Liên hệ thực tiễn áp dụng pháp luật năm 2024

Thực trạng áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Liên hệ thực tiễn áp dụng pháp luật ra sao? Áp dụng pháp luật là gì? là những câu hỏi sẽ được Hoatieu.vn làm rõ trong bài viết sau đây.

Ở bất kỳ quốc gia nào, con người cũng cần sống và làm việc theo pháp luật. Pháp luật do con người tạo ra, là công cụ để quản lý xã hội. Sau khi được ban hành, pháp luật sẽ được các chủ thể thực hiện nghiêm túc. Việc áp dụng pháp luật không chỉ thể hiện quyền lợi của người dân (người bị áp dụng pháp luật), mà còn thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của chủ thể tiến hành áp dụng pháp luật (cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Và chính cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật cũng phải tuân theo pháp luật, không được thực hiện những hành vi bị pháp luật cấm. Trong bài viết dưới đây, Hoatieu.vn xin gửi đến bạn đọc khái niệm về áp dụng pháp luật và thực trạng áp dụng pháp luật hiện nay.

1. Áp dụng pháp luật là gì?

1.1. Khái niệm áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là một trong các hoạt động thực hiện pháp luật mang tính tổ chức quyền lực nhà nước, được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách hoặc tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền, nhằm cá biệt hóa quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể, đối với cá nhân, tổ chức cụ thể.

Nói cách khác, đó là hành vi của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền hay một tổ chức được giao quyền, căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết một trường hợp cụ thể. Tức là, cá nhân, tổ chức thực hiện pháp luật với sự tham gia, can thiệp của nhà nước.

Ví dụ 1: Vụ việc cụ thể với người được thi hành án A và người phải thi hành án B ở cùng thôn. Bên B đã có hành vi lấn chiếm đất của bên A, xây tường bao trên phần đất của bên A với diện tích lấn chiếm là 1.37m2. Sau nhiều lần hòa giải không thành công, cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế bên B phải phá dỡ bức tường lấn chiếm đất bên A. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan thi hành án đã áp dụng những quy định của pháp luật về luật thi hành án dân sự và quy định trong hiến pháp, buộc bên B phải chấp hành quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bên A.

1.2. Áp dụng pháp luật trong trường hợp nào?

Các trường hợp áp dụng pháp luật cụ thể như sau:

  • Khi các bên xảy ra tranh chấp mà không thể tự hòa giải, phải nhờ cơ quan nhà nước (tổ chức xã hội) có thẩm quyền giải quyết.
  • Khi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể không mặc nhiên phát sinh nếu thiếu sự can thiệp của Nhà nước.
  • Khi cần áp dụng chế tài pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật.
  • Khi nhà nước thấy cần kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể quan hệ pháp luật hoặc để xác định sự tồn tại hay không tồn tại của sự kiện thực tế có ý nghĩa pháp lí như xác nhận di chúc, xác nhận văn bằng, chứng chỉ, hợp đồng viết tay, chữ kí của người có thẩm quyền…

1.3. Đặc điểm của áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật có những đặc điểm gồm:

- Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tỉnh quyền lực nhà nước:

+ Chỉ có cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền mới có thể tiến hành việc áp dụng pháp luật.

+ Các quy định của pháp luật là cơ sở để cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền hoặc tổ chức chính trị - xã hội được nhà nước trao quyền tiến hành áp dụng pháp luật.

+ Thông qua áp dụng pháp luật, ý chí nhà nước được thể hiện một cách cụ thể trong các trường hợp cụ thể.

+ Quyết định áp dụng pháp luật có ý nghĩa bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng pháp luật và chủ thể khác có liên quan. Khi cần thiết, quyết định này được đảm bảo bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước.

- Áp dụng pháp luật được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định => Nhằm đảm bảo quyển và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức được (bị) áp dụng pháp luật, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của luật pháp.

- Áp dụng pháp luật là hoạt động cá biệt hoá quy phạm pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.

Áp dụng pháp luật là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế, cụ thể trên cơ sở các quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, nó được đặt ra không phải dành cho một cá nhân, tổ chức cụ thể, cá biệt mà là dành cho một nhóm (loại) đối tượng nhất định. Mặt khác, cách xử sự được nêu ra trong quy phạm pháp luật trong nhiều trường họp cũng không cố định. Khi áp dụng pháp luật, chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật, đưa ra cách xử sự cụ thể đối với chủ thể được (bị) áp dụng pháp luật, xác định cho họ được làm gì, không được làm gì, phải làm gì, làm như thế nào... một cách rất cụ thể.

- Áp dụng pháp luật là hoạt động có tính sáng tạo.

+ Các vụ việc cụ thể xảy ra trong cuộc sống hết sức đa dạng và phức tạp, trong khi đó pháp luật thường không mô tả tỉ mỉ từng tình tiết của sự việc, ngược lại nó thường chỉ dự liệu những điều kiện, hoàn cảnh có tính chất phổ biến, điển hình. Do vậy, khi áp dụng pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải nghiên cứu kĩ vụ việc, so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng sao cho đúng người, đúng sự việc, đúng mức độ, đúng quan điểm, tư tưởng mà quy phạm pháp luật đã nêu.

+ Bên cạnh đó, trong thực tế, nhiều trường họp xảy ra những vụ việc đòi hỏi cơ quan, nhà chức trách có thẩm quyền phải giải quyết nhung không có quy định của pháp luật để áp dụng. Tất cả những trường hợp đó đều đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền phải có ý thức pháp luật cao, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng thời phải linh hoạt, sáng tạo để giải quyết các vụ việc đã xảy ra trong thực tế cuộc sống một cách đúng đắn.

=> Như vậy, áp dụng pháp luật là hoạt động do các chủ thể có thẩm quyền (cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội được trao quyền) tiến hành nhằm cá biệt hóa quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cá nhân, tổ chức trong các trường hợp cụ thể.

Ví dụ 2: Trường hợp ông A và bà B là hai anh em ruột cùng sống trên phần đất chung của bố mẹ ruột để lại. Trước đó, bố ông A và bà B đã quyết định chia đôi mảnh đất để chia cho 2 anh em dựng nhà ở. Tuy nhiên, chưa kịp làm giấy tờ thì bố ông A bà B mất. Ông A bà B quyết định tự chia đất với nhau, nhưng ông A đòi phần diện tích nhiều hơn vì cho rằng mình có nghĩa vụ thờ phụng bố mẹ, tổ tiên, còn bà B đã lấy chồng, phận gái không liên quan. Ông A nêu lý do muốn chia đất phần hơn để xây nhà thờ riêng. Bà B không đồng ý vì cho rằng con nào cũng là con, hơn nữa trước khi mất, bố ông bà đã nói chia đều 50-50. Sau khi hòa giải tại địa phương không thành công, 2 ông bà đâm đơn kiện nhau ra tòa phân xử.

Trường hợp này, tòa án quyết định phân xử chia đều phần đất cho ông A và bà B, không ai hơn ai theo đúng quy định pháp luật về thừa kế. => Tòa án áp dụng pháp luật về luật thừa kế để ra quyết định bản án vụ việc của ông A, bà B.

Tuy nhiên, sau khi có quyết định của tòa án, ông A bà B vẫn tị nạnh không ai nhường ai. Lúc này, cơ quan thi hành án dân sự với nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành án theo Bản án, Quyết định của Tòa án đã cử các chấp hành viên dày dạn kinh nghiệm thuyết phục 2 bên, phân tích đúng lý hợp tình với ông A bà B. Ông A bà B đã chấp thuận làm hòa và làm theo quyết định của Tòa án. => Cơ quan thi hành án dân sự áp dụng pháp luật về luật hòa giải, luật thừa kế và bằng nghiệp vụ chuyên môn, đã giúp 2 anh em ông A bà B hòa thuận và chấp hành đúng phân xử của Tòa án, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa phương và giúp người dân hiểu đúng, làm đúng các quy định của pháp luật.

Ví dụ 3: Anh T đi xe máy gặp đèn đỏ và dừng trước vạch kẻ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, anh vẫn bị CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ xe kiểm tra và bị phạt vì lỗi dừng xe sai làn đường. Anh T đã được chiến sỹ CSGT giải thích rõ ràng về làn đường anh dừng xe có kẻ mũi tên rẽ phải, tức là cho phép các xe được rẽ phải khi có đèn đỏ. Anh T muốn đi thẳng thì phải dừng đèn đỏ ở phần làn đường phía ngoài, nhường chỗ cho xe rẽ phải. => Trường hợp này, CSGT đã áp dụng luật an toàn giao thông đường bộ và các thông tư, chỉ thị liên quan khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh T tham gia giao thông sai làn đường.

2. Thực trạng áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Hiểu đơn giản từ khái niệm đã nêu ở phần 1 trong bài viết, áp dụng pháp luật là một trong các hình thức của thực hiện pháp luật. Trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các quy định pháp luật, yêu cầu cá nhân, tổ chức phải nghiêm chỉnh thực hiện. Đồng thời, bản thân cơ quan nhà nước cũng phải chịu sự chi phối của pháp luật, chỉ được thực hiện nhiệm vụ, chức trách theo đúng quyền hạn của mình khi giải quyết vụ việc cụ thể nào đó.

Việc áp dụng pháp luật cụ thể được thể hiện trong nhiều lĩnh vực như:

  • Lĩnh vực dân sự: Trong lĩnh vực dân sự có vô vàn những vụ việc xảy ra mà quy định pháp luật chưa quy định cụ thể; đòi hỏi hệ thống pháp luật dân sự của Nhà nước ta ngày một hoàn thiện hơn, phù hợp với cuộc sống thực tế.
  • Lĩnh vực hình sự: Trong lĩnh vực này yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng đúng luật, xác định đúng lỗi của người phạm tội để ra quyết định đúng đắn, tránh gây hậu quả tiêu cực khi định không đúng tội, không đảm bảo tính công bằng, công minh, đúng pháp luật của hình phạt, giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.
  • Lĩnh vực hành chính: Các hoạt động áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này được thực hiện thường xuyên, liên tục ở mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, đây là một hình thức quản lý quan trọng do rất nhiều chủ thể có thẩm quyền thực hiện trong quản lý hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, trong thực tiễn của hoạt động xử phạt, không ít trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử phạt đã vi phạm các yêu cầu của hoạt động xử phạt. Đó là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính cũng còn những “kẽ hở” để các chủ thể có thẩm quyền thực hiện hành vi tiêu cực. Thủ tục xét xử còn rườm rà, dễ tạo kẽ hở cho người có thẩm quyền để thực hiện hành vi tiêu cực, như ở một số thủ tục hành chính còn cồng kềnh, còn nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thành thủ tục, gây khó khăn
cho người dân lẫn doanh nghiệp. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều hành đất nước bằng pháp luật, một số lĩnh vực xã hội chưa được pháp luật điều chỉnh phù hợp. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng... không có tính ổn định, thường xuyên thay đổi... Ngoài ra, ý thức pháp luật của cán bộ có thẩm quyền áp dụng pháp luật và người dân ở một số nơi còn chưa cao. Đây là một trong những bất cập khiến nền hành chính của nước ta vẫn còn rối, gây khó khăn khi xây dựng nhà nước pháp quyền.

Ví dụ 4: Vụ việc thi hành án làm sai, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Cụ thể vụ việc: Ông H có nghĩa vụ trả hơn 8 tỉ đồng cho Ngân hàng ......................... Khi tiến hành kê biên tài sản thì chấp hành viên, thẩm định viên đã không xác minh, thẩm định đúng quy định dẫn đến định giá tài sản thấp, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho ông H. Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự đã tiến hành bán đấu giá phần tài sản cuả ông H và bà Y là người trúng đấu trá với số tiền gần 6 tỷ đồng.

Trong trường hợp này, ông H có quyền khởi kiện cơ quan thi hành án vì đã làm thiệt hại, thất thoát tài sản của mình. Tuy nhiên, Tòa án sẽ chỉ xử lý tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, chứ không phải toàn bộ quá trình thi hành án. Việc hủy hay không hủy kết quả đấu giá cũng phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba (là bà Y khi đã bỏ tiền ra mua phần tài sản của ông H được cơ quan thi hành án bán đấu giá).

Trên đây là dẫn giải của Hoatieu.vn về Áp dụng pháp luật là gì? Thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay ở nước ta và một số ví dụ cụ thể đến bạn đọc. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các nội dung hữu ích khác tại mục Hỏi đáp pháp luật nhé.

Đánh giá bài viết
1 583
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm