Ví dụ về các giai đoạn áp dụng pháp luật

Bạn đọc hãy cùng Hoatieu.vn lý giải về Giai đoạn áp dụng pháp luật là gì? Quy trình áp dụng pháp luật quy định như thế nào và nêu ví dụ về các giai đoạn áp dụng pháp luật? trong bài viết dưới đây nhé.

1. Áp dụng pháp luật là gì?

Trước khi tìm hiểu về các giai đoạn áp dụng pháp luật, chúng ta cần hiểu Áp dụng pháp luật là gì?

Áp dụng pháp luật là một trong các hình thức của thực hiện pháp luật. Trong đó, cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền áp dụng các quy định của pháp luật vào xử lý, giải quyết một trường hợp cụ thể nào đó, yêu cầu người bị áp dụng pháp luật phải nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng pháp luật cũng chịu sự chi phối của quy định pháp luật, tức là họ chỉ được áp dụng pháp luật trong phạm vi thẩm quyền cho phép.

Hoạt động này mang tính quyền lực nhà nước, do đó kết quả của hoạt động áp dụng pháp luật sẽ có ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng pháp luật.

Bạn đọc tìm hiểu thêm Khái niệm áp dụng pháp luật để biết thêm chi tiết.

Ví dụ về áp dụng pháp luật:

Ví dụ 1: Do mâu thuẫn không thể giải quyết, hai vợ chồng ông X và bà Y quyết định đệ đơn lên tòa án xin ly hôn. Trường hợp này xảy ra các tình huống áp dụng pháp luật như sau:

- Tổ hòa giải địa phương tiến hành hòa giải mâu thuẫn giữa ông X và bà Y nhằm mục đích giúp 2 vợ chồng hóa giải hiểu lầm, rút đơn ly hôn, cùng xây dựng gia đình hòa hợp. => Tổ hòa giải áp dụng quy định pháp luật về Luật hòa giải cơ sở năm 2013 nhằm khuyến khích 2 vợ chồng ông X bà Y giải quyết mẫu thuẫn nội bộ, không nên ly hôn.

- Khi mâu thuẫn không được giải quyết, ông X và bà Y vẫn quyết định ly hôn. Tòa án địa phương ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa Ông X và Bà Y => Tòa án áp dụng các quy định của pháp luật về ly hôn để giải quyết vấn đề giữa ông X, bà Y.

Ví dụ 2: Cơ sở kinh doanh A có hành vi làm hàng giả, buôn bán, nhập lậu hàng hóa không có giấy tờ, không kiểm định, không rõ nguồn gốc. Khi bị cơ quan quản lý thị trường điều tra, cơ sở A không xuất trình được giấy tờ cũng như bằng chứng chứng minh hàng hóa của mình có nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan quản lý thị trường lập biên bản xử phạt cơ sở kinh doanh A và tịch thu toàn bộ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc về tiêu hủy => Cơ quan quản lý thị trường áp dụng quy định pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm.

2. Các giai đoạn áp dụng pháp luật là gì?

Tìm hiểu thêm: Đặc điểm của áp dụng pháp luật

Thực tế, có rất vụ việc liên quan đến án hình sự, dân sự và hành chính từ đơn giản đến phức tạp, đôi khi, với một số án dân sự và hành chính còn chưa có quy định cụ thể trong luật, hoặc những vụ việc phức tạp diễn ra trong thời gian dài, bao gồm nhiều chủ thể tham gia. Do đó, rất cần tính chính xác của hoạt động áp dụng pháp luật từ cơ quan, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng pháp luật.

Các giai đoạn áp dụng pháp luật
Các giai đoạn áp dụng pháp luật

Nhìn chung, quy trình áp dụng pháp luật có thể chia thành 4 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1: phân tích, đánh giá đúng, chính xác các tình tiết của sự việc thực tế đã xảy ra

Đây là giai đoạn đầu rất quan trọng, có tính chất bản lề, là cơ sở cho các hoạt động tiếp theo. Để có thể áp dụng pháp luật đúng đắn, đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải thu thập thông tin đầy đủ, chính xác về vụ việc thực tế đã xảy ra, đánh giá khách quan, toàn diện và đầy đủ các tình tiết của vụ việc, xác định đúng bản chất, đặc trưng pháp lí của vụ việc.

- Giai đoạn 2: Lựa chọn quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc đưa ra các quyết định áp dụng pháp luật :

+ Về nguyên tắc phải chọn quy phạm pháp luật còn hiệu lực và sát thực với nội dung sự kiện. Tiếp đó phân tích nội dung quy phạm đã chọn.

+ Nếu có những quy định chồng chéo, trùng lặp thì phải dựa vào giá trị pháp lí hay hiệu lực theo thời gian của văn bản để lựa chọn cho chính xác.

+ Trên thực tế, việc lựa chọn quy phạm có thể xảy ra các khả năng sau:

  • Có một quy phạm pháp luật phù hợp, đáp ứng giải quyết vụ việc => Đơn giản, thuận lợi.
  • Có 2 hay nhiều quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh quan hệ đó nhưng cách giải quyết khác nhau => Quy định chồng chéo, trùng lặp thì có thể lựa chọn quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và được ban hành sau.
  • Không có quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật với sự kiện đó => Áp dụng pháp luật tương tự.

- Giai đoạn 3: Ra quyết định áp dụng pháp luật - Giai đoạn phản ánh kết quả thực tế quá trình áp dụng pháp luật.

+ Ở bước này, cơ quan có thẩm quyền cụ thể hóa quy định nêu trong văn bản quy phạm pháp luật thành quyết định cụ thể, áp dụng cho đối tượng bị áp dụng pháp luật.

+ Nội dung của quyết định áp dụng pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người được (bị) áp dụng pháp luật. Ra quyết định áp dụng là hoạt động thể hiện rất rõ trình độ và sáng tạo của chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật.

+ Quyết định áp dụng pháp luật phải đáp ứng yêu cầu sau:

  • Phải được ban hành hợp pháp (đúng thẩm quyền, có cơ sở pháp luật);
  • Phải có tính khả thi (phù hợp với điều kiện thực tế).

+ Quyết định áp dụng pháp luật được thể hiện dưới hình thức văn bản được gọi là văn bản áp dụng pháp luật. Đặc điểm cơ bản của văn bản áp dụng pháp luật là:

  • Do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành.
  • Trình tự thủ tục, hình thức, tên gọi văn bản áp dụng pháp luật và được pháp luật quy định.
  • Chứa đụng quy tắc xử sự cá biệt, cụ thể.
  • Được thực hiện một lần đối với chủ thể có liên quan.
  • Đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp nhà nước.

- Giai đoạn 4: Tổ chức thực hiện quyết định áp dụng pháp luật

+ Đây là giai đoạn cuối của quy trình áp dụng pháp luật. Tùy thuộc vào từng trường hợp, để thực hiện quyết định áp dụng pháp luật cần có sự chuẩn bị về thời gian, nhân lực, điều kiện vật chất...

+ Quyết định áp dụng pháp luật đòi hỏi người được (bị) áp dụng pháp luật phải nghiêm chỉnh chấp hành.

+ Trong quá trình thực hiện quyết định áp dụng pháp luật cần phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo quyết định được thực hiện nghiêm túc.

3. Ví dụ các giai đoạn áp dụng pháp luật

Đọc thêm: Liên hệ thực tiễn áp dụng pháp luật 

CSGT áp dụng quy định pháp luật để xử phạt hành vi vi phạm luật an toàn giao thông, bao gồm các bước sau:

- Bước 1: CSGT xác định và đánh giá mức độ hành vi vi phạm đã xảy ra. Ví dụ người điều khiển giao thông vi phạm một hoặc nhiều lỗi sau: vượt đèn đỏ, đi xe không gương chiếu hậu, lấn làn đường, đỗ xe không đúng nơi quy định, vượt quá tốc độ...

Đồng thời, thu thập bằng chứng chứng minh người tham gia giao thông có hành vi vi phạm. Bằng chứng có thể là: video ghi lại từ camera giám sát, súng bắn tốc độ,...

- Bước 2: Dựa trên mức độ vi phạm của người tham gia giao thông có gây hậu quả nghiêm trọng hay không, CSGT xác định quy định phù hợp trong quy phạm pháp luật để lập biên bản xử phạt. Cụ thể như:

+ Phóng nhanh vượt ẩu, đi vào đường ưu tiên, vượt đèn đỏ, lấn làn, không xi nhan khi chuyển làn, không bật đèn xe trong khung giờ quy định... => Phạt hành chính hoặc tước giấy phép lái xe.

+ Gây tai nạn khiến người khác thương tổn về sức khỏe, tài sản => Tước giấy phép lái xe, khởi tố hình sự...

- Bước 3: Ra quyết định áp dụng pháp luật

Sau khi xác định rõ người tham gia giao thông vi phạm như thế nào và những quy định pháp luật có thể được áp dụng, cơ quan cảnh sát có quyền ra quyết định xử phạt hoặc khởi tố người vi phạm.

- Bước 4: Tổ chức thực hiện quyết định áp dụng pháp luật

Đối với lỗi phạt về vi phạm luật an toàn giao thông, chia ra 2 trường hợp:

+ Trường hợp người vi phạm mắc lỗi sai nhỏ, có thể nộp phạt hành chính và rời đi.

+ Trường hợp mắc lỗi gây ra hậu quả nghiêm trọng: người lái xe có thể bị thu giữ xe, bằng lái xe hoặc bị khởi tố hình sự.

  • Trong trường hợp bị thu giữ xe, sau thời gian chấp hành hình phạt, người lái xe có thể đến Phòng CSGT nơi thu giữ phương tiện của mình để làm thủ tục nhận lại xe và giấy tờ xe.
  • Trường hợp lái xe gây tai nạn bị khởi tố, theo quyết định của Tòa án, lái xe sẽ phải bồi thường một khoản tiền theo pháp luật quy định đối với người bị thiệt hại, đồng thời chịu án tù trong khoảng thời gian theo quy định pháp luật.

Ví dụ 2: Tranh chấp vụ việc hợp đồng mua bán tài sản:

Gia đình anh S kinh doanh dịch vụ cửa hàng vật liệu xây dựng. Anh T là khách hàng đến cửa hàng anh S mua xi măng, sắt théo với tổng số tiền trên 30 triệu đồng. Khi mua hàng, anh T có ký giấy nợ và hẹn trả số tiền trên trong vòng 10 ngày. Anh T mới cọc cho anh S 5 triệu đồng, còn nợ trên 25 triệu đồng. Tuy nhiên, qua 10 ngày anh T vẫn không trả tiền cho anh S, qua nhiều lần khất nợ, anh S quyết định khởi kiện anh T, đề nghị Tòa án buộc anh T phải thanh toán số nợ trên.

- Bước 1: Tòa án xác định mối quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ kiện là "Hợp đồng mua bán tài sản". Thu thập bằng chứng là giấy nợ có chữ ký của anh T khi mua hàng.

- Bước 2: Tòa án xác định vụ việc giải quyết dựa trên các quy định pháp luật của Luật Dân sự. Anh T có nghĩa vụ phải trợ nợ cho anh S khi vay quá hạn.

- Bước 3: Tòa án ra quyết định yêu cầu anh T phải trả nợ cho anh S trong thời hạn quy định. Nếu không trả, Tòa án sẽ xử phạt anh T theo quy định của Bộ luật hình sự. Theo quy định của Bộ Luật hình sự, người vay nợ không trả nợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, phạt tiền đến 100 triệu.

- Bước 4: Quyết định của Tòa án được giao cho cơ quan thi hành án dân sự tiến hành và kiểm tra việc thực hiện.

Trên đây là một số lý giải của Hoatieu.vn về các giai đoạn áp dụng pháp luật và ví dụ cụ thể. Mời bạn đọc theo dõi các nội dung hữu ích khác tại mục Hỏi đáp pháp luật nhé. 

Đánh giá bài viết
1 1.462
0 Bình luận
Sắp xếp theo