So sánh tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghita của Lorca
So sánh, đánh giá Độc tiểu thanh kí và Đàn ghita của Lorca
So sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ về tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghita của Lorca là một trong số các đề tài gợi ý trang 56 sách giáo khoa Ngữ văn 12 Kết nối tri thức tập 1 bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ. Sau đây là bài văn mẫu so sánh tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghita của Lorca sẽ là gợi ý bổ ích cho các em khi làm dạng bài viết này.
1. Dàn ý tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca
I. Mở bài
Giới thiệu chung: Nêu khái quát về hai bài thơ: "Độc Tiểu Thanh Kí" (Nguyễn Du) và "Đàn ghi ta của Lorca" (Thanh Thảo).
Đề cập đến khái niệm "tiếng nói tri âm" trong văn học.
Đưa ra câu hỏi vấn đề: Làm thế nào mà hai bài thơ, dù viết về những hoàn cảnh, thời đại khác nhau, lại có thể gửi gắm những tiếng nói tri âm sâu sắc đến vậy?
=> Qua việc phân tích hai bài thơ, ta sẽ thấy được tiếng nói tri âm được thể hiện qua sự đồng cảm sâu sắc với số phận con người tài hoa bạc mệnh, qua nỗi niềm hoài cổ về quá khứ và khát vọng tự do, và qua sự trân trọng giá trị nghệ thuật.
II. Thân bài
2.1 Điểm giống nhau:
+ Sự đồng cảm với số phận con người tài hoa bạc mệnh:
Tiểu Thanh và Lorca đều là những nhân vật tài hoa nhưng lại chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời.
Cả hai tác giả đều bày tỏ sự xót thương, đồng cảm sâu sắc trước số phận bi kịch của họ.
+ Nỗi niềm hoài cổ về quá khứ và khát vọng tự do:
Nguyễn Du hoài cổ về một thời quá khứ huy hoàng, còn Thanh Thảo lại hướng về cuộc đời và sự nghiệp của Lorca, một nhà thơ đấu tranh cho tự do.
Cả hai tác giả đều thể hiện khát vọng về một cuộc sống tự do, hạnh phúc.
+ Sự trân trọng giá trị nghệ thuật:
Nguyễn Du ca ngợi tài năng thơ ca của Tiểu Thanh.
Thanh Thảo tôn vinh nghệ thuật của Lorca, đặc biệt là tiếng đàn ghi ta.
2.2 Điểm khác nhau:
+ Hoàn cảnh sáng tác:
+ "Độc Tiểu Thanh Kí" được viết trong bối cảnh xã hội phong kiến, còn "Đàn ghi ta của Lorca" ra đời trong thời kỳ chiến tranh.
+ Hình thức nghệ thuật: Mỗi bài thơ có những đặc trưng nghệ thuật riêng, thể hiện phong cách của từng tác giả.
+ Cách thể hiện tình cảm:Nguyễn Du thể hiện tình cảm một cách kín đáo, sâu lắng, còn Thanh Thảo lại trực tiếp, bộc lộ.
III. Kết bài
Khái quát lại những điểm chính:
Nhấn mạnh sự đồng điệu trong tiếng nói tri âm của hai tác giả.
Khẳng định giá trị của hai bài thơ.
Mở rộng:
Tiếng nói tri âm trong văn học có ý nghĩa như thế nào đối với người đọc?
Liên hệ với những bài thơ khác có cùng chủ đề.
2. So sánh, đánh giá Tiếng nói tri âm trong Độc Tiểu Thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca
Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du và Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo) là những tiếng lòng của thế hệ sau, từ phương trời khác trước những nỗi niềm tâm sự, những bi kịch của người xưa. Điều đáng nói ở chỗ, sức sống của ba thi phẩm không vì lòng ngưỡng mộ cảm phục hay lời tán tụng hoan ca, mà bởi Nguyễn Du, Thanh Thảo đã làm sống dậy những thế giới tâm hồn, hiện hữu những bi kịch cuộc đời, bi kịch nội tâm một cách tinh tế, sâu sắc mà sống động như trải nghiệm hiện tại của chính mình, khơi dậy sự đông cảm từ sâu thẳm tâm hồn người đọc với không phải một mà là hai cõi hồn, và nhiều hơn thế nữa...
Thơ ca là xúc cảm mang tính chủ quan, và như vậy thơ mang tính cá nhân, cá thể. Nhưng không phải thơ chỉ thể hiện những gì thuộc về tình cảm cá nhân riêng biệt bởi cảm xúc của bất kì ai cũng mang những nét rất chung của loài người. Với những tài thơ, những nhà thơ lớn, điều khiến cho sự nghiệp thơ ca của họ vượt qua được thử thách của không gian, thời gian bao giờ cũng bởi tiếng nói nhân văn cao đẹp, bởi tiếng lòng trong thơ đã làm rung động được tâm hồn của những thế hệ sau, ở những nền văn hóa khác. Nàng Tiểu Thanh, Gacxia Lorca là những tài thơ như thế, họ đã tìm được tiếng nói tri âm từ thế hệ sau là Nguyễn Du, Thanh Thảo. Và tiếng nói tri âm từ thế hệ sau đã làm sống dậy không chỉ một trời thơ mà cả một cõi hồn, đã góp phần làm tiếng nói của yêu thương, khát vọng trở nên bất tử, những bi kịch trở nên day dứt và đầy ám ảnh.
Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) và Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo) là tiếng nói thấu hiểu những bi kịch của tiên nhân, đã tái hiện những bi kịch ấy một cách sâu sắc và đớn đau như sự trải nghiệm của chính mình. Từ đó, các nhà thơ đã thể hiện thái độ cảm thông, xót xa trước những số phận đầy oan nghiệt, bi phẫn trước thời đại và xã hội đã vùi dập khát vọng chính đáng và cao đẹp của con người. Đồng thời, Nguyễn Du, Thanh Thảo đã nói lên tình cảm trân trọng trước cái đẹp, tài năng, trước những tấm lòng. Một lần nữa, tiếng nói nhân văn lại được vút cao.
Độc Tiểu Thanh kí và Đàn Ghita của Lorca đã thể hiện những trăn trở đầy tính nhân văn về tình người, tình đời, về khát vọng lí tưởng sống cao đẹp của Nguyễn Du, Thanh Thảo. Ta gặp trong hai thi phẩm tiếng nói đồng vọng của những tâm hồn mà điểm gặp gỡ chính là tâm sự nặng lòng vì nhân thể, thiết tha đau đáu trước cái tài, cõi tình và những số phận. Đó chính là tinh thần nhân văn cao cả bởi chỉ tinh thần đó mới đủ sức mạnh để vượt qua được mọi giới hạn về không gian, thời gian, thậm chí cả những khác biệt về văn hóa để có thể chung hòa và cộng hưởng để tinh thần bất tử ấy vút cao trong thơ. Ta gặp trong mỗi bài thơ hai tâm hồn đang giao hòa và tỏa sáng.
Qua đó, người đọc nhận thấy hiện diện trong hai tác phẩm là niềm đồng cảm sâu sắc, niềm tiếc thương day dứt, đớn đau, phẫn uất, bất bình cho cái Đẹp bị huỷ diệt, đầy đoạ, dập vùi. Sự nâng niu, trân trọng cái Đẹp, khẳng định sức sống của cái Đẹp, gắn với khát vọng bất tử hoá cái Đẹp, hướng con người tới những tình cảm nhân văn cao đẹp, đặt ra những câu hỏi lớn lao cho thời đại, là tiếng nói cất lên từ thời đại nhưng còn đọng lại và có tầm nhân loại….
Điểm khác biệt của hai tác phẩm có thể kể đến nội dung cảm xúc và nghệ thuật. Trong Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du thương cho kiếp hồng nhan, phong lưu bạc mệnh, tài tử đa cùng. Mạch thơ đi từ thương người sang thương đời, thương mình. Bài thơ đan xen biết bao cảm xúc (thương cảm, xót xa, phẫn uất, thất vọng, khắc khoải…). Tác phẩm là thơ chữ Hán theo thể thơ Đường luật cổ điển. Nhà thơ nói bằng nghệ thuật đối, bằng những câu hỏi tu từ như xoáy vào hồn người, bằng cách xưng tên da diết khắc khoải, bằng giọng thơ trang trọng mà tràn đầy cảm xúc yêu thương…
Với bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, Thanh Thảo thương xót cho cuộc đời người chiến sĩ-nghệ sĩ. Mạch cảm xúc làm cho bài thơ kết cấu giống như một bản giao hưởng về cuộc đời Lor-ca. Nhà thơ xây dựng hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, sử dụng thể thể thơ tự do theo khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực mới mẻ giầu chất nhạc, chất hoạ…
Qua điểm gặp gỡ và những sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du và Thanh Thảo nói riêng trong hai thi phẩm thấy được ý nghĩa của sáng tạo văn chương, thấy được vai trò, nhiệm vụ của nhà văn, của độc giả trong quá trình sáng tạo và thưởng thức văn chương. Đó là sự gặp gỡ và nét khác biệt với những sáng tạo độc đáo, thú vị làm nên sự phong phú, giàu có kì diệu của văn học. Điểm tương đồng làm nên tính tập trung, thống nhất của văn học, làm cho mọi người có thể hiểu nhau, đồng cảm với nhau qua văn học (bất chấp khoảng cách về không gian, thời gian). Điểm khác biệt độc đáo sẽ làm tiến trình văn học ngày một dài hơn, kho tàng văn học nhân loại giàu có hơn; đời sống tinh thần con người sẽ phong phú hơn và người nghệ sĩ ghi được tên tuổi của mình trong dòng đời nước chảy.
3. Nghị luận tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca
Mỗi cá thể người giữa bể nhân sinh như một ốc đảo cô đơn. Trong hành trình sống, mỗi người luôn muốn tìm cách kết nối, đối thoại với con người. Sáng tạo văn chương phải chăng cũng chính là cách nhà văn biểu hiện tâm hồn mình, tìm sự sẻ chia từ cuộc đời, thầm thĩ với cuộc đời những suy nghĩ, chiêm nghiệm và tình cảm thiết tha của mình? Và quá trình giao tiếp diệu kỳ của nhà văn và bạn đọc bắt đầu trong sự tiếp nhận, tri âm. Nhà văn Bùi Hiển từng khẳng định: "Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết."
Sự cảm thông, sẻ chia giữa người với người ở cuộc đời thực là đáng quý. Sự tri âm giữa người đọc và người viết lại càng đáng trân trọng, bởi "tri âm thực khó thay" (Lưu Hiệp). Sự tri âm hay đồng cảm, sẻ chia là một cách tiếp nhận tác phẩm của người đọc, là việc rung cảm với những điều nhà văn rung cảm, có những tình cảm, suy tư gần với những điều nhà văn đã xúc cảm, suy tư. Lí luận văn học Đông phương coi việc tri âm, tìm kiếm tiếng lòng tác giả sau trang viết là quan trọng hơn hết. Qua sự đọc, đắm mình cảm nhận tác phẩm, người đọc sẽ phát hiện, đồng điệu với tâm hồn nhà văn. Sự đồng cảm, tri âm có thể xuyên vượt thời gian lịch đại và không gian đồng đại. Tình cảm trong tác phẩm được thấu cảm, sẻ chia là niềm hạnh phúc của nhà văn, tạo nên sự lan tỏa những giá trị tinh thần tốt đẹp. Ý kiến của nhà văn Bùi Hiển đã nhấn mạnh vai trò sự tri âm trong quá trình ký thác- tri âm của nhà văn và người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.
Tiếp nhận văn học là giai đoạn cuối cùng của quá trình sáng tác, là lúc sự sống của tác phẩm mới thực sự bắt đầu. Sartre từng nói "không có sự đọc, tác phẩm chỉ là những vệt đen trên giấy trắng", im lìm, vô hồn. Tác phẩm văn học là sinh thể chỉ tồn tại trong thế giới tinh thần của con người, chỉ sống chừng nào sự đọc, sự liên tưởng, suy tư còn tiếp diễn. Sự đồng cảm, tri âm của người đọc với nhà văn là tình cảm diễn ra trong quá trình tiếp nhận. Người đọc không chỉ nhận biết bề mặt ngữ nghĩa của văn bản mà còn thâm nhập vào hàm nghĩa, "mở ra" những tâm tình, nghĩ suy nhà văn "gói" trong tác phẩm. Sở dĩ tác phẩm tạo được sự đồng cảm, tri âm vì nó được thành hình trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Lao động sáng tạo nghệ thuật là tìm hình thức thích đáng- ngôn ngữ, hình tượng, kết cấu- để biểu hiện, chuyển tải tư tưởng tình cảm của mình. Dấu ấn cá tính và tinh thần người viết được chuyển tải trọn vẹn qua ngôn ngữ của tác phẩm. Người đọc tiếp xúc với hình thức nghệ thuật đó liền có những rung cảm thẩm mĩ đặc biệt, như nghe được tiếng lòng nhà văn, như thấy gương mặt nhà văn đang suy tư, trăn trở. Người đọc không chỉ tri âm mà còn cảm thấy tác phẩm như kí thác nỗi lòng mình. Cảm xúc của cái tôi nhà văn di chuyển thành cái ta của nhân loại. Ta tìm thấy mình trong dòng cảm xúc đó, thấy những vấn đề của thời đại, những nỗi lòng của mình được phô bày, cởi giải. Sáng tác và tiếp nhận văn học là hành trình đi từ trái tim đến trái tim qua trung gian là văn bản văn học. Hoạt động tiếp nhận mang lại sự sống cho tác phẩm và ngược lại sự đồng điệu tri âm cũng mang lại niềm vui cho tâm hồn con người.
"Cái khổ ở đời không gì bằng chữ tình, cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ." (Cao Bá Quát). Văn nhân, thi nhân là những người nặng lòng với cuộc đời, nhạy cảm với nỗi bi thương của số phận con người nên dễ xúc cảm, dễ bị nhấn chìm trong "cơn đại địa chấn tâm hồn". Nỗi lòng đa mang đó của nhà văn thật đáng quý thay nhưng cũng thật khó để người đời thấu cảm trọn vẹn. Nhà văn không chỉ cô đơn trong hành trình sáng tác mà còn cô đơn trong sự đợi chờ một mối tri âm cũng là vì vậy. Đồng cảm, xót xa trước số phận người "cùng một lứa bên trời lận đận" và khắc khoải mong chờ sự đồng cảm, tri âm của hậu thế là nỗi lòng đại thi hào Nguyễn Du gửi gắm trong tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí. Nguyễn Du là một nhà nhân đạo lớn, một nhà văn lớn trong giai đoạn cuối thế kỉ mười tám, đầu thế kỉ mười chín của văn học trung đại Việt Nam. Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, Mộng Liên Đường đã nhận ra có "máu chảy nơi đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy", đó cũng là nỗi lòng đồng cảm của nhà thơ với khúc đàn Bạc mệnh của số phận nàng Kiều. Độc Tiều Thanh kí cũng là tác phẩm thể hiện tấm lòng tri âm của Nguyễn Du với số phận nàng Tiểu Thanh tài hoa mà mệnh bạc, vừa là lời khóc người, vừa trách đời nhưng sâu thẳm vẫn là lòng thương cảm da diết.
"Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư"
Ngay từ câu thơ đầu tiên, ta đã thấy một nét mày chau trăn trở, một tiếng thở dài buông xuống của đại thi hào khi chứng kiến sự suy biến của cảnh vật trong dòng thời gian nghiệt ngã, thắt lòng khi chứng kiến cái đẹp bị bức tử, bị dập vùi. Trên tay Tố Như nâng một tập sách đốt dở của Tiểu Thanh với tất cả sự trân trọng, nâng niu. Có thể những tác phẩm của Tiểu Thanh không còn trọn vẹn, nhưng Nguyễn Du vẫn tri âm với cố nhân. Bởi đọc văn trước hết là muốn hiểu một con người, tri âm trước hết là có một khát khao, một thúc bách muốn được đồng cảm, sẻ chia từ bên trong. Đó là một tâm thế tiếp nhận. Người đọc đến với tác phẩm mà chỉ muốn ngấu nghiến cho thỏa mong muốn được biết, được đọc mà không mở rộng lòng để lắng nghe tiếng lòng người viết để lại trên trang văn thì liệu có thể tri âm? Một tấm lòng đối diện với một tấm lòng đã khuất qua trang sách đốt dở còn vương lại. Chữ "độc" và chữ "nhất" xuất hiện trong một câu thơ, xuyên qua "song tiền" của thời gian, của quá khứ và hiện tại để nỗi lòng gặp một nỗi lòng, để đồng cảm, sẻ chia. Sự tiếp nhận, tri âm có thể phá vỡ lằn ranh không- thời gian là như thế. Không quan trọng là ở quốc gia nào, sắc tộc nào, "sự đồng cảm, sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết", bởi tất cả chúng ta đều có chung một danh hiệu "người".
"Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư"
"Chi phấn" và "văn chương" Nguyễn Du dùng để nói về con người tài hoa mà mệnh bạc. Người đã khuất nhưng nỗi lòng của người còn lưu lại rành rành trên trang thơ người đặt bút. Người đặt bút bao giờ cũng "gói tâm tình của mình vào thơ" (Lưu Quý Kỳ), thổ lộ, giãi bày những cảm xúc, những ai oán, những mơ ước khát vọng của mình trước cuộc đời vào con chữ. Ai cầm bút mà không muốn ký thác, giải tỏa nỗi lòng mình vào đó? Ai viết văn, làm thơ mà không muốn bày tỏ một điều gì với con người và cuộc đời? Đó là khát vọng tri âm vậy. Người đọc tìm đến với tác phẩm cũng cảm nhận được tiếng lòng người viết phảng phất trên từng trang văn. Đó là sự tri âm. Có người nói "thấy thơ như thấy người", thấy tác phẩm như thấy được tình cảm, nghĩ suy của tác giả. "Nhìn" và "hiểu" câu thơ thì dễ nhưng "thấy", "tri âm" trọn vẹn với tấm lòng người viết thì rất khó. Sức sống của tác phẩm nằm ở sự tri âm, đối thoại của người đọc bởi cõi sống của tác phẩm nằm trong tâm trí con người. Vì lẽ đó mà dù văn chương có bị đốt bỏ, bị phá hủy thì tác phẩm vẫn còn lưu giữ mãi mãi trong lòng những ai yêu quý nó, như người ta không thể quên một người bạn tâm giao tâm tình. Đó là sức mạnh của sự tri âm vậy.
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư."
Hai câu thơ là sự trăn trở day dứt của đại thi hào với số mệnh văn chương. Nguyễn Du thấu rõ con đường văn chương là con đường đau khổ. Văn nhân đã hết lòng với cuộc đời những vẫn bị "trời đày", đã nặng tình nhưng lại bị chính nỗi đau đời dập vùi. Đó cũng là sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du với số phận Tiểu Thanh, về nỗi "văn chương tiếng thở như lời tơ than..". Đó là sự tri âm của một khách tài tình với giai nhân tài hoa bạc mệnh. Nguyễn Du thấy số phận của Tiểu Thanh cũng là số phận mình, đau vì cảm thông cho người rồi lại đau cho chính mình. Nỗi đau đó chính là sự đồng cảm, sẻ chia đến tận cùng của nhà thơ. Nguyễn Du tri âm trên nền tảng của sự đồng cảnh ngộ, nhưng đôi khi người tiếp nhận có thể tri âm với người khác mình về cảnh ngộ, văn hóa, quốc tịch bởi chúng ta có tình cảm chung của con người. Ta không hiểu rõ không khí châu Âu trong thời kì tư bản, không hiểu rõ chuyến viễn du của đoàn người đi tìm kiếm vùng đất mới nhưng hiểu nỗi đau, nỗi cô quạnh tột cùng của linh hồn con người trong bi kịch vô tăm tích qua thơ của Victor Hugo:
"Thân dưới nước, tên chìm trong kí ức,
Dòng thời gian tô đậm thêm bóng đen"
"Sự đồng cảm, sẻ chia giữa người đọc và người viết là quan trọng hơn hết". Đồng cảm với nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du lại quay về đối diện với chính mình, với bạn đọc hậu thế:
"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"
"Khấp" là biểu hiện mãnh liệt nhất, trong trẻo nhất của người đọc trong sự tri âm với người viết. Nếu phần trên Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh thì hai câu cuối nhà thơ băn khoăn: Liệu ai sẽ khóc cho mình, tri âm với mình nữa đây? Đó là khát khao được đồng cảm, sẻ chia của đại thi hào cũng như bao người cầm bút, được sẻ chia, đồng cảm là một niềm hạnh phúc lớn lao, dù khi ấy, sau ba trăm năm lẻ nữa nhà thơ không còn. Nhà văn không còn nhưng tác phẩm sẽ bất tử qua quá trình tiếp nhận của người đọc, tác phẩm sẽ mãi vang động, xôn xao trong sự xúc cảm, sẻ chia của người đọc. Nhà văn không chỉ hướng đến bạn đọc của hôm nay mà còn hướng về người đọc của quá khứ như một cơ sở để suy tư, hướng đến bạn đọc của tương lai để đối thoại. Tri âm, chia sẻ giống như cách bạn đọc trả ơn, an ủi những nỗi đau của nhà văn, nối tiếp những khắc khoải của nhà văn về con người và cuộc đời để biết sống sao cho "ra người" hơn. Bởi ý nghĩa nhân văn đó mà "sự đồng cảm, sẻ chia giữa người đọc và người viết là quan trọng hơn hết."
Cuộc đời có nhiều góc khuất tăm tối và những nỗi đau không nói hết. Sự giả trá, bất công, độc tài, tàn bạo đã chà đạp những tâm hồn cao quý, giày xéo lên nghệ thuật, làm đẫm máu những câu văn, vần thơ. Trong nỗi đau tột cùng của việc viết, người đọc như kẻ cứu rỗi nhà văn trong sự tri âm, chia sẻ. Tiếp nhận, đồng cảm đến tột cùng, người đọc cũng trở thành người sáng tạo để đối thoại với tác giả. Nhà thơ Thanh Thảo viết "Đàn ghita của Lorca" vừa để cảm thương, sẻ chia với nhà thơ- nhạc sĩ Lorca, vừa để khẳng định sức sống và giá trị trường tồn của nghệ thuật.
"Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li-la li-la li-la.."
Dấu ấn của thơ tượng trưng đã xuất hiện từ câu đầu tiên, những tiếng đàn của Lorca được Thanh Thảo cảm nhận như những "bọt nước", vừa tròn trịa, trong trẻo, vừa thanh khiết, mong manh. "Tiếng đàn bọt nước" đặt cạnh "áo choàng đỏ gắt" của dũng sĩ đấu bò Tây Ban Nha đã tạo ra hai đối cực của cái mềm mại và gay gắt, sự tài hoa và mạnh mẽ, can trường của người nghệ sĩ. Âm thanh tiếng đàn "li-la" được lặp lại ba lần trong câu thơ nhưng ngân vang, luyến láy mãi trong âm điệu cảm xúc da diết của bài thơ, như sự vọng hồi của những kiệt tác âm nhạc của Lorca. Không có sự đồng cảm, tri âm, nghe như "đàn gảy tai trâu" làm sao có thể nghe được, viết lại được thanh âm như thế? Câu thơ "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" của Lorca trở thành lời đề từ chứng tỏ nhà thờ Thanh Thảo như muốn nối tiếp những tâm sự, sẻ chia những nỗi đau trong cuộc đời Lorca.
"Tây Ban Nha hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ"
Nghệ thuật trong trẻo và thanh khiết. Nghệ thuật dâng cái đẹp cho đời. Thế mà những thế lực tàn bạo đã dập vùi nó trong bể máu của người nghệ sĩ.. Ba chữ "bỗng kinh hoàng" Thanh Thảo đặt xuống chứa cả cái rợn người gai góc của ông, cái đứng lặng của tâm hồn ông trước sự tàn bạo của thời cuộc- "áo choàng bê bết đỏ..". Thanh Thảo đã thấu hiểu cái chết bi phẫn của Lorca, hay hiểu chính những dự cảm của Lorca trong những bài thơ khắc khoải về nỗi đau và cái chết:
"Muốn ngủ say bằng giấc mơ của táo mùa thu
Tránh cái cảnh chen chúc ngoài nghĩa địa
Muốn ngủ say bằng giấc mơ đứa bé
Mơ ném con tim vào biển mịt mù.."
(Garcia Lorca)
Đó không phải sự tri âm, đồng cảm hay sao?
Thanh Thảo xót thương cho số phận của người nghệ sĩ khi vận vào mình số mệnh của nghệ thuật:
"Tiếng ghi ta
Ròng ròng
Máu chảy.."
Nhưng đến cuối cùng, nhà thơ Thanh Thảo vẫn tin tưởng, vẫn khẳng quyết về sự sống bền bỉ của nghệ thuật đích thực:
"Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang.."
Tiếng đàn vẫn nảy mọc mạnh mẽ như cỏ, và những âm điệu "li-la li-la li-la" còn vang lên văng vẳng, khắc khoải, bất chấp sự dập vùi của cái xấu xa, đê tiện, tàn bạo.. Sức sống của nghệ thuật còn kéo dài mãi nhờ sự đồng điệu, sẻ chia của tha nhân với người sáng tạo. Những tình cảm đẹp, tiếng nói phản kháng cái xấu ác, niềm khát vọng hòa bình, ấm êm còn tỏa lan mãi trong lòng bao con người nhờ sự tri âm qua nghệ thuật. "Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông sẻ chia của người đọc và người viết là trên hết."
Nhà văn là người sáng tạo nên tác phẩm, gửi gắm trong đó bao nhiêu nỗi niềm, ước mơ. Nhưng không chỉ chưng cất cảm xúc, nhà văn còn phải chọn lựa hình thức nghệ thuật thích hợp- ngôn ngữ, hình tượng, kết cấu.. - để chuyển tải trọn vẹn những tình cảm của mình. "Nhà thơ gói tâm tình của mình vào trong thơ" rồi người đọc mới "mở ra để tìm thấy tâm tình của chính mình" (Lưu Quý Kỳ). Sở dĩ có sự tri âm vì nhà văn đã khám phá nội tâm mình, đi đến tận cùng "cái tôi" để bắt gặp "cái ta" của những tình cảm nhân loại. Tình cảm được biểu hiện trong tác phẩm văn học không phải tình cảm vụn vặt đời thường mà đã chan hòa với tư tưởng, mang chiều sâu nhân bản nên có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người đọc đến với văn thơ phải biết mở lòng lắng nghe, thấu cảm với nhà văn, để thấy mình được thanh lọc sau những phút buồn thương, xa xót hay hào hứng, vui tươi cùng tác phẩm..
Như vậy, tác phẩm "Độc Tiểu Thanh ký" của đại thi hào Nguyễn Du và bài thơ "Đàn ghita của Lorca" của nhà thơ Thanh Thảo đã minh chứng cho ý kiến của nhà văn Bùi Hiển: "Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông, chia sẻ giữa người đọc với người viết là trên hết." Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư coi văn học như là băng, nối kết những ốc đảo người cô đơn, là nước để xuyên vượt qua mọi lằn ranh của không- thời gian, biên giới lãnh thổ để chạm đến mọi trái tim con người. Sự tri âm đã giúp "người gần người hơn", chắp cho tác phẩm đôi cánh để vĩnh tồn.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Phân tích bài thơ Đò Lèn
Suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống
So sánh hình tượng người phụ nữ trong Tự tình 2 và Thuyền và biển
Gió lào cát trắng đọc hiểu có đáp án
Thơ tình cuối mùa thu đọc hiểu
Cỏ dại Xuân Quỳnh đọc hiểu
Trình bày suy nghĩ của anh, chị về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27