Thời gian thăng cấp bậc hàm trong quân đội 2024

Thời gian thăng cấp bậc hàm trong quân đội 2024? Quân đội Việt Nam khác biệt rất nhiều so với quân đội các nước trên thế giới, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Các cấp bậc trong quân đội cùng thời gian phong, thăng cấp bậc luôn là vấn đề được mọi người quan tâm. Trong bài viết này, HoaTieu.vn sẽ giải đáp các thắc mắc của độc giả xoay quanh vấn đề thời gian thăng cấp bậc hàm trong quân đội này.

Quân đội Việt Nam trong lễ diễu binh
Quân đội Việt Nam trong lễ diễu binh

1. Quân hàm quân đội là gì? Quân hàm quân nhân chuyên nghiệp

1.1. Quân hàm quân đội là gì?

Quân đội Việt Nam được gọi là quân đội của nhân dân, có lịch sử chiến đấu anh dũng và được xếp vào lực lượng những đội quân hùng mạnh nhất trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên khái niệm quân hàm trong quân đội có lẽ vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều người, vậy quân hàm quân đội là gì?

Quân hàm của Quân đội nhân dân Việt Nam là biểu trưng thể hiện cấp bậc, ngạch bậc, quân chủng, binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân hàm, ngoài cho ta rõ cấp bậc, còn phân biệt được quân chủng của quân nhân đang phục vụ, thông qua màu viền của quân hàm, đồng thời là màu nền của quân hàm học viên sĩ quan, thể hiện rõ các quân chủng:

  • Lục quân, Tác chiến không gian mạng và Bảo vệ Lăng: màu đỏ
  • Không quân và Phòng không: màu xanh da trời
  • Hải quân: màu tím than.
  • Màu nền của ba quân chủng trên là màu vàng, riêng hạ sĩ quan, binh sĩ màu hồng nhạt.
  • Quân hàm Bộ đội biên phòng có màu viền là màu đỏ tươi tương tự như Lục quân, Tác chiến không gian mạng và Bảo vệ Lăng, nhưng có màu nền xanh lá.
  • Quân hàm Cảnh sát biển có màu viền vàng và màu nền xanh lam.
  • Cấp tướng có thêu hình trống đồng.

1.2. Quân hàm quân nhân chuyên nghiệp

Quân hàm của Quân nhân chuyên nghiệp từ năm 2008 có 1 vạch tơ màu hồng chạy dọc cấp hiệu, trước năm 2008 là vạch kim loại hình V, để phân biệt với sĩ quan chỉ huy. Cao nhất là Thượng tá và thấp nhất là Thiếu úy (đôi khi là Chuẩn úy).

2. Các cấp bậc trong quân đội

Các cấp bậc trong quân đội được thể hiện rõ trên ký hiệu cầu vai quân hàm, và gồm những cấp bậc sau:

2.1. Cấp bậc quân hàm của sĩ quan

Theo Điều 10 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014 cấp bậc quân hàm của sĩ quan gồm 03 cấp, 12 bậc:

- Cấp Tướng có bốn bậc:

+ Đại tướng;

+ Thượng tướng, Đô đốc Hải quân;

+ Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân.

+ Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;

- Cấp Tá có bốn bậc:

+ Đại tá;

+ Thượng tá;

+ Trung tá;

+ Thiếu tá.

- Cấp Úy có bốn bậc:

+ Đại úy;

+ Thượng úy;

+ Trung úy;

+ Thiếu úy.

2.2. Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp

Theo Điều 16 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015, cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được quy định như sau:

- Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương, gồm:

+ Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;

+ Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;

+ Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp;

+ Đại úy quân nhân chuyên nghiệp;

+ Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp;

+ Trung úy quân nhân chuyên nghiệp;

+ Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp.

- Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp gồm:

+ Loại cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;

+ Loại trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;

+ Loại sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

2.3. Cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ

Theo Điều 8 Luật Nghĩa vụ quân sự, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ gồm:

- Hạ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có ba bậc quân hàm:

+ Thượng sĩ;

+ Trung sĩ;

+ Hạ sĩ.

- Binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có 2 bậc quân hàm:

+ Binh nhất;

+ Binh nhì.

Lễ thăng quân hàm của sĩ quan Bộ đội Biên phòng
Lễ thăng quân hàm của sĩ quan Bộ đội Biên phòng

3. Quy định phong, thăng quân hàm quân đội

3.1. Quy định thăng quân hàm sĩ quan quân đội

Quy định phong, thăng quân hàm quân đội được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014.

Theo đó Sĩ quan quân đội được phong thăng quân hàm thì cấp bậc quân hàm hiện tại phải thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm.

Đối với Sĩ quan tại ngũ được thăng quân hàm khi có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 và đủ thời hạn xét thăng quân hàm quy định tại khoản 2 Điều này của Luật Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (SĐBS năm 2008 và năm 2014).

3.2. Quy định thăng quân hàm Quân nhân chuyên nghiệp

Căn cứ Điều 18 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 về phong, thăng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.

Đối với Quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm khi có mức lương tương ứng với mức lương của cấp bậc quân hàm cao hơn.

Ngoài ra, hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo của quân đội; đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 được tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp thì được xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng mức lương.

4. Thời hạn thăng quân hàm trong quân đội.

4.1. Thời hạn thăng quân hàm sỹ quan quân đội

  • Thiếu úy lên Trung úy: 02 năm
  • Trung úy lên Thượng úy: 03 năm
  • Thượng úy lên Đại úy: 03 năm
  • Đại úy lên Thiếu tá: 04 năm
  • Thiếu tá lên Trung tá: 04 năm
  • Trung tá lên Thượng tá: 04 năm
  • Thượng tá lên Đại tá: 04 năm
  • Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân tối thiểu là 04 năm
  • Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân lên Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân tối thiểu là 04 năm
  • Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân lên Thượng tướng, Đô đốc Hải quân tối thiểu là 04 năm
  • Thượng tướng, Đô đốc Hải quân lên Đại tướng tối thiểu là 04 năm.

4.2. Thời hạn thăng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp

Quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm khi có mức lương tương ứng với mức lương của cấp bậc quân hàm cao hơn như đã ở mục 3.

Tuy nhiên mức lương của quân nhân chuyên nghiệp phụ thuộc vào là trình độ và được phân thành 3 cấp: sơ cấp, trung cấp, cao cấp.

Mỗi cấp bậc sẽ có hệ số lương khác nhau và số năm tăng quân hàm cũng khác nhau. Ngoài ra quân nhân chuyên nghiệp còn có chế độ nâng bậc lương thường xuyên, vì vậy nếu không vi phạm hay bị xét kỷ luật gì, quân hàm của họ sẽ được tăng theo số năm tại ngũ và không phụ thuộc nhiều đến vị trí mà họ đảm nhiệm.

Qua đó ta có thể thấy rằng hầu như việc thăng quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp phụ thuộc vào số năm phục vụ trong quân đội và sỹ quan chỉ huy thì yếu tố quyết định thăng quân hàm lại là vị trí, chức danh mà họ đang đảm nhiệm.

5. Điều kiện thăng quân hàm trước niên hạn Trong quân đội

5.1. Điều kiện thăng quân hàm trước niên hạn đối với quân nhân chuyên nghiệp

Điều kiện để thăng cấp bậc quân hàm trước niên hạn đối với quân nhân chuyên nghiệp là:

Đối tượng trong suốt thời gian giữ bậc lương được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (được tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên) đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm, ngạch và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng.

Tỷ lệ Quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng và lao động hợp đồng được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% (quy định trước là 5%) tổng số Quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn. Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng nhóm, ngạch.

5.2. Điều kiện thăng quân hàm trước niên hạn đối với sĩ quan quân đội

Sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn quy định theo khoản 2 Điều 17 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (SĐBS năm 2008 và năm 2014) thuộc các trường hợp sau đây:

1. Trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác, nghiên cứu khoa học được tặng Huân chương;

2. Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ mà sĩ quan đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên hoặc cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chỉ huy, quản lý”.

Như vậy bài viết này này đã giải đáp các thắc mắc về vấn đề Thời gian thăng cấp bậc quân hàm trong quân đội. Mời các bạn tham khảo các bài viết liên quan tại mục Cán bộ công chức, Lao động tiền lương, tại mảng Hỏi đáp pháp luậtPhổ biến pháp luật của HoaTieu.vn

Đánh giá bài viết
2 891
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm