Tổng hợp những hành vi giáo viên không được làm

Tải về

Những điều giáo viên không được làm là những việc gì? Hiện nay Bộ giáo dục đã ban hành rất nhiều văn bản quy định cụ thể về các hành vi giáo viên mầm non không được làm, những điều giáo viên tiểu học không được làm, những hành vi giáo viên không được làm... Dưới đây là tổng hợp các quy định về những điều giáo viên không được làm để tránh bị vi phạm kỷ luật, mời các bạn cùng tham khảo.

Những hành vi giáo viên không được làm
Những hành vi giáo viên không được làm

Sau đây là tổng hợp những điều giáo viên không được làm đã được Bộ giáo dục cũng như pháp luật quy định các thầy cô cần biết.

1. Những điều giáo viên không được làm theo quyết định về đạo đức nhà giáo

Quy định về đạo đức nhà giáo được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Điều 6 nhà giáo có nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo, không được thực hiện các việc sau đây:

"1. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.

2. Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.

3. Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.

4. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.

5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.

6. Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.

7. Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.

8. Không gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.

9. Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.

10. Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.

11. Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại."

2. Những điều giáo viên tiểu học không được làm

a) Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức.

b) Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh.

c) Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất.

d) Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục.

đ) Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Nhân viên không cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục học sinh và các công việc khác của nhà trường.

3. Những điều giáo viên không được làm theo Luật Giáo dục năm 2019

Căn cứ theo điều 22 Luật Giáo dục năm 2019 quy định những điều giáo viên không được làm bao gồm:

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.

2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.

3. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

4. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

5. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

6. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

4. Những điều giáo viên không được làm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT

Căn cứ Điều 31 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT quy định các hành vi giáo viên THCS, THPT không được làm như sau:

1. Giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.

b) Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.

c) Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.

d) Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

đ) Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động dạy học, giáo dục.

e) Cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác dạy học, giáo dục học sinh và các công việc khác.

5. Những điều giáo viên mầm non không được làm

Riêng đối với các hành vi giáo viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non không được làm được quy định tại Điều 40 Điều lệ Trường mầm non mới nhất ban hành kèm Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

1. Các hành vi giáo viên không được làm:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Xuyên tạc nội dung giáo dục;

c) Bỏ giờ; Bỏ buổi dạy; Tùy tiện cắt xén chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục;

d) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

e) Ép buộc trẻ học thêm để thu tiền;

f) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Các hành vi nhân viên không được làm:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

c) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.

6. Những điều giáo viên không được làm theo Luật Viên chức

Giáo viên là viên chức nên cần tuân thủ theo quy định trong Luật Viên chức.

Điều 19 Luật Viên chức số 26/VBHN-VPQH quy định những việc viên chức không được làm như sau:

“1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.

2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của Nhân dân trái với quy định của pháp luật.

3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân và xã hội.


5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

7. Giáo viên xúc phạm danh dự học sinh bị xử lý thế nào?

7.1. Giáo viên xúc phạm danh dự học sinh bị phạt bao nhiêu tiền?

Hiện nay, xã hội đã có những quan niệm mới về mối quan hệ thầy cô tiến bộ, hiện đại hơn.
Hiện nay, xã hội đã có những quan niệm mới về mối quan hệ thầy cô tiến bộ, hiện đại hơn.

Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục thì giáo viên vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học được quy định như sau:

"Điều 28. Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi sau (mức phạt đối với cá nhân từ 2.500.000 đến 5.000.000 đồng):

- Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành;

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự."

Ngoài ra, phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Như vậy giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh có thể bị phạt hành chính từ 2,5 đến 5 triệu đồng. Đồng thời còn phải công khai xin lỗi học sinh bị xúc phạm trừ trường hợp người bị xúc phạm hoặc người đại diện của học sinh đó không yêu cầu công khai xin lỗi.

Việt Nam từ xưa đến nay vẫn ảnh hưởng bởi tư tưởng nho giáo: tôn sư trọng đạo, giáo dục bằng sự nghiêm khắc, đòn roi... dù tư tưởng có những giá trị cốt lõi rất đáng quý nhưng cũng chứa nhiều những lạc hậu về phương thức giáo dục, dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên đương nhiên coi bản thân có quyền đánh mắng, xúc phạm khi học sinh học kém hay không nghe lời. Thực trạng này đã diễn hàng chục năm nay trong ngành giáo dục nước ta.

Hiện hành, pháp luật đã có những quy định mới, xã hội cũng có những quan niệm mới về mối quan hệ thầy cô tiến bộ, hiện đại hơn. Theo đó, những người công tác trong ngành giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường đều phải tuân thủ những điều nên làm và không được làm theo quy định đã đề cập tại phần 1, 2, 3 trên.

Quy định về điều được và không được làm của giáo viên cũng được phân tích rõ trong bài viết sau: Những điều giáo viên được và không được làm với học sinh

7.2. Giáo viên xúc phạm danh dự học sinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Bên cạnh việc bị xử lý hành chính, giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

"Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm".

Như vậy, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử phạt tù mức cao nhất đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm các công việc từ 1 đến 5 năm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn bản pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
15 23.489
Tổng hợp những hành vi giáo viên không được làm
Chọn file tải về :
3 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • 🖼️
    Jenifer Hoang

    Giờ ít thầy cô mắng chửi hs lắm. học ucngx sợ bị kỷ luật mà

    Thích Phản hồi 27/06/22
    • 🖼️
      Đinh Thanh Hoa

      Nói chung là làm giáo viên cũng khó lắm, nhất là với mấy e mà hư xong nói không nghe nó hỗn rồi chả biết dạy tnao

      Thích Phản hồi 27/06/22
      • 🖼️
        Hà Thanh Hiền

        Bây giờ vẫn có những có sở dạy thêm đánh mắng học sinh dạy theo kiểu biện pháp mạnh ấy, mà cha mẹ cho con đi học nhiều lắm, toàn mấy đứa hư với học giốt ấy

        Thích Phản hồi 27/06/22
        Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm