Nghị định 04/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục

Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Từ 10/3, cho người khác dùng văn bằng, chứng chỉ của mình bị phạt đến 10 triệu đồng

Ngày 22/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Cụ thể, tăng mức phạt tiền lên đến 10 triệu đồng (quy định cũ tối đa 08 triệu đồng) đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi không công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người vi phạm buộc phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định mức xử phạt từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc kỷ luật người học không đúng quy định…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/3/2021.

Nghị định này làm hết hiệu lực Nghị định 138/2013/NĐ-CP

Nội dung Nghị định 04 năm 2021

CHÍNH PHỦ

_______

Số: 04/2021/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

__________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.

Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên; trường trung cấp và trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên; cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây viết tắt là viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ);

b) Trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; phân hiệu của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở giáo dục thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và tổ chức là pháp nhân không phải cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên; đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và tổ chức thực hiện dịch vụ gắn với hoạt động giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục);

d) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực giáo dục, thì không bị xử phạt theo quy định của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

b) Trục xuất;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn.

3. Mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục:

a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng;

b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14, điểm b khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 29 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.

Điều 4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau:

1. Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật.

2. Buộc hủy bỏ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học.

3. Buộc tổ chức kiểm tra, đánh giá lại kết quả của người học.

4. Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

5. Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được.

6. Buộc trả lại hồ sơ, giấy tờ của người học.

7. Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại.

8. Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

9. Buộc hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ.

10. Buộc huỷ bỏ văn bằng, chứng chỉ.

11. Buộc hủy bỏ bản sao văn bằng, chứng chỉ.

12. Buộc hủy bỏ kết quả công nhận đánh giá hoặc kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

13. Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy tờ, văn bản đã cấp.

14. Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động giáo dục.

15. Buộc dạy đủ số tiết, khối lượng học tập hoặc bố trí dạy đủ số tiết, khối lượng học tập.

16. Buộc tổ chức bảo vệ luận văn, luận án hoặc tổ chức bảo vệ lại luận văn, luận án theo quy định.

17. Buộc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học.

18. Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học.

19. Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã chi sai.

20. Buộc thực hiện công khai theo quy định.

21. Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

22. Buộc trả lại các khoản chi không đúng quy định từ nguồn vận động tài trợ.

Chương II. HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP, CHO PHÉP THÀNH LẬP; SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, GlẢl THỂ CƠ SỞ GIÁO DỤC HOẶC TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỊCH VỤ GIÁO DỤC; CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH CƠ SỞ GIÁO DỤC

Điều 5. Vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung một trong các loại văn bản sau:

a) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục;

b) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

3. Phạt tiền đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

e) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật là quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận thực hiện dịch vụ giáo dục

1. Phạt tiền đối với hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục ngoài địa điểm được phép, đăng ký hoặc công nhận theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong quyết định cho phép hoạt động giáo dục hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định cho phép hoạt động, quyết định công nhận hoạt động đối với tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cho phép hoạt động, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc chưa được công nhận hoạt động theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

đ) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc dịch vụ giáo dục từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu tang vật là quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký, quyết định cho phép hoạt động hoặc quyết định công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 5 Điều này;

c) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

b) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất có nội dung không chính xác;

d) Sử dụng tên hoặc đặt trụ sở không đúng địa điểm theo quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập;

đ) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành;

d) Không thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

đ) Không gửi thông báo, quyết định của cơ sở giáo dục đại học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi ban hành văn bản trái thẩm quyền hoặc văn bản có nội dung trái pháp luật hiện hành.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện công khai theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 2. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TUYỂN SINH

Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh;

b) Không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào;

b) Thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh

1. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh ở cấp trung học phổ thông theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học đến dưới 30 người học;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên sai đối tượng theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học đến dưới 30 người học;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

3. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học đến dưới 30 người học;

c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

4. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 05 người học;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 05 người học đến dưới 10 người học;

c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học trở lên.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển; buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nếu hành vi vi phạm có lỗi của cả đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và người học;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nếu người học không có lỗi;

c) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định trúng tuyển đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

............................................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu:04/2021/NĐ-CPLĩnh vực:Giáo dục
Ngày ban hành:22/01/2021Ngày hiệu lực:10/03/2021
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
2 1.296
Văn bản liên quan
0 Bình luận
Sắp xếp theo