(2 đề) Đọc hiểu Áo tết có đáp án
Đọc hiểu văn bản Áo Tết
Áo tết là một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc tư được in trong tập truyện Bánh trái mùa xưa. Qua văn bản Áo tết, tác giả muốn gửi gắm thông điệp về sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ với mọi người cũng như phải biết trân trọng tình bạn. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số đề đọc hiểu văn bản Áo Tết có đáp án sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm.
Trắc nghiệm Áo tết
Đọc truyện ngắn sau:
Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho:
- Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi.
Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó.
Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con bé Em thích con Bích vì nó hiền, với lại ngồi kế nhau từ lớp một tới lớp năm, làm sao mà không thân cho được. Hôm hai mươi sáu, học buổi cuối năm, hai đứa nôn Tết quá trời nên tính trước, nếu mùng một con bé Em đi về ngoại thì mùng hai hai đứa đi tới nhà cô giáo. Bây giờ con bé Em tính trong đầu, tới bữa đó chắc nhiều bạn nữa, cho nên nó sẽ mặc cái áo đầm mới thắt nơ, bâu viền kim tuyến cho tụi bạn lé con mắt luôn.
Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi xách cặn cho heo. Bé Em muốn khoe liền nhưng bày đặt nói gièm:
- Còn mấy ngày nữa Tết rồi hen, mầy có đồ mới chưa?
- Có, má tao đưa vải cho cô Ba thợ cắt rồi, má tao nói gần Tết đồ nhiều, dồn đống, chắc tới hai mươi tám mới lấy được.
- Vậy mầy được mấy bộ?
- Có một bộ hà.
Con bé Em trợn mắt:
- Ít quá vậy?
- Con Út Mót với Con Út Hết được hai bộ. Tao lớn rồi, nhường cho tụi nó.
- Vậy à?
Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không.
Nhưng rõ ràng là con Bích không quên nó:
- Còn mầy?
- Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng một tới mùng bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn.
- Mầy sướng rồi.
Con Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh hai nó để lại. Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách. Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới. Má nó nói hoài: “Nhà mình nghèo quá hà, ráng vài năm nữa, khá giả rồi má sắm cho”. Con bé Em nhìn con Bích lom lom rồi cúi xuống, trở trở trái bắp nướng:
- Bộ đồ mầy may chắc đẹp lắm, bữa mùng hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen?
Rồi tới mùng một, mùng hai, bé Em lại rủ con Bích đi chơi. Hai đứa mặc đồ hơi giống nhau, chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con bé Em thì mặc áo thun có in hình mèo bự. Cô giáo tụi nó khen:
- Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng.
Hai đứa cười. Lúc đó con bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý bé em. Thiệt đó.
(Áo Tết, Nguyễn Ngọc Tư, in trong Bánh trái mùa xưa, Nxb Văn học)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ ba
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ nhất
D. Ngôi thứ nhất và thứ ba
Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?
A. Điểm nhìn của nhân vật bé Em
B. Điểm nhìn của nhân vật Bích
C. Điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện
D. Cả B và C
Câu 3. Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện?
A. Chỉ có lời nhân vật
B. Chỉ có lời người kể chuyện
C. Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật
D. Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả
Câu 4. Sự kiện đáng chú ý nhất trong truyện ngắn trên là:
A. Bích và bé Em được may đồ Tết
B. Bích và bé Em mặc đồ mới đi chúc Tết cô giáo
C. Bé Em có bốn bộ đồ Tết, trong khi Bích chỉ có một bộ
D. Bé Em cố ý mặc đồ hơi giống bộ đồ của Bích khi đi chúc Tết cô giáo
Câu 5. Phát biểu nào sau đây nói lên nội dung tóm tắt của truyện?
A. Kể về chuyện may đồ Tết của Bích và bé Em và cách hành xử tế nhị của bé Em trong ngày hai đứa mặc đồ mới đi chúc Tết cô giáo.
B. Kể về việc bé Em được may bốn bộ đồ Tết trong khi đó Bích chỉ được mẹ may cho một bộ
C. Kể về việc bé Em đã cố tình mặc đồ hơi giống Bích trong ngày hai đứa mặc áo mới đi thăm cô giáo
D. Kể về cuộc trò chuyện thân mật giữa Bích và bé Em về chuyện may đồ Tết
Câu 6. Việc bé Em quyết định không mặc bộ đầm hồng mà mặc bộ đồ hơi giống bạn của mình khi cùng bạn đi thăm cô giáo cho thấy bé Em là một cô bé như thế nào?
A. Là một cô bé có tâm hồn tinh tế
B. Là một cô bé thích thể hiện
C. Là một cô bé khiêm tốn
D. Là một cô bé giảu lòng nhân ái
Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói lên chủ đề của truyện ngắn trên?
A. Ca ngợi tấm lòng tinh tế, cách hành xử tế nhị của nhân vật bé Em
B. Ca ngợi tình bạn chân thành, cao đẹp của bé Em và Bích
C. Phê phán sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội
D. Cả A và B
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Ở bậc THCS, bạn cũng đã từng được học một truyện ngắn nói về sự đồng cảm, tình yêu thương của những đứa trẻ con nhà giàu đối với những đứa trẻ con nhà nghèo khó. Đó là truyện ngắn nào, của tác giả nào?
Truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" của tác giả Thạch Lam
Câu 9. Bạn rút ra được bài học gì về tình bạn sau khi đọc truyện ngắn trên?
- Cần tinh tế trong đối xử với bạn bè
- Nên đề cao tình cảm chân thành, không nên quan trọng ở vật chất
Câu 10. Từ truyện ngắn trên, bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của sự đồng cảm đối với người khác trong hoàn cảnh khó khăn? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)
Suy nghĩ về ý nghĩa của sự đồng cảm đối với người khác trong hoàn cảnh khó khăn:
- Sự đồng cảm giúp chúng ta có thái độ đối xử chân thành
- Sự động cảm giúp người khác không cảm thấy tự ti, mặc cảm
- Sự đồng cảm giúp duy trì những mối quan hệ tốt đẹp
Đọc hiểu Áo tết - Nguyễn Ngọc Tư
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
A. Tự sự.
B. Miêu tả.
C. Biểu cảm.
D. Nghị luận.
Câu 2: Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất.
B. Ngôi thứ hai.
C. Ngôi thứ ba.
D. Không có ngôi kể.
Câu 3: Câu chuyện kể xoay quanh nhân vật nào?
A. Út Hết.
B. Bích.
C. Bé Em.
D. Bích và bé Em.
Câu 4: Văn bản trên thuộc thể loại:
A. Tiểu thuyết.
B. Truyện ngắn.
C. Truyện dài.
D. Sử thi.
Câu 5: Qua cảm nhận về nhân vật bé Em, hãy cho biết hoàn cảnh gia đình của nhân vật này?
A. Nghèo, khó khăn.
B. Khá giả.
C. Đơn sơ, mộc mạc.
D. Xa hoa.
Câu 6: Tâm trạng của nhân vật bé Em trong lời thoại “Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng Một tới mùng Bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn” là:
A. Sung sướng, vui mừng.
B. Buồn tủi.
C. Đau đớn, xót xa.
D. Vừa vui vừa buồn.
Câu 7: Vì sao “Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không” những bộ quần áo Tết với Bích?
A. Vì bé Em không muốn chia sẻ món quà mà bố mẹ nó đã tặng.
B. Vì bé Em không thích món quà ấy.
C. Vì bé Em không muốn Bích phải suy nghĩ nhiều.
D. Vì bé Em hiểu và thương cho hoàn cảnh của Bích, không muốn bạn mình phải chạnh lòng.
Trả lời câu hỏi:
Câu 8: Anh/Chị hiểu gì về nhan đề của văn bản?
Nhan đề “Áo Tết” gợi chủ đề chính của câu chuyện, đây là những món quà ngày Tết của bé Em và Bích. Tuy khác nhau về số lượng và chất lượng nhưng cả hai đều tìm thấy được ý nghĩa trong mốn quà và tình bạn của mình. Đồng thời, nhan đề cũng gợi sự hấp dẫn, tò mò cho độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ.
Câu 9: Hãy nhận xét về nhân vật Bích trong câu chuyện trên.
Nhân vật Bích trong câu chuyện có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khốn khổ. Tuy nhiên, ở con người này luôn toát lên sự chân thành, tình yêu thương và sự hiểu biết đến đáng trân quý. Đồng thời, ở nhân vật Bích còn có những suy nghĩ, hành động chín chắn, trưởng thành.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Gợi ý cho bạn
-
Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật
-
Từ truyện ngắn Con chó xấu xí bạn suy nghĩ gì về tác hại của thói vô cảm trong cuộc sống
-
Văn bản Chiếu cầu hiền hướng tới đối tượng nào trong xã hội lúc bấy giờ?
-
Đoạn văn (khoảng 8-10 dòng) nói lên suy nghĩ của em về cách ứng xử trong tình yêu
-
Soạn bài Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới ngắn gọn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Ngữ văn 11
Nội dung chính bài Sơn Đoòng – Thế giới chỉ có một là gì?
(Có đáp án) Đọc hiểu Hai đứa trẻ
Viết bài thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm lớp 11 CTST
Đề thi học kì 1 Ngữ văn 11 sách mới (đề chính thức)
Top 7 bài phân tích Đây mùa thu tới hay đặc sắc
(3 mẫu + 3 dàn ý) Phân tích tác phẩm Cô hàng xén