27 đề thi học sinh giỏi Văn 7 hay chọn lọc (mới cập nhật)
Đề thi học sinh giỏi ngữ Văn 7
Đề thi học sinh giỏi Văn 7 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây sẽ là tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi văn 7 vô cùng bổ ích cho các em học sinh với các mẫu đề đa dạng về ngữ liệu văn học có đáp án chi tiết sẽ giúp củng cố kiến thức môn Ngữ văn hiệu quả nhất. Sau đây là nội dung chi tiết 27 đề thi học sinh giỏi lớp 7 môn Ngữ văn, mời các em cùng tham khảo và tải về sử dụng.
Lưu ý: Bộ đề thi HSG Ngữ văn 7 rất dài, để xem toàn bộ nội dung chi tiết mời các em sử dụng file tải về trong bài.
Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 7 2024
ĐỀ 1
I. Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:
LỜI RU CỦA MẸ
Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát
Lúc con nằm ấm áp
Lời ru là tấm chăn
Trong giấc ngủ êm đềm
Lời ru thành giấc mộng
Khi con vừa tỉnh giấc
Thì lời ru đi chơi
Lời ru xuống ruộng khoai
Ra bờ ao rau muống
Và khi con đến lớp
Lời ru ở cổng trường
Lời ru thành ngọn cỏ
Đón bước bàn chân con
Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông.
Câu 1.
Bài thơ có cách ngắt nhịp chủ yếu ?
A. Ngắt nhịp 2/3 hoặc 3/2.
B. Ngắt nhịp 2/3 hoặc 4/1.
C. Ngắt nhịp 4/1 hoặc 3/2.
D. Ngắt nhịp 2/3 hoặc 1/1/3.
Câu 2. Bài thơ gieo vần
A. Vần chân
B. Vần cách
C. Vần liền
D. Vần hỗn hợp
Câu 3. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
A. Bốn chữ
B. Năm chữ
B. Tự do
D. Lục bát
Câu 4. Nội dung chính của bài thơ là:
A. Bài thơ nói về giá trị của lời ru trong cuộc sống của mỗi con người
B. Bài thơ mượn hình ảnh lời ru để nói về tình mẹ tha thiết, thiêng liêng, bất tử.
C. Bài thơ gợi những niềm rung động sâu xa trong lòng người đọc về tình mẫu tử.
D. Bài thơ sử dụng hình ảnh lời ru để bộc tấm lòng thảo hiếu của người con đối với mẹ.
Câu 5. Từ “ mênh mang” được hiểu như thế nào?
A. Rộng lớn đến mức như không có giới hạn
B. Rộng đến mức có cảm giác mung lung, mờ mịt
C. Rộng đến mức khoogn nhìn thấy chân trời
D. Rộng lớn bao la đến không cùng.
Câu 6. Hai câu thơ
Lúc con nằm ấm áp
Lời ru là tấm chăn
Sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. Nhân hoá
B. So sánh
C. Liệt kê
D. Nói quá
Câu 7. Người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ trên là?
A. Người mẹ
B. Lời ru
B. Người con
D. Người bà
Câu 8. Em hiểu gì về hình ảnh “lời ru” được tác giả sử dụng trong bài thơ?
A. “Lời ru” là hình ảnh ẩn dụ đầy cảm động về tình mẹ thiêng liêng, cao cả.
B. Hình ảnh “lời ru” được lặp lại nhiều lần tạo nên giọng điệu tha thiết, gợi sức sống, sự bền bỉ của lời ru
C. Lời ru nâng bước con vào đời.
D. Lời ru ngọt ngào của mẹ mang đên cho con giấc ngủ say nồng.
Câu 9. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong khổ thơ thứ hai?
Câu 10. Em nhận ra thông điệp chung gì từ các dòng thơ sau:
“Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông”.
Và: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.
(Chế Lan Viên)
II. Phần viết
Cảm nhận về vẻ đẹp mùa thu quê hương trong bài thơ “ Chiều sông Thương” của Hữu Thỉnh?
Đi suốt cả ngày thu
vẫn chưa về tới ngõ
dùng dằng hoa quan họ
nở tím bên sông Thương
nước vẫn nước đôi dòng
chiều vẫn chiều lưỡi hái
những gì sông muốn nói
cánh buồm đang hát lên
đám mây trên Việt Yên
rủ bóng về Bố Hạ
lúa cúi mình giấu quả
ruộng bời con gió xanh
nước màu đang chảy ngoan
giữa lòng mương máng nổi
mạ đã thò lá mới
trên lớp bùn sếnh sang
cho sắc mặt mùa màng
đất quê mình thịnh vượng
những gì ta gửi gắm
sắp vàng hoe bốn bên
hạt phù sa rất quen
sao mà như cổ tích
mấy cô coi máy nước
mắt dài như dao cau
ôi con sông màu nâu
ôi con sông màu biếc
dâng cho mùa sắp gặt
bồi cho mùa phôi phai
nắng thu đang trải đầy
đã trăng non múi bưởi
bên cầu con nghé đợi
cả chiều thu sang sông.
Gợi ý
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
Đọc hiểu
| 1 | Ngắt nhịp 2/3 hoặc 3/2. | 0.5 |
2 | Vần hỗn hợp | 0.5 | |
3 | Năm chữ | 0.5 | |
4 | Bài thơ mượn hình ảnh lời ru để nói về tình mẹ tha thiết, thiêng liêng, bất tử. | 0.5 | |
5 | Rộng lớn đến mức như không có giới hạn | 0.5 | |
6 | So sánh | 0.5 | |
7 | Người mẹ | 0.5 | |
8 | “Lời ru” là hình ảnh ẩn dụ đầy cảm động về tình mẹ thiêng liêng, bất tử.
| 0.5 | |
9 | Hình ảnh so sánh: Lúc con nằm ấm áp - Tác dụng: Khi con nằm ấm áp trong vòng tay mẹ, lời ru như tấm chăn mềm mại che chở, ủ ấp con, đưa con vào giấc mộng lành. Hình ảnh so sánh gợi lên niềm yêu thương và tấm lòng của người mẹ. Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, tạo nên hình tượng thơ chân thật. Phải có một trái tim nhân hậu, giàu tình yêu thương với con tác giả mới phát hiện và ghi lại cảm xúc một cách chân thành và sâu sắc đến thế. | 1.0 | |
10 | Điểm chung của các dòng thơ: Điểm chung của các dòng thơ: Tình mẫu tử là vĩnh hằng, bất diệt, luôn tìm thấy bên cuộc đời mỗi người. Dẫu con lớn khôn, trưởng thành thì tình mẹ vẫn không xa vắng, vẫn ở bên con chia sẻ ngọt bùi, che chở đời con, dõi theo mỗi bước con đi, giúp con vững bước trên đường đời. Mẹ vừa là bến đỗ bình yên vừa là động lực trên bước đường trưởng thành của con. | 1.0 | |
Phần Viết
|
| * Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo bố cục ba phần đầy đủ - Bài viết có bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt trôi chảy; văn phong trong sáng,mạch ý mạch lạc... * Yêu cầu về nội dung : Đảm bảo được một số nội dung cơ bản sau: +) Mở bài: Dẫn dắt và nêu được ấn tượng sâu sắc nhất về bài thơ “ Chiều sông Thương” của Hữu Thỉnh. +) Thân bài: - Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm - Không gian chiều thu rộng rãi, thoáng đãng, ẩn chứa nỗi niềm của người đi xa trở về - Tình quê trang trải, rộn lòng, mừng vui ngày gặp gỡ. - Tình yêu quê hương dào dạt dâng lên trong tâm hồn, dòng sông quê hương – mạch nguồn của sự sống đã bồi đắp cho sự trù phú, giàu có của quê hương gợi niềm tự hào, ngợi ca vẻ đẹp quê hương. - Những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ + Kết bài: Khẳng định lại vẻ đẹp quê hương và tình cảm của nhà thơ với quê hương.
|
Bài tham khảo
Mùa thu luôn là đề tài, là cảm hứng quen thuộc lâu đời của thơ ca.Trong kho tàng văn học dân tộc ta đã từng biết đến một mùa thu trong veo trong thơ Nguyễn Khuyến, thu ngơ ngác trong thơ Lưu Trọng Lư, dào dạt và đượm buồn trong thơ Xuân Diệu.Và thật bất ngờ khi ta gặp một Hữu Thỉh tinh tế, êm dịu, ngọt ngào trong “ Chiều sông Thương”…
Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong quân đội, ông viết nhiều, viết hay về những con người ở nông thôn và về mùa thu. Nhiều vần thơ thu của ông mang cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo, đang biến chuyển nhẹ nhàng.Thơ Hữu Thỉnh mang đậm hồn quê Việt Nam dân dã, mộc mạc tinh tế và giàu rung cảm. Ông nổi tiếng với những bài thơ mang phong cách độc đáo, mới lạ. Viết về quê hương và tình yêu quê hương, bài thơ “Chiều sông Thương” của Hữu Thỉnh là một bài thơ xinh xắn, đáng yêu. Những câu thơ, lời thơ ngọt ngào ấy cứ rạo rực trong lòng, làm căng mở các giác quan và thấm ngọt vào hồn bạn đọc.
Chiều thu đẹp thơ mộng bên sông Thương, thuộc vùng Bố Hạ, Việt Yên là thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật, được miêu tả và cảm nhận. Người đi xa về thăm quê trìu mến, bâng khuâng dõi nhìn cảnh vật quê hương là tâm trạng nghệ thuật. Buổi chiều trong thơ, nhất là chiều thu thường man mác buồn, nhưng “Chiều sông Thương” lại nhiều thiết tha, bâng khuâng, rạo rực. Người đi xa trở về thăm quê, mắt như ôm trùm cảnh vật, hồn như đang nhập vào cảnh vật, bước chân thì “dùng dằng”, níu giữ, vấn vương. Có lẽ vì cô gái Kinh Bắc xinh đẹp (hoa Quan họ) mà chàng trai thấy “nở tím” cả dòng sông quê nhà; đôi bàn chân cứ “dùng dằng” mãi:
“Đi suốt cả ngày thu
Vẫn chưa về tới ngõ
Dùng dằng hoa Quan họ
Nở tím bên sông Thương”.
Thương quê mẹ, quê em “nước vẫn nước đôi dòng” biết bao lưu luyến gợi nhớ, gợi thương đã bao đời: “dòng trong dòng đục, em trông ngọn nào”… Chiều quê, một buổi chiều mùa gặt, trăng non lấp ló chân trời, rất thơ mộng hữu tình “Chiều uốn cong lưỡi hái”. Một câu thơ, một hình ảnh rất thơ, rất tài hoa. Cánh buồm, dòng sông, đám mây, đều được nhân hóa, mang tình người và hồn người, như đưa đón, như mừng vui gặp gỡ người đi xa trở về:
“Những gì sông muốn nói
Cánh buồm đang hát lên
Đám mây trên Việt Yên
Rủ bóng về Bố Hạ”.
Nhà thơ – đứa con đi xa trở về say sưa đứng ngắm nhìn cảnh vật, cánh đồng quê hương. Gió thu trở thành “con gió xanh”. Lúa uốn cong trĩu hạt, tưởng như đang “cúi mình giấu quả”. Một chữ “ngoan” tài tình gợi tả dòng nước “đỏ nặng phù sa” êm trôi trong lòng mương lòng máng:
“Nước màu đang chảy ngoan
Giữa lòng mương máng nổi”.
Cảnh vật đồng quê, từ đường nét đến sắc màu đều tiềm tàng một sức sống ấm no, chứa chan hi vọng. Là những nương “mạ đã thò lá mới – Trên lớp bùn sếnh sang”: Là những ruộng lúa “vàng hoe” trải dài, trải rộng ra bốn bên bốn phía chân trời mênh mông, bát ngát. Là dòng sông thơ ấu chở nặng phù sa, mang theo bao kỉ niệm, bao hoài niệm “Hạt phù sa rất quen – Sao mà như cổ tích”. Lần thứ hai, nhà thơ nói đến cô gái vùng Kinh Bắc, Quan họ duyên dáng, đa tình. Không phải là “Những nàng môi cắn chỉ quết trầu” Cũng không phải là “Những cô hàng xén răng đen – Cười như mùa thu tỏa nắng ” (“Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm). Mà ở đây là những cô gái Quan họ xuất hiện trong dáng vẻ lao động “để thương, để nhớ, để sầu cho ai :
“Mấy cô coi máy nước
Mắt dài như dao cau”
Chàng trai về thăm quê xúc động, khẽ cất lên lời hát. Tình yêu quê hương dào dạt dâng lên trong tâm hồn. Câu cảm thán song hành với những điệp từ điệp ngữ làm cho giọng thơ trở nên bồi hồi, say đắm. Bức tranh quê nhà với bao sắc màu đáng yêu:
“Ôi con sông màu nâu
Ôi con sông màu biếc
Dâng cho mùa sắp gặt
Bồi cho mùa phôi thai”
Tiếng thơ mang nặng ân tình đối với đất mẹ quê cha, đối với cái nôi mà “em ” đã sinh thành, là nơi anh đã lớn khôn. Biện pháp điệp ngữ “ôi con sông” “ cho” tạo sự ngân nga, thiết tha, bồi hồi, say đắm, cảm xúc dâng trào khiến lòng người xúc động khẽ cất lên lời hát ngợi ca, tự hào về một vùng quê màu mỡ. Màu nắng thu nhạt nhòa trong chiều tàn.
“Nắng thu đang trải đầy
Đã trăng non múi bưởi
Bên cầu con nghé đợi
Cả chiều thu sang sông”.
Dòng sông quê hương là mạch nguồn dẫn truyền sự sống, nơi tích tụ dưỡng chất, bồi đắp và dâng cho đời những mùa vàng bội thu, dâng cho đời nhựa sống làm nên sự phồn thịnh của quê hương. Màu nắng thu nhạt nhòa trong chiều buông. Vầng trăng non lấp ló như “múi bưởi”. Và con nghé đứng đợi mẹ bên cầu ... hình ảnh nào cũng giàu sức gợi, dân dã, thân thuộc, yên bình khiến hồn người bâng khuâng, rạo rực, thiết tha một tình quê. Cảnh sắc quê hương thơ mộng, hữu tình, nên thơ. Một tình quê trang trải, dào dạt trong hồn người.Người đi xa trở về thăm quê, mắt như ôm trùm cảnh vật, hồn như đang nhập vào cảnh vật, bước chân thì “dùng dằng”, níu giữ, vấn vương. Con sông Thương trong ca dao tưởng như đã nhập lưu với “con sông màu nâu, con sông màu biếc” của Hữu Thỉnh. Cảnh sắc quê hương hữu tình, nên thơ. Một tình quê trang trải, dạt dào như ru hồn ta vào ca dao, cổ tích.
Thể thơ 5 chữ, giàu vần điệu nhạc điệu, lời thơ thanh nhẹ, hình tượng đẹp, trong sáng, cảm xúc dào dạt, bâng khuâng, mênh mang, nhiều biện pháp tu từ độc đáo, hình ảnh thơ đẹp…Chất liệu văn hoá dân tộc dân gian ngàn năm đã thấm dưỡng linh hồn những câu thơ, chữ thơ, hơi thơ trong bài “ Chiều sông Thương” của Hữu Thỉnh khiến hồn người cũng đắm say, mơ mộng cùng cảnh vật nên thơ. Chất thơ, tình thơ là ở đấy.... cứ giăng mắc, vấn vương mãi hồn ta về một chiều thu nên thơ, hữu tình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã bộc lộ nhiều cảm xúc sâu lắng về sông Thương và quê hương quan họ, tình yêu quê hương, yêu đất nước đã ngân nga, thấm chảy trong hồn nhà thơ để rồi cái mạch nguồn dạt dào ấy cứ thiết tha, lắng đọng ngân rung trong từng lời thơ, thơ thơ nhẹ nhàng êm ái trong trong khúc nhạc tâm hồn: “ Chiều sông Thương” – Một bài thơ xinh xắn, đáng yêu, đáng mến!
ĐỀ 2
I. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
| Chót trên cành cao vót Trời rộng lớn muôn trùng Trái con chưa đủ nặng Cứ như thế trên trời Mấy hôm trước còn hoa Ôi! từ không đến có Một ngày một lớn hơn hột… Trái non như thách thức Chao! cái quả sâu non |
|
| (Trích trong t ập“ Tôi giàu đôi mắt” (1970) , trong “Những tác phẩm thơ tiêu biểu và nổi tiếng”, Xuân Diệu) |
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1: Bài thơ trên viết theo thể thơ nào?
- Bốn chữ
- Năm chữ
- Bảy chữ
- Tám chữ
Câu 2: Trong bài thơ có sử dụng biện pháp tu từ gì?
- So sánh
- Nhân hóa và So sánh
- Nhân hóa và Ẩn dụ
- So sánh, Nhân hóa, Ẩn dụ.
Câu 3: Trong bốn khổ thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả những quả sấu non bằng những hình ảnh nào?
- Những quả sấu non như những chiếc khuy lục, nhỏ xinh, ngây thơ, đũa giỡn cùng mây trắng.
- Những quả sấu non nhỏ xinh, ngây thơ.
- Những quả sâu non nhí nhảnh.
- Những quả sâu non như chiếc khuy lục.
Câu 4: Tại sao tác giả lại cảm thấy những quả sấu tơ “Càng nhỏ xinh hơn nữa”?
- Vì chúng ở trên cao.
- Vì chúng là những quả sấu non.
- Vì chúng chưa lớn.
- Vì chúng là “khuy lục”của áo trời mà trời thì rộng lớn.
Câu 5: Em hiểu từ “Giỡn” trong câu thơ “Giỡn cả cùng mây trắng” có nghĩa là gì?
- Vui
- Đùa
- Chơi
- Nghịch
Câu 6: Cảm xúc của tác giả về sự sinh thành từ hoa đến trái của quả sấu là cảm xúc gì?
- Vui sướng
- Bất ngờ
- Ngạc nhiên và thích thú
- Phấn khởi
Câu 7: Khi gọi tên quả sấu bằng những tên khác nhau “quả sấu con con”, “quả sấu tơ”, “trái con”, “mấy chú quả sấu con” tác giả muốn thể hiện dụng ý gì?
- Thể hiện những quả sấu còn non, nhỏ bé, xinh xắn, ngây thơ, vui nhộn.
- Thể hiện sự gần gũi.
- Thể hiện sự vui đùa.
- Thể hiện thân thiết.
Câu 8: Nội dung chính của bài thơ là gì ?
- Miêu tả quả sấu non trên cao.
- Miêu tả quá trình phát triển của quả sấu.
- Miêu tả sức sống kì diệu của quả sấu.
- Miêu tả quả sấu non và sức sống kì diệu, mạnh mẽ của nó. Qua đó, tác giả cho người đọc hiểu được sức sống mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược.
Câu 9: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau và cho biêt tác dụng của biện pháp tu từ ấy?
Trái non như thách thức
Trăm thứ giặc, thứ sâu,
Thách kẻ thù sự sống
Phá đời không dễ đâu!
Câu 10: Qua bài thơ, tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc điều gì?
II. Phần viết
Cảm nhận về bài thơ “ Hỏi” của Hữu Thỉnh?
Tôi hỏi đất:
- Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
- Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
- Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
(“ Hỏi” - Hữu Thỉnh, Trích Thư mùa đông)
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
Đọc hiểu
| 1 | Năm chữ | 0.5 |
2 | So sánh, Nhân hóa, Ẩn dụ | 0.5 | |
3 | Những quả sấu non như những chiếc khuy lục, nhỏ xinh, ngây thơ | 0.5 | |
4 | Vì chúng là “khuy lục” của áo trời mà trời thì rộng lớn. | 0.5 | |
5 | Đùa | 0.5 | |
6 | Ngạc nhiên và thích thú | 0.5 | |
7 | Thể hiện những quả sấu còn non, nhỏ bé, xinh xắn, ngây thơ, vui nhộn | 0.5 | |
8 | Miêu tả quả sấu non và sức sống kì diệu, mạnh mẽ của nó. Qua đó, tác giả cho người đọc hiểu được sức sống mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược.
| 0.5 | |
9 | - Xác định được biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ: + So sánh: Trái non như thách thức + Nhân hóa: Thách thức + Ẩn dụ: Trăm thứ giặc thứ sâu - chỉ kẻ thù xâm lược - Tác dụng: Quả sấu non không sợ loài giặc loài sâu nào cứ lên, cứ trở thành ngon ngọt. Đó là sức sống kì diệu mạnh mẽ của nó. Qua đó, tác giả cho ta hiểu một chân lí lớn lao: không một loài sâu bọ, không một thứ giặc nào có thể hủy diệt hay chiến thắng sự sống. Mọi cuộc bắn phá rồi cũng sẽ thất bại, không thể phá được cuộc sống vĩ đại của dân tộc Việt Nam. | 1.0 | |
10 | HS nêu được lời nhắn nhủ mà tác giả muốn gửi tới người đọc: Qua hình ảnh quả sấu non, nhà thơ muốn giáo dục lòng yêu thiên nhiên say mê, khám phá những bí ẩn của tự nhiên xung quanh và lòng tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam ta. | 1.0 | |
Phần Viết |
| * Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo bố cục ba phần đầy đủ - Bài viết có bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt trôi chảy; văn phong trong sáng,mạch ý mạch lạc... * Yêu cầu về nội dung : Đảm bảo được một số nội dung cơ bản sau: +) Mở bài: Dẫn dắt và nêu được ấn tượng sâu sắc nhất về bài thơ “ Hỏi ” của Hữu Thỉnh. +) Thân bài: - Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm - Câu hỏi của nhà thơ dành cho thiên nhiên ( đất, nước, cỏ) -> Hữu Thỉnh đã cúi xuống để hỏi đất, lội ngược dòng tìm nguồn để hỏi nước, bước ra không gian rộng lớn để hỏi cỏ – “đã sống với nhau như thế nào?”. Câu trả lời của tự nhiên là một lối sống, một cách ứng xử văn hoá: “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào” (để ) “làm nên”. Các sự vật tương sinh để cùng tồn tại cùng “ làm nên” những điều tốt đẹp. Những câu hỏi đã được ấp ủ, thôi thúc, day dứt từ lâu, những câu trả lời là kết quả của quá trình nội tâm hoá, qua chiêm nghiệm mà đúc kết được. - Nhà thơ hỏi con người -> Con người cần phải sống đẹp và sống có ý nghĩa, hướng đến lẽ sống cao đẹp: mỗi chúng ta hãy học cách hi sinh và dâng hiến, sống với nhau bằng thái độ sẻ chia, cảm thông. Sức mạnh của cuộc sống đích thực chính là sự đoàn kết, gắn bó giữa người với người. - Những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ +) Kết bài: Khẳng định lại vẻ đẹp quê hương và tình cảm của nhà thơ với quê hương. |
Bài tham khảo
Thơ Hữu Thỉnh viết về thiên nhiên thì đậm chất trữ tình còn viết về cuộc sống con người lại đậm chất triết lí, đó là chuyện cuộc đời sinh sắc sống động! Là máu thịt chứ không phải là giấy mực. Hữu Thỉnh có được một phong cách chắc chắn, vững vàng, đôi khi thô ráp, nhưng thường khắc tạc sâu đậm. Thơ Hữu Thỉnh là tiếng lòng tha thiết với đời, một ngòi bút tận tâm và đôn hậu. Cùng với chất trữ tình, mạch nguồn trữ tình – vốn là hồn cốt thơ Hữu Thỉnh, tính triết luận sâu sắc và cảm xúc đậm đà trong thơ Hữu Thỉnh quyện hoà, đan xen, cùng nảy nở từ cội nguồn truyền thống. Bài thơ “ Hỏi” là một bài thơ đậm chất triết lý, chứa đựng nhiều bài học nhân sinh sâu sắc.
Người đọc yêu mến thơ Hữu Thỉnh vì cách cảm, cách nghĩ gắn bó nhiều với tâm thức dân gian. Những câu thơ cảm động thấm thía, gọi dậy tâm tình của thảo mộc, tìm cách giao cảm với hồn quê, hồn đất, hướng về những gì thiết thân gắn bó nhất, nhưng ngàn đời vẫn linh thiêng… Bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh được viết năm 1992, lúc này tác giả đã năm mươi tuổi. Sống trọn một nửa thế kỷ, ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh” như Khổng Tử nói, Hữu Thỉnh đã đủ độ chín trong suy tư trải nghiệm về thế thái nhân tình. Thường càng nhiều tuổi, cái nhìn và cách ứng xử của người ta càng nhân hậu, vị tha hơn. Biết được những cái chưa biết của mình về đời, hiểu được những điều chưa hiểu của mình về người, do vậy những trang thơ của ông thường dồn nén chất nghĩ và sức nghĩ.
Bài thơ Hỏi với một khuôn khổ nhỏ nhắn, mở ra nhiều tầng bậc suy tưởng, thể hiện cốt cách tư duy đậm chất dân gian của Hữu Thỉnh. Xuyên suốt bài thơ là những câu hỏi. Toàn bài được xây dựng theo hình thức đối thoại. Người hỏi là chủ thể trữ tình, đối tượng hướng tới là thiên nhiên: “đất”, “nước”, “cỏ” (ba khổ đầu) hình thức ngôn ngữ là đối thoại, còn đối tượng hướng tới là con người (nửa còn lại), ngôn ngữ thơ là độc thoại. Tính trí tuệ của bài thơ nằm ngay trong kết cấu, vừa sâu vừa tinh, vừa khái quát vừa chi tiết về những tình cảm, suy ngẫm của tác giả. Tứ thơ tạo dựng từ sự liên tưởng, đối chiếu: liên tưởng từ các hiện tượng tự nhiên đến nhân sinh. Thiên nhiên được nội tâm hoá, nhìn qua lăng kính ưu tư nhân thế đầy thi vị:
Tôi hỏi đất: – Đất sống với đất như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi nước: – Nước sống với nước như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ: – Cỏ sống với cỏ như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Những câu thơ của Hữu Thỉnh mang ý – nghĩa – đi – tìm, tìm cách khám phá và cảm nhận ý nghĩa văn hoá ẩn dụ trong những hiện tượng tự nhiên. Ý nghĩa ấy được trình bày bằng lời hỏi của tác giả “Tôi hỏi…”. Điều nhà thơ muốn hỏi đất, hỏi nước, hỏi cỏ là những sự vật ấy sống với nhau như thế nào? Từng sự vật đưa ra câu trả lời trực tiếp, dưới hình thức vấn đáp (các dấu gạch ngang đầu dòng) mà không phải gián tiếp qua lời thuật lại của tác giả. Mỗi khổ thơ đều mang ý nghĩa sâu sắc, hình thức giản dị, nhiều sức gợi, Hình thức mỗi khổ thơ gồm hai câu đi kèm với nhau ấy có dáng dấp như những câu thành ngữ, tục ngữ của cha ông ta xưa, qua sự chiêm nghiệm đúc kết mà có được, khiến câu thơ mang tính chất dân gian nhuần nhị. Mặt khác, cấu trúc ngôn ngữ đối thoại tạo nên sự đa giọng điệu, sự đa thanh – làm nên tính hiện đại của bài thơ.
Từ cái nhìn hiện thực khách quan: tầng đất tôn nhau lên, nước làm đầy, cỏ đan vào nhau mở ra bát ngát chân trời, nhà thơ chuyển hoá thành cái nhìn nội tâm: hình ảnh bên ngoài ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa bên trong: từng sự vật đều có cách thức sống riêng làm ẩn dụ cho nhân thế, mỗi sự vật có tiếng nói riêng và mang ý nghĩa biểu tượng.
Tôi hỏi đất: – Đất sống với đất như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau
Đất muôn thủa vẫn là thứ gắn bó máu thịt và thiêng liêng với con người nhất. Hữu Thỉnh đã nhìn thấy đất trong mối quan hệ “sống cùng”, “sống với” để khám phá ra ý nghĩa nhân sinh: “tôn cao” là một triết lý sống. “Tôn cao” là nâng đỡ chứ không phải vùi dập, “tôn cao” là hướng mở không gian chứ không gói gọn không gian; “tôn cao” là vươn ra ánh sáng chứ không phủ mờ, che lấp; “tôn cao” là để vững chãi thêm trước điều kiện thử thách khắc nghiệt…
Bằng một lẽ tự nhiên, sau “đất”, Hữu Thỉnh chọn “nước” để hỏi:
Tôi hỏi nước: – Nước sống với nước như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau
Nước vốn mềm mại, uyển chuyển, nước biểu trưng cho “khả năng ứng biến: một nét đặc sắc của văn hoá Việt Nam. “Nước làm đầy nhau” - cũng là một sự nâng cao nhưng trước hết là bổ khuyết, “làm đầy” thực ra là an ủi, xoa dịu, khoả lấp, làm mềm lại những tổn thất, tổn thương. Hữu Thỉnh đã nhìn thấy triết lý nhân sinh trong đất và nước. Rồi đến cỏ, trong cái bát ngát mênh mông của cỏ, nhà thơ hỏi:
Tôi hỏi cỏ:
– Cỏ sống với cỏ như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Câu trả lời của cỏ thể hiện một cách sống đầy bản lĩnh và tình cảm (“đan vào”). Khẳng định tương lai, khát vọng “ làm nên những chân trời”. Phải có cái gốc nhân tình vững chắc thì mới nhìn ra được sự vận động của thiên nhiên và thế thái nhân tình. Hữu Thỉnh đã cúi xuống để hỏi đất, lội ngược dòng tìm nguồn để hỏi nước, bước ra không gian rộng lớn để hỏi cỏ – “đã sống với nhau như thế nào?”. Câu trả lời của tự nhiên là một lối sống, một cách ứng xử văn hoá: “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào” (để ) “làm nên”. Các sự vật tương sinh để cùng tồn tại cùng “ làm nên” những điều tốt đẹp. Những câu hỏi đã được ấp ủ, thôi thúc, day dứt từ lâu, những câu trả lời là kết quả của quá trình nội tâm hoá, qua chiêm nghiệm mà đúc kết được. Bài thơ không dừng lại ở tiếng âm trầm, hiền hậu, lắng sâu của đất, tiếng trong trẻo thanh cao của nước, tiếng xôn xao vui vui của cỏ…không dừng ở thanh âm và triết lý sống của thiên nhiên mà đi sâu “ hỏi” cách sống của con người:
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?
Nếu ba khổ đầu tâm trạng nhà thơ dừng lại ở thế cân bằng, cái nhìn hoà đồng, cảm thông cùng vạn vật giúp chủ thể có được cảm giác an nhiên tự tại thì ở đoạn thơ sau, mạch thơ trở nên khắc khoải, xoáy sâu vào tâm can con người. Đối tượng hướng đến đã thay đổi, từ thiên nhiên chuyển sang con người, cấu trúc khổ thơ cũng thay đổi, khổ này chỉ có câu hỏi nhưng không có câu trả lời. Lúc này,thiên nhiên trở thành tấm gương soi cho nhân tình, đúng hơn, là kinh nghiệm đối nhân xử thế. Học tập kinh nghiệm từ thiên nhiên là vốn văn hoá được truyền từ đời này sang đời khác, qua cả ý thức và vô thức của con người. Thiên nhiên đã “sống với nhau”, “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào”, “làm nên” nhau…Vậy còn con người thì sao?
– Người sống với người như thế nào?
Trong bài thơ câu hỏi: “Người sống với người như thế nào?” được lặp đi lặp lại tới ba lần, lần nào cũng khắc khoải, đau đáu mà không có một câu trả lời. Cách kết thúc như vậy tạo ấn tượng mạnh cho người đọc. Tác giả đã gieo vào lòng người đọc câu hỏi suy ngẫm, đòi hỏi mỗi người cần tự nghiêm túc trả lời. Câu trả lời chính là “tôn cao nhau”, “làm đầy nhau”, “đan vào nhau”, nghĩa là phải sống đẹp và sống có ý nghĩa, hướng đến lẽ sống cao đẹp: mỗi chúng ta hãy học cách hi sinh và dâng hiến, sống với nhau bằng thái độ sẻ chia, cảm thông. Sức mạnh của cuộc sống đích thực chính là sự đoàn kết, gắn bó giữa người với người.
“Sống với” là sống với người và sống với mình, sống nghiệm sinh trong từng khoảnh khắc của riêng mình và sống tử tế với mọi người, chính là biết “tôn cao” những giá trị đích thực, “làm đầy” những mất mát tổn thương, khoả lấp những khoảng cách, để làm nên ý nghĩa cho sự tồn tại của mỗi người. Không nên để những ảo tưởng che lấp đi cái chân thật sáng trong, nhất là không được quên những mảnh đời bất hạnh đang cần đến ở chúng ta một niềm an ủi. Và phải biết lắng nghe tiếng thì thầm của cây cỏ, tiếng trầm lắng của lòng người để sống tốt hơn, đẹp hơn. Bài thơ là nỗi niềm trăn trở, sự suy ngẫm của nhà thơ về thái độ sống của mỗi con người trong cuộc đời; đồng thời cũng là lời nhắc nhở mọi người tự nhận thức lại thái độ sống của mình và tự soi lại mình để có cách “sống với nhau” cho phù hợp, cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.
Thơ Hữu Thỉnh, ở những bài hay như bài thơ Hỏi đã đạt đến tính hàm súc cổ điển, với lối hành văn trí tuệ và chất cảm xúc đằm thắm, nhuần nhị. Hồn cốt dân gian, nếp cảm, nếp nghĩ gắn bó với truyền thống ai đọc cũng thấy thân quen như tự những câu thơ đã nằm trong trí nhớ từ lâu.
........................
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
- Chia sẻ:Thái Nguyễn
- Ngày:
27 đề thi học sinh giỏi Văn 7 hay chọn lọc (mới cập nhật)
15/10/2021 8:09:00 CHGợi ý cho bạn
-
(6 mẫu) Phân tích truyện ngắn Chí Phèo hay sâu sắc
-
Cảm nhận về khát vọng sống của người Vợ nhặt (3 mẫu)
-
Giải thích câu tục ngữ Học thầy không tày học bạn
-
Top 8 bài Cảm nhận về tình cảm của nhân vật ông Sáu dành cho con siêu hay
-
Top 9 bài phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên hay chọn lọc
-
(8 mẫu) Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về thân phận người phụ nữ xưa
-
Top 10 bài phân tích Chuyện người con gái Nam Xương hay chọn lọc
-
(11 mẫu) Mở bài Vợ nhặt nhân vật Tràng cực hay
-
Top 15 bài nghị luận về lòng dũng cảm siêu hay
-
Top 13 bài nghị luận về lòng yêu nước của giới trẻ ngày nay
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27