Bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen 2024

Cuộc thi viết “Tiết kiệm điện thành thói quen” 2023 (EVNHCMC) hiện nay đã được phát động trên toàn quốc nhằm tập hợp được nhiều câu chuyện hay, việc làm hiệu quả về tiết kiệm điện, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp… để mọi người cùng tham khảo, học hỏi. Sau đây là mẫu bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen 2023 có nội dung chất lượng, sẽ giúp bạn đọc có thêm ý tưởng để làm bài.

Thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen
Thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen

1. Bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen 2023 số 1

Tiết kiệm điện là tiết kiệm nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia. Là nghĩa vụ và trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan doanh nghiệp và từng người sử dụng điện. Thực hành tiết kiệm điện là hành động thiết thực góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững. Là mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới công cuộc sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong cuộc sống hàng ngày, như chúng ta đã biết để làm thay đổi thói quen, ý thức của mỗi người là điều vô cùng khó khăn. Và để mọi người hình thành được thói quen, ý thức tự giác tiết kiệm điện lại là chuyện càng khó hơn. Nhưng hiện nay từ thành thị đến nông thôn, mỗi chúng ta ai ai cũng được nghe những thông tin tuyên truyền tiết kiệm điện như đã dần trở nên quen thuộc. Có rất nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương đáng để cho chúng ta học hỏi và noi theo. Hay những câu chuyện đời thường xảy ra xung quanh chúng ta bằng cả con người thật và việc thật. Nhưng mấy ai nhận ra được giá trị chân thật của con người chân chất, thật thà ấy. Và công việc tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng thiết nghĩ có mấy ai trong chúng ta làm được như họ. Đến khi chính tôi được gặp con người thật, việc thật. Được tìm hiểu và đi sâu vào đời sống thường ngày của họ thì tôi mới hiểu được cuộc sống của họ đơn giản và tiết kiệm như thế nào.

Lần theo con đường mòn, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là gia đình hai bác Tô Văn Huệ và Nguyễn Thị Mão tại thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Bước chân vào nhà tôi gặp ngay hai bác, hai bác là cán bộ hưu trí năm nay đã ngoài 80 tuổi. Trông hai bác thật hiền lành phúc hậu, ánh mắt vẻ lên sự ngạc nhiên, bất ngờ khi gặp tôi. Sau phút giây bàng hoàng ấy, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện với nhau thật gần gũi và thân mật.

Tôi được tiếp chuyện với hai bác trong khoảng thời gian nửa giờ đồng hồ, với thời gian đó không phải là dài để tôi hiểu hết cuộc sống của họ, nhưng cũng đủ để tôi đúc kết một số kinh nghiệm “tiết kiệm điện” của gia đình bác ấy.

Bác Mão vui vẻ nói với tôi : “Gia đình bác có 3 người sống chung, hai bác là giáo viên đã về hưu và một anh con trai hiện đang là phó hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở. Hàng ngày bác xem việc tiết kiệm điện là việc đặt lên hàng đầu trong kế hoạch tiết kiệm kinh tế của gia đình.

Trong nhà bác đã sử dụng những bóng đèn compact thay cho đèn huỳnh quang, sợi đốt… bác chỉ dùng điện để nấu cơm, thắp sáng mỗi khi cần. Còn việc đun nước bác đã tận dụng cây lá khô trong vườn để đun nấu. Giặt quần áo bác vẫn thường xuyên giặt bằng tay trừ khi đau ốm, trời mưa bão kéo dài hoặc những đồ khó giặt thì bác mới dùng đến máy giặt. Trong tủ lạnh bác chỉ dùng để cất trữ những thứ đồ ăn cần bảo quản lạnh và luôn mở ở nhiệt độ đủ lạnh, còn những thức ăn không cần bảo quản lạnh và thường xuyên dùng trong ngày thì bác để thoáng bên ngoài, hạn chế viện mở tủ lạnh liên tục gây hao điện. Vào giờ cao điểm bác nơi nào cần đèn chiếu sáng thì bác mới mở lên, xuống nhà dưới thí tắt điện nhà trên và ngược lại. Bác trai mỗi khi cần đọc sách báo thường tìm đến những nơi có ánh sáng mặt trời soi vào, bác kê bàn bên cửa sổ để đọc sách vừa tiết kiệm sử dụng đèn điện, vừa hưởng được nguồn không khí trong lành. Đêm tối khi cần ánh sáng để làm việc, viết lách… thì bác dùng cây đèn để bàn nhưng đã gỡ bỏ bóng đèn tròn sợi đốt và thay vào đó là bóng đèn compact nhỏ tiết kiệm điện…”.Bác còn nói: “Gia đình mình là gia đình Đảng viên, vì vậy phải làm gương “Sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hố Chí Minh”, mỗi gia đình tiết kiệm một chút thì đất nước mình mới giàu và mạnh được…”. Khoảng chi phí mà gia đình bác dành cho việc trả tiền điện mỗi tháng không vượt quá 100.000 đồng. Đó là những gì mà gia đình bác Tô Văn Huệ đã thực hiện trong cuộc “Cách mạng tiết kiệm điện”.

Trở về với thực tại công việc đang làm, tôi không khỏi miên man suy nghĩ về những việc làm thiết thực đầy ý nghĩa của gia đình bác Huệ: “Chúng ta hãy bắt tay tiết kiệm điện”. Xem ra câu nói này của bác đã mang đến một ý nghĩa rất lớn. Thật vậy, “tiết kiệm điện hay tiết kiệm tiền” là một đề tài muôn thủơ, vào thời đại nào, dù cuộc sống ra sao, dù nghèo hay giàu thì mỗi chúng ta ai cũng cần đặt ra cho mình một mục tiêu “Tiết kiệm là quốc sách”. Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn biết bao khi con người biết sống với nhau bằng những mục tiêu cao đẹp ấy. Thế mà thực tế nhiều khi ngược lại, phải chăng do áp lực của cuộc sống hối hả, của những vất vả để tranh thủ kiếm tiền… đã làm cho bản thân mỗi người chúng ta quên đi phần nào trách nhiệm. Hãy vì một ngày mai tươi sáng, vì đất nước phồn vinh, không còn những nơi thiếu điện, không có những em học sinh ở những nơi vùng sâu, vùng xa phải ngồi học dưới ánh sáng mờ của những ngọn đèn dầu, cây đuốc…

Tôi mong rằng, qua bài viết của tôi sẽ gửi đến mọi người tấm gương gia đình tiết kiệm điện. Hình ảnh cao đẹp ấy sẽ lan tỏa khắp các gia đình Việt Nam, để mọi người dân có những suy nghĩ và hành động thiết thực để tiết kiệm điện, bảo vệ nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia. Hãy bảo vệ “Ngôi nhà chung” các bạn nhé…

2. Bài dự thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen số 2

Bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen 2023
Bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen 2023

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Trong cuộc sống hàng ngày, Bác thực hành tiết kiệm thông qua những việc nhỏ và hết sức cụ thể. Theo Bác tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”. Sự tiết kiệm nói chung, tiết kiệm điện của Bác nói riêng đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập nhất là trong điều kiện khan hiếm nguồn năng lượng, nhiệt độ ngày càng tăng, nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Các chiến sĩ cảnh vệ của Bác cho biết, nói đến điện là Bác Hồ nói đến tiết kiệm điện. Bác thường nhắc nhở rằng nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp đều tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ có đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất. Theo Hồ Chí Minh, “Thi đua nhằm: 1. Tăng năng suất. 2. Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện”. Tấm gương tiết kiệm điện của Bác đã ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức và hành vi của mọi người. Vì thế, không cần ai nhắc nhở, lúc đó ai cũng có ý thức và thói quen tiết kiệm điện.

Những người đã từng là chiến sỹ cận vệ trung thành bên cạnh Hồ Chủ tịch trong suốt 15 năm cho đến khi Bác đi xa, kể rằng: "Bác vẫn thường dặn anh em cận vệ tắt điện khi ra khỏi phòng". Vào những ngày hè oi bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ và rất ít khi dùng quạt điện.

Các đồng chí cảnh vệ còn cho biết, Bác thường tự tay tắt những bóng đèn, cái quạt, và cả cái đài nữa khi không có người dùng. Ở trong Phủ Chủ tịch, nhìn thấy ở xa có những chiếc bóng đèn sáng là Bác bảo anh em cảnh vệ đến xem ở đó có cần không, nếu không thì tắt đi cho đỡ lãng phí.

Một đồng chí phục vụ kể: Một lần, Bác đi thăm đồng bào ở một tỉnh xa. Bảy giờ sáng, xe đang chạy trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) thì thấy một cơ quan còn ba bóng điện sáng ở cổng. Tuy đang vội, nhưng Bác vẫn bảo lái xe dừng lại. Bác cử một đồng chí vào nhắc nhở: Bác Hồ đi công tác qua, bảy giờ rồi vẫn thấy các đồng chí để ba ngọn đèn sáng ở cổng. Bác nhắc các đồng chí tắt đi. Thế là ba ngọn đèn được tắt ngay. Sau đó, cơ quan ấy tính lại thấy không cần thiết để đèn ở cổng nữa, bèn tháo luôn để tiết kiệm điện.

Ra nước ngoài cũng vậy, đi qua một hành lang, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng điện sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Trong chuyến thăm Ba Lan năm 1957, Bác được đón tiếp tại phòng lễ tân lúc 9 giờ sáng. Lúc này 3 chùm đèn vẫn bật sáng trưng. Bác Hồ đã yêu cầu gặp Vụ trưởng Vụ lễ tân, và hỏi: "Chỗ tắt điện ở đâu?". Lập tức mấy chiến sĩ bảo vệ đi tắt điện. Chủ tịch Ba Lan lúc ấy nói giọng nghiêm trang: "Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi thành thật nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện tiết kiệm".

Như vậy, chúng ta thấy rằng Bác Hồ là một tấm gương thực hành tiết kiệm mẫu mực cho mọi người học tập, noi theo. Mọi người biết tiết kiệm thì sự lãng phí sẽ bớt đi và người được sử dụng sẽ nhiều hơn. Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện là mục tiêu trước mắt và lâu dài mà ngành điện đã và đang triển khai đến từng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp… trên cả nước trong suốt thời gian qua. Bởi lẽ, tiết kiệm điện không chỉ góp phần bảo vệ nguồn năng lượng - tài nguyên của quốc gia, mà còn giúp mọi người biết chọn một “phương thức tối ưu nhất” để sử dụng điện một cách an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.

3. Bài viết về chủ đề Tiết kiệm điện thành thói quen số 3

Tôi đến Nhật năm 1997. Vào làm hãng may, tôi ở nhà của hãng và cũng gần nhà ông bà chủ người Nhật. Vì vậy, thỉnh thoảng hai mẹ con tôi vẫn thường sang thăm ông bà chủ. Một tối chủ nhật, lúc ấy đã 7 giờ, hai mẹ con tôi sang thăm bà chủ vì nghe nói bà bị bệnh.

Mở cửa nhà ông bà chủ thấy tối thui. Con gái tôi lớn tiếng gọi “ô bá chan” (Bà ơi). Tiếng từ trên lầu vọng xuống và đèn bật sáng khi bà chủ còn đang đứng trên cầu thang. Bà bước xuống và bảo hai mẹ con vô ghế ngồi. Như nhớ ra đã quên cái gì, bà nhờ con gái tôi lên lầu lấy cho bà chai Salonpas để thoa lưng và khớp chân.

Bước lên lầu, con gái tôi hỏi vọng xuống “Bà ơi, nút nào bấm cho điện sáng trên lầu”. Bà vừa chỉ con gái tôi vừa quay sang nói với tôi “Phải biết tiết kiệm điện, ở nhà trên thì tắt điện nhà dưới, không làm gì mà để điện thì uổng phí lắm”.

Tôi “dạ” và tối đó cứ suy nghĩ về bà chủ của mình: một người quá giàu có mà sao lại tiết kiệm dữ vậy? Và rất nhiều điều hay nữa ở bà mà tôi cần học hỏi. Thế là tôi hình thành thói quen tiết kiệm điện cho đến khi về sống ở VN.

Cả nhà tôi vẫn thế, ban ngày mở toang hết các cửa sổ và cửa chính cho gió vào, đón gió, hít thở không khí trời cho. Khi nào nóng quá chúng tôi mới dùng quạt. Nhưng không phải hạn chế nhu cầu mà chúng tôi vẫn sử dụng tủ lạnh, tivi, bàn ủi, máy giặt - những vật dụng tối thiểu cần có cho một gia đình.

Nhà có tám người mà chúng tôi sử dụng điện mỗi tháng trung bình 300.000-350.000 đồng. Tháng 3 vừa rồi giá điện tăng nên tiền điện tăng gần 450.000 đồng. Tôi tự biết mình sử dụng điện rất ít so với hai nhà bên cạnh và hai nhà đối diện. Vì mỗi tháng nhân viên tới thu tiền điện hay nói lớn để người trong nhà mang tiền ra đóng. Nhà hàng xóm chỉ có bốn người và dùng điện như gia đình chúng tôi mà họ đóng 500.000-700.000 đồng. Họ đã đóng như vậy từ lâu lắm rồi, vừa rồi điện tăng họ đóng tăng lên khá nhiều.

Gia đình tôi đều đặn tham gia Giờ Trái đất mỗi năm. Tôi thích tắt đèn nằm võng hát, còn các con thì ra đường hưởng ứng Giờ Trái đất.

Cách tiết kiệm điện
Cách tiết kiệm điện

4. Bài viết Tiết kiệm điện số 4

Là một nhân viên giao tiếp khách hàng, việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu từ chương trình CRM (Quản lý mối quan hệ khách hàng) là công việc thường nhật. Mặc dù trong quá trình làm việc, bản thân đã xử lý nhiều phiếu nhiệm vụ, trải qua nhiều tình huống khác nhau nhưng mỗi cuộc điện thoại với những thông tin trao đổi riêng biệt đều đáng nhớ đối với tôi. Và cuộc gọi tư vấn tiết kiệm điện ngày hôm nay cũng là một kỷ niệm như thế.

Tiếng chuông báo hiệu có phiếu yêu cầu cần tiếp nhận từ chương trình CRM vang lên. Rất nhanh chóng, tôi tiếp nhận phiếu yêu cầu với nội dung của phiếu: “Khách hàng kiến nghị sản lượng điện 2 kỳ gần đây cao so với thực tế sử dụng. Gần đây, khách hàng mua thêm laptop, dùng khoảng 3 giờ mỗi ngày và thời gian sử dụng điện các thiết bị khác bình thường. Điện thoại viên đã hướng dẫn khách hàng kiểm tra rò rỉ và tải app CSKH để theo dõi chỉ số. Kính chuyển điện lực đến kiểm tra và xử lý theo quy định. Xin cám ơn - chị Nga”.

Tiếp nhận phiếu yêu cầu trên, tôi lấy giấy, bút ghi lại các ghi chú quan trọng đối với cách sử dụng thiết bị máy vi tính sử dụng sao cho tiết kiệm điện hiệu quả nhất. Với kinh nghiệm của một tuyên truyền viên trong chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện tại trường học giúp tôi nhanh chóng xâu chuỗi lại toàn bộ những kiến thức đã tìm hiểu và từng tư vấn. Điều này giúp tôi tự tin và mạnh dạn giải quyết nội dung yêu cầu của khách hàng ngay lập tức.

Khi tôi liên lạc lại số điện thoại 0888xxxxx8, đầu dây bên kia một giọng nói trong trẻo của một cô bé: “Dạ alô, cháu là Nu ạ, xin hỏi ai đấy ạ”. Tôi mỉm cười nhẹ nhàng sau đó giới thiệu tên của mình và vị trí công tác tại đơn vị Điện lực Krông Pắk (PC Đắk Lắk). Bé Nu thỏ thẻ: “Cô ơi, giờ trường của cháu đang triển khai học online do dịch bệnh Covid-19. Bố mẹ cháu mới mua cho cháu một cái máy tính xách tay mới. Cháu nhờ cô tư vấn giúp cháu cách sử dụng sao cho tiết kiệm điện nhất cô nhé. Đây là cách cháu giúp bố mẹ cháu tiết kiệm tiền luôn ạ”. Tôi cảm nhận đây là một cuộc trò chuyện rất thú vị và bắt đầu rất thoải mái. Trong cuộc trò chuyện này, có ba nguyên tắc sử dụng máy tính mà tôi muốn Nu được biết nên nhẹ nhàng dẫn dắt và đề cập trực tiếp vào nội dung chính.

Đầu tiên, tôi dặn dò Nu để tiết kiệm điện năng trong quá trình cài đặt cháu có thể nhờ bố mẹ hoặc tự mình (nếu được) chọn các chế độ tiết kiệm điện sẵn có: Screen save, hoặc nhờ nhân viên của cửa hàng hỗ trợ. Trong khi học bài, cháu nên lựa chọn nơi có ánh sáng đảm bảo để bảo vệ mắt đồng thời cài đặt độ sáng màn hình ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, cháu hãy chịu khó vệ sinh sạch các điểm tiếp xúc nhằm giảm thiểu thất thoát năng lượng do tiếp xúc kém. Đặc biệt, cháu chỉ bật kết nối các loại máy như máy in, máy scan khi sử dụng và nhớ tắt nguồn các thiết bị khi không sử dụng. Trong quá trình sử dụng cháu cũng phải luôn tắt nguồn máy tính khi không sử dụng, điều này sẽ giúp tiết kiệm điện và máy tính sẽ có độ bền cao hơn. Ngay khi giải thích rõ cho Nu, tôi hỏi lại còn vấn đề gì chưa hiểu không thì nhận được câu trả lời đã hiểu rõ và cả lời cảm ơn của cô bé dễ mến. Tôi cũng chúc cháu có một năm học gặt hái được nhiều thành tích cao như một câu kết cho cuộc trò chuyện.

Đồng thời, lúc này tôi đề nghị kết nối máy với phụ huynh của cháu và trao đổi trực tiếp một số vấn đề còn vướng mắc. Tôi giải thích cụ thể với trường hợp nhà chị công suất trung bình của thiết bị máy vi tính là 50 W. Nếu chị sử dụng trung bình 3 giờ mỗi ngày, như vậy lượng điện năng tiêu thụ trung bình hàng tháng của thiết bị này là 4.5 kWh/tháng. Bên cạnh đó, tổng sản lượng điện năng tiêu thụ của chị ở chu kỳ hóa đơn tháng 9 là 276 kWh và mục đích sử dụng điện là giá sinh hoạt bậc thang với tổng tiền thanh toán là 621.210 đồng.

Chị Nga tiếp lời: “Em thông cảm nhé, chị là người lúc sáng nay mới liên hệ đầu số 19001909 để kiểm tra sản lượng điện. Lúc nãy đang bận tay vì rửa bát nên nhờ cháu bật loa ngoài lên để chị cùng nghe. Qua cách em tư vấn chị nghĩ là sản lượng điện của chị tăng lên là do chị sử dụng thêm thiết bị máy vi tính cho cháu học mà chưa đúng cách như em hướng dẫn. Chị nghĩ đường dây dẫn sau công tơ nhà chị hoạt động bình thường. Chị sẽ điều chỉnh lại ngay và rất hài lòng với cách nhân viên Điện lực Krông Pắk điện thoại tư vấn như thế này. Vậy nên các em không cần đến kiểm tra thực tế nữa vì chị đã biết nguyên nhân và cách khắc phục rồi nhé”.

Tôi cũng tư vấn cho chị Nga khi sử dụng các thiết bị điện phụ huynh phải luôn giám sát các con để đảm bảo an toàn. Trong đó, cháu cần lưu ý tuyệt đối không nên đưa các vật nhọn vào các ổ cắm điện, hoặc tự ý tháo gỡ các điểm tiếp xúc với điện…

Gác máy, tôi tạm hài lòng vì mình tư vấn cho em học sinh những kiến thức mình đã tìm hiểu được. Đồng thời, bản thân tôi cũng đã làm tròn trách nhiệm của một nhân viên tiếp nhận và xử lý nội dung khách hàng yêu cầu sao cho khách hàng hài lòng nhất. Từ cuộc điện thoại thú vị, tôi đã được trau dồi thêm các kiến thức về tiết kiệm điện cũng như nhận được những phản hồi tích cực, với tôi đó là niềm vui lớn nhất của một nhân viên chăm sóc khách hàng./.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 432
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm