhưng khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến để chủ động tìm đến với tình yêu tự do, với người mình yêu. Đối với người yêu, nàng tỏ ra đoạn trang, đúng mực.

+ Trong quan hệ với cha mẹ: Nàng là một người con hiếu thảo, dám hi sinh tình yêu để giữ trọn đạo hiếu.

+ Trong nghịch cảnh: Nàng luôn tìm cách thoát khỏi cuộc sống tủi nhục chốn lầu xanh, nhưng mỗi lần vươn lên là mỗi lần nàng bị nhấn xuống sâu hơn.

+ Kết thúc quãng đời mười lăm năm chìm nổi, Thúy Kiều đoàn tụ với gia đình, với Kim Trọng. Vì tôn trọng mối tình đầu trong sáng, tôn trọng người yêu cũ nên nàng đã: Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ. (Tức là đổi tình yêu thành tình bạn tri âm, tri kỉ).

+ Như vậy, Thúy Kiều là con người đáng thương và đáng trân trọng chứ không đáng ghét, đáng khinh.

+ Truyện Kiều là một kiệt tác của dân tộc với những giá trị lớn lao sâu sắc nên chúng ta cần có một thái độ đánh giá khách quan và đúng đắn.

- Đọc truyện kiều chúng ta thấy được sự tàn bạo của chế độ phong kiến đối với con người, nhất là phụ nữ.

- Truyện Kiều còn là đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca trên nhiều phương diện: ngôn ngữ, xây dựng tính cách, phân tích tâm lí nhân vật, tả cảnh, tả người...

III. Kết bài

- Khẳng định câu nói trên là quan điểm sai lầm của một số nhà Nho thủ cựu bênh vực lễ giáo phong kiến, phủ nhận Thúy Kiều và Truyện Kiều.

- Chúng ta nên đọc Truyện Kiều để hiểu về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm, về tài năng hiếm có của tác giả; đồng thời thấy được phẩm chất đáng quý của Thúy Kiều - người con gái tài sắc vẹn toàn - nạn nhân của xã hội phong kiến xấu xa, tàn bạo.

3. Nghị luận văn học: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

“Truyện Kiều” là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều, Thúy Vân với những nét đẹp nhân cách đáng quý đã ghi lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người xưa lại có câu “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Đây là ý kiến sai lầm, chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn để hiểu rõ hơn câu nói này.

Nguyên văn câu nói đầy đủ là:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.”

Ông cha ta ngày xưa nhìn nhận ở khía cạnh rất khe khắt. Đàn bà con gái cấm đọc truyện tình lãng mạn. Đàn ông cấm đọc những truyện tình ủy mị, nhu nhược ảnh hưởng tới chí hướng nam nhi “Đầu đội trời, chân đạp đất.” Câu nói trên ở đây hiểu rằng ông cha ngụ ý đàn bà, con gái không nên đọc (chớ kể) Truyện Kiều và không được làm theo mẫu Thúy Vân, Thúy Kiều vì cho rằng nàng không tuân thủ lễ giáo phong kiến.

Quan niệm đạo đức của xã hội phong kiến theo các nhà nho xưa bao gồm lễ giáo phong kiến khắt khe, trói buộc quyền con người, nhất là phụ nữ phải tuân theo “tam tòng tứ đức”, phải giữ " tam cương ngũ thường", "công dung ngôn hạnh"... đặc biệt phải nghe theo cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chiếu theo quan điểm trói buộc ấy, theo các nhà nho Thúy Vân, Thúy Kiều có những hành động ứng xử không phù hợp với lễ giáo phong kiến. Đầu tiên, hành động Kiều theo đuổi tình yêu được cho là tự do yêu đương, thề non hẹn biển, một mình đi khuya, tự đính ước nhân duyên mà không có sự cho phép của cha mẹ. Đây là điều tối kị trong xã hội phong kiến đương thời. Kiều bán mình, trở thành gái lầu xanh, bị ghép vào người đàn bà lẳng lơ phạm vào lễ giáo không được lấy nhiều chồng, coi trọng trinh tiết.

Vào thời đại bấy giờ, khách quan thì ý kiến đó đúng với lễ giáo khắt khe, nhưng đây là một cách nhìn hết sức phiếm diện. Đó là cách đánh giá bảo thủ, sai lầm, không hề nhìn nhận toàn diện và khách quan hơn trường hợp cụ thể của chị em Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, đức hạnh... Nổi bật nhất ở nàng ngay từ những phần đầu tác phẩm là tấm lòng hiếu thảo. Nàng hi sinh tình yêu, bán mình để chuộc cha cùng em trai, làm tròn đạo hiếu. Chính những bất công, hủ lậu của chế độ phong kiến đã gián tiếp gây nên những oan trái, bi kịch trong cuộc đời Kiều . Trong sóng gió cuộc đời, Kiều vẫn giữ trọn phẩm giá cao quý. Kiều có tình yêu cao thượng, trước ngày bán mình, nàng trao duyên lại cho Thúy Vân, hai lần lưu lạc lầu xanh nhưng vẫn thủy chung vẹn tình với Kim Trọng nên tội danh không đoan chính buộc trên người nàng là vô cùng khắc nghiệt. Tuy sống nơi lầu xanh, nhơ nhuốc và đầy cạm bẫy, Kiều vẫn ý thức sâu sắc về nhân phẩm của mình:

“Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay”

Chìm trong nghịch cảnh, Thúy Kiều luôn gắng gượng tìm cách trốn thoát khỏi chốn lầu xanh, nhưng số phận không ngừng buông tha, một lần vùng lên là một lần bị nhấn xuống sâu hơn. Suy cho cùng, cuộc đời lưu lạc, khổ đau của nàng là do xã hội đương thời tàn bạo tạo ra, nàng không thể thoát khỏi bàn tay của số phận bi kịch. Thế nhưng, nhìn nhận cuộc đời của Kiều, kết thúc 15 năm lưu lạc, Kiều được đoàn tụ cùng gia đình, với Kim Trọng. Vì tôn trọng mối tình đầu trong sáng, tôn trọng người yêu cũ và em gái, nàng “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” (đổi tình yêu thành tình bạn tri âm tri kỉ). Dù số phận không công bằng, đẩy lên vai nàng những gánh nặng không dễ dàng gánh vác nhưng Kiều vẫn làm tròn chữ hiếu, chữ trung, tài sắc vẹn toàn. Chính vì những lẽ đó “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều“ là ý kiến sai lầm, phiếm diện.

Truyện Kiều là một kiệt tác của dân tộc với nhiều giá trị lớn lao sâu sắc. Tác phẩm phơi bày sự tàn bạo của xã hội phong kiến thời bấy giờ, cướp đi quyền sống của con người nhất là người phụ nữ, chỉ ra đạo giáo và nho giáo đã áp cái nhìn phiếm diện vào nhân vật, phê phán, chê bai.... Phê phán một xã hội không cho phụ nữ quyền được sống hạnh phúc. Từ đó ngợi ca, trân trọng nhân cách Thúy Vân, Thúy Kiều dù đã trải qua biết bao bể dâu vẫn sáng ngời, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ và thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du.

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” thực sự là một quan điểm sai lầm, phiếm diện. Thúy Vân, Thúy Kiều là nạn nhân của xã hội phong kiến tàn bạo, của lễ giáo khắt khe nhưng vẻ đẹp tâm hồn của họ vẫn sáng, cần được trân trọng. Đó là tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam đương thời.

4. Bài viết số 5 lớp 11 đề 1

Truyện Kiều từ lâu đã được đánh giá là một kiệt tác, đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca tiếng Việt và thi hào Nguyễn Du được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Thế nhưng dưới thời phong kiến trước đây, đã có lúc Truyện Kiều bị kết tội là “dâm thư” và trong dân gian lưu truyền câu nói: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Dựa trên cơ sở giá trị bất hủ của Truyện Kiều, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là quan điểm sai lầm của một số nhà Nho bảo thủ.

Dạng đầy đủ của câu nói đó như sau:

Đàn ông chớ kể Phan Trần,
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

Ý nghĩa của câu nói này là răn đe nam nữ chớ noi gương Phan Trần trong truyện thơ Phan Trần và Thúy Kiều trong Truyện Kiều, làm những điều trái với lễ giáo phong kiến. Các nhà Nho bảo thủ cho rằng Thúy Kiều là một cô gái hư vì đã dám coi thường chuẩn mực đạo đức phong kiến. Đạo đức ấy quy định người phụ nữ phải đoan chính, phải giữ chữ trinh làm đầu. Trong khi luân lí quy định nam nữ thụ thụ bất thân, vậy mà Thúy Kiều lại dám: Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang gặp Kim Trọng để thổ lộ lòng mình. Đã thế, trong quãng đời mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều phải trải qua: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, hết gá nghĩa với Thúc Sinh lại kết duyên vợ chồng với Từ Hải. Chính những điều ấy khiến các nhà Nho thủ cựu phê phán Thúy Kiều mà không cần tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân.

Chúng ta thấy họ đã sai lầm và phiến diện khi đánh giá Thúy Kiều và Truyện Kiều vì Thúy Kiều là người con gái đáng thương và đáng trân trọng. Nàng không chỉ tài sắc vẹn toàn mà còn có phẩm hạnh cao quý hiếm thấy. Trong tình yêu với Kim Trọng, Thúy Kiều là người tình tuyệt vời. Nàng đã dám vượt qua những trói buộc hà khắc của lễ giáo phong kiến để chủ động đi tìm hạnh phúc. Điều đó thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu mãnh liệt. Hành động của Thúy Kiều thật đáng yêu, đáng phục. Thử hỏi các cô gái ngày nay mấy người dám suy nghĩ và hành động mạnh dạn như nàng? Không ngồi chờ số phận, không chấp nhận quy định: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của lễ giáo phong kiến cổ hủ, đó là sự dũng cảm, tiến bộ của Thúy Kiều.

Chúng ta hãy trở lại với mối tình khá đặc biệt của lứa đôi Kim Trọng, Thúy Kiều, một trong những nguyên nhân dẫn đến quan niệm cực đoan trên. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì hai người đã bị ‘‘tiếng sét ái tình” đánh trúng ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ trong một buổi chiều của tiết Thanh minh, để rồi Người quốc sắc kẻ thiên tài, Tình trong như đã mặt ngoài còn e. Sau lúc chia tay, hình bóng Kim Trọng đã in đậm trong trái tim đa cảm của Thúy Kiều khiến nàng thao thức, băn khoăn suốt canh thâu: Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không ? Tình yêu chân thành, mãnh liệt đã thôi thúc nàng Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang tâm sự với chàng Kim. Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường, cử chỉ hăm hở và mạnh bạo của Thúy Kiều đã gây ngạc nhiên đến sững sờ cùng với phản ứng dữ dội của những người vốn coi trọng luân thường đạo lí Nho giáo. Họ không thể chấp nhận một tiểu thư khuê các như Thúy Kiều mà lại có tư tưởng tự do, tình yêu tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo và sợ rằng nàng sẽ là gương xấu cho nữ giới. Đó cũng là điều dễ hiểu dưới thời phong kiến.

Thúy Kiều đã tự tìm đến với người yêu, với tình yêu. Tuy chủ động tìm đến với Kim Trọng nhưng Thúy Kiều luôn giữ sự đoan trang, đúng mực. Trong đêm thề nguyền đính ước, khi Kim Trọng: Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi thì Thúy Kiều đã tế nhị, nhẹ nhàng khuyên nhủ:

Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Phải tuồng trên bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi!

Thúy Kiều không làm gì sai trái với đạo đức mà nàng chỉ không tuân theo những ràng buộc phi lí, cổ hủ của chế độ phong kiến mà thôi.

Nếu nhìn nhận và đánh giá tình yêu Kim Trọng – Thúy Kiều theo quan niệm của thời nay thì chúng ta thấy rằng đó là một tình yêu hồn nhiên, trong sáng. Nó không bị chi phối, không vướng bận bởi bất cứ một toan tính vật chất nào mà thuần là tiếng nói của hai trái tim, hai tâm hồn hòa hợp. Cho nên nó nhanh chóng trở thành lời thề nguyền vàng đá trăm năm. Tình yêu ấy dù dang dở nhưng nó vẫn ám ảnh mọi suy nghĩ, cảm xúc của Thúy Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc: Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương với thân phận tủi nhục: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. Mỗi lần chìm đắm trong đau khổ, Thúy Kiều đều nghĩ tới Kim Trọng với một tình cảm xót xa, nuối tiếc: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Như vậy là tình yêu và phẩm giá của Thúy Kiều rất xứng đáng với hai câu thơ ca ngợi của Nguyễn Du: Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Hay như nhận xét của Chu Mạnh Trinh, một nhà Nho tiến bộ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX vốn rất mê hình tượng Thúy Kiều thì: Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.

Đối với cha mẹ, Thúy Kiều là người con hiếu thảo hiếm có. Sau lời vu oan của một thằng bán tơ nào đó, gia đình nàng tan tác. Thúy Kiều đành phải ngậm ngùi gác mối tình đầu trong sáng, thiết tha với Kim Trọng rồi quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy ba trăm lạng vàng chuộc cha và em ra khỏi chốn ngục tù : Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Hành động bán mình chuộc cha của Thúy Kiều khiến người đọc cảm phục và thương xót.

Sau khi bước chân lên cỗ xe định mệnh: Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay, Thúy Kiều đã dấn thân vào kiếp đoạn trường. Suốt mười lăm năm lưu lạc, nàng luôn bị những thế lực đen tối vùi dập xuống bùn nhơ. Mấy lần nàng cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi đêm tối của số phận nhưng lại càng bị nhấn chìm sâu hơn nữa. Làm sao chúng ta có thể trách một người con gái liễu yếu đào tơ như Thúy Kiều?! Có trách là trách cái xã hội vạn ác đã nhẫn tâm chà đạp lên số phận của người phụ nữ đáng thương ấy.

Để thoát khỏi kiếp kĩ nữ tủi nhục chốn lầu xanh nhơ nhớp, Thúy Kiều đành chấp nhận làm lẽ Thúc Sinh. Cuộc hôn nhân tạm bợ này kéo dài chưa được bao lâu thì nàng bị vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư bắt cóc về nhà làm con ở, đày đọa cất đầu chẳng lên, đang đêm phải bỏ trốn khỏi Quan Âm Các. Thoát chốn hang hùm, Thúy Kiều lại rơi vào ổ rắn. Lần thứ hai, Thúy Kiều bị Bạc Bà, Bạc Hạnh lừa bán vào lầu xanh. Đau đớn và tuyệt vọng, nàng đã thốt lên những lời bất bình, uất hận:

Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!
Tiếc thay nước đã đánh phèn,
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!

Từ Hải yêu vì sắc trọng vì tài nên đã bỏ tiền chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh và cưới nàng làm vợ. Chàng còn giúp nàng thỏa ước nguyện đền ơn, báo oán, gột rửa bao tủi hờn chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Sống sung sướng, đầy đủ bên người anh hùng hiểu mình, thương mình hết lòng nhưng Thúy Kiều vẫn không quên tình cũ, người xưa:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Xã hội trọng nam khinh nữ quan niệm rằng: Trai năm thê bảy thiếp, Gái chính chuyên chỉ có một chồng, cho nên các nhà Nho căn cứ vào đó để kết tội Thúy Kiều là: đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm mà không xem xét kĩ để tìm ra nguyên nhân nào đã đẩy nàng vào tình cảnh éo le, trớ trêu ấy.

Có lẽ chỉ có Nguyễn Du là người thấu hiểu và đồng cảm nhiều nhất với nỗi đau khổ của Thúy Kiều, để từ đó đưa ra lời nhận xét khái quát thấm đẫm cảm xúc chua xót, đắng cay:

Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!

Nguyễn Du đã hoàn lương chiêu tuyết cho Thúy Kiều bằng những câu thơ thể hiện thái độ yêu mến và trân trọng:

Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay…
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa…

Thúy Kiều không chỉ đáng thương mà còn đáng quý. Đọc Truyện Kiều, chúng ta thông cảm với nỗi đau khổ và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của người con gái tài sắc ấy.

Câu: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều không chỉ nhận xét sai lầm về nhân vật Thúy Kiều mà còn là nhận định không đúng về Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi cho rằng đây là “dâm thư”, không nên đọc. Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học dân tộc, đỉnh cao của thơ ca tiếng Việt, bởi vậy khi đánh giá Truyện Kiều, chúng ta cần phải có thái độ khách quan, đúng đắn.

Đọc Truyện Kiều, chúng ta thấy được sự tàn ác của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ. Một người con gái tài sắc, hiếu nghĩa đủ đường như Thúy Kiều mà lại bị coi như một món hàng vô tri vô giác: Thoắt mua về, thoắt bán đi, Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi. Cuộc đời Thúy Kiều trầm luân, khổ nhục cũng vì những thế lực đen tối trong xã hội vạn ác. Ma lực của đồng tiền khiến những kẻ bất lương nhẫn tâm đẩy Thúy Kiều từ tình cảnh đau thương này tới tình cảnh đau thương khác. Hơn ở bất cứ đâu, bức tranh về một xã hội nhiễu nhương, đảo điên, thối nát được phản ánh rất rõ trong Truyện Kiều. Nguyễn Du đã ngậm ngùi thốt lên:

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Truyện Kiều còn đạt tới đỉnh cao của giá trị nhân đạo bởi nó là tiếng kêu đứt ruột về số phận của một người con gái tài sắc vẹn toàn, lẽ ra phải được sống trong tình yêu và hạnh phúc thì lại phải chịu toàn là khổ nhục, đớn đau.

Về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều đạt tới đỉnh cao của văn chương, đặc biệt là nghệ thuật thơ ca tiếng Việt. Nguyễn Du thành công xuất sắc trên nhiều phương diện như tả cảnh, tả người, thể hiện tâm lí nhân vật… Với Truyện Kiều, Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào của dân tộc Việt Nam.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 235
Trình bày ý kiến về quan niệm Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng