Quy định về việc hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên 2024

Quy định về việc hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên 2024. Hiện nay, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, cán bộ quản lý, giáo viên bậc mầm non an tâm công tác vì được hưởng chế độ trực trưa, tuy nhiên mức hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên cụ thể là bao nhiêu? Đây là câu hỏi thắc mắc của nhiều bạn đọc giả. Hoatieu.vn mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.

Chế độ hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên

Việc hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên là một vấn đề mang tính xã hội, liên quan đến quyền lợi của cả giáo viên và trẻ em. Giải quyết tốt vấn đề này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo động lực để giáo viên yên tâm công tác.

1. Chế độ trực trưa cho giáo viên mầm non 2024

Hiện tại, chế độ làm việc của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (Điều 7).

Đồng thời, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP cũng quy định về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn.

Quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/03/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, đối với đơn vị đang thiếu số lượng giáo viên theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc đơn vị có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí giáo viên khác dạy thay thì thời gian giáo viên mầm non dạy thêm giờ so với định mức quy định được tính để thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù riêng hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non để giúp giáo viên có mức thu nhập tương xứng hơn với thời gian lao động thực tế.

Đồng thời, ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, việc xã hội hóa giáo dục mầm non đã được triển khai trên cơ sở thỏa thuận với cha, mẹ trẻ để chi trả tiền ăn bán trú, giữ trẻ ngày thứ bảy, học ngoài giờ chính khóa.

Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, điều chỉnh Chương trình giáo dục mầm non. Sau khi Chương trình giáo dục mầm non được điều chỉnh và ban hành chính thức, Bộ GD&ĐT sẽ có những đánh giá tổng thể để có những đề xuất, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến giáo viên mầm non để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ.

Trước mắt, Bộ GD&ĐT đề nghị giáo viên có kiến nghị trực tiếp với địa phương để có thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo viên mầm non.

2. Giáo viên mầm non có được ngủ trưa không?

Chăm các cháu ngủ ngon giấc, làm đồ chơi, trang trí phòng học, lau dọn phòng học sạch sẽ, phụ nấu bữa ăn chiều…đó là nhiều công việc mà giáo viên trực trưa cần phải làm trong khoảng 2h đồng hồ trước khi sang giờ học buổi chiều mà không được ngủ.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong giờ giấc ăn trưa đòi hỏi giáo viên phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian. Hầu hết tại các trường mầm non hiện nay, đều không có quy định bắt buộc các giáo viên phải trông trưa các cháu mà chỉ dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện về việc trông trưa và giáo viên sẽ được hỗ trợ một mức hỗ trợ nhất định theo quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế giáo viên cần có trách nhiệm trông trẻ, việc giáo viên không cần trông trưa và có thể đi ngủ trưa bình thường là rất khó. Đặc biệt với số lượng trẻ đông, giáo viên sẽ luôn phải quan sát và chăm sóc trẻ.

Được nghỉ ngơi đầy đủ là điều rất quan trọng đối với sức khỏe của giáo viên. Nếu giáo viên cảm thấy quá mệt mỏi, việc ngủ trưa có thể giúp họ phục hồi năng lượng để tiếp tục làm việc. Sau một giấc ngủ trưa, các giáo viên sẽ tỉnh táo và tràn đầy năng lượng hơn, giúp làm việc được hiệu quả, sẽ có thể quan sát và chăm sóc trẻ tốt hơn, đảm bảo an toàn và sự phát triển toàn diện cho trẻ.

3. Số giờ thừa có được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ?

Tại Khoản 1 và 2 Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDDT nêu rõ:

1. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

2. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Thời gian trực trưa đối với giáo viên mầm non giảng dạy trực tiếp và giáo viên mầm non làm công tác quản lý tại trường mầm non được tính trong tổng số giờ được quy định như trên.

Nếu số giờ thừa thì được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8.3.2013 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

4. Có nên hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên mầm non?

Công việc của giáo viên mầm non vào buổi trưa là khá vất vả. Giáo viên phải cho các con ngủ nhưng không phải đứa trẻ nào cũng ngủ ngoan. Hơn nữa các giáo viên cũng gần như không được ngủ trưa khi phải dọn dẹp phòng học, rửa bát và chăm lo cho con em khi trẻ không ngủ trưa.

Tuy nhiên theo quy định pháp luật thì thời gian làm việc này của các giáo viên mầm non sẽ được tính vào thời gian làm việc thêm giờ nếu dư thời gian so với tiêu chuẩn. Vì vậy các giáo viên cũng được hưởng thêm tiền lương giờ dạy thêm với mức hưởng là 150% tiền lương giờ dạy thông thường.

Nhưng các giáo viên mầm non làm việc cả ngày không nghỉ ngơi như vậy là thực sự vất vả. Việc chăm sóc trẻ nhỏ không phải là điều dễ dàng bởi nếu không chăm sóc cẩn thận thì giáo viên đó còn phải chịu trách nhiệm. Vì vậy để giáo viên được khích lệ với mức thù lao xứng đáng thì các cơ sở dạy trẻ cần có những xem xét thực tiễn cụ thể để chăm lo đời sống của giáo viên. Khi thấy mức lương chưa thoả đáng thì cần chủ động bàn bạc với cơ quan liên quan và đưa ra chính sách phù hợp với những ý kiến của phụ huynh để có mức trợ cấp xứng đáng cho giáo viên mầm non.

Như vậy, hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên không phải là bắt buộc. Số tiền này được phụ huynh “thỏa thuận” với Ban giám hiệu lúc họp đầu năm, được chính quyền địa phương cho phép thu.

5. Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập

Việc trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập cần đảm bảo theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC như sau:

1. Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

2. Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/ năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm.

3. Năm học quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.

4. Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, trình độ nghề được áp dụng định mức giờ dạy/năm quy định cho cấp học, trình độ nghề cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

5. Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí tiền lương dạy thêm giờ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cơ sở giáo dục công lập quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp.

6. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

7. Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.

8. Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Mời bạn tham khảo các văn bản pháp luật khác có liên quan trên chuyên mục Văn bản pháp luật được đăng tải trên HoaTieu.vn

Đánh giá bài viết
13 24.454
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm