Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo theo Điều 166 Bộ luật Hình sự

Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo theo Điều 166 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về hành vi, hậu quả pháp lý, khung hình phạt đối với người có hành vi xâm quyền khiếu nại, tố cáo của cá nhân, công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức. Chi tiết mời các bạn tham khảo bài viết sau của HoaTieu.vn.

Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo

1. Khiếu nại và tố cáo là gì?

1.1. Khiếu nại là gì?

Khái niệm về khiếu nại được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 như sau:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

1.2. Tố cáo là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định:

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

2. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo theo Điều 166 Bộ luật Hình sự

Xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo...

Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo theo Điều 166 Bộ luật Hình sự 2015 (SĐBS 2017) quy định như sau:

(1) Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Trả thù người khiếu nại, tố cáo;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;

- Dẫn đến biểu tình;

- Làm người khiếu nại, tố cáo tự sát.

(3) Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:

  • Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo. Hành vi dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác như đánh, trói hoặc đe dọa vũ lực là hành vi bằng lời nói, cử chỉ dọa sẽ dùng vũ lực hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở, gây khó khăn cho việc khiếu nại tố cáo của người khác ở bất kỳ khâu nào như tiếp nhận đơn, thư khiếu nại tố cáo, xét và giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý người bị khiếu nại, tố cáo.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo là hành vi của người có trách nhiệm phải thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về vụ việc nào đó nhưng đã không chấp hành, tìm mọi cách trì hoãn việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Hành vi này cấu thành tội khi đã gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo về vật chất hay tinh thần như không chịu nhận công chức, viên chức bị buộc thôi việc trái pháp luật trở lại làm việc đã gây thiệt hại về vật chất và tinh thần của người đó…

- Chủ thể của tội phạm được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là chủ thể thường tức là người đạt độ tuổi theo luật định và có năng lực TNHS.

- Trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo thì bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 166 BLHS năm 2015.

- Chủ thể của tội phạm được quy định tại điểm b khoản 1 Điều này là chủ thể đặc biệt, có nghĩa là người có trách nhiệm trong việc chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo như thủ trưởng cơ quan nhà nước, người đứng đầu tổ chức xã hội, giám đốc công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

- Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tối với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của con người nhưng vẫn mong muốn thực hiện.

3. Hậu quả pháp lý của tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo

– Khung 1: (khung cơ bản) Quy định hình phạt áp dụng đối với người phạm tội bao gồm bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khung 2 (khung tăng nặng) Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có tổ chức;

+ Trả thù người khiếu nại, tố cáo là hành vi gây thiệt hại về thể chất, tài sản, tinh thần, quyền và lợi ích hợp pháp khác cho người khiếu nại, tố cáo vì họ đã khiếu nại, tố cáo;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

+ Dẫn đến biểu tình;

+ Làm người khiếu nại, tố cáo tự sát.

- Ngoài ra, xem xét tính chất, mức độ vi phạm, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại

Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại được quy đinh chi tiết tại Điều 12 Luật Khiếu nại 2011, cụ thể như sau:

1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại.

Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;

Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;

b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

đ) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

e) Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;

g) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

h) Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

i) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

k) Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;

l) Rút khiếu nại.

2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

3. Người khiếu nại thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Tố cáo 2018 như sau:

1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Đưa ra chứng cứ về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại;

b) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

c) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

d) Nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

b) Chấp hành quyết định xác minh nội dung khiếu nại của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;

c) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị kiểm tra, xác minh yêu cầu trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có yêu cầu;

d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;

đ) Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại;

e) Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Người bị khiếu nại thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo theo Điều 166 Bộ luật Hình sự. Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật chuyên mục Hình sự liên quan.

Đánh giá bài viết
2 33
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm