6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND cần nhớ

Tải về

Là người đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân, các chiến sĩ phải luôn khắc ghi trong mình 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND để học tập, rèn luyện và hành động cho đúng chuẩn mực mà Bác Hồ đã dạy. Hoatieu.vn mời bạn đọc cùng tham khảo nội dung được tổng hợp tại đây.

6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND cần nhớ

Công an nhân dân là lực lượng quan trọng trong cơ quan nhà nước. Vì vậy để trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân thì công dân phải rèn luyện học tập thật tốt. Và phải ghi nhớ 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề và 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân. 

6 ĐIỀU BÁC HỒ DẠY CÔNG AN NHÂN DÂN

Đối với tự mình phải: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Đối với đồng sự phải: Thân Ái Giúp Đỡ

Đối với Chính phủ phải: Tuyệt Đối Trung Thành

Đối với nhân dân phải: Kính Trọng Lễ Phép

Đối với công việc phải: Tận Tụy

Đối với địch phải: Cương Quyết, Khôn Khéo.

Trích Thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/3/1948.

Những điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân là những đức tính mà Công an nhân dân cần có, những điều này thể hiện trong từng mối quan hệ của Công an nhân dân với từng đối tượng khác nhau. Lực lượng Công an nhân dân là lực lượng làm việc cho nhân dân, thực thi pháp luật vì nhân dân và chịu sự quản lý của Chính Phủ. Bởi vậy lực lượng cần phải gương mẫu.

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Thứ nhất, đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính không thể thiếu, luôn phải được đặt lên hàng đầu đối với người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân. “Cần” là trong công tác Công an, phải giáo dục cho mỗi cán bộ chiến sỹ phải làm việc một cách cần mẫn, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm và tỉnh táo; phải xây dựng một ý chí vững chắc, không ngại khó khăn, gian khổ. Cần hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa trung bình với thái độ làm việc cầm chừng. “Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, phải luôn chú ý bảo vệ của công. Yêu cầu cơ bản của tiết kiệm là làm việc có chỉ tiêu, có kế hoạch, phân định rạch ròi từng công việc trong từng thời gian cụ thể, từ đó phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả tốt nhất. Cùng với thực hành tiết kiệm, cần không ngừng chống lại thói xa hoa, tham ô, lãng phí. “Liêm” là một phẩm chất đạo đức quan trọng không thể thiếu đối với mỗi người cán bộ cách mạng nói chung. Đó là, liêm khiết, trong sạch, không lạm dụng của công, không tham lam địa vị, quyền lực, tiền tài. Người luôn nhắc nhở “làm công an không phải làm quan cách mạng” mà là làm đầy tớ cho nhân dân, thực sự phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho Đảng, cho dân dù nhỏ cũng làm, việc gì sai trái, làm hại Tổ quốc, ảnh hưởng đến Đảng, lợi ích của nhân dân thì dù nhỏ cũng hết sức tránh. “Chính” theo Người là không tà, là thẳng thắn, việc thiện dù nhỏ cũng cố làm, việc ác dù nhỏ cũng cố tránh. Đức tính chính trực của người cán bộ, chiến sỹ Công an cách mạng thể hiện ở chỗ: Phải biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải; tránh những việc trái với lợi ích của nhân dân, trái với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, người Công an cách mạng nếu chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà thiếu dũng khí đấu tranh bảo vệ chân lý thì kỷ cương phép nước khó có thể được thực hiện nghiêm minh.

Thứ hai, đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh giáo dục cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân cần có tinh thần đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội, thân ái giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện và công tác. Và đây cũng là truyền thống quý báu của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Biểu hiện của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân biết giữ gìn sự đoàn kết nội bộ được thể hiện bởi sự yêu thương đồng chí, đồng đội, đồng cam chịu khổ; phát huy dân chủ, thẳng thắn đấu tranh, phê bình và tự phê bình; tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng đội phải thể hiện thái độ chân thành, trung thực, cầu thị trong quá trình học tập, rèn luyện, công tác; mọi biểu hiện che giấu khuyết điểm, bao che những hành vi thiếu trung thực, thiếu lành mạnh là những biểu hiện thiếu thân ái, giúp đỡ với đồng chí, đồng đội.

Thứ ba, đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Công an nhân dân là một trong những lực lượng của nhà nước. Công an nhân dân là người làm việc trong nhà nước nên cần có phải có lòng trung thành, lòng tin với Đảng và Nhà nước.

Lòng trung thành của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân với Đảng, với Nhà nước và với nhân dân là giá trị truyền thống quý báu của lực lượng Công an nhân dân, là bản chất của người chiến sỹ Công an cách mệnh. Lòng trung thành được thể hiện bởi bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân. Lòng trung thành được hình thành trên cơ sở giác ngộ cách mạng, lòng yêu mến đồng chí, đồng đội, lòng yêu nghề và nó được hình thành, trau dồi và tôi luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu, thắng không kiêu, bại không nản, nó còn thể hiện bởi ý chí vươn lên sang tạo trong công tác chuyên môn.

Thứ tư, đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép

Là lực lượng làm việc cho cơ quan nhà nước và phục vụ nhân dân nên đối với dân không được cao ngạo mà phải lễ phép, kính trọng. Công an với dân phải như xương, máu phải gần gũi với nhau. Công an phải hiểu được những trăn trở, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giúp nhân dân giải quyết. Hơn nữa công an phải bảo vệ được người dân của mình, bảo vệ được đất nước yên bình. Ngược lại nhân dân cũng là những người giúp Công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ, hơn hết là hậu phương vững chắc để công an yên tâm bảo vệ đất nước. Đó là mối quan hệ gắn bó giữa Công an nhân dân và nhân dân.

Thứ năm, đối với công việc, phải tận tụy

Công việc những chiến sỹ công an đảm nhiệm là vô cũng quan trọng bởi vậy nên mỗi cán bộ Công an nhân dân phải có tinh thần, thái độ làm việc tận tuỵ, tận tâm với đất nước. Đây là phẩm chất chung của mỗi cán bộ, đảng viên, càng phải là phẩm chất cần phải có của mỗi chiến sỹ công an cách mạng.

Các chiến sỹ công an phải làm việc xuất phát từ tâm mong muốn nhân dân có cuộc sống ấm no, vì mục đích trong sáng của đất nước, vì tổ quốc tươi đẹp hôm nay. Tận tụy với công việc được thể hiện ở sự làm việc bền bỉ, có tính chủ động, sáng tạo, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Luôn xây dựng ý thức chăm lo đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, khoa học, nền nếp, có hiệu quả thiết thực. Đã phụ trách công việc gì thì quyết tâm làm cho bằng được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Đó cũng chính là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức cao cả của người chiến sỹ Công an nhân dân.

Thứ sáu, đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo

Cương quyết đối với kẻ địch là một nguyên tắc bất di bất dịch. Kẻ địch là đối tượng cần phải quyết đoán để không bị kẻ địch đánh bại nên tuyệt đối phải cứng rắn, cương quyết với chúng. Khi kẻ địch thấy được sự cứng rắn của ta thì cũng phải chủ động biết lùi không bị đánh bại.

Cách xử thế thứ hai đối với kẻ địch lại phải khôn khéo; là một vấn đề cơ bản có tính chiến lược của cách mạng, có quan hệ biện chứng với tư tưởng, ý chí cương quyết với địch. Khi cương quyết và không khéo kết hợp với nhau thì sẽ là một vụ khí sắc bén để đánh lại kẻ thù. Vũ khí này cần sự rèn luyện, học tập thì mới thành loại vũ khí mà không phải máy móc là chế tạo ra được.

Tinh thần cương quyết, khôn khéo là vũ khí sắc bén, là nguyên tắc, phương châm hoạt động của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân. Quán triệt lời dạy của Bác, người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân cần phải xây dựng cho mình bản lĩnh chiến đấu, lập trường kiên định, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thử thách để ngày càng trưởng thành trong công tác.

‎5 LỜI THỀ DANH DỰ CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc.

2. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị và Điều lệnh Công an Nhân dân; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến.

3. Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

4. Đề cao cảnh giác, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

5. Ra sức học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an Nhân dân, luôn xứng đáng với danh dự và truyền thống của Công an Nhân dân Việt Nam.

(Theo Quyết định 09/2008/QĐ-BCA(X11) ngày 03/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Những lời thề của công dân nhân dân được xây dựng dựa trên những điều mà Bác Hồ đã dạy. Lời thề ấy thể hiện sự tận tâm của chiến sĩ công an đối với trọng trách của mình, giống như lời thề của những người làm y sĩ. Khi chiến sĩ công an đã tuyên thệ như vậy thì luôn khắc ghi và làm theo những gì đã thề.

Ý nghĩa 5 lời thề Công an nhân dân Việt Nam

Lời thề của Công an nhân dân Việt Nam là kim chỉ nam cho hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Mỗi một lời thề đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, lòng yêu nước nồng nàn và sự tận tụy phục vụ nhân dân. Từ đó nêu bật những giá trị cốt lõi, phẩm chất cao quý mà lực lượng Công an nhân dân luôn hướng tới.

Lời thề (1) khẳng định sự trung thành tuyệt đối của người Công an với Tổ quốc, Đảng và Nhà nước. Đó là động lực để họ sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Lời thề (2) nhấn mạnh tính kỷ luật, sự tuân thủ pháp luật và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của người chiến sĩ Công an. Họ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bất kể khó khăn gian khổ, để bảo vệ sự bình yên của đất nước.

Lời thề (3) thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an và nhân dân. Người chiến sĩ Công an không chỉ là những người bảo vệ pháp luật mà còn là người phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Lời thề (4) khẳng định vai trò quyết định của lực lượng Công an nhân dân trong việc bảo vệ nền an ninh quốc phòng đất nước. Cần phải luôn cảnh giác cao độ, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Lời thề (5) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập, trao dồi tri thức và rèn luyện đạo đức bản thân của mỗi chiến sĩ. Luôn phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức để xứng đáng với danh hiệu người chiến sĩ Công an nhân dân.

5 Lời thề Công an nhân dân Việt Nam chính là nguồn động viên to lớn cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an. Đây không chỉ là lời hứa mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào của những người chiến sĩ công an.

10 ĐIỀU KỶ LUẬT CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM

Khi đã là Công an nhân dân Việt Nam thì không được vi phạm những điều dưới đây. Nếu chiến sĩ nào vi phạm sẽ coi như hành vi sai lệch và bị kỷ luật theo đúng quy định.

Điều 1: Không có lời nói, hành động xâm hại đến Tổ quốc Việt Nam, đến uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, đến sự vững mạnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến danh dự và truyền thống của CAND Việt Nam.

Điều 2: Nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh CAND. Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Điều 3: Thực hiện nghiêm chỉnh các qui định về giữ bí mật của Đảng, Nhà nước và CAND.

Điều 4: Trung thực, thẳng thắn, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Không che giấu, báo cáo sai sự thật với tổ chức Đảng, Nhà nước và CAND.

Điều 5: Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân.

Điều 6: Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không lợi dụng danh nghĩa, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân. Không tham ô, lãng phí, đưa hoặc nhận hối lộ dưới bất kì hình thức nào, gương mẫu thực hiện nếp sống văn hoá.

Điều 7: Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm hại an ninh, trật tự của Tổ quốc, thiệt hại tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Không làm hại người tốt, không bao che kẻ xấu; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Điều 8: Không ngừng học tập để nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và năng lực công tác, góp phần xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Điều 9: Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Chủ động hợp tác với cá nhân và tập thể trong và ngoài lực lượng CAND để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Điều 10: Thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của chính quyền địa phương nơi cư trú.

Mời các bạn tham khảo thêm những bài viết hay khác liên quan đến ngành Công An, An ninh trật tự, trong mục Văn bản pháp luật trên HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
25 53.856
6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND cần nhớ
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm