Thành phố Hà Nội trở thành thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm nào?

Thành phố Hà Nội trở thành thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm nào? Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến với lịch sử trải qua bao thăng trầm của các triều đại của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Hà Nội luôn là chủ đề trong nhiều cuộc thi văn hóa ở nước ta. Để trả lời cho câu hỏi "thành phố Hà Nội trở thành thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm nào?", mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của HoaTieu.vn và đi tìm hiểu, khám về xứ sở hiện đại nhưng cũng đầy thần bí của những câu chuyện nhuốm màu lịch sử này nhé!

Lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội
Lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội

1. Thành phố Hà Nội trở thành thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm nào?

Năm 1976, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, khóa IV, Hà Nội vinh dự được chọn làm Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến ngày nay.

2. Bạn cho biết Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu “thủ đô anh hùng” vào dịp nào?

Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu "Thủ đô anh hùng" vào ngày 4 tháng 10.

3. Trung tâm Hà Nội gồm những quận nào?

Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.

Danh sách 12 quận Hà Nội:

  • Ba Đình
  • Bắc Từ Liêm
  • Cầu Giấy
  • Đống Đa
  • Hà Đông
  • Hai Bà Trưng
  • Hoàn Kiếm
  • Hoàng Mai
  • Long Biên
  • Nam Từ Liêm
  • Tây Hồ
  • Thanh Xuân

4. Vị trí địa lý Hà Nội

Hình ảnh Di tích lịch sử Quốc Tử Giám ở Hà Nội
Hình ảnh Di tích lịch sử Quốc Tử Giám ở Hà Nội

Thủ đô Hà Nội nằm về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong phạm vi từ 20°34' đến 21°18' vĩ độ Bắc và từ 105°17' đến 106°02' kinh độ Đông, tiếp giáp với 8 tỉnh là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây. Hà Nội cách thành phố cảng Hải Phòng 120 km, cách thành phố Nam Định 87 km tạo thành 3 cực chính của Đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, thành phố có diện tích 3358,6 km², chiếm khoảng 1% diện tích tự nhiên của cả nước, đứng hàng thứ 41 về diện tích trong 63 tỉnh, thành phố ở nước ta, và là 1 trong 17 thủ đô có diện tích trên 3000 km².

5. Lịch sử Hà Nội

Dải đất nay là Hà Nội có dân cư từ vài ngàn năm trước nhưng cái tên gọi Hà Nội thì chỉ có từ năm 1831. Nguyên là từ năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Ðại La, đổi gọi thành này là kinh đô Thăng Long. Kinh đô ngày ấy ứng với quận Hoàn Kiếm và một phần của hai quận Ðống Ða, Hai Bà Trưng ngày nay. Sau đó địa giới Thăng Long dần mở rộng và tới cuối thế kỷ 18 thì tương ứng với năm quận nội thành bây giờ. Năm 1802, nhà Nguyễn lên ngôi dời đô về Huế, Thăng Long không còn là Kinh đô nữa và ít lâu sau bị đổi gọi là phủ Hoài Ðức.

Năm 1831, có một cuộc cải cách hành chính lớn: xoá bỏ các trấn, thành lập các tỉnh. Từ đó ra đời tỉnh Hà Nội. Sở dĩ có tên gọi này vì tỉnh mới nằm trong (nội) hai con sông (hà) là sông Hồng và sông Ðáy, gồm có 4 phủ, 15 huyện. Tỉnh lỵ đặt tại thành Thăng Long cũ, do vậy Thăng Long được gọi là tỉnh thành Hà Nội rồi nói gọn lại là Hà Nội.

Năm 1883, Pháp chiếm đóng Hà Nội. Năm 1886 họ thành lập "thành phố Hà Nội", ban đầu chỉ có 3 km2, đến năm 1939 là 12 km2 với số dân là 30 vạn.

Trở lại cái ngày Lý Thái Tổ định đô mới, truyền thuyết có kể rằng khi vua Lý tới bến sông Cái (một tên gọi khác của sônh Hồng), thì có con rồng vàng hiện trên sông rồi bay lên cao. Vua cho là điềm lành, đặt tên kinh đô mới là Thăng Long (Rồng lên). Câu chuyện "Rồng lên" đó nói lên khí thế vươn mình của thủ đô mới đang bước lên vũ đài lịch sử, gánh vác sứ mệnh làm trái tim của một quốc gia đã có mấy nghìn năm dựng nước.

Cũng từ đây Thăng Long ghi nhiều chiến công hiển hách!

Thế kỷ 13, Thăng Long ba lần "thành không nhà trống" dồn quân xâm lược nhà Nguyên vào thế bị đói, bị động, để rồi bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Tới đầu thế kỷ 15, đất nước lại một phen chao đảo. Thăng Long lại trở thành điểm quyết chiến tối hậu chống quân xâm lược. Sau mười năm khởi nghĩa, năm 1427 Lê Lợi đưa đại quân về Thăng Long vây chặt quân Minh xâm lược. Bị áp đảo trước khí thế và sức mạnh của nghĩa quân, binh tướng nhà Minh phải thề ở cổng thành phía Nam, xin đầu hàng và được phép rút toàn bộ quân sĩ về nước.

Tới cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, lại chính Thăng Long là nơi người anh hùng "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ ghi nhiều chiến công, mà hiển hách nhất là chiến thắng Ðống Ða năm 1789. Với cuộc hành quân thần tốc, mùng 5 Tết năm ấy, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan 30 vạn quân lính Mãn Thanh xâm lược. Và trong chiến thắng đó có phần đóng góp của người dân Thăng Long.

Sang đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn (từ năm 1802-1945) đóng đô ở Huế. Thăng Long trở thành lỵ sở của tỉnh Hà Nội. Nhưng Hà Nội vẫn là nơi văn vật nhất nước, là thành phố đứng đầu cả nước về sự nghệ thuật, về công nghiệp, về thương nghiệp, về sự phong phú, về dân số, về lịch thiệp và về văn hóa. . . Tóm lại, đây chính là trái tim của cả dân tộc.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam, chính ở Thành Hà Nội, giặc Pháp đã vấp phải sức phản kháng mạnh mẽ nhất. Ngưòi Hà Nội liên tiếp đứng lên chống lại ách đô hộ. Ðỉnh cao của phong trào chính là ngày 19/8/1945, Hà Nội khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng, mở đầu cho Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Nửa tháng sau, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Ðình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hà Nội là thủ đô của đất nước.

Nhưng thực dân Pháp lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Thế là ngày 19/12/1946 quân và dân Hà Nội nhất tề đứng lên đánh Pháp mở đầu cho giai đoạn toàn quốc kháng chiến dài tới 9 năm. Ngày 7/5/1954 chiến thắng Ðiện Biên Phủ, quân Pháp hoàn toàn thất bại. Năm tháng sau, 10/10/1954 Hà Nội được giải phóng và Hà Nội vẫn là trái tim của đất nước Việt Nam .

Năm 1965, Hà Nội quyết liệt đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân. Ðặc biệt 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân lớn nhất của đế quốc Mỹ, làm nên trận "Ðiện Biên Phủ trên không" lừng lẫy, và cùng với cả nước buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ðến năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất toàn vẹn. Tháng 7/1976 tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá VI, Quốc hội thống nhất quyết định lấy Hà Nội là thủ đô nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau chiến tranh, Hà Nội tiếp tục giữ vai trò thủ đô của quốc gia Việt Nam thống nhất. Hà Nội đã được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" vào ngày 16 tháng 7 năm 1999. Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu "Thủ đô anh hùng" vào ngày 4 tháng 10. Với tuổi đời hơn 1000 năm, Hà Nội chính là thủ đô lâu đời nhất trong 11 thủ đô của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Trên đây là đáp án cho câu hỏi và thông tin về lịch sử thủ đô Hà Nội. Hà Nội - vùng đất linh thiêng, địa linh nhân kiệt, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng dân tộc Việt Nam đi qua những thời kì huy hoàng, bao năm tháng đau thương, để đến những tháng ngày hiện tại - thời đại hòa bình, hạnh phúc. Thế hệ trẻ hôm nay xứng đáng được biết nhiều hơn, hiểu cặn kẽ hơn về thủ đô tươi đẹp và mảnh đất oanh liệt này của Việt Nam.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác trong mục Hỏi đáp pháp luật. của HoaTieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
11 3.156
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm