Trao đổi một số kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp 1
Chia sẻ kinh nghiệm chủ nhiệm lớp 1
Công tác chủ nhiệm đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Đặc biệt là đối với giáo viên lớp 1 trọng trách ấy lại càng to lớn vì các học sinh lớp 1 còn rất non nớt và chưa hình thành các tác phong giáo dục. Trong bài viết này hoatieu.vn xin chi sẻ một số trao đổi của giáo viên về kinh nghiệm công tác chủ nhiệm lớp 1, mời các bạn cùng theo dõi.
Phần lớn giáo viên Tiểu học đều phải làm công tác chủ nhiệm lớp. Đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa là nhiệm vụ hết sức vinh quang và nặng nề. Vì vậy, người giáo viên chủ nhiệm phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của mình trong lớp học. Ngoài công tác giảng dạy các giáo viên còn phải rèn luyện nề nếp cho học sinh, đưa ra các sáng kiến kinh nghiệm giúp nâng cao chất lượng dạy học. Mặt khác, người giáo viên chủ nhiệm lớp lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn, chỉ đạo trong quá trình học tập và rèn luyện đạo đức, nhân cách cho học sinh. Chính vì vậy có thể nói công tác chủ nhiệm là một trách nhiệm to lớn của nhà giáo. Sau đây là một số trao đổi về kinh nghiệm công tác chủ nhiệm lớp 1 đã được hoatieu.vn đăng tải, mời các bạn cùng tham khảo.
Kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp 1
Ngay từ khi bước vào nghề sư phạm, tôi đã coi đây là cái nghiệp mà mình phải theo và gắn bó suốt đời. Xuất phát bởi một mục đích ấy nên tôi coi công việc hằng ngày của mình như một phần lẽ sống. Tôi muốn công việc mình đã và đang làm sẽ thực sự có ích cho cộng đồng, cho chính bản thân mình. Do vậy nên tôi thường trăn trở tìm mọi cách để công việc của mình thu được kết quả. Kết quả ấy nằm ngay trong chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh qua mỗi năm tôi dạy. Tôi nghĩ rằng: Nếu mình yêu thích công việc của mình thì mình sẽ làm được tốt. Trẻ cũng vậy, các em đạt được hạnh kiểm tốt và văn hoá khá giỏi chính các em cũng phải yêu thích công việc của mình. Vậy làm thế nào để các em yêu thích công việc học tập của mình ? Để đạt được điều đó trước tiên các em phải thích học. Từ kinh nghiệm thực tế tôi nhận thấy học sinh thích đi học là những học sinh tìm được niềm vui khi tới lớp, những cháu đó được thầy yêu, bạn mến và việc học tập đối với các cháu không mấy vất vả. Học sinh đến trường phải có niềm vui, có vui mới học được tốt.
Trong buổi sinh hoạt chuyên môn đầu năm học, Hiệu trưởng nhà trường có kêu gọi tập thể giáo viên trong trường “làm thế nào để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui”. Tôi rất tâm đắc với ý kiến trên. Bởi ý kiến đó đã trùng lặp với điều mình hằng trăn trở bao lâu nay. Thế là như một mầm cây ủ sẵn trong đất nay gặp mưa nên được dịp phát triển. Vào năm học mới, tôi định hướng trước cho mình phải gây được tâm thế cho học sinh trong những ngày đầu năm học để rồi dẫn dắt các em bước vào năm học đầy tự tin và phấn khởi. Để có được kết quả tưởng chừng như đơn giản thế thôi nhưng cách thức để đi đến cái đích đó thật không đơn giản chút nào. Có được niềm vui cho trẻ không phải tạo ra được từ một giờ học, một ngày học hay một tuần học mà phải lôi cuốn, gây hứng thú cho học sinh trên một bình diện rộng ở mọi nơi, mọi lúc, qua giao tiếp, qua cách cư xử, bảo ban của giáo viên cho học sinh. Do vậy đòi hỏi người giáo viên phải thật nhẫn nại, có tình thương thực với học trò. Chỉ có tình thương yêu thực sự và lòng cảm thông của cô mới đem lại niềm vui cho học sinh khi đi học.
Học sinh đang học tiểu học là đang trong giai đoạn tất yếu của quá trình học. Đó là giai đoạn mở đầu cho một con người đến với văn hóa. Cũng từ giai đoạn này nhân cách của học sinh được hình thành và dần dần phát triển. Ví như trong xây dựng cơ bản, khi xây một toà nhà cao tầng hiện đại thì việc xử lý nền móng là hết sức quan trọng mà nền móng của ngôi nhà lại nằm dưới đáy nhà và một phần sâu trong lòng đất nên những người bình thường thì không nhìn thấy được mà chỉ có những nhà chuyên môn mới quan tâm và nhìn thấy bản chất, tầm quan trọng, giá trị đích thực của nền móng đó. Giai đoạn học sinh học ở bậc tiểu học, nhất là giai đoạn học lớp một với học sinh là hết sức quan trọng. Đây chính là giai đoạn nền móng của quá trình phát triển năng lực tư duy và đặc biệt là quá trình phát triển nhân cách của học sinh sau này.
Học sinh lớp một rất ngây thơ, tâm hồn các em như một tờ giấy trắng, vẽ lên đó đẹp hay xấu phần lớn là tác động của thầy, cô chủ nhiệm. Đặc biệt là những năm gần đây khi các trường có điều kiện tổ chức cho các em học ngày hai buổi thì phần lớn thời gian trong ngày các em được sống và giao tiếp với thầy cô chủ nhiệm, với bạn bè. Nếu trong quãng thời gian đó các cháu không may gặp phải người “thợ vẽ tồi”, người công nhân xây dựng thiếu trách nhiệm thì suốt đời “trang nhân cách ” của các em sẽ giữ lại vết hằn khó xóa. Nhận thức được tầm quan trọng của một giáo viên chủ nhiệm đặc biệt là chủ nhiệm lớp một tôi luôn tự nhủ: trước tiên mình phải là một tấm gương cho học sinh về cách ăn nói mẫu mực, xử sự với học trò đúng mực “nghiêm túc” nhưng “thân thiện”, thực sự có lòng yêu thương thông cảm với các em sao cho các em cảm nhận cô giáo như người mẹ thứ hai của các em, là chỗ để các em tin cậy về mặt tinh thần nhưng không quá thân thiết để học sinh có thể bỡn cợt quên khoảng cách giữa giáo viên và học sinh.
Học sinh lớp 1 còn rất non nớt, các em sống trong những gia đình có hoàn cảnh khác nhau, nếp sống khác nhau nên nhận thức và nếp sống cũng khác nhau. Đặc biệt tư duy trẻ lớp 1 cũng rất cụ thể cảm tính. Các em rất ham hiểu biết, thích bắt chước, hiếu động chưa biết tập chung lâu sự chú ý vào một cái gì đó. Năm đầu tiên của đời học sinh, trẻ rất bỡ ngỡ với việc chuyển hoạt động chủ đạo từ chơi sang hoạt học tập, đặc biệt rất dễ xúc động với các yêu cầu và quy tắc của trường học.
Giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, phát triển tư duy và nhận thức của học sinh là mục tiêu và là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường phổ thông. Giáo dục đạo đức phải làm ngay từ nhỏ, càng sớm càng tốt, nhưng phải phù hợp với trẻ. Tục ngữ có câu: “ Dạy con từ thuở còn thơ ”.
Giáo dục đạo đức phải làm sớm, bởi lẽ: Tuổi thơ trong trắng dễ hấp thụ cái mới, để được cảm hoá, thuyết phục. Những điều răn dạy ban đầu đến với trẻ bao giờ cũng in dấu ấn sâu đậm nhất. Trong tâm trí trẻ nếu không có giáo dục sớm, trẻ cũng tiếp thu một cái gì đó ngoài dự kiến của chúng ta. Những cái đó nếu là điều sai trái, việc giáo dục lại khó khăn gấp bội. Kinh nghiệm của ông cha xưa đã đúc kết: “Bé không vin, cả gãy cành!”
Học sinh lớp 1 cũng không phải là quá bé, với vốn ngôn ngữ, kinh nghiệm đạo đức và kiến thức đã thu được ở gia đình, nhà trẻ, các lớp mẫu giáo, các em có thể tiếp thu các chuẩn mực đạo đức và kiến thức ban đầu ở dạng hành vi cụ thể không khó khăn, từ đó làm nẩy nở những tình cảm, thói quen đạo đức và những tư duy ban đầu của các em. Và nếu chúng ta không quan tâm giáo dục ở lứa tuổi này thì đó là điều sai lầm của chúng ta và chúng ta là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả đó.
Công tác chủ nhiệm ở trường tiểu học nhằm giúp học sinh: Có hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo dức và pháp luật phù hợp với lứa tuổi trong các mối quan hệ của các em với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng, môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc thực hiện theo chuẩn mực đạo đức đó. Từng bước hình thành kỹ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh theo chuẩn mực đã học; kỹ năng lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực trong các quan hệ và tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống, biết nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện.
Từng bước hình thành thái độ tự trọng, tự tin; yêu thương, tôn trọng con người; yêu cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu. Từng bước giúp học sinh khám phá và tìm hiểu kiến thức và kỹ năng cơ bản phù hợp với trình độ, lứa tuổi của học sinh.
Khả năng giao tiếp giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh với học sinh còn nhiều hạn chế, chỉ có một số học sinh khá giỏi mạnh dạn tham gia còn học sinh nhút nhát thì thu mình ngại tham gia. Học sinh chưa mạnh dạn tự tin trong việc phân tích, xử lý tình huống,…Do khả năng đánh giá hành vi của bản thân và xung quanh còn thiên về cảm tính.
Xuất phát từ khó khăn trên mà tôi đã có những giải pháp sau để tháo gỡ khó khăn đó làm cho công tác chủ nhiệm được dễ dàng hơn.
Xây dựng, hình thành và giáo dục nhân cách cho trẻ
Như chúng ta đã biết ngoài vệc xây dựng, hình thành và giáo dục nhân cách cho trẻ thông qua các bài giảng ở trên lớp của tất cả các bộ môn được giảng dạy trong nhà trường thì việc xây dựng, hình thành và giáo dục nhân cách cho trẻ thông qua các giờ chơi, giờ hoạt động tập thể,... là hết sức cần thiết và bổ ích. Vì vậy, với khuôn khổ của đề tài này tôi chỉ đề cập đến vấn đề là: “Xây dựng, hình thành và giáo dục nhân cách cho trẻ thông qua giờ chơi, giờ hoạt động tập thể”.
a) Xây dựng, hình thành và giáo dục nhân cách cho trẻ thông qua giờ chơi. Sau những giờ học căng thẳng và mệt mỏi thì giờ chơi là giờ các con được vui chơi thoải mái, chơi những gì mà con thích. Chính vì vậy mà đã nẩy sinh bao nhiêu vấn đề làm cho người làm công tác chủ nhiệm phải hết sức quan tâm, tìm ra những giải pháp phù hợp để giờ chơi thực sự trở thành một giờ chơi lành mạnh và bổ ích. Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm tôi đã xây dựng cho mình kế hoạch để hướng dẫn các con có giờ chơi thật thoải mái, lành mạnh bổ ích cụ thể như sau:
Ngay từ đầu năm tôi đã kết hợp với nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp chuẩn bị cho các con một số vật dụng cần thiết phục vụ cho giờ chơi như: Cầu lông, dây nhảy, quả cầu, giấy vẽ, bút màu, phấn màu, bộ xếp hình, que tính, sách, báo, truyện, những viên sỏi trắng để chơi trò ô ăn quan,....
Đến giờ chơi, tôi cho các con tự chọn các vật dụng để phục vụ trò chơi mà con thích. Với trò chơi mà các con chưa biết cách chơi tôi đã hướng dẫn và chơi cùng các con.
Ví dụ: Với những trò chơi đá banh, đá cầu, cầu lông hay nhảy dây thì hầu như các con đã biết nên các con có thể tự chơi. Nhưng với các trò chơi như xếp hình, sử dụng que tính, bút màu, phấn màu, giấy vẽ,…tôi sẽ hướng dẫn và có thể gợi mở ý tưởng cho các con.
Với bộ xếp hình: có thể chơi cá nhân hay một nhóm từ 2 đến 3 em: xếp thành hình bông hoa, các con vật, ngôi nhà,….
Với bút màu, phấn màu và giấy vẽ: các con có thể vẽ những tranh mình yêu thích trên giấy hoặc trên bảng lớp,….Giáo viên có thể định hướng cho các con vẽ theo chủ điểm hàng tháng như tháng 9 về ngôi trường thân yêu; tháng 10 vẽ về chủ đề an toàn giao thông; tháng 11vẽ về ngày nhà giáo Việt Nam, tháng 12 vẽ về chú bộ đội,…
Với que tính: Các con có thể thỏa thích xếp các hình đã học, xếp hình ngôi nhà nhiều tầng,…
Với những viên sỏi trắng tôi đã hướng dẫn các con chơi trò ô ăn quan, xếp các hình do con tưởng tượng,….
Thông qua các trò chơi như vậy các em được thả tâm hồn mình vào các trò chơi, các em say sưa hứng thú, thỏa sức sáng tọa, thư giãn đầu óc sau các giờ học. Qua đó, các con được giao lưu, học hỏi và biết thêm bao điều mới lạ. Từ đó nhận thức và nhân cách của các con dần hình thành và phát triển theo một chiều hướng tốt.
b) Xây dựng, hình thành và giáo dục nhân cách cho trẻ thông qua giờ hoạt động tập thể. Ngoài các giờ hoạt động tập thể dạy theo các chủ điểm của từng tuần, từng tháng thì hàng tuần tôi dành một khoảng thời gian nhất định để trò chuyện với các con để dược nghe chính các con nói, chính các con kể cho tôi nghe những tâm tư nguyện vọng của mình (có thể nói trực tiếp hoặc viết ra những những tâm sự đó, để từ đó tôi hiểu và gần gũi các con hơn).
Giáo viên “lợi dụng” đặc điểm tâm sinh lý trẻ lớp 1 để phát huy năng lực của các em
Trẻ thích được tuyên dương
Trong lớp tôi có một số học sinh thường thích mình là nhân vật trung tâm, muốn được làm mẫu để các bạn chú ý tán thưởng và đề cao mình. Nắm được đặc điểm tâm lý đó tôi thường tranh thủ cho các em có dịp thể hiện mình. Trong giờ học toán, Long là một học sinh thông minh nhanh nhẹn thường làm toán xong trước các bạn,mỗi khi làm bài xong cháu thường ngoảnh đi ngoảnh lại khoe với các bạn “tớ xong nhanh nhất”, nhưng bài em làm rất ẩu. Để chấn chỉnh điều đó, tôi cho em lên bảng chữa bài kèm theo một điều kiện “Nếu trình bày đúng và đẹp cô sẽ thưởng cho điểm 10”. Vì cháu rất thích được bạn khen và thán phục mình, trước lời động viên và yêu cầu của cô nên cháu đã làm bài trên bảng vừa nhanh vừa trình bày bài cẩn thận. Cháu trở về chỗ ngồi với điểm 10 và một tràng pháo tay giòn giã của các bạn. Cháu vui lắm nét mặt hớn hở, hãnh diện vì được các bạn đề cao là người giải toán nhanh nhất.
Anh Thư cũng vậy, cháu có giọng đọc lưu loát, diễn cảm nên tôi cho cháu đọc bài mẫu cho các bạn, đọc truyện cho các bạn nghe đầu giờ cháu rất vui khi được các bạn tặng cho danh hiệu “Người có giọng đọc của phát thanh viên”.
Cũng từ đó tôi thấy các cháu trong lớp có sự thi đua ngầm, cháu nào cũng muốn được lên đọc như bạn. Trong giờ kể chuyện, Đạo đức, Tập đọc, tôi thường xuyên cho các cháu đọc phân vai hay đóng những đoạn tiểu phẩm (giờ Đạo đức) đa số học sinh đều xung phong tham gia bởi các cháu muốn được dịp thể hiện mình, nội dung tiết học với các em mang tính tự nhiên, mọi thành viên đều cảm thấy vui vẻ thoải mái và rất tích cực hoà nhập với tập thể lớp, học sinh được thể hiện nhiều qua các tiết học trở lên bạo dạn tự tin hơn trước đám đông.
Tính hiếu thắng của trẻ
Hầu như bất cứ đứa trẻ nào cũng có tính hiếu thắng. Tôi gắn sự hiếu thắng đó theo hướng tích cực, xây dựng tính hiếu thắng đó trở thành hướng phấn đấu vươn lên trong học tập của mỗi học sinh. Trong lớp tôi chọn một số cặp học sinh ngang sức nhau khuyến khích các cháu thi đua với nhau trong khoảng thời gian ngắn, với thời gian đó cháu nào vượt lên thì sẽ được khen và tìm một bạn có sức học khá hơn để ghép đôi. Làm như vậy các cháu luôn phải cố gắng vì sợ thua bạn.
Ví dụ: Đầu năm tôi xếp cháu Linh cạnh cháu Mai Anh là hai học sinh có học lực khá ngang nhau, tôi ghép các cháu thành đôi bạn cùng tiến và thi xem ai có nhiều cố gắng hơn trong học tập. Sau hai tháng lực học của cháu Mai Anh vượt lên so với cháu Linh, đến lúc đó tôi lại ghép cháu Mai Anh với cháu Khuê có lực học giỏi hơn. Lúc ấy Khuê lại là cái đích để cháu Mai Anh cố gắng vì muốn chiến thắng bạn.
Hay Minh Đức và Hoàng Anh là đôi bạn viết chữ xấu, tôi gia hạn một tháng cháu nào có ý thức rèn chữ viết đẹp hơn bạn thì bạn đó sẽ được tặng danh hiệu “người chiến thắng”. Suốt thời gian ấy, giữa hai cháu có sự chạy đua ngầm vì cháu nào cũng muốn mình là người chiến thắng. Tôi thường xuyên vận động những cuộc chạy đua nho nhỏ như vậy và quả nhiên lớp tôi có phong thi đua học tập sôi nổi hơn. Những cuộc thi đua như vậy tôi cho là rất lành mạnh, nó giúp các cháu luôn có cái mốc mới cao hơn cần vươn tới. Những cháu sẵn có tính hiếu thắng thường thu được kết quả rõ rệt sau mỗi cuộc đua.
Học sinh cần được khích lệ động viên
Tôi thường nhìn nhận và quan sát học sinh và sự vận động, nhìn thấy những tiến bộ của học sinh dù là rất nhỏ tôi cũng kịp thời động viên khen ngợi trước lớp để cháu phấn khởi và tiếp tục phấn đấu. Bên cạnh đó tôi còn quan tâm đến từng học sinh nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt và những em chậm tiến. Ngoài ra tôi còn chia sẻ thông tin kịp thời với phụ huynh. Học sinh rất thích được điểm tốt và phụ huynh luôn mong: Sau mỗi buổi đón con ở trường về lại được con mình khoe có những điểm tốt, những lời nhận xét hay của cô hay những chuyện vui ở lớp. Chỉ cần có thế thôi cũng đủ để bố mẹ thêm vui và vợi đi bao sự nhọc nhằn của cả một ngày lao động vất vả. Cũng chỉ cần có thế mà bữa cơm gia đình học sinh hôm ấy cảm thấy ngon miệng hơn và hạnh phúc hơn. Nhưng thực tế không phải bao giờ các cháu cũng học bài và làm bài chuyên cần để cô giáo sẵn lòng cho ngay điểm tốt. Nhiều khi kiểm tra bài, học sinh vì một lý do nào đấy không đủ bài tôi vẫn nghiêm khắc nhắc nhở kèm nhưng vẫn ôn tồn mở lối cho học sinh. Cách làm này đã làm mất đi sự thất vọng trong lòng các em và mở ra cho các em hy vọng để cố gắng ở lần sau. Những em này luôn có tư tưởng gỡ lại điểm nên đã “lập công chuộc tội” rất hào hứng xung phong được kiểm tra vào tiết học tiếp. Phụ huynh học sinh biết được điều đó đều cố gắng đọng viên con học và họ không băn khoăn, lo lắng về kết quả học tập của con mình có thể rơi vào mức độ “báo động”.
Tạo được tâm thế cho học sinh trong buổi học là vô cùng cần thiết. Hiểu điều đó nên tiết đầu tiên tôi không bao giờ quở trách, trách phạt bất cứ một học sinh nào. Dù hôm đó học sinh đi muộn hay quên đồng phục hoặc quên sách, vở, thiếu phần chuẩn bị,…Nếu nặng lời mắng mỏ sẽ đem lại cho học sinh đó nỗi buồn, cảm giác có tội sẽ đè nặng, phá tan sự tiếp thu của học sinh trong cả buổi học hôm ấy. Chính cô giáo cũng bị ức chế, buồn bực, tức tối trong suốt giờ giảng của mình. Để tránh tình trạng trên, sáng sáng, khi bước chân vào lớp tôi thường nghĩ ra một câu chào, một câu đùa hóm hỉnh hoặc sau lời chào là một vài cử chỉ ân cần: Khi thì sửa lại tóc cho em này, lúc lại cài áo cho em kia,..Để sao cho học sinh cảm nhận được một ngày học mới bắt đầu hết sức nhẹ nhàng và ấm áp. Đến cuối ngày học hôm ấy, tôi cho các em bình chọn ai học ngoan và ai tiến bộ nhất trong ngày. Lúc đó là lúc mà tôi nhắc nhở khuyết điểm mà các cháu học sinh hồi sáng mắc phải. Nếu lỗi cháu đó mắc phải mà nặng, cháu sẽ tự đứng trước lớp tìm xem mình sai ở chỗ nào rồi hứa với tập thể lớp, với cô giáo sẽ sửa những sai lầm đó. Cả ngày học sinh ở trường, cô giáo trong thời gian đó thay vai trò người mẹ ở nhà của các cháu. Mỗi khi có cháu kêu sốt, mệt hay đau bụng giữa tiết học tôi không làm ngơ mà ân cần hỏi han bình tĩnh sử lý lúc thì xoa cho cháu này chút dầu khi thì pha cho cháu khác cốc nước có cháu mệt quá không đỡ tôi đưa cháu xuống phòng y tế hoặc thông báo cho gia đình cháu đến.
Lớp tôi đa số các cháu đều ăn ngủ trưa tại trường nên cứ đầu giờ chiều nên cứ đầu giờ chiều tôi lại hỏi han tỷ mỷ các cháu cháu nào ăn nhanh, cháu nào ăn chậm, cháu nào bỏ cơm, cháu nào không ngủ trưa?,..để kịp thời nhắc nhở các cháu và trao đổi với bảo mẫu và gia đình để có sự điều chỉnh.
Học sinh đến trường thì phải vui chơi. Giờ ra chơi, tôi hướng dẫn cho các cháu trò chơi tập thể, mượn cho các cháy dây, cầu, bong,…để học sinh được chơi hết mình, được cười đùa thật vui vẻ. Trong giờ học để các cháu tiếp thu bài được dễ hơn, tôi cũng thường tổ chức các trò chơi, tạo điều kiện để đông đảo học sinh được tham gia tham gia. Ví dụ như chơi hái hoa dân chủ trong giờ ôn tập môn Tự Nhiên Xã Hội; chơi đóng kịch phân vai trong giờ Đạo Đức (luyện tập), chơi ai nhanh hơn trong giờ Toán và “Giọng đọc vàng’’ trong giờ Tập đọc,…Những kiến thức cơ bản học sinh được học dưới dạng trò chơi, các cháu thấy hứng thú và tiếp thu kiến thức nhanh hơn đồng thời tôi nhận thấy thông qua các trò chơi tính cách của các cháu được bộc lộ rõ ràng hơn. Qua đó tôi nhận xét cụ thể về tính cách của từng cháu để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Thứ sáu cuối tuần có tiết sinh hoạt lớp, học trò lớp tôi rất thích và háo hức chờ đón. Các cháu được tự do nhận xét, bình bầu nhau. Những cháu được cô khen vì tiến bộ từng mặt: học tập, kỷ luật hay chỉ là có chữ viết tiến bộ hơn tuần trước đều được phát phần thưởng. Vào những ngày lễ tết hoặc sinh nhật của từng em, học sinh cũng nhận được những món quà nhỏ nhưng nó đã thực sự mang đến cho các cháu niềm vui khi đến trường:
Ví dụ: Tết Nguyên đán tôi mừng tuổi cho các cháu một quyển vở kèm theo những lời chúc: Em gặp may mắn.
Ví dụ 2: Ngày 8 tháng 3 để các cháu gái có ý thức về giới tính của mình, tôi hướng dẫn các cháu trai làm một món quà tặng cho các bạn gái cùng bàn
Những món quà tuy nhỏ nhưng đã thu được những giá trị tinh thần lớn bởi tôi đọc thấy trên gương mặt của các em sáng lên niềm hân hoan với những nụ cười hồn nhiên của con trẻ.
Mang niềm vui đến cho con trẻ từ những việc làm bình thường như vậy nhưng cũng khiến cho học sinh cảm thấy tình thương yêu và sự quan tâm săn sóc của cô với các cháu. Từ sự cảm nhận này khiến cả phụ huynh lẫn học sinh đều cảm thấy tin tưởng các cháu thấy mỗi buổi đến trường là một ngày vui. Khi phụ huynh gửi gắm các cháu cho nhà trường, cho cô mà hoàn toàn yên tâm vững dạ.
Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp một bằng những việc làm cụ thể đã nêu ở trên tôi nhận thấy có sự chuyển biến rõ rệt. Những việc đó thành hình khó đặt tên, càng không thể diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Tôi thực hiện nó lúc có thể được, khi tiếp xúc với học sinh và nhận thấy “trẻ đến trường trong niềm vui” là một khái niệm rộng do tác động của nhiều yếu tố: Con người, môi trường, hoàn cảnh,..nhưng theo chủ quan tôi nghĩ mình góp phần nhỏ trong niềm vui ấy của các cháu. Học sinh của lớp tôi đi học với tâm trạng rất thoải mái và hứng khởi. Tuy nhiên không có những cháu phải co kéo, phụng phịu níu tay cha mẹ trước buổi đi làm. Thầy cô bước vào lớp các cháu không có vẻ sợ hãi, rụt rè. Trái lại, nhiều cháu đón tôi với nụ cười tươi tắn trên môi vào buổi sáng vì biết thế nào cô cũng gây tiếng cười nho nhỏ cho mình. Giao tiếp giữa cô trò hoà hợp thân ái, học sinh nhận thấy cô giáo mình thật gần gũi nhưng không bao giờ chớt nhả, bỡn cợt với cô. Quan sát các cháu trong giờ chơi tôi cũng thấy các cháu cư xử với nhau hoà nhã, hiện tượng nói tục, chửi bậy hạn chế rất nhiều và dường như không có. Các cháu bớt đi những lời nói thô lỗ, cục cằn gay gắt. Đôi gây lỗi với bạn, các cháu thường xuyên nhận ra và tự giải quyết một cách nhanh chóng không làm phiền lòng cô như những ngày đầu nhận lớp.
Bằng sự cảm nhận của mình, tôi đã đọc được tình cảm của học sinh dành cho cô giáo và qua sự đánh giá, nhận xét tâm lý của phụ huynh về con mình. Tôi nghĩ những việc làm nho nhỏ của mình đã góp phần tích cực trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển nhân cách của học sinh mình chủ nhiệm trong năm đầu cấp tiểu học này. Điều quan trọng tôi đã làm dược một việc đó là: Làm cho các cháu cảm thấy yêu trường. Những dấu ấn của những ngày đầu, năm đầu cắp sách tới trường sẽ cùng các em đi suốt cuộc đời./.
Mời các bạn tham khảo thêm:
Tham khảo thêm
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Trao đổi một số kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp 1
171,4 KB 01/07/2020 6:09:00 CHGợi ý cho bạn
-
Hãy phân tích một biện pháp mà em thấy hiệu quả nhất?
-
Bài thu hoạch chỉ thị 05 năm 2024
-
Em hãy xây dựng một kế hoạch tuyên truyền về An toàn giao thông với chủ đề “Cổng trường an toàn giao thông”
-
Đáp án thi viết Tìm hiểu Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển
-
Bài cảm nghĩ về ngày 22-12 - Bài viết về ngày 22/12 hay và ý nghĩa
-
Em hãy kể tên và nêu chức năng một số bộ phận của xe đạp
-
Đáp án thi trực tuyến Pháp luật với mọi người 2024 Lào Cai
-
Điều kiện nào dưới đây là phù hợp đối với người lái xe khi tham gia giao thông theo Luật giao thông đường bộ năm 2008?
-
Đáp án VCNET tuần 16 tìm hiểu 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo 2020
-
Đáp án thi tìm hiểu pháp luật trên Internet Thủ Dầu Một
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Bài dự thi
Đáp án trắc nghiệm Tìm hiểu Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 2024 Đợt 2
Bài dự thi viết Ký ức mùa Hè của tôi
Báo cáo kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của chi bộ 2024
Đáp án thi Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam 2023 TUẦN 3
Những mẫu bài viết về người chiến sĩ công an cơ sở hay
Viết thư cho các thế hệ tương lai về thế giới mà bạn hy vọng họ sẽ thừa hưởng (9 mẫu)