Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động 2024 như thế nào?

Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động 2024 như thế nào? Trong môi trường lao động, để duy trì nề nếp, tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên, mỗi một cơ quan, tổ chức đều đưa ra những quy định lao động mà không thể không đề cập đến kỷ luật lao động dựa trên Bộ luật lao động 2019. Có thắc mắc rằng khi vi phạm các nội quy trong tổ chức thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây của Hoatieu.vn nhé.

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là gì?

Trên thực tế, có những hành vi vi phạm quy định lao động thì sẽ bị xử phạt xử lý ngay lập tức, tuy nhiên có những hành vi mãi sau này mới bị phát hiện thì liệu có bị xử lý kỷ luật lao động không? Chính vì vậy, pháp luật đã đưa ra quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động thì các cơ quan, tổ chức căn cứ để áp dụng xử lý cho phù hợp.

Có thể hiểu thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là khoảng thời gian tính từ lúc bắt đầu xảy ra hành vi vi phạm đến thời điểm hiện tại.

2. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật lao động?

Căn cứ theo Điều 123 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động được định nghĩa là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định về việc có thể gia hạn thời hiệu trong trường hợp nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Khi có quyết định xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải ban hành quyết định bằng văn bản trong thời hạn quy định.

Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là gì?

3. Những hình thức xử lý kỷ luật lao động

Vì thực tế, trong thị trường lao động đa dạng ngành nghề và tính chất của từng công việc cũng khác nhau và hậu quả khi vi phạm kỷ luật cũng khác nhau, do đó, phải áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp với từng mức độ vi phạm.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động. Căn cứ vào Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm:

- Khiển trách.

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

- Cách chức.

- Sa thải.

4. Trình tự xử lý kỷ luật lao động như thế nào?

Người sử dụng lao động và người lao động cần lưu ý và tuân thủ theo trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động căn cứ theo Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi. Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.

- Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:

+ Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;

+ Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định, phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;

+ Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.

Trong thời gian cuộc họp diễn ra, tất cả nội dung về xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

Như vậy, trên đây là những phân tích về Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động 2024 như thế nào? theo quy định của Bộ luật lao động 2019. Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết khác tại mục Dân sự thuộc mảng Hỏi đáp pháp luật. 

Đánh giá bài viết
2 38
0 Bình luận
Sắp xếp theo