Hợp đồng lao động bằng lời nói áp dụng trong trường hợp nào?

Hợp đồng lao động bằng lời nói áp dụng trong trường hợp nào? Trong quan hệ lao động, Hợp đồng lao động đóng vai trò quan trọng làm căn cứ ràng buộc các bên tham gia về quyền và lợi ích. Vậy có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói không? Hợp đồng lao động bằng lời nói được áp dụng trong trường hợp nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng HoaTieu.vn.

Quy định về HĐLĐ bằng lời nói
Quy định về HĐLĐ bằng lời nói

1. Hợp đồng lao động bằng lời nói là gì?

Hợp đồng lao động bằng lời nói là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng lao động chỉ bằng miệng, không thông qua bất cứ văn bản, giấy tờ gì.

2. Loại hợp đồng nào có thể thực hiện bằng lời nói?

Điều 14 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) quy định:

Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.

Như vậy hợp đồng lao động có thể được ký kết dưới ba hình thức sau:

  • Hợp đồng lao động bằng văn bản;
  • Hợp đồng lao động điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu;
  • Hợp đồng lao động bằng lời nói.

Đối với hợp đồng lao động được ký kết dưới hình thức lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.

Tuy nhiên, sẽ không áp dụng ký kết HĐLĐ bằng lời nói đối với các trường hợp sau:

  • Giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động trong nhóm được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Sử dụng lao động dưới 15 tuổi;
  • Ký kết HĐLĐ với lao động là người giúp việc gia đình thì không được ký kết HĐLĐ bằng hình thức lời nói.

Đây là quy định để đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia HĐLĐ, đặc biệt là với NLĐ - bên được cho là yếu thế hơn. Bởi thực chất, trên thực tế, NLĐ luôn là người phụ thuộc và NSDLĐ. Việc giao kết HĐLĐ bằng lời nói hầu như mang hiệu lực pháp lý rất yếu, có khó thể chứng minh nếu có tranh chấp xảy ra.

3. Hợp đồng lao động bằng lời nói áp dụng trong trường hợp nào?

HĐLĐ bằng lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.
HĐLĐ bằng lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.

Như đã đề cập tại phần trên, HĐLĐ bằng lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.

Việc quy định trường hợp áp dụng này sẽ buộc các bên tham gia HĐLĐ phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản một cách rõ ràng, minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Vì thực tế, rõ ràng là ký kết HĐLĐ bằng lời nói sẽ khó có thể khó chứng minh hiệu lực của những điều khoản ràng buộc cũng như quyền lợi của các bên.

4. Ví dụ về hợp đồng bằng lời nói

Trong cuộc sống, đặc biệt là lĩnh vực dân sự, việc giao kết hợp đồng bằng lời nói diễn ra hàng ngày. Ví dụ như ra cửa hàng đặt mua đồ, chúng ta giao kết với chủ cửa hàng về mặt hàng, khối lượng giao dịch, thời gian giao hàng, số tiền phải trả, địa điểm giao hàng... đây là loại hợp đồng bằng miệng.

Còn trong lao động, hợp đồng bằng lời nói cũng được sử dụng khá nhiều.

Ví dụ: Nhà ông A có vườn chuối đã đến vụ thu hoạch. Ông A thuê 2 người là anh B và anh C đến thu hoạch, chặt buồng chuối để bán cho thương lái. Hợp đồng thuê chỉ nói bằng miệng được giao kết như sau:

  • 2 người B và C thực hiện thu hoạch vườn chuối có diện tích 1000m2 trong thời gian là 2 tuần.
  • Sau khi thu hoạch xong ông A sẽ trả cho B và C mỗi người 15 triệu đồng.
  • Trong thời gian thực hiện công việc A sẽ chuẩn bị 1 ngày 2 bữa cơm cho B và C.

Thực tế, hợp đồng lao động bằng lời nói với những công việc thời vụ ngắn hạn, đơn giản được sử dụng khá nhiều vì tính tiện lợi, không mất thời gian ký kết hợp đồng, văn bản.

5. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói

Theo Điều 400 của Bộ luật dân sự năm 2015 (SĐBS 2017) quy định như sau:

1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Như vậy thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng và có sự đồng thuận với nhau.

Căn cứ vào thỏa thuận của các bên, HĐLĐ bằng lời nói sẽ chính thức có hiệu lực pháp lý và được thực hiện trên thực tế,

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều 400 Bộ luật dân sự năm 2015.

Bài viết trên đã giải đáp cho câu hỏi hợp đồng lao động bằng lời nói áp dụng trong trường hợp nào? Mời bạn đọc tham khảo các bài viết có liên quan tại mục Hỏi đáp pháp luậtPhổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.137
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm