Lao động tự do làm gì để được hưởng lương hưu?

Lao động tự do làm gì để được hưởng lương hưu? Lương hưu là nguồn thu nhập đảm bảo cho những người không còn lao động. Lương hưu của người lao động tự do được quy định thế nào?

1. Lao động tự do làm gì để được hưởng lương hưu?

Những người lao động tự do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. => Để được hưởng lương hưu, người lao động tự do có thể tham gia BHXH tự nguyện. Điều này có nghĩa lương hưu của lao động tự do được đảm bảo bằng BHXH tự nguyện

2. Lương hưu của lao động tự do

Lao động tự do làm gì để được hưởng lương hưu?

Như đã nói tại mục 1, để nhận lương hưu, người lao động tự do cần tham gia BHXH tự nguyện.

Mức đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu của lao động tự do được quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, cụ thể:

Mức đóng Bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 29.800.000 đồng).

Phương thức đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu của lao động tự do tại điều 9 nghị định 134:

- Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

  • Đóng hằng tháng
  • 3 tháng một lần
  • 06 tháng một lần
  • 12 tháng một lần
  • Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần
  • Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

- Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức (hàng tháng, 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu theo quy định.

3. Cách đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu của lao động tự do

Ví dụ: bà A 56 tuổi là lao động tự do, mới tham gia BHXH được 6 năm và đang muốn nghỉ việc, muốn được hưởng lương hưu thì làm thế nào?

Giải pháp:

Bà A 56 tuổi (đã đủ tuổi nghỉ hưu), đóng BHXH được 6 năm (còn thiếu 14 năm để đủ 20 năm đóng) thì có thể chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức (hàng tháng, 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Chẳng hạn:

Tháng 8.2020, bà A lựa chọn đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 5 năm về sau thì đến tháng 7.2025, tổng thời gian đóng sẽ là 11 năm, tháng 8.2025, bà A đóng tiếp BHXH tự nguyện một lần cho 9 năm còn thiếu là đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

4. Cách tính khi nhận lương hưu của bảo hiểm tự nguyện

Theo Điều 73 Luật BHXH 2014 thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, Điều 169 của Bộ Luật Lao động. Các bạn có thể tham khảo độ tuổi nghỉ hưu tại bài: Độ tuổi nghỉ hưu 2021
  • Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Cách tính lương hưu của lao động tự do được quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 134 như sau:

Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Từ quy định trên, công thức tính lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện là:

Lương hưu hàng tháng = tỉ lệ hưởng lương hưu x mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó:

- Tỉ lệ hưởng lương hưu được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 3 Nghị định 134:

  • Với lao động nữ, tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
  • Với lao động nam, tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH. Năm 2021 được tính là 19 năm đóng BHXH, từ 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

- Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.

Ví dụ: Tính đến tháng 4-2021, ông K đủ tuổi về hưu theo quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 (đủ 60 tuổi 3 tháng). Ông đã đóng BHXH tự nguyện với mức đóng bình quân là 2,5 triệu đồng/tháng, tính đến thời điểm đủ tuổi về hưu là 24 năm.

- 19 năm đầu tham gia sẽ được hưởng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- Từ năm thứ 20 đến năm thứ 24 là 05 năm được hưởng thêm: 5 x 2% = 10%

- Tổng 2 tỷ lệ là: 45% + 10% = 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính bằng mức bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Ông K đóng với mức 2,5 triệu đồng/ tháng.

Vậy, mức hưởng lương hưu của ông K = 55% x 2,5 triệu đồng = 1,375 triệu đồng/tháng.

Trên đây, Hoatieu.vn đã trả lời câu hỏi: Lao động tự do làm gì để được hưởng lương hưu? Mời các bạn đọc các bài viết liên quan tại mục Lao động - tiền lương, mảng Hỏi đáp pháp luật.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
1 98
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm