Đề thi học kì 1 Ngữ văn 11 sách mới (đề chính thức)

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 11 sách mới - Nhằm giúp các em có thêm tài liệu tham khảo cho kì thi cuối học kì môn Ngữ văn. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ tổng hợp các mẫu đề thi học kì 1 lớp 11 môn Ngữ văn có đáp án chi tiết. Đây là các đề thi cuối kì 1 môn Ngữ văn 11 chính thức của các tỉnh thành sẽ giúp các em có thêm kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi học kì 1.

1. Đề thi cuối kì 1 Văn 11 Bắc Giang

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BẮC GIANG

(Đề có 01 trang)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC: 2023 - 2024

MÔN: NGỮ VĂN 11 - THPT

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc bài thơ:

CỎ DẠI

Cỏ dại quen nắng mưa

Làm sao mà giết được

Tới mùa nước dâng

Cỏ thường ngập trước

Sau ngày nước rút

Cỏ mọc đầu tiên”

Câu thơ nào trong ý nghĩ vụt lên

Khi tôi bước giữa một vùng cỏ dại

Không nhà cửa, không bóng cây. Tìm lối

Cứ đường hào rẽ cỏ mà đi.

Người dân quân tì súng lắng nghe

Bài hát nói về khu vườn đầy trái

Anh bỗng nghĩ đến một vùng cỏ dại

Nỗi nhớ đầu anh nhớ quê anh

Mảnh đạn bom và chất lân tinh

Đã phá sạch không còn chi nữa

Chỉ có sắt, chỉ còn có lửa

Và cuối cùng còn có đất mà thôi

Thù trong lòng và cây súng trên vai

Cùng đồng đội anh trở về làng cũ

Anh nhận thấy trước tiên là cỏ

Sự sống đầu anh gặp ở quê hương

Có một lần anh tìm đến bà con

Khi xúm xít quanh anh thăm hỏi

Giữa câu chuyện có điều này đau nhói:

- Đất quê mình cỏ đã mọc lên chưa?

Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa

Gần gũi nhất vẫn là cây lúa

Trưa nắng khát ước về vườn quả

Lúc xa nhà nhớ một dáng mây

Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây

Một làn khói, một mùi hương trong gió

Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ

Mọc vô tình trên lối ta đi

Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi

Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

Vĩnh Linh, 1969

(Xuân Quỳnh thơ và đời, NXB Văn hóa, 1998, tr.24-25)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra hình tượng xuyên suốt trong bài thơ trên.

Câu 3. Trong khổ thơ thứ ba, người dân quân có cảm nghĩ gì khi anh lắng nghe bài hát về khu vườn đầy trái?

Câu 4. Bạn hiểu như thế nào về những câu thơ: Mảnh đạn bom và chất lân tinh/ Đã phá sạch không còn chi nữa/ Chỉ có sắt, chỉ còn có lửa/ Và cuối cùng còn có đất mà thôi.?

Câu 5. Người chiến sĩ trong bài thơ có tình cảm như thế nào đối với quê hương của anh?

Câu 6. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong những câu thơ: Lúc xa nhà nhớ một dáng mây/ Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây/ Một làn khói, một mùi hương trong gió.

Câu 7. Nhận xét về hình ảnh ngọn cỏ và cảm xúc, tình cảm của tác giả thể hiện trong những câu thơ: Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ/ Mọc vô tình trên lối ta đi.

Câu 8. Từ hình ảnh ngọn cỏ quen nắng mưa, làm sao mà giết được,bạn hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.

II. Viết (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của bạn về lối sống biết trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống.

----------- Hết ----------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

Họ tên học sinh: ......................................................... Số báo danh………………………

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6,0

1

Thể thơ tự do.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời sai: 0,0 điểm

0,5

2

Hình tượng xuyên suốt đoạn thơ: cỏ/cỏ dại.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời sai: 0,0 điểm

0,5

3

Trong khổ thơ thứ 3, khi lắng nghe bài hát về khu vườn đầy trái, người dân quân bỗng nghĩ đến một vùng cỏ dại và nhớ về quê hương của anh.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời đúng 02 ý: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,25 điểm

0,5

4

Có thể hiểu những câu thơ như sau:

- Những câu thơ là hiện thực khốc liệt của chiến tranh trên mảnh đất quê hương người chiến sĩ dân quân. Nơi quê hương anh, lẫn vào trong đất chỉ còn là sắt và lửa cháy. Đạn bom, chất lân tinh của kẻ thù đã phá sạch, hủy hoại sự sống ở nơi đây.

- Những câu thơ là nỗi xót xa, căm thù của người chiến sĩ khi sự sống của quê hương bị hủy hoại bởi sự tàn ác của kẻ thù xâm lược.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời đúng 02 ý: 1,0 điểm

- Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,5 điểm

(Học sinh có câu trả lời với cách diễn đạt tương đương được điểm tối đa khi đúng ý)

1,0

5

Tình cảm của người chiến sĩ đối với quê hương:

- Yêu quê hương tha thiết.

- Luôn nhớ về quê hương.

- Xót xa khi quê nhà bị tàn phá.

- Đau đáu hướng về sự hồi sinh của quê hương.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời đúng từ 03 - 04 ý: 1,0 điểm

- Học sinh trả lời đúng từ 02 ý: 0,75 điểm

- Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,5 điểm

(Học sinh có câu trả lời với cách diễn đạt tương đương được điểm tối đa khi đúng ý)

1,0

6

- Biện pháp tu từ liệt kê: dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió.

- Tác dụng:

+ Tạo giọng điệu tha thiết, suy tư

+ Gợi lên những hình ảnh quen thuộc của quê hương, những hình ảnh gợi thương gợi nhớ vấn vương lòng người đặc biệt trong hoàn cảnh xa nhà, xa quê.

+ Gợi tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc với quê hương.

Hướng dẫn chấm:

- Chỉ ra được các hình ảnh liệt kê: 0,25 điểm

- Nêu tác dụng:

+ Học sinh nêu được 02- 03 tác dụng: 0,75 điểm.

+ Học sinh nêu được 01 tác dụng: 0,5 điểm.

+ Học sinh không nêu được tác dụng hoặc trả lời không thuyết phục: 0,0 điểm.

1,0

7

Nhận xét về hình ảnh ngọn cỏ và cảm xúc, tình cảm của tác giả

- Hình ảnh ngọn cỏ hiện lên trong câu thơ: bình dị, nhỏ nhoi, dễ bị quên lãng…

- Cảm xúc của tác giả: xót xa trước sự lãng quên, vô tình của con người đối với cỏ dại; nâng niu, trân trọng những ngọn cỏ bé nhỏ, bình dị; gắn bó tha thiết, yêu thương bởi sự gần gũi của cỏ dại với cuộc sống con người…

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời đúng 02 ý: 1,0 điểm.

- Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Học sinh có câu trả lời với cách diễn đạt tương đương được điểm tối đa khi đúng ý; ở ý thứ 02 chỉ cần học sinh nhận xét được 1/3 ý đã cho điểm tối đa)

1,0

8

Học sinh rút ra bài học phù hợp về lẽ sống tích cực. Có thể là:

- Bài học về ý chí, nghị lực.

- Bài học về sự kiên cường.

- Bài học về sự dũng cảm.

- Bài học về sức sống mãnh liệt.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh nêu được bài học phù hợp, diễn đạt thuyết phục, mạch lạc, rõ ý: 0,5 điểm.

- Học sinh nêu được bài học phù hợp nhưng diễn đạt còn chung chung, sáo rỗng, chưa rõ ý: 0,25 điểm.

0,5

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận

Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Lối sống biết trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh xác định đúng vấn đề nghị luận: 0,5 điểm.

- Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,5

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý:

* Giải thích:

- Trân trọng: thái độ nâng niu, coi trọng, điều bình dị: những điều nhỏ bé, giản dị xung quanh cuộc sống mỗi con người.

- Trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống là thái độ coi trọng, nâng niu, trân quý những điều nhỏ bé, giản dị xung quanh cuộc sống mỗi con người.

* Bàn luận:

- Vì sao cần trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống?

+ Cuộc sống là bức tranh muôn màu, là sự tổng hòa của những điều lớn lao và nhỏ bé bình dị, đời thường. Những điều bình dị thuộc về một phần tất yếu của cuộc sống.

+ Mỗi con người chỉ có duy nhất một lần để sống trên cõi đời, bởi vậy cần trân trọng cuộc sống, mà trước hết là những điều nhỏ bé bình dị xung quanh.

- Ý nghĩa của sự trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống

+ Những điều bình dị xung quanh ta có thể là một nhành cây, ngọn cỏ, một ánh mắt thân thương, một nụ cười ấm áp, một cuộc gặp gỡ bạn bè, một bữa cơm gia đình, một câu nói quan tâm,... Đó là những điều rất giản đơn, bình dị mà con người có thể gặp ở bất cứ đâu trong cuộc sống hàng ngày.

+ Những điều nhỏ bé là cơ sở, là nền tảng tạo nên những điều lớn lao (muôn triệu giọt nước tạo nên biển cả, muôn vạn cây xanh tạo nên cánh rừng bạt ngàn, những cử chỉ quan tâm tạo nên tình yêu thương gắn kết, những thành tựu vĩ đại được kiến tạo từ những suy nghĩ, hành động… chi tiết, giản đơn nhất...).

+ Trân trọng những điều bình dị là cách chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với cuộc sống, tạo thêm yêu thương và sự kết nối với cuộc sống đang diễn ra xung quanh, nhìn nhận cuộc đời tích cực, biết mở rộng tâm hồn, đón nhận cảm giác gần gũi, bình yên .…

+ Khi làm được những điều binh dị nhỏ bé, con người thêm tự tin vào bản thân mình; có động lực để vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong mình để vươn tới những điều lớn lao, cao cả. Đó là khi con người được sống ý nghĩa, nhân văn...

* Mở rộng:

- Không trân trọng những điều bình dị xung quanh, thờ ơ với thế giới muôn màu sắc của cuộc sống, chúng ta dần trở nên lạc lõng trong chính cuộc sống của bản thân mình. Xem thường những điều bình dị nhỏ bé, chúng ta dần đánh mất đi giá trị của cuộc sống.

- Phê phán những người quá mải mê chạy theo những gì lớn lao mà quên mất những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày.

- Tuy nhiên, trân trọng những điều bình dị không có nghĩa là bằng lòng với những gì vụn vặt, tầm thường hoặc không bao giờ biết mơ ước tới những điều lớn lao, kì vĩ, có ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống của tất cả mọi người.

* Bài học:

- Nhận thức: cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ. Đừng thờ ơ, cũng đừng vì chạy theo những điều lớn lao mà quên mất những điều bình dị quanh mình.

- Biết tìm niềm vui trên cõi sống ngay từ những gì thân quen, trân trọng những gì nhỏ bé, lấy đó làm cơ sở để thực hiện những ước mơ, khát vọng lớn.

- Làm điều nhỏ bé: Học tập, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội...

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (2,0 điểm - 2,5 điểm).

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (1,0 điểm - 1,75 điểm).

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm - 0,75 điểm).

(Học sinh có thể trình bày quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật)

2,5

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

- Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo.

0,5

Tổng cộng (I + II)

10,0

2. Đề thi cuối kì 1 Văn 11 Đồng Tháp

SỞ GDĐT TỈNH ĐỒNG THÁP

TRƯỜNG THPT LAI VUNG 1

ĐỀ KTĐG CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2023 - 2024

MÔN NGỮ VĂN - LỚP 11

Thời gian làm bài: 90 phút

Ngày kiểm tra: 02/01/2024

(Đề có 2 trang)

Họ tên : ............................................................................... Lớp : .........................

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

KẸO MẦM - Băng Sơn

Mỗi sáng mẹ tôi gỡ tóc bằng cái lược thưa gỗ vàng vàng, thế nào rồi cũng có ít tóc rối. Mẹ vo vo giắt nó lên đòn tay chỗ mái hiên nhà. Rồi chị tôi cũng làm thế, bắt chước mẹ cũng gỡ tóc, vo vo giắt mớ tóc rối lên chỗ ấy.

Thỉnh thoảng trên đường làng có bà cụ rao to: “Ai tóc rối đổi kẹo không?”. Một bên thúng là mảnh chai vỡ, đồng nát, lông vịt, tóc rối,… còn bên kia chỉ có cái niêu đất, đúng hơn là một cái ang, cái liễn đựng một thứ kẹo mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải mê.

Bà cụ lấy kẹo lên bằng chiếc đũa cả, quấn vào đầu que, thật khéo, kẹo cứ lồng khồng, trông rất nhiều, nhưng cho vào miệng nó xẹp lại chỉ còn tí tẹo. Bà cụ đưa kẹo cho chúng tôi, đổi lại nắm tóc rối của bà, của mẹ hay của chị.

Tóc rối bán bà cụ không mua, mua kẹo bà cụ không bán, chỉ đổi thôi. Thế là mỗi lần bà cụ qua ngõ, tôi lại kiễng chân, với tay lên chỗ mái hiên… Mẹ bảo đó là kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả. Nhưng sao nó ngọt thế, hơn cả kẹo bột, kẹo bi.

Mẹ tôi đã mất. Chị tôi đi lấy chồng xa…

Cứ mỗi lần có ai đi qua rao lên: “Ai đổi kẹo”, tôi lại tưởng như thấy mẹ tôi ngồi đầu hè gỡ tóc bằng cái lược gỗ màu vàng vàng, đầu mẹ nghiêng nghiêng, sóng tóc đổ dài một bên vai, và rồi mẹ vuốt cái lược, vo vo nắm tóc, giắt nó lên mái hiên nhà…

Que kẹo mầm tuổi thơ… Mẹ ơi…. Còn có bao giờ con được thấy mẹ ngồi gỡ tóc như thế nữa.

(Kẹo Mầm, Băng Sơn, in trong Ngữ văn 7, tập 1, Nxb Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội, 2017, Tr. 138)

Thí sinh trả lời các câu hỏi sau:

* PHẦN DÀNH CHO HỌC SINH HỆ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Câu 1. Xác định đề tài của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra câu văn nêu đặc điểm của món kẹo mầm?

Câu 3. Chỉ ra được các yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản.

Câu 4. Chỉ ra đặc trưng thể loại của văn bản trên ?

Câu 5. Cái tôi trữ tình của tác giả được thể hiện như thế nào trong văn bản? Qua cái nhìn của tác giả thể hiện điều gì?

Câu 6. Cảm xúc chủ đạo của văn bản là gì? Qua văn bản tác giả thể hiện triết lý nhân sinh như thế nào?

Câu 7. Từ nội dung văn bản, anh/ chị có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của thời thơ ấu? (Viết khoảng 5 – 7 câu).

Câu 8. Anh/Chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?

* PHẦN DÀNH CHO HỌC SINH HỆ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

Câu 1. Xác định đề tài của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra câu văn nêu đặc điểm của món kẹo mầm?

Câu 3. Chỉ ra được các yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản.

Câu 4. Chỉ ra đặc trưng thể loại của văn bản trên ?

Câu 5. Cái tôi trữ tình của tác giả được thể hiện như thế nào trong văn bản? Qua cái nhìn của tác giả thể hiện điều gì?

Câu 6. Cảm xúc chủ đạo của văn bản là gì? Qua văn bản tác giả thể hiện triết lý nhân sinh như thế nào?

Câu 7. Anh/Chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?

Câu 8. Em đồng tình hoặc không đồng tình với quan niệm “cần hoài niệm và trân trọng quá khứ” của văn bản trên?

II. VIẾT (4,0 điểm)

Tất cả thí sinh thực hiện đề bài sau:

Trình bày suy nghĩ của anh chị về ý kiến: “Vào đại học không phải con đường duy nhất”.

--- Hết ---

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

* PHẦN DÀNH CHO HỌC SINH HỆ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Câu

Nội dung

Điểm

1

Đề tài của văn bản: Sự hồi tưởng lại món kẹo mầm tuổi thơ.

0,5

2

“Kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả”.

0,5

3

Đoạn trích có nhiều yếu tố tự sự, chẳng hạn: Mỗi sáng mẹ tôi gỡ tóc bằng cái lược thưa gỗ vàng vàng, thế nào rồi cũng có ít tóc rối. Mẹ vo vo giắt nó lên đòn tay chỗ mái hiên nhà.....

Yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản. “Mẹ bảo đó là kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả. Nhưng sao nó ngọt thế, hơn cả kẹo bột, kẹo bi”.

- Yếu tố trữ tình trong văn bản. Que kẹo mầm tuổi thơ… Mẹ ơi…. Còn có bao giờ con được thấy mẹ ngồi gỡ tóc như thế nữa.

0,75

4

Ngôn ngữ trong tùy bút/tản văn ngoài đặc điểm của chung của ngôn ngữ văn học còn có thêm những nét riêng của thể loại: thấm đượm chất thơ và dấu ấn riêng của tác giả.

0,75

5

- Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản: đó là cái tôi đa cảm khi hồi tưởng về quá khứ tuổi thơ êm đẹp, nhiều kỷ niệm.

- Cái tôi của tác giả thể hiện qua cách nhìn, cách cảm về kỷ niệm tuổi thơ.

0,5

0,5

6

Cảm xúc chủ đạo của văn bản là: Nhớ tiếc quá khứ.

Triết lý nhân sinh: Tuổi thơ là quãng thời gian mà ta được sống trong sự đùm bọc, yêu thương, trong sự ấm áp quây quần của gia đình, vì vậy ta phải biết trân trọng những phút giây hạnh phúc khi được sống cùng gia đình.

0,5

0,5

7

Suy nghĩ về vẻ đẹp của thời thơ ấu:

- Đó là một khoảng thời gian tươi đẹp, khi ta còn hồn nhiên, vô lo vô nghĩ.

- Đó cũng là quãng thời gian mà ta được sống trong sự đùm bọc, yêu thương, trong sự ấm áp quây quần của gia đình.

- Tuổi thơ còn là dưỡng chất để nuôi dưỡng tâm hồn ta, cho ta thêm sức mạnh để đối mặt với những khó khăn khi ta bước vào tuổi trưởng thành.

0,25

0,5

0,25

8

HS rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản: Gợi ý.

- Phải biết yêu thương những người trong gia đình.

- Hãy lưu giữ và trân trọng những kí ức tươi đẹp.

0,5

* PHẦN DÀNH CHO HỌC SINH HỆ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

Câu

Nội dung

Điểm

1

Đề tài của văn bản: Sự hồi tưởng lại món kẹo mầm tuổi thơ.

0,5

2

“Kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả”.

0,5

3

Đoạn trích có nhiều yếu tố tự sự, chẳng hạn: Mỗi sáng mẹ tôi gỡ tóc bằng cái lược thưa gỗ vàng vàng, thế nào rồi cũng có ít tóc rối. Mẹ vo vo giắt nó lên đòn tay chỗ mái hiên nhà.....

Yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản. “Mẹ bảo đó là kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả. Nhưng sao nó ngọt thế, hơn cả kẹo bột, kẹo bi”.

- Yếu tố trữ tình trong văn bản. Que kẹo mầm tuổi thơ… Mẹ ơi…. Còn có bao giờ con được thấy mẹ ngồi gỡ tóc như thế nữa.

0,5

4

Ngôn ngữ trong tùy bút/tản văn ngoài đặc điểm của chung của ngôn ngữ văn học còn có thêm những nét riêng của thể loại: thấm đượm chất thơ và dấu ấn riêng của tác giả.

0,5

5

Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản: đó là cái tôi đa cảm khi hồi tưởng về quá khứ tuổi thơ êm đẹp, nhiều kỷ niệm.

Cái tôi của tác giả thể hiện qua cách nhìn, cách cảm về kỷ niệm tuổi thơ.

0,5

0,5

6

Cảm xúc chủ đạo của văn bản là: Nhớ tiếc quá khứ.

Triết lý nhân sinh: Tuổi thơ là quãng thời gian mà ta được sống trong sự đùm bọc, yêu thương, trong sự ấm áp quây quần của gia đình, vì vậy ta phải biết trân trọng những phút giây hạnh phúc khi được sống cùng gia đình.

0,5

0,5

7

HS có thể rút ra nhiều bài học, chẳng hạn:

- Phải biết yêu thương những người trong gia đình

- Hãy lưu giữ và trân trọng những kí ức tươi đẹp.

0,5

0,5

8

HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình với quan niệm trên nhưng cần lý giải thuyết phục.

0,5

0,5

II. VIẾT (4,0 điểm)

Tất cả thí sinh thực hiện đề bài

Nội dung

Điểm

Đề: Trình bày suy nghĩ của anh chị về ý kiến: “Vào đại học không phải con đường duy nhất”.

4.0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận. Vào đại học không phải con đường duy nhất.

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm.

Triển khai vấn đề thành các luận điểm; thể hiện thái độ, lập trường và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng cụ thể lấy từ thực tiễn cuộc sống.

Sau đây là một hướng gợi ý:

I. Mở bài

- Dẫn dắt vào vấn đề:

- Nêu vấn đề nghị luận: “Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay”.

II. Thân bài

1. Vào đại học là con đường đáng mơ ước, mở ra nhiều cơ hội

- Khi vào đại học, nếu thực sự có năng lực, khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.

- Học đại học sẽ tạo nền tảng kiến thức vững chắc để sau này có thể tiến xa hơn, vận dụng nó vào trong công việc hiệu quả.

2. Nhưng vào đại học không phải con đường tiến thân duy nhất

- Tuy nhiên tấm bằng đại học không phải tấm vé bước vào đời để bạn muốn đến đâu tùy thích, đó chỉ là yếu tố nhỏ góp phần tạo cơ hội cho bạn trong cuộc sống.

- Sự thành công không phụ thuộc hoàn toàn vào thành tích học tập ở đại học mà phụ thuộc vào năng lực thực tế của mỗi người khi bước vào đời.

- Trên thực tế, ở một số ngành, cơ cấu đào tạo chưa căn cứ vào cơ cấu sử dụng nhân lực thực tiễn, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

- Trên thực tế, cuộc sống cũng chính là một trường đại học rộng lớn, dạy cho con người biết nhiều vấn đề thực tiễn, ở đó con người không học thông qua lí thuyết mà qua trải nghiệm.

- Nhiều người đã thực sự thành công mà không cần bước chân vào con đường đại học. (Lấy VD dẫn chứng)

3. Bài học nhận thức

- Cần lựa chọn con đường phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình và điều kiện gia đình.

- Dù học đại học hay đi theo những con đường khác thì luôn phải nỗ lực hết mình với con đường mình đã chọn.

- Không ngừng trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

III. Kết bài

- Nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề.

- Là những người trẻ hãy luôn chủ động và sáng suốt trong sự lựa chọn của mình, hãy luôn làm chủ tương lai của mình.

- Là những người trẻ hãy luôn chủ động và sáng suốt trong sự lựa chọn của mình, hãy luôn làm chủ tương lai của mình.

3.0

d. Sáng tạo

- Có mở bài, kết bài gây ấn tượng.

- Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng hợp lí.

- Diễn đạt rõ ràng, rành mạch.

0.25

đ. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.471
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi