Ngừng viện cớ đọc hiểu (có đáp án)

Ngừng viện cớ của tác giả Brian Tracy là tác phẩm đưa ra khát vọng và quyết tâm đạt được mục tiêu và mọi điều bạn ấp ủ nhờ vào tính kỷ luật. Nếu mỗi ngày bạn trì hoãn 1 lần, tức là bạn đang trì hoãn con đường đến với thành công. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đề đọc hiểu tác phẩm Ngừng viện cớ có đáp án sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về nội dung văn bản Ngừng viện cớ.

Đề đọc hiểu Ngừng viện cớ - đề 1

Đọc hiểu

Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, và chúng ta biết phải làm gì để đạt được điều đó. Nhưng trước khi bắt tay vào việc, ta lại quyết định rằng mình cần có một kì nghỉ nho nhỏ ở vùng đất kì ảo mang tên: đảo Một - Ngày - Nào – Đó. Chúng ta nói rằng: Một ngày nào đó, mình sẽ đọc quyển sách này. Một ngày nào đó, mình sẽ bắt đầu chương trình tập luyện kia. Một ngày nào đó, mình sẽ nâng cao kĩ năng và kiếm tiền nhiều hơn…Một ngày nào đó, mình sẽ thực hiện hết những việc cần làm để đạt được mục tiêu. Một ngày nào đó…Có khoảng 80% dân số dành phần lớn thời gian sống trên đảo Một - Ngày - Nào – Đó. Họ nghĩ ngợi, mơ mộng và tưởng tượng những thứ họ sẽ thực hiện vào “ một ngày nào đó”…Họ đều mắc phải căn bệnh “ viện cớ”, thứ âm thầm giết chết thành công. Tất cả họ đều có những dự định tốt đẹp, nhưng…nói thì phải làm, nếu không chỉ là lời nói gió bay mà thôi. Nguyên tắc thành công đầu tiên rất đơn giản: Hãy cuốn gói khỏi đảo Một - Ngày - Nào – Đó! Ngừng viện cớ! Làm hoặc không làm – chứ đừng viện cớ. Đừng nghĩ ra lí lẽ hay lời biện minh vòng vo cho việc mình không chịu hành động. Hãy bắt tay vào thực hiện. Làm bất cứ việc gì. Hãy hành động! Lặp đi lặp lại điều này: Nếu điều đó xảy ra, thì tôi phải là người làm cho nó xảy ra! Nếu người ta dốc sức để chinh phục mục tiêu cũng như khi người ta biện hộ cho sự thất bại, thì họ sẽ bất ngờ về chính mình. Nhưng trước hết, bạn phải thoát khỏi đảo Một - Ngày - Nào – Đó đã.

(Trích Ngừng viện cớ, Brian Tracy, TGM Books dịch, NXB Phụ nữ, tr.2)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 :Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết đâu là nguyên tắc đầu tiên của sự thành công.

Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu: “ nếu điều đó xảy ra, thì tôi phải là người làm cho nó xảy ra!”

Câu 4: Lời khuyên “ Nhưng trước hết, bạn phải thoát khỏi đảo Một - Ngày - Nào – Đó” có ý nghĩa gì đối với anh chị.

Trả lời

1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận (bàn luận về việc viện cớ).

2. Nguyên tắc đầu tiên của sự thành công là: Hãy cuốn gói khỏi đảo Một - Ngày - Nào – Đó! Ngừng viện cớ! Làm hoặc không làm – chứ đừng viện cớ. Đừng nghĩ ra lí lẽ hay lời biện minh vòng vo cho việc mình không chịu hành động. Hãy bắt tay vào thực hiện. Làm bất cứ việc gì. Hãy hành động!

(dựa vào đoạn 3 của văn bản)

3. Tôi hiểu như sau :

+ Muốn khuyên nhủ nếu một việc nào đó xảy ra trong cuộc sống của chúng ta thì bản thân chúng ta phải làm tự giải quyết nó bằng chính sức lực của mình. Hay nói cách khác, việc đó chính là ý thức tự làm chủ bản thân, tự làm chủ cuộc sống của mình mà không cần dựa dẫm vào ai khác .

+ Muốn khuyên nhủ bản thân chúng ta phải biết nắm bắt lấy cơ hội để phát triển bản thân và tạo ra nhiều điều mới lạ. Và hành động ấy đương nhiên là dựa vào sức lực của bản thân chúng ta .

4. Lời khuyên đó có ý nghĩa như một lời khuyên nhắc nhở tôi phải bỏ thói quen trì hoãn những việc mình làm và viện cớ để không phải làm, phải bắt tay vào việc gì. Vì :

  • Nếu chúng ta có thói quen trì hoãn và viện cớ, chúng ta sẽ không bao giờ đến được với thành công .
  • Trì hoãn và viện cớ là thói quen xấu khiến con người ngày càng sa sút, thụt lùi .

Đề đọc hiểu Ngừng viện cớ - đề 2

Câu 1. Theo đoạn trích, căn bệnh mà đa số mọi người mắc phải cản trở họ đi đến thành công, đến một cuộc sống tốt đẹp là gì?

Câu 2. Anh/chị hiểu nguyên tắc thành công đầu tiên "cuốn gói khỏi đảo Một – Ngày – Nào – Đó" như thế nào?

Câu 3. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất từ đoạn trích trên là gì?

Câu 4. Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của thói quen trì hoãn.

Trả lời

Câu 1. Theo đoạn trích trên, thì nguyên nhân chính làm ngăn cản đa số mọi người đạt được thành công và một cuộc sống tốt đẹp chính là việc viện cớ - tìm ra các lý do để trì hoãn hành động.

Câu 2. Nguyên tắc thành công đầu tiên "cuốn gói khỏi đảo Một - Ngày - Nào - Đó" là một lời khuyên quan trọng để đạt được thành công trong cuộc sống. Nó đề cập đến việc tự giải phóng bản thân khỏi căn bệnh viện lý do, một bệnh lý đáng sợ mà nhiều người mắc phải. Viện lý do là một căn bệnh "găm" chúng ta trong một thế giới của các cớ nhỏ nhặt, khiến ta không thể hoàn thành công việc quan trọng. Thay vì trì hoãn một việc cần làm bằng cách tìm ra các lý do vô lý để giải thích cho sự trì hoãn, người ta nên lập tức hành động. Chỉ có hành động mới đưa ta đến thành công.

Câu 3. Đoạn trích trên mang lại cho em một thông điệp rất quan trọng trong cuộc sống - đó là hãy bắt tay vào thực hiện, hãy làm bất cứ điều gì. Điều này rất đúng với thực tế vì nếu ta chỉ nghĩ và không hành động, thì chẳng có gì thực sự xảy ra. Chỉ khi ta bắt đầu hành động, thì chúng ta mới có thể đạt được những điều mong muốn.

Câu 4. Sự trì hoãn sẽ đem đến những tác hại trong cuộc sống. Nếu như hành vi này được lặp lại nhiều lần sẽ dần trở thành một thói quen xấu. Trì hoãn là sự kéo dài thời gian, gây ra sự gián đoạn trong công việc. Cuộc sống luôn vận động không ngừng đòi hỏi con người phải tiến về phía trước để hoàn thành mục tiêu mà bản thân đã đề ra. Chính vì vậy, thói quen trì hoãn sẽ ảnh hưởng xấu đến mỗi người. Chúng ta sẽ dần trở nên lười biếng, không chịu cố gắng học tập và làm việc để cải thiện bản thân. Cùng với đó, mục tiêu hay dự định của bản thân sẽ chỉ nằm trong tưởng tượng, chứ không thể trở thành hiện thực. Một người trì hoãn công việc sẽ làm ảnh hưởng đến cả một công ty. Đặt biệt, nếu công việc không được giải quyết ngay, dồn lại hết ngày này qua ngày khác, đến hạn chót, con người thường gấp gáp thực hiện mà dẫn đến tình trạng làm qua loa, hay làm cho xong. Thói quen này khiến con người không thể phát triển được điểm mạnh của bản thân, cứ mãi dậm chân tại chỗ. Những người sống như vậy cũng không thể nhận được sự tôn trọng, yêu thương của mọi người. Như vậy, đây là một thói quen xấu. Mỗi người cần phải tránh xa để có thể hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 12 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 2.983
0 Bình luận
Sắp xếp theo