Đối tượng, phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

Luật hình sự có đối tượng điều chỉnh riêng, phương pháp điều chỉnh riêng, nguyên tắc hoạt động riêng, nguồn luật riêng. HoaTieu.vn xin nêu rõ chi tiết về khái niệm, đối tượng, phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự qua bài viết dưới đây.

1. Khái niệm Luật hình sự Việt Nam:

Luật Hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật quy định tội phạm, xác định hình phạt với các tội phạm nhằm đấu tranh chống tội phạm, loại trừ mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội. Luật Hình sự bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy

2. Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự

Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là các quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật của ngành luật đó điều chỉnh. Các quan hệ xã hội được các quy phạm PLHS tác động tới là đối tượng điều chỉnh của luật hình sự. Luật hình sự chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội khi có tội phạm xảy ra và đó cũng chính là các quan hệ PLHS.

Vậy, Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm.

Thời điểm bắt đầu xuất hiện quan hệ pháp luật hình sự là thời điểm người phạm tội bắt đầu thực hiện tội phạm và quan hệ pháp luật này chấm dứt khi người phạm tội được xóa án tích. Trong cả quá trình này xuất hiện đồng thời quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, quan hệ pháp luật dân sự… Tuy nhiên, quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, đa số trường hợp bắt đầu xuất hiện khi có quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can.

Trong quan hệ pháp luật hình sự luôn có hai chủ thể với những vị trí pháp lý khác nhau.

1. Nhà nước: Có quyền truy tố, xét xử người phạm tội, buộc họ phải chịu những biện pháp trách nhiệm hình sự nhất định để bảo vệ pháp luật bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Nhà nước thực hiện quyền này bằng cách thể hiện ý chí của mình trong Bộ luật hình sự. Mặt khác, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội.

2. Người phạm tội: Có trách nhiệm chấp hành các biện pháp cưỡng chế mà Nhà nước áp dụng đối với mình. Mặt khác, họ có quyền yêu cầu Nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tóm lại, đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự Việt Nam là các quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm. Thông qua việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh khi có tội phạm xảy ra, Luật hình sự Việt Nam tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ phát triển, tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm. Bằng cách đó, Luật hình sự Việt Nam góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các quyền và lợi ích của công dân cũng như đảm bảo việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội do Nhà nước đề ra.

Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

3. Nhiệm vụ của Luật Hình sự

Nhiệm vụ của Luật Hình sự quy định tại Điều 1 của Bộ luật Hình sự 1999, thể hiện tập trung với 3 nhóm cụ thể như sau:

1. Luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ những quan hệ xã hội cơ bản nhất và quan trọng nhất trong đời sống xã hội. Đó là, bảo vệ chế độ xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, Nhà nước, bảo vệ trật tự pháp luật XHCN.

2. Với một vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta, Bộ luật hình sự là một trong những công cụ hữu hiệu và sắc bén của Nhà nước trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

3. Luật hình sự còn có nhiệm vụ giáo dục mọi người nâng cao ý thức pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

4. Phương pháp điều chỉnh của Luật Hình sự

Luật Hình sự có phương pháp điều chỉnh riêng biệt vì quan hệ xã hội được Luật Hình sự điều chỉnh là quan hệ hình thành giữa Nhà nước và người phạm tội. Nhà nước dùng uy quyền để quy định tội phạm ấy, ấn định hình phạt buộc người phạm tội chịu hình phạt ấy. Tính uy quyền trong phương pháp điều chỉnh của Luật Hình sự là:

– Nhà nước tự mình quy định hành vi nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm;

– Nhà nước giao nhiệm vụ xử lý tội phạm cho các cơ quan tư pháp. Những cơ quan này có quyền nhân danh Nhà nước điều tra, truy tố, xét xử, xác định hình phạt, buộc người phạm tội phải chấp hành hình phạt;

Kết luận, Luật Hình sự là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật quy định tội phạm, xác định hình phạt với cá tội phạm ấy, có đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng biệt. Đây là căn cứ phân biệt Luật Hình sự với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 13.625
0 Bình luận
Sắp xếp theo