Bài dự thi viết Biển, đảo trong trái tim tôi 2023

Nhân dịp kỉ niệm 10 năm lan tỏa ý nghĩa tình yêu biển đảo, vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Ngày 26-7, Trung ương Đoàn, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã phát động cuộc thi "Biển, đảo trong trái tim tôi" nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Sau đây là một số thông tin chi tiết về cuộc thi Biển, đảo trong trái tim tôi cùng với các mẫu bài dự thi Biển, đảo trong trái tim tôi hay và ý nghĩa. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Bài dự thi Biển đảo trong trái tim tôi

Trường Sa luôn ngự trị trong trái tim tôi. Đó là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc - nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có cột mốc chủ quyền, nơi lá cờ Tổ quốc luôn tung bay.

Tuy không gặp mặt cũng chẳng biết tên các anh, nhưng tôi biết, ở nơi ấy, các anh đang ngày đêm chiến đấu để những người dân chúng tôi có cuộc sống bình yên.

Tôi đã khóc, không cầm được nước mắt khi được chứng kiến những hình ảnh chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân.

Từ xưa đến nay, bao nhiêu liệt sĩ đã ngã xuống để cố giữ cho bằng được lá cờ Tổ quốc trên đảo, bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình xây dựng đảo để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Quá khứ bi tráng, có dùng vô vàn lời lẽ vàng ngọc cũng không thể tả hết được lòng dũng cảm và niềm thương tiếc vô hạn. Mỗi một đồng chí ra đi, hàng triệu đồng bào rơi lệ.

Tình cảm sâu sắc với biển đảo

Từ thuở bé thơ tôi đã biết đến Trường Sa qua những cuốn sách của ông, qua bài học địa lý các thầy cô đã dạy. Tôi có một người bạn có cha là chiến sĩ Trường Sa. Thấy bạn ngày đêm mong ngóng thư từ đảo gửi về, tâm hồn non nớt của tôi đã bắt đầu hiểu về sự xa cách chia ly ấy.

Một hôm, bạn khóc khi đọc lá thư, tôi lo lắng hỏi cha bạn ra sao, bạn bảo cha vẫn ổn, nhưng một chú đồng đội đã hy sinh. Lúc ấy nhìn vào đôi mắt bạn, tôi hiểu thế nào là nỗi đau mất người thân. Thêm một lần nữa đất của Tổ quốc lại nhuốm máu một người chiến sĩ.
Lớn thêm chút nữa, tôi dần hiểu thêm cuộc sống gian khổ của các anh lính đảo. Nơi ấy thời tiết khắc nghiệt, bão táp bủa vây. Ngôi nhà giàn của các anh luôn chao đảo trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên. Nhưng giống như một cây dừa nhỏ nhoi, chênh vênh giữa trùng khơi nhưng vô cùng kiên định, vững chắc, bão giông không đốn ngã. Trong gang tấc giữa cái sống và cái chết, các anh vẫn một lòng chắc tay súng, vẫn một lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; các anh vẫn bám trụ đến cùng, dẫu có hy sinh cũng vẫn mỉm cười.

Người lính như các anh cũng có gia đình, có vợ con, có bạn bè. Có chiến sĩ, vợ ốm nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện. Anh gạt nước mắt, bình tĩnh, tự đấu tranh tư tưởng, vẫn thực thi nhiệm vụ ở ngoài khơi và gọi điện nhờ bà con làng xóm trong đất liền giúp đỡ. May mắn, cơn hoạn nạn đã qua, và anh lại xúc động một lòng phục vụ đất nước. Có những người lính rất bản lĩnh, không tiếc thân mình chống đỡ với bão tố để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ cột trụ của tổ quốc.

“Bao đêm anh ở nhà giàn
Biển trời thấp thoáng muôn vàn vì sao
Sóng đêm nỗi nhớ cồn cào
Gió đưa hơi thở, dội vào phương em”…

Bài thơ của người lính dù mộc mạc nhưng đã bày tỏ tình yêu vô bờ bến với nhân dân, với Tổ quốc, với đồng đội. Tình yêu đó luôn bùng cháy thành ngọn lửa quyết tâm trong trái tim mỗi chiến sĩ Trường Sa. Các anh sẵn sàng hy sinh chứ không để chủ quyền bị xâm phạm, không để mất chủ quyền. Đối với các anh, mỗi tấc đất của tổ quốc đều thấm đẫm bao nhiêu xương máu của cha ông, của nhân dân ta. Bởi lẽ đó, các anh không tiếc mạng sống của chính mình.

Trong lúc này, khi những người dân ở đất liền chúng tôi đang yên ổn, hạnh phúc cùng gia đình đón mừng năm mới thì các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân đang trụ lại ngoài khơi xa chiến đấu dù mang trong lòng niềm nhớ nhung gia đình da diết. Nhưng chúng tôi không một ai quên các anh. Giờ nghĩ lại mới thấy nhiều lúc tôi chỉ biết than vãn một cách ích kỷ, nhưng những nỗi khổ đó có đáng gì so với các anh. Hạnh phúc, bình yên mà chúng tôi đang được hưởng, cũng là do mồ hôi xương máu của các anh đem lại.

Càng hiểu về các chiến sĩ, kiểm ngư và bà con ngư dân, càng thêm yêu biển hơn, yêu Tổ quốc hơn. Cuộc sống của họ hòa vào màu thiên thanh của trời, màu thăm thẳm của đại dương bao la. Nơi ấy mưa gió bão táp có thể bủa vây bất cứ lúc nào, những con tàu thường xuyên chao đảo giữa sức mạnh của thiên nhiên nhưng anh em ngư dân đâu hề nao núng, vẫn một lòng thức đêm trực ngày, một lòng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

Mở vội máy tính, tôi tìm thấy tên các anh, những liệt sĩ đã hy sinh giữa biển khơi. Đó là anh Trần Văn Phương, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, đã không lùi bước trước quân thù và hy sinh anh dũng. Đó là bạn Quách Hoàng Lâm, sinh năm 1984 chỉ bằng tuổi tôi nhưng đã hy sinh khi mới 22 tuổi.

Đó là anh Vương Viết Mão hy sinh khi xây dựng đảo. Đó là anh Nguyễn Văn Thi đã hy sinh thân mình để cứu chiếc xuồng quý giá của đồng đội. Các bạn, các anh ơi, có lời nào có thể nói hết lòng tiếc thương vô hạn với các anh đây? Xưa nay bao chiến sĩ đã ngã xuống đề giải phóng đất nước, bây giờ đến các anh ngã xuống để giữ từng tấc đất giữa biển khơi. Vàng bạc châu báu dù nhiều đến tột cùng cũng đâu thể sánh bằng tấc đất các anh đã dùng máu để bảo vệ đó!

Ngày nay, trong thời bình, những người lính Trường Sa, những người cảnh sát biển các anh luôn nêu cao truyền thống anh hùng, ngày đêm cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Tuy xa cách nhưng lòng lại luôn bên nhau, vì các anh đã nói: “Hãy tin tưởng vào chúng tôi, dù khó khăn, gian khổ đến đâu chúng tôi vẫn vững lòng bảo vệ biển đảo quê hương."

Đó là lời hứa từ trái tim của các anh. Chúng tôi biết, để giữ được lời hứa đó, có thể các anh sẽ phải đổi bằng chính thân thể đó, chính mạng sống đó. Và chúng tôi cũng biết, dù phải đổi bằng tất cả tính mạng, các anh vẫn sẽ đổi.

Xin gửi tới các anh, từ trái tim chúng tôi – những người dân của đất liền, tấm lòng biết ơn sâu sắc. Các anh là niềm hy vọng, niềm tin yêu vô bờ bến của cả dân tộc. Dẫu mai này vật đổi sao dời, dẫu cho cuộc sống của chúng tôi kết thúc, thì những hình ảnh thiêng liêng nhưng gần gũi, và sự anh dũng của các anh sẽ được truyền lại cho thế hệ sau, để linh hồn của các liệt sĩ mãi mãi không tan thành hư vô trong dòng chảy thời gian vô tận.

Những trăn trở và hành động cần làm ngay

Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là giữ vững được đường biên giới thực, “biên giới cứng” trên đất liền, trên biển. Nó còn là sự toàn vẹn của “biên giới mềm” - biên giới văn hóa, biên giới trong suy nghĩ của con người. Bảo vệ được "biên giới mềm" đó cũng là điều hết sức quan trọng không kém gì bảo vệ "biên giới cứng". Đó cũng chính là mục tiêu mà cả nước ta đang hành động hết sức mạnh mẽ để đạt được.

Thời gian gần đây, giới trẻ đã cho thấy họ rất có lòng yêu nước, họ đồng cảm với các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân, họ góp công góp tiền của ủng hộ biển đảo, họ tổ chức các hoạt động, các phong trào ý nghĩa.

2. Cảm nhận về những chuyến công tác ra thăm đảo Trường Sa

Thật vinh dự và tự hào, khi tôi được cùng Đoàn cán bộ thành phố Buôn Ma Thuột tham gia Đoàn công tác số 15 do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức đi thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI từ ngày 9/5 đến ngày 18/5/2018. Đoàn công tác có 202 thành viên, đến từ nhiều địa phương và cơ quan, như: Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Đắk Nông, thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an thành phố Hải Phòng, các phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương, Nhà hát Trưng Vương - thành phố Đà Nẵng.

Quần đảo Trường Sa là huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách Cam Ranh 243 hải lý. Khí hậu, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm, trung bình 1 năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13-20 ngày gió mạnh. Chỉ có tháng 4 và tháng 5 là ít gió nhất. Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le A, Đá Đông C, Trường Sa, Đá Lát (là 11/21 đảo do Việt Nam thực thi chủ quyền và quản lý) và thăm Nhà giàn DK1/12 thuộc bãi Tư Chính - thềm lục địa Phía Nam của Tổ quốc. Hành trình của Đoàn vượt qua 1.094 hải lý, một trải nghiệm hải trình đầy ý nghĩa để có sự hiểu biết về biển đảo bằng trực giác, bằng cảm nhận từ thực tế với thật nhiều cảm xúc.

Được tới những đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm mới thấy Biển - Đảo đã trở thành một phần máu thịt của người dân Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh. Biết bao máu xương, công sức, mồ hôi, nước mắt của các thế hệ người Việt đã đổ xuống để xác lập quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền các đảo trên Biển Đông!

Trong hành trình 10 ngày, khi đến thăm các đảo, Đoàn công tác đã đến thăm các cột mốc chủ quyền biển đảo; thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ, đài tượng niệm các anh hùng liệt sỹ, nhà tưởng niệm Bác Hồ tại đảo Trường Sa lớn; dâng hương tại các chùa; thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo; tham gia lễ chào cờ và diễu hành trên thị trấn đảo Trường Sa.

Trong suốt hành trình, đoàn công tác tổ chức nhiều hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực như giao lưu văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo tạo không khí vui tươi, thắt chặt tình cảm giữa quân và dân, giữa hải đảo và đất liền. Tại các đảo, đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sĩ, người dân sinh sống trên đảo đón tiếp với tình cảm thật ấm áp.

Những ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến đi này đối với tôi là hai buổi lễ tưởng niệm. Thứ nhất là lễ tưởng niệm tại vùng đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao, nơi mà cách đây hơn 30 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Lễ tưởng niệm thứ hai là ở bãi Tư Chính (Nhà giàn DK1/12) tưởng nhớ những chiến sĩ Hải quân đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bám trụ, chuẩn bị điều kiện xây dựng nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển kết hợp giữ gìn chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của đất nước.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước, các địa phương đang rất quan tâm đầu tư xây dựng, trang bị cho các đảo. Đời sống văn hoá, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã được cải thiện rất nhiều. Trên các đảo, nhà giàn đều được trang bị máy phát điện, điện gió, điện mặt trời, máy lọc nước biển, được trang bị ti vi thu tín hiệu vệ tinh, có trạm viễn thông Viettel nối mạng internet, có sóng điện thoại di động để gọi vào đất liền. Tại các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa có các hộ dân sinh sống, tại đây có UBND xã, thị trấn, có lớp học mầm non, trường tiểu học…

Sau chuyến công tác Trường Sa, tất cả thành viên trong đoàn đều nhận thức được rằng, chính từ vị trí địa lý và giá trị kinh tế của quần đảo Trường Sa, càng khẳng định việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa có một ý nghĩa chiến lược rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Việc tổ chức cho các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại Trường Sa không chỉ nhằm động viên, hỗ trợ cho cán bộ chiến sĩ đang công tác trên đảo yên tâm, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà qua đó còn tạo điều kiện cho nhân dân, cán bộ đến thăm được cảm nhận thực tiễn, từ đó nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức phấn đấu hơn nữa trong công việc, lĩnh vực mình phụ trách, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thành viên trong đoàn công tác sau khi trở về, mỗi người với trách nhiệm của mình cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về biển, đảo, tạo đồng thuận trong nhân dân theo tinh thần “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc” và huy động mọi nguồn lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với quân và dân trên quần đảo Trường Sa./.

Bài viết hay về người lính biển đảo

3. Bài viết hay về người lính biển đảo

Từ thuở bé thơ, tôi đã thần tượng về những người lính bộ đội Cụ Hồ qua lời kể, qua những bài học lịch sử các thầy cô dạy. Lớn chút nữa, tôi dần hiểu thêm cuộc sống gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì hòa bình, tự do, độc lập của đất nước. Và giờ, tôi tự hào trở thành một người lính trong thời bình, một người chiến sĩ cảnh sát biển.

Trong mọi hoàn cảnh, từ sâu thẳm trong tim, chúng tôi tự nhủ can trường, luôn chắc tay súng, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, một lòng phục vụ đất nước xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ - Cảnh sát biển Việt Nam".

Chúng tôi biết rằng để giữ được lời hứa đó, có thể sẽ phải đổi bằng chính thân thể, mạng sống của mình. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi phải đối mặt với những cơn sóng dữ. Cũng không ai dám chắc các tình huống xảy ra có giống như những gì người lính được đào tạo để đối mặt hay không. Nhưng tất cả đều chắc chắn một điều là luôn tận tụy, nêu cao phẩm chất cách mạng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Thật xúc động khi nhắc đến đại úy Phạm Văn Huy, nhân viên Phòng Trinh sát thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận trên biển. Sự hy sinh của anh đã góp phần làm tỏa sáng hình ảnh cao đẹp về phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ - Cảnh sát biển Việt Nam" trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm trên biển, vì sự bình yên của đất nước.

Chiến tranh đã qua đi, đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn nhưng với chúng tôi không bao giờ lơ là nhiệm vụ. Lòng nhiệt huyết, niềm tự hào được canh giữ biển cả, bảo vệ ngư dân, giữ bình yên cho vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thì không bao giờ thay đổi. Trong môi trường đấu tranh với tội phạm, đối diện với cái xấu và cái ác ngoài xã hội, người lính cảnh sát biển phải đối mặt với muôn vàn cám dỗ. Với trí tuệ, bản lĩnh và lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, chúng tôi căn dặn nhau cố gắng vượt qua sự cám dỗ vật chất tầm thường ấy.

Còn nhiều lắm những khó khăn, thách thức trên những vùng biển xa xôi đang phải đối mặt. Tại các vùng biển thân yêu, những trận cuồng phong của biển cả đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cứu hộ giúp ngư dân. Những câu chuyện được kể lại khiến người ta kinh ngạc về sức chịu đựng, tình đồng chí, đồng đội, khi người lính nhường nhịn từng miếng lương khô, từng ca nước ngọt cuối cùng cho người ở lại trước khi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng máu của người lính vẫn tiếp tục đổ xuống vì Tổ quốc và nhân dân. Nhiệm vụ của người lính không chỉ là trực tiếp cầm súng, mà còn là sự chuẩn bị, sẵn sàng trước mọi tình huống xảy ra với chính mình.

Đổ mồ hôi trên thao trường, không chỉ để bớt đổ máu trên chiến trường, mà còn để bảo đảm sẵn sàng bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc. Chúng tôi luôn tâm nguyện "Âm thầm nhưng anh dũng, đầy bản lĩnh nhưng cũng rất nhiệt thành".

Biển đã có bao năm? Không ai biết! Tình yêu biển có từ khi nào? Không ai biết! Chỉ biết rằng, bảo vệ sự bình yên của biển cả Việt Nam là sự sống còn. Nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi biên giới xa xôi, bao hiểm nguy luôn rập rình. Nhưng biển là quê hương, nơi đó luôn có mặt chúng tôi.

Ai cũng nói: "Biển buổi chiều đẹp lắm" nhưng với riêng tôi, mỗi buổi chiều ngắm biển lại nhớ đến gia đình, nhớ đến người thân yêu. Ấy thế mà khi về đất liền, không thấy biển, tôi lại cồn cào nhớ hoàng hôn ở Trường Sa, nhà giàn; nhớ những rạn san hô, nhớ vị mặn chát của những con sóng bạc đầu.

Máu, nước mắt, mồ hôi đã hòa cùng vị mặn của biển tạo thành một dòng chảy không bao giờ nghỉ ôm lấy quê hương, đất nước này. Biển là tâm hồn, là quê hương, nguồn sống của người lính. Những hôm biển động, tôi càng thương đồng đội thay nhau trực gác trên những con tàu thân yêu. Mắt các anh hằng đêm vẫn sáng, bàn tay chai sạm, màu da anh rám nắng. Máu các anh cũng đã đổ, tuổi thanh xuân đổi bằng sự bình yên cho quê hương mình.

Những thanh niên can trường chúng tôi là như vậy đó, luôn tràn đầy niềm tin sắt đá, ý chí mãnh liệt. Câu hát "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay..." cứ thôi thúc chúng tôi lên đường làm nhiệm vụ.

Và những người lính biển chúng tôi ở mọi miền đất nước, người trước người sau không ai bảo ai tề tựu giữa biển khơi để nắm chắc tay nhau, cùng chung lý tưởng bảo vệ bờ cõi biên cương, giữ bình yên cho Tổ quốc... Sóng gió cuộc đời, sóng gió biển khơi, những người lính qua bao năm vẫn sừng sững, hiên ngang giữa biển, trời canh giữ quê hương.

4. Thông tin cuộc thi Biển, đảo trong trái tim tôi

Nhằm đánh dấu “Hành trình 10 năm vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” của Quỹ Học bổng Vừ A Dính và CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”, cuộc thi “Biển, đảo trong trái tim tôi” nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình.

Đây là dịp kỷ niệm dấu ấn 10 năm hành trình nối biển và bờ - kết nối những tấm lòng, tình yêu dành cho biển, đảo quê hương, đặc biệt là Trường Sa, Hoàng Sa và nhà giàn DK.

Cuộc thi nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam; góp phần khẳng định chủ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông.

Cuộc thi dành cho tất cả Hội viên CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”; học sinh, sinh viên các trường thuộc dự án “Ươm mầm tương lai” , “Hỗ trợ sinh viên” của Quỹ Học bổng Vừ A Dính và tất cả những ai yêu mến Trường Sa.

Các tác phẩm tham dự Cuộc thi “Biển đảo trong trái tim tôi” cần thể hiện những nội dung chính sau:

- Phản ánh tiềm năng, vẻ đẹp của biển, đảo quê hương.

- Phản ảnh nét đẹp và những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ hải quân, của tình quân dân thắm thiết.

- Phản ảnh nét đẹp lao động và tinh thần bám biển giữ đảo của ngư dân.

- Cảm nhận về những chuyến công tác ra thăm quân và dân trên huyện đảo Trường Sa.

Mỗi tác giả có thể dự thi ở 2 thể loại: thơ, tùy bút (dài không quá 1.500 chữ). Cơ cấu Giải thưởng:

- 1 giải Nhất, mỗi giải trị giá 8.000.000 đồng

- 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng

- 3 giải Ba, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng

- 5 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng

Người dự thi có thể gửi bài dự thi qua địa chỉ email: biendaotrongtraitimtoi2022@gmail.com.

Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày phát động đến ngày 15/8/2022.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 3.137
0 Bình luận
Sắp xếp theo