Ép giáo viên trực hè có thể bị phạt tới 20 triệu

Giáo viên nghỉ hè có phải trực trường không? Đây là câu hỏi được rất nhiều các thầy cô quan tâm mỗi khi hè đến. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các bạn đọc những quy định mới nhất của pháp luật về chế độ trực hè đối với giáo viên, mời các bạn cùng tham khảo.

Hiện nay vấn đề bắt hay nói đúng hơn là ép giáo viên trực trường không công trái quy định vẫn diễn ra tại các cơ sở giáo dục như trực tết, trực lễ, trực hè,... Vậy việc bắt giáo viên đi trực hè có đúng với quy định không và nếu giáo viên trực hè, lễ tết không công thì hiệu trưởng sẽ bị xử lý ra sao. Mời các bạn tham khảo nội dung sau đây.

Giáo viên có phải trực hè không?

1. Giáo viên có phải trực hè không?

Theo điểm a khoản 3 Điều 5 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định như sau:

Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
...
3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)
b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Về nguyên tắc, trực hè phải được sự đồng ý của giáo viên, nếu nhà trường có kế hoạch bố trí giáo viên tham gia trực hè và được giáo viên đồng ý thì thời gian tham gia trực hè giáo viên sẽ được hưởng lương làm thêm giờ.

Tuy nhiên, tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt như sau:

Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt

Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:

1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Như vây, trong trường hợp đặc biệt, nhà trường có thể bắt buộc giáo viên tham gia trực hè khi thực hiện công việc nhằm bảo vệ tài sản cho nhà trường trong phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Tóm lại, giáo viên không bắt buộc phải tham gia trực hè, trừ trường hợp đặc biệt.

2. Chế độ đối với giáo viên tham gia trực hè

Nghỉ hè là khoảng thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên và đã được pháp luật quy định cụ thể. Chính vì vậy trực hè sẽ được xem là làm thêm giờ. Như vậy nếu giáo viên đồng ý trực hè thì khoảng thời gian trực sẽ được tính vào thời gian làm thêm giờ.

Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ như sau:

Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

3. Quy định xử phạt nếu ép giáo viên trực không công

Theo quy định mới nếu thủ trưởng đơn vị bắt giáo viên trực mà không trả tiền làm thêm giờ theo quy định thì mỗi trường hợp sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Cụ thể, tại ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ở khoản 2 Điều 17. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.”

Như vậy với quy định trên thì nếu hiệu trưởng ép giáo viên trực không công trong các ngày nghỉ theo quy định thì có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, bên cạnh phải bị xử lý theo Luật Viên chức.

Bên cạnh đó còn có điều khoản quan trọng mà các cơ sở giáo dục hay mắc phải đó là nếu giáo viên trước nghỉ hưu trong năm cuối cùng công tác nếu không giảm số giờ công tác sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng.

Cụ thể, tại điểm b, khoản 1, của điều trên:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định”.

Về việc giáo viên hay người lao động năm trước khi nghỉ hưu được rút ngắn thời gian làm việc được quy định cụ thể như sau: Tại Khoản 3, Điều 166 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời gian làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian”.

Bên cạnh đó, tại Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ về thời gian làm việc có hưởng lương thì người sử dụng phải chi trả lương đối với thời gian làm việc được rút ngắn mỗi ngày (ít nhất 1 giờ) đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

Như vậy, tùy theo điều kiện nhưng giáo viên ở năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu sẽ được giảm ít nhất 1 giờ làm việc (hoặc ít nhất 1 tiết).

Trích “Điều 17. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Nghị định 28/2020/NĐ-CP

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định;

b) Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định;

c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.”

Bên cạnh đó, tại Nghị định trên còn có rất nhiều quy định về việc xử phạt về lao động, làm thêm giờ, ký kết hợp đồng lao động, giao việc,… Nghị định có hiệu lực từ 15/4/2020.

Xem thêm

Đánh giá bài viết
1 722
0 Bình luận
Sắp xếp theo