Phân tích tác phẩm Nghèo của Nam Cao hay

Nghèo là một một truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Thông qua tác phẩm, ông đã tái hiện lại một bức tranh hiện thực về tận cùng của sự đói nghèo và số phận của người dân nghèo bị áp bức dưới chế độ phong kiến thối nát. Tác phẩm là bi kịch của những người nghèo túng quẫn trong một xã hội thiếu sự cảm thông. Sau đây là bài văn mẫu phân tích tác phẩm Nghèo của Nam Cao, mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích Nghèo của Nam Cao

Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân tại huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương, gắn bó sâu nặng, ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức. Ông cũng là người sâu sắc, có đời sống nội tâm phong phú. Tác phẩm Nghèo được in trong Tiểu thuyết thứ bảy số 158 Ngày 5-6-1937 với bút danh Thúy Rư Truyện viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945.

Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số mẫu bài văn mẫu phân tích tác phẩm Nghèo của nhà văn Nam cao với đa dạng yêu cầu của đề sẽ giúp các em linh hoạt hơn trong việc lựa  chọn bài mẫu tham khảo để làm bài chuẩn nhất, không bị lạc đề.

Dàn ý phân tích truyện ngắn Nghèo của Nam Cao

A. Mở bài

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả, thể loại): Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc khi phản ánh một cách chân thực về hiện thực xã hội và lên tiếng tố cáo đanh thép với thế lực khiến con người khổ sở.

- Nêu nhận xét chung về tác phẩm: Nghèo là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Nam Cao, sáng tác năm 1937, phản ánh cuộc sống nghèo khổ đến mức bần cùng của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám 1945; đồng thời cũng phác họa được vẻ đẹp tâm hồn của những con người nghèo đói cơ cực nhưng lại giàu tình yêu thương, đức hi sinh.

B. Thân bài

1. Tóm tắt tác phẩm

Nghèo kể về cuộc sống của gia đình anh đĩ Chuột – một gia đình nông dân Việt Nam giai đoạn trước cách mạng tháng Tám. Truyện bắt đầu bằng khung cảnh bữa ăn của ba mẹ con chị Chuột với nồi cháo cám. Anh Chuột ốm đau đã hơn nửa năm nay, chị Chuột phải chạy vạy bán đồ đạc, vay mượn để lo thuốc thang cho chồng. Tuy nghèo đói nhưng gia đình anh chị rất yêu thương và luôn suy nghĩ cho người khác, nhận phần thiệt thòi về mình. Nhà cửa không còn gì, quá đói nên mẹ con chị phải ăn cháo cám. Anh Chuột nghĩ quẩn, không muốn thân bệnh tật ốm yếu của mình là gánh nặng cho vợ con nên quyết định tự tử để vợ con đỡ khổ sở. Cái chết của anh Chuột và sự nghèo đói đến khốn cùng của gia đình anh là lời tố cáo đanh thép với chế độ thực dân nửa phong kiến – thủ phạm đã bóc lột người nông dân đến tận cùng với chế độ sưu cao thuế nặng hà khắc.

2. Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm

2.1. Bi kịch của cuộc sống nghèo đói, bần cùng của người nông dân

*. Cuộc sống nghèo đói và bần cùng của người nông dân thể hiện rõ nhất qua cái đói, qua quang cảnh bữa ăn “chè” của ba mẹ con chị đĩ Chuột, tập trung vào nhân vật thằng cu bé

- Thằng cu bé luôn mồm hỏi mẹ: “Bu ơi con đói” vì nó đói quá rồi, nắm cơm nhỏ từ sáng đã tiêu hóa hết veo trong bụng nó.

- Thằng bé sốt ruột trông chờ “chè” chín thật tội nghiệp: “hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát “chè” màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút. Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó nở hẳn ra như để hít lấy hương vị của khói chè ngon ngọt”. Tác giả đã tập trung vào miêu tả ánh mắt, hành động của đứa trẻ để thấy được sự trông ngóng với đồ ăn, sự đói khát của thằng bé.

- Khi ăn, do quá đói nên “Một miếng vào mồm, nó đã vội nuốt thỏm đi, khen “ngon quá”. Nhưng chưa kịp ăn miếng nữa, nó đã oẹ một cái, mũi đỏ lên, nước mắt ứa ra giàn giụa.” Nhưng trẻ con không biết nói dối, dù đói đến mấy nhưng nó không thể nuốt được cái thứ “chè” đang được ăn.

- Đến lúc “Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại oẹ ra, và khóc oà lên”. Cái thứ “chè” quá khó ăn, nên dù đã cố đến mấy thằng bé vẫn không thể nuốt được.

=> Người đọc theo dõi bữa ăn của ba mẹ con chị đĩ Chuột mà thấy thương cảm, xót xa cho cái nghèo đói của những con người cùng khổ. Hóa ra, mẹ con chị ăn cám nâu chứ không phải là chè. Bữa cơm lắng nghẹn lại, “hai mẹ con lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói”, cái đói khiến người ta phải ăn thức ăn vốn dĩ không phải dành cho con người, quá thương xót!

*. Cuộc sống nghèo đói và bần cùng của người nông dân thể hiện qua ngoại hình của các nhân vật, họ không có có nổi manh áo lành để mặc, trên gương mặt cũng in hằn dấu vết của đói khát, khổ sở

- Cái Gái “lôi thôi lếch thếch trong mấy mảnh giẻ rách tả tơi”, chỉ qua chi tiết cái áo của con bé đã thấy được sự nghèo đói, khốn cùng của những người nông dân thời kì này.

- Chị đĩ Chuột chỉ được miêu tả bằng một chi tiết về ngoại hình, đó là “hai má hõm xanh bùng như người ngã nước” nhưng lại có sức tố cáo lớn lao. Con người vất vả, đói nghèo, cơ cực nên chưa già mà ngoại hình ốm yếu, đói khát, bủng beo.

- Anh đĩ Chuột là người bệnh “đã sáu tháng nay” nên “cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại càng xanh thêm. Mái tóc dài quá xoà xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ dễ sợ của con ma đói”. Ngoại hình của anh đĩ Chuột khiến người ta thật thương xót, sự bệnh tật và yếu ớt từ cái đói nghèo, từ áp lực cuộc sống đã khiến anh bệnh tật, chỉ còn là “cái bộ xương bọc da”

=> Sự nghèo đói, cơ cực, bần cùng của người nông dân hiện lên từ ngoại hình của nhân vật. Tác giả phác họa vài nét về ngoại hình, qua đó ta có thể thấy được sự thiếu thốn, khổ sở, bần cùng của họ.

-> Nguyên nhân của sự nghèo đói bần cùng của gia đình anh đĩ Chuột: vì anh ốm đau đã hơn nửa năm, một phần tiền thuốc thang đã làm gia đình nhỏ khánh kiệt, phải chắt bóp từng hào, bán đồ, vay mượn… những đồng tiền cuối cùng. Người nông dân trong sáng tác của Nam Cao cơ cực, nghèo đói và có cuộc sống khốn khổ đến bần cùng như gia đình anh đĩ Chuột vậy! Họ nghèo đói đến mức ốm đau bệnh tật, nghèo đến mức không có nổi manh áo lành để mặc, nghèo đến mức không có nổi cơm mà ăn, phải ăn cám cho đỡ đói.

-> Hoàn cảnh sống bần cùng, đói khổ của những người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám đã được Nam Cao phản ánh hết sức chân thực qua cảnh sống của gia đình anh Chuột. Sự đói nghèo, khổ sở, cơ cực đó không phải vì người nông dân không chăm chỉ làm lụng mà vì họ bị đàn áp, phải nộp sưu cao thuế nặng, vừa bị xã hội phong kiến với những ông Chánh, ông lí… đè đầu, vừa bị chế độ thực dân đàn áp.

* Cuộc sống nghèo đói bần cùng, khốn khổ của người nông dân khiến họ không còn lối thoát, phải tìm đến cái chết tức tưởi

- Anh đĩ Chuột ốm đau quá lâu không khỏi, sức khỏe ngày càng yếu đi, nghĩ mình đã gây áp lực và thêm gánh nặng cho vợ con nên anh đĩ Chuột đã có quyết định giải thoát cho bản thân, làm vợ con đỡ khổ.

- Anh gắng gượng ngồi dậy, “lấy cái thừng, làm một cái tròng chắc chắn, dùng hết sức tàn còn lại, trèo lên ghế, hai chân khẳng khiu run lẩy bẩy” Sự ốm yếu của thân thể, sự chua xót và bất lực của tâm trí đã khiến anh không còn gượng được nữa, đến sức lực để chết cũng ít ỏi đến đáng thương.

- Anh cố gắng thu chút hơi tàn, “đu vào cái thừng, gục đầu xuống thở.”. Cảm xúc của anh đĩ Chuột lúc này đầy “chua xót, nước mắt giàn ra hai má lõm”. Giọt nước mắt bất lực khiến anh đau đớn, anh “khóc nấc lên một tiếng” và “cả cái thân hình mảnh dẻ bắt đầu rung chuyển như một tàu lá run trước gió”.

- Anh dừng lại nghe ngóng khi nghe có tiếng người ngoài ngõ. Thế nhưng, đau xót là đó lại là tiếng bà huyện đến đòi sáu hào mà vợ anh đã phải van lạy mới mượn được từ hai tháng trước để có tiền thuốc thang cho anh. Không đòi được tiền, bà kiên quyết xiết mẻ gạo đỏ mới đong dù cho mẹ con chị Chuột đã van nài khóc lóc xin khất thư thả. Đây chính là giọt nước tràn li khiến anh Chuột quyết định rời xa thế giới này.

=> Cái chết của anh Chuột là lời tố cáo đanh thép, là tiếng nói lên án chế độ phong kiến thực dân đã đàn áp con người, dồn người nông dân vào bước đường cùng, tước đi quyền sống, tước đi nhân quyền của họ.

=> Gia đình anh Chuột cũng giống như biết bao người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Họ phải chịu đựng một cổ hai tròng, bị đàn áp đến mức không thể đủ ăn dù làm quần quật suốt ngày, phải ăn thức ăn không dành cho người, thậm chí bị dồn đến bước đường cùng, bị tước đoạt mạng sống.

2.2. Vẻ đẹp của nhân cách, tình yêu thương

Tuy nghèo đói, bệnh tật, khổ sở đến cùng cực nhưng gia đình anh đĩ Chuột luôn giành cho nhau sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc.

* Chị đĩ Chuột

- Chị luôn muốn giành những gì tốt nhất của mình cho con: thằng bé con hỏi quá nhiều khiến chị “cáu tiết”, nhưng ngay sau đó, vì thương con nên chị lại cố gắng “dịu dàng” với con, “mắng yêu” con, lo lắng sợ con bị bỏng rồi dỗ dành con để đút chè cám cho con; khi con không ăn thì dỗ dành để “xin cơm của thầy” cho bé.

- Chị nhẹ nhàng với chồng, nhận mọi áp lực về mình để chồng yên tâm dưỡng bệnh. Chị xoay xở đi vay tiền, bán chó, bán chuối… để lo tiền thuốc thang cho gia đình, cho các con.

- Chị nói dối chồng về việc “mẹ con ăn cơm rồi” để chồng không phải lo lắng cho ba mẹ con. Đây là lời nói dối thiện ý, do nghĩ cho bệnh tật và tâm trạng của chồng.

* Con bé Gái

- Tuy còn bé nhưng đã “làm quần quật từ sáng” mà không có gì trong bụng

- Khi phát hiện ra là phải ăn chè cám, nó cũng lẳng lặng ăn cùng mẹ, chia sẻ với mẹ mà không hề khó chịu, ấm ức; vì nó hiểu được hoàn cảnh gia đình mình và biết yêu thương bố mẹ.

* Anh đĩ Chuột

- Anh biết vợ và con ăn chè cám nên đã chủ động nói vợ lấy cơm cho mẹ con ăn.

- Anh nói dối vợ về tình hình sức khỏe của mình vì lo vợ không có tiền để cắt thuốc cho mình nữa.

- Anh dặn vợ đong gạo đỏ vì “gạo trắng ăn nhạt miệng”, chứ thực ra anh mong vợ con được ăn cơm, mong mình không phải là gánh nặng cho vợ con nữa.

- Anh tìm đến cái chết để giảm bớt gánh nặng cho vợ và con, vì anh biết bản thân mình bệnh tật dai dẳng không khá lên được sẽ chỉ khiến vợ con anh thêm khổ sở.

=> Những con người nhỏ bé, nghèo đói đến bần cùng nhưng luôn yêu thương, chăm sóc và suy nghĩ cho nhau, mong muốn bản thân mình nhận thiệt thòi để những người thân yêu được nhẹ bớt áp lực. Họ cùng chia sẻ với nhau sự đói nghèo, khốn khổ và bên nhau để vượt qua những tháng ngày khốn khó ấy.

3. Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc

- Nam Cao là một nhà văn hiện thực phê phán điển hình, xuất sắc. Chính vì thế, ông rất chú trọng vào việc xây dựng nhân vật từ đó làm nổi bật lên dụng ý nghệ thuật của tác phẩm.

- Truyện ngắn Nghèo thể hiện rõ phong cách nghệ thuật và tài năng của Nam Cao. Các nhân vật chỉ được phác họa qua vài nét tiêu biểu (về ngoại hình hoặc lời nói, cử chỉ, diễn biến tâm lí) nhưng có thể làm nổi bật được tính cách, phẩm chất nhân vật:

+ Chị đĩ Chuột: tìm đủ mọi cách chăm lo thuốc thang cho chồng, yêu thương chồng hết mực, chấp nhận ăn cám để nhường cơm cho chồng, nói dối chồng là xoay sở được tiền để chồng yên tâm uống thuốc.

+ Anh đĩ Chuột: vài nét miêu tả ngoại hình nhân vật để thấy được sự khốn cùng, bệnh tật. Nghĩ đến vợ con, không muốn vợ con nặng gánh vì sự bệnh tật ốm yếu của mình nên chấp nhận đi tìm cái chết.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc khiến các nhân vật được khắc họa một cách rõ nét, thể hiện được dụng ý nghệ thuật của nhà văn và truyền tải thông điệp nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc một cách rõ nét nhất.

3.2. Tình huống truyện éo le

- Tác giả đã lựa chọn và sử dụng những tình huống truyện éo le để làm nổi bật lên nội dung tác phẩm:

+ Tình huống ba mẹ con phải ăn cháo cám vì quá đói: sự đối lập giữa mong chờ món “chè” ngọt ngon và hiện thực là bát cháo cám bứ nghẹn ở cổ

+ Tình huống anh đĩ Chuột phải tìm đến cái chết để giải thoát cho hoàn cảnh khốn cùng của gia đình mình.

- Tình huống truyện phản ánh rõ nét nhất cuộc sống nghèo nàn, cơ cực đến cùng cực của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945; gợi lên trong lòng người đọc sự thương cảm, xót xa vô cùng.

- Tình huống truyện còn góp phần khắc họa được phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam, tuy nghèo khó khốn cùng nhưng vẫn yêu thương và luôn nghĩ đến nhau: chị đĩ Chuột thì thương chồng ốm bệnh, thương các con đói khát nên phải ăn cháo cám. Anh đĩ Chuột thương ba mẹ con khổ sở, không muốn tiếp tục là gánh nặng nên chọn cái chết cho mình.

3.3. Đặc điểm ngôn ngữ của tác phẩm

- Ngôn ngữ đời thường, ngắn gọn, chân thực: cách gọi tên nhân vật anh đĩ Chuột, chị đĩ Chuột, cái Gái rất dân dã, mang đậm hơi thở cuộc sống. Cách nói chuyện mang đậm hơi thở khẩu ngữ “Chín chả chín thì đừng, bắc mẹ nó ra cho chúng mày ăn không có chúng mày làm tội cũng chết. Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo” hay lời xuýt xoa “Úi chà! Tíu tít như con mẹ dại ấy”… của chị đĩ Chuột như kéo người đọc trở lại với làng quê Việt Nam trước năm 1945.

- Hệ thống câu ngắn, câu đơn, đi vào trọng tâm vấn đề; rất ít hoặc hầu như không có các câu dài lan man hoặc miêu tả - đây là đặc điểm nổi bật của phong cách Nam Cao, được thể hiện rất rõ trong tác phẩm.

C. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm: Nghèo là một truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nam Cao. Với tài năng nghệ thuật thiên bẩm, tác giả đã khắc họa một cách chân thực đến phũ phàng về sự khốn cùng của người nông dân, khám phá vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu dưới sự nghèo đói cơ cực ấy; đồng thời lên tiếng tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã bóc lột họ đến tận cùng.

- Liên hệ bản thân: Đọc truyện, em thấy thương cảm, xót xa vô cùng trước cái chết tức tưởi của nhân vật, trước sự khổ sở của những người nông dân bị đàn áp, bị bóc lột đến tàn tệ. Em càng thấy cảm phục tài năng và tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn.

Dàn ý nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Nghèo của Nam Cao

Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, và nêu ý kiến chung của người viết.

Thân bài

Tập trung phân tích nội dung và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.

- Khái quát tác phẩm

+ Tác phẩm Nghèo: In trong Tiểu thuyết thứ bảy số 158 Ngày 5-6-1937 với bút danh Thúy Rư. Truyện viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945.

- Phân tích nội dung:

+ Truyện vẽ lên hình ảnh của những người nông dân bị đói đến cùng cực, chịu áp bức dưới chế độ TD phong kiến

+ Phản ánh nối khổ của gia đình anh Chuột khiến anh rơi vào cảnh cùng đường, tuyệt vọng, phải tìm đến cái chết.

+ Số phận của người nông dân, đồng thời lên án bọn thực dân phong kiến tàn ác đã đẩy số phận người nông dân vào cảnh lầm than.

Phân tích tác dụng một số nét đặc sắc về nghệ thuật+ Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện: Người chồng, người cha rơi vào bước đường cùng, phải lựa chọn cái chết để không trở thành gánh nặng cho vợ con.

+ Ngôi kể thứ 3: Người kể chuyện đứng ngoài thuật lại một cách chân thực, khách quan.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua ngôn ngữ, hành động và diễn biến tâm trạng. Nghệ thuật miêu tả phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo

+ Giọng điệu tưởng chừng dửng dưng, lạnh lùng và đầy chua chát nhưng ẩn sâu bên trong là một trái tim ấm nóng tình người.

Đánh giá lại vấn đề , liên hệ , mở rộng:

Kết bài

Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.

Phân tích, đánh giá nội dung nghệ thuật truyện ngắn Nghèo của Nam Cao

Trong dòng văn học hiện thực Việt Nam, Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc tiêu biểu. Các tác phẩm của ông đều phản ánh hầu hết cuộc sống của nhiều tầng lớp khác nhau. Nét đặc trưng có sức lôi cuốn mạnh nhất trong tài năng và phong cách của Nam Cao là chất trữ tình ấm áp, lan truyền, thấm đậm hầu hết các trang viết của ông. Một số tác phẩm viết về cuộc sống tăm tối thê thảm của người nông dân đương thời có lẽ phải nhắc đến tác phẩm Nghèo.

Từ trước đến nay, chủ đề và cốt truyện trong các tác phẩm của Nam Cao đều giản đơn và nhẹ nhàng, nếu các nhà văn cùng thời với ông đều viết nên những tình tiết li kì, kịch tính thì Nam Cao đã chọn cho mình một lối đi riêng. Cũng viết về cái đói, cái nghèo của những người dân thấp cổ bé họng trong xã hội ngày xưa, nhưng trong tác phẩm không chỉ miêu tả cái đói đơn thuần mà còn ẩn sâu là những đức tính của con người, của xã hội và đồng thời còn bộc lộ thái độ, tình cảm của chính tác giả với số phận con người lúc bấy giờ.

Ta biết được rằng cái đói đã tràn vào trong những tác phẩm thời bấy giờ, ta nhớ đến Lão Hạc phải chọn cái chết, ta nhớ chị Dậu phải bán con, ta nhớ đến cô thị vì bốn bát bánh đúc mà phải theo một người đàn ông xa lạ về nhà, có thể thấy cái đói nó kinh khủng như thế nào. Mở đầu tác phẩm là câu nói “Bu ơi con đói…” sao mà xót xa đến thế, vọng lại sau đó là tiếng quát của chị Đĩ Chuột “Đã bảo là hết cơm rồi…” một gam màu đen tối bao trùm lên toàn bộ tác phẩm, gam màu của cái đói, cái nghèo bủa vây không lối thoát, đưa người nông dân vào bước đường cùng.

Hàng loạt chi tiết khắc hoạ cái đói “Hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát chè màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút” hay “há hốc mồm ra như con chim đợi mẹ mớm mồi”, dù chị Chuột nghèo khổ, nhưng dù sao chị cũng là một người mẹ, chị thương con hơn bao giờ hết và sẵn sàng làm mọi thứ vì con. Nhưng trong tình huống bây giờ, chị Chuột cũng đành bất lực, chị đầu hàng trước cái đói thê thảm “Chị lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như con người ngã nước”, chị bảo thằng bé con chờ đến khi chè chín. Người đọc tưởng rằng có lẽ cái đói lúc bấy giờ đã được “giải quyết”, chị sẽ cho thằng bé một bữa ăn thật ngon, thế nhưng một lần nữa người đọc “vỡ oà” khi nhận ra mấy bát chè màu nâu đục đang bốc khói nghi ngút thì lại nhận ra đó không phải chè mà là cám nâu.

Sự trông chờ của đứa con, sau đó là sự thất vọng khi nhận ra đó không phải là chè, những lời nói hồn nhiên và ngây thơ của trẻ con như cứa một nhát dao vào trái tim người làm mẹ “À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nâu mà bu bảo chè!”. Chi tiết này vô cùng đắt giá bởi vì nó đã làm bật lên hoàn cảnh đáng thương, nghèo khổ, vất vả và đói khát của gia đình chị Chuột, cũng như là tấm lòng làm mẹ của chị, chị không nỡ nói cho con biết sự thật rằng nhà mình không có chè, chị vẫn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa con của mình, thật đáng buồn làm sao!

Cái đói làm ta nhớ đến những câu thơ của Bàng Bá Lân trong bài thơ Đói:

“Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương

Những thây ma thất thểu đầy đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói”

Hiện thực tàn nhẫn đã phá hoại đi tuổi thơ, ước mơ của những đứa trẻ, không dùng nhiều dòng miêu tả trực tiếp nhưng lại chạm đến tận sâu bên trong trái tim người đọc. Nam Cao đã đi sâu vào miêu tả và phân tích thế giới nội tâm nhân vật, lựa chọn một chủ đề đặc biệt, dù không mới nhưng lại mới dưới góc nhìn của Nam Cao, đồng thời là sự tài ba trong việc xây dựng tính cách các nhân vật, bộc lộ được những tâm tư tình cảm.

Có thể thấy qua tác phẩm Nghèo của nhà văn Nam Cao, người đọc càng hiểu thêm về số phận của người nông dân, đồng thời lên án bọn thực dân phong kiến tàn ác đã đẩy số phận người nông dân vào cảnh lầm than. Thông qua đó, ta cảm nhận được sự tài tình trong cách lựa chọn chủ đề và nhân vật của Nam Cao đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Phân tích Nghèo của Nam Cao

Đại văn hào Anderen đã từng nói rằng: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra". Hiện thực cuộc sống được xem là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy, bức tranh hiện thực cuộc sống, con người trong đoạn trích: "Nghèo" của Nam Cao gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng độc giả. Truyện không chỉ là bức tranh tái hiện lại chân thực, đầy đủ chân đường cùng của những người nông dân trước cách mạng tháng 8 mà ở đây là gia đình chị Đĩ Chuột, đó còn là lời tố cáo, phê phán hiện thực xã hội, đồng thời cũng là sự cảm thông, xót thương của Nam Cao với nỗi khổ của con người.

Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm: "Nghèo" -Nam Cao. Truyện hướng tới ngòi bút của những người nông dân thấp cổ bé họng, bị chèn ép, dồn đến đường cùng bởi cái đói trước cách mạng-đây có thể coi là một đề tài không mới, được hầu hết các nhà văn hiện thực khai thác. Nhưng ở Nam Cao có cái gì đó khiến người đọc trăn trở, day dứt mãi không thôi. Phải chăng, chính vì vậy Nam Cao được coi là nhà văn của nghệ thuật vị nhân sinh?

Mở đầu câu chuyện là một câu nói đầy quen thuộc, ám ảnh của làng quê nông thôn trước cách mạng tháng 8: "Bu ơi con đói..". Vẫn là lời than thở ấy khi đây là: "Lần thứ mười, thằng cu bé chạy về đòi ăn" và vẫn là lời quát của chị Đĩ Chuột với đứa con: "Đã bảo hết cơm rồi, tí nữa ché chún thì ăn chè mà". Khung cảnh tưởng chừng bình thường được Nam Cao khắc họa lại là một bức tranh gam màu tối về cái nghèo-cụ thể là cái đói. Liệu rằng, ngay từ nhan đề của tác phẩm, tác giả đã hé lộ ra chuỗi bi kịch của gia đình chị Đĩ Chuột nói riêng và người nông dân Việt Nam thuở ấy nói chung? "Cái nghèo" quen thuộc đến nỗi chính Nam Cao phải tự đặt "Nghèo" cho chính tác phẩm của mình.

Sau hàng loạt những lời than đói của thằng cu và lời mắng của chị, "thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nhăn nhó, bịu xịu như muốn khóc". Thấy đứa con của mình như vậy, chị Đĩ Chuột tuy là một người nông dân nghèo khổ nhưng chị cũng là một người mẹ thương con: "Chị Đĩ Chuột thương hại dịu dàng bảo: Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về ăn.. chóng ngoan rồi bu thương". Cốt truyện trong Nam Cao cứ đơn giản như thế, chỉ là những lời đối thoại bình thường, không kịch tính như cốt truyện của nhà văn cùng thời khác nhưng lại gây hấp dẫn, tò mò sự khám phá của độc giả. Bức tranh hiện thực về cái nghèo một lần nữa được Nam Cao tái hiện: "Nó không nhúc nhích, mà nó còn nhúc nhích làm sao được: Một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đánh phèo một cái rồi". Nghèo đến nỗi chỉ có: "Lấy một cái vỏ trai múc vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung". Có thể nói, cái nghèo đã kéo xuống tận cùng khi mọi thứ phù phiếm chỉ là hư vô trong con mắt của những con người bất lực trước cái đói. Đáng thương thay khi tuổi thơ đứa trẻ vốn được hồn nhiên vui chơi, học hành thì khi con người ta đã quá khổ vì không đủ miếng ăn, nó liệu rằng chỉ là một giấc mơ không tồn tại trong trí óc non nớt của chúng? Đặt bàn cân lên giữa miếng ăn với cái học hành thì phải chăng kết quả ai cũng biết chắc chắn?

"Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo" -tiếng kêu của cái đói, cái nghèo lặp lại hai lần trong truyện nhưng đó cũng là "tiếng kêu" thực trạng chung của người nông dân trước cách mạng tháng tám, nó đau đớn đến nỗi mà "tư tưởng" ấy đã xuất hiện hàng loạt trong các tác phẩm của các nhà văn. Hàng loạt các chi tiết: "Hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát chè màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút"; "Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó nở hẳn ra"; "há hốc mồm ra như con chim đợi mẹ mớm mồm" -có thể thấy miếng ăn lúc ấy nó xa vời đến dường nào. Cái "miếng ăn" ấy đã khiến Lão Hạc phải tự kết thúc cuộc đời mình với bả chó, khiến Chí Phèo trở thành con quỷ của làng Vũ Đại, khiến chị Dậu phải nuốt nước mắt vào trong để bán đứa con mới 7 tuổi. Dường như, ranh giới giữa "Miếng ăn" và bản tính con người gần như hơn bao giờ hết. Đâu đây, ta vẫn ám ảnh câu nói: "Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện." (Chí Phèo-Nam Cao)

Bi kịch đến tột điểm của cảm xúc khi: "Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại ọe ra và khóc òa lên". Chị Đĩ Chuột thương con nhưng bất lực trước số phận, cái nghèo, cái đói: "Chị lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như con người ngã nước". Và rồi, "món chè" mà chị nói chỉ là cám nâu. Số phận của chị Đĩ Chuột và biết bao nhân vật khác trong Nam Cao đều đen tối, đen tối đến mức muốn chớp một tia hy vọng nhưng cũng không có, cái khoảnh khắc này của chị giống chị Dậu cuối truyện khi chạy ra bầu trời tối đen trong "Tắt đèn" -nó tối đen như cái tiền đồ chị Dậu vậy? Liệu rằng, chính Nam Cao chưa tìm ra cách giải thoát cho số phận nhân vật mình cũng như chính bản thân ông? Quả là: "Đau đớn thay cho những kiếp sống muốn bay cao nhưng lại bị cơm áo gạo tiền ghì sát đất"

Nam Cao có quan điểm nghệ thuật của mình: "Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật phải là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than" Phải chăng, vì vậy mà truyện ngắn của ông luôn mang đậm phong cách dấu ấn?

Với cách lựa chọn đề tài, chủ đề không mới-viết về nỗi khổ của người nông dân đương thời qua những thứ nhỏ nhặt, xoàng xĩnh: "Cái đói" nhưng đằng sau những con chữ tưởng chừng như tủn mủn ấy là cả một trữ lượng khổng lồ về con người, nhân tính và xã hội.

Nếu các nhà văn cùng thời rất tập trung xây dựng cốt truyện với nhiều tình tiết hấp dẫn, linh hoạt, biến cố tạo sự kịch tính cho truyện thì cốt truyện của ông có vẻ khiêm tốn hơn, dường như không cần đến sự tổ chức, sắp xếp. Với đoạn trích trên, thay vì chỉ chú ý vào cốt truyện, Nam Cao tập trung xây dựng trên cơ sở miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm nhân vật, thể hiện cuộc sống tự nhiên, chân thực với những cái hằng ngày, bình thường. "Nghèo" đem đến cốt truyện không mới, ta từng bắt gặp cái cảnh vì nghèo đói mà phải ăn cháo cám như "Vợ nhặt" của Kim Lân, cũng từng bắt gặp cái cảnh vì nghèo đói mà phải bán đứa con của mình trong "Tắt đèn"

Nam Cao có thể coi là một bậc thầy truyện ngắn với nghệ thuật miêu tả phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo đạt trình thượng thừa. Ông miêu tả cái cảnh "đói nheo" giữa những lời đối thoại với chị Đĩ Chuột, rồi cuối cùng là sự bất lực tột cùng, cao trào của cảm xúc: "Chị Đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt.." Cây bút ấy luôn thể hiện nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. Dường như chủ nghĩa tâm lý đã trở thành một ý thức nghệ thuật thấm nhuần trong sáng tác của Nam Cao, tạo nên một đặc điểm nghệ thuật nổi bật đem đến cho sáng tác của ông một sức hấp dẫn to lớn. Nam Cao không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà còn đi sâu vào miêu tả, phân tích thế giới nội tâm nhân vật, thể hiện tư tưởng của tác phẩm.

Giọng điệu Nam Cao tưởng chừng có sắc thái đối lập nhau. Rõ ràng, ở Nam Cao có cái gì đó rát giống với Lỗ Tấn, tưởng chừng dửng dưng, lạnh lùng và đầy chua chát nhưng ẩn sâu bên trong là một trái tim ấm nóng tình người.

"Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen". Trong giấy trắng mực đen ấy của Nam Cao, bức tranh về một xã hội phong kiến thối nát đã được tái hiện một cách chân thực, đầy đủ nhất với nỗi khổ tận cùng của người nông dân qua đoạn trích "Nghèo". Nam Cao quả là đã "khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa ai có".

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
74 120.395
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm