Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6

Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6. Ngày hội đọc sách là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. HoaTieuvn chia sẻ tới các em học sinh dàn ý và những bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6 hay nhất. Mời các em cùng tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài tập làm văn của mình.

STTNội dungSố từ
Bài văn mẫu ngắn gọn số 1Kể về ngày hội đọc sách em tham gia cùng chị hái361
Bài văn mẫu dài số 2Kể về ngày hội đọc sách ở trường689
Bài văn mẫu siêu ngắn số 3Kể về ngày hội đọc sách ở trường em240
Bài văn mẫu số 4Thuyết minh về ngày hội đọc sách chủ đề: “Ngôi nhà tri thức- Đọc sách cho ngày mai”741
Bài văn mẫu số 5Thuyết trình về ngày hội đọc sách chủ đề: “Thắp sáng hải đăng Trường Sa”679
Bài văn mẫu số 6Thuyết minh thuật lại ngày hội đọc sách do UBND huyện tổ chức mà em được tham gia657
Bài văn mẫu số 7Thuyết minh về ngày hội đọc sách1580
Bài văn mẫu số 8Bài diễn thuyết Ngày hội đọc sách và trưng bày giới thiệu sách12 bài văn mẫu
Bài văn mẫu số 9Bài văn Kể về ngày hội đọc sách của học sinh2 bài văn mẫu
Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6
Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6

Dàn ý viết bài văn kể về ngày hội đọc sách

1. Mở bài:

  • Giới thiệu về ngày hội đọc sách lớp 6.
  • Nêu mục đích của ngày hội đọc sách.

2. Thân bài"

Kể về chuỗi hoạt động trong ngày hội đọc sách, bao gồm:

  • Giao lưu đọc sách với bạn bè trong lớp .
  • Tham gia các trò chơi, hoạt động vui nhộn liên quan đến sách
  • Tham gia thuyết trình về tác phẩm yêu thích của mình
  • Tham quan gian hàng sách của các nhà xuất bản, tìm hiểu về các loại sách mới, tác giả mới.

Nêu lợi ích của việc đọc sách: tăng cường kiến thức, trí tuệ và tăng sự yêu thích với việc đọc sách.

Đưa ra lời khuyên và động viên các bạn đọc sách, tham gia các hoạt động liên quan đến sách.

Mô tả cảm nhận của mình về ngày hội đọc sách, như sự vui vẻ, hào hứng khi được đọc sách và tham gia các hoạt động tương tác với sách và bạn bè.

3. Kết bài:

Tổng kết ý nghĩa của ngày hội đọc sách, cảm xúc và những điều em đạt được qua ngày hội này.

1. Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6 ngắn gọn số 1

Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6 dưới đây được thực hiện bởi HoaTieu. Mọi website khác lấy bài xin dẫn nguồn.

Cuối tuần vừa qua, ngày hội đọc sách lớn đã được tổ chức tại quảng trường gần nhà tôi. Tất cả mọi người từ học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và người lớn tuổi đều có thể tham gia. Tôi cũng được chị dẫn đến đó để tham quan và vui chơi.

Khuôn viên rộng lớn của quảng trường trở thành một tiệm sách di động khổng lồ. Rất nhiều ô dù lớn đầy màu sắc được căng ra để che nắng, dưới ánh nắng mặt trời trông chúng như những chiếc đèn khổng lồ rực rỡ. Có vô số kệ sách với đủ thể loại dành cho mọi lứa tuổi. Theo chị, ngày hội đọc sách này mỗi năm sẽ mở một lần tại cùng một địa điểm để mang sách đến gần với người đọc hơn. Có lẽ vì vậy mà người đến đây rất đông. Những nhà văn trẻ cũng tham gia truyền đạt cảm hứng về đọc sách và giới thiệu các đầu sách mới, khiến cho không khí trở nên sôi động và hứng khởi.

Tôi và chị còn đến gian trưng bày truyện tranh. Khác hẳn với không gian yên tĩnh của thư viện, ở đây rất náo nhiệt và vui tươi. Cả hai đều tìm thấy những bộ truyện tranh mình yêu thích và mua về đọc. Quảng trường cũng có các hoạt động vui chơi giải trí như chơi game, trò chơi thử thách hiểu biết về sách,v.v., giúp tôi và nhiều bạn trẻ khác có thể thư giãn và tận hưởng không khí vui vẻ.

Sau khi vui chơi và khám phá trong khuôn viên của ngày hội sách, tôi cảm thấy vốn hiểu biết của mình được mở mang hơn nhiều. Được khám phá nhiều thể loại sách mới cũng làm tôi có thêm động lực để tiếp tục đọc sách. Tôi cảm thấy rất biết ơn những cô chú đã mở ra ngày hội có ý nghĩa này, giúp cho tôi và những người khác có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm văn học mới nhất và có được trải nghiệm thú vị trong việc đọc sách.

Kể về ngày hội đọc sách lớp 6
Kể về ngày hội đọc sách lớp 6

2. Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6 dài số 2

Từ xa xưa, đọc sách được coi là một việc hết sức thanh tao. Người đọc sách là người có phẩm chất cao quý, có phong cách của một cao nhân. Người đọc sách để đàm đạo những triết lý về đời sống, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất và quản lý xã hội. Song người ta còn đọc sách để thưởng thức, chiêm nghiệm cái hay, cái đẹp, thấm thía ý nghĩa nhân văn thông qua nghệ thuật của người viết sách.

Có thể nói, sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy thắp sáng trong ta nguồn trí thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh, sách còn người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi buồn vui sâu kín của mỗi con người. Và từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội. Đọc sách còn thể hiện nét văn hóa trong đời sống, đặc biệt là trong đời sống học đường.

Trong những năm qua, các trường học đã có nhiều hoạt động thiết thực, phong phú như: sắp xếp thư viện đẹp, trang trí lớp học, tuyên truyền giới thiệu sách vào các buổi trong tuần, quyên góp sách giúp bạn nghèo, xây dựng thư viện thân thiện ….Đọc sách thật sự là hoạt động có chiều sâu và được lan tỏa rộng khắp trong trường, thầy và trò nhà trường đã tận dụng mọi thời gian trong ngày để đến với sách, sáng tạo trong việc tạo dựng các góc đọc thân thiện vừa tiện dụng vừa phù hợp để sách báo trở thành những người bạn thân thiết, là sản phẩm tinh thần không thể thiếu của mỗi thầy cô giáo và các em học sinh trong nhà trường.

Ngày hội long trọng tổ chức “Ngày Hội đọc sách” tới toàn thể giáo viên và các em học sinh, các bậc phụ huynh học sinh toàn trường với mục đích: Tôn vinh sách, thực hiện việc phát triển văn hóa đọc với mục tiêu: “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội nhằm góp phần xây dựng thế hệ đọc có hiệu quả trong tương lai”, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tạo hoạt động lành mạnh với các hoạt động văn hóa nhằm thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và cộng đồng tham gia, qua đó tuyên truyền, giáo dục về việc đọc sách cũng như trân trọng, giữ gìn và bảo vệ sách. Để phong trào đọc sách được tiếp tục duy trì và phát triển.

Đến với Ngày Hội đọc các bạn sẽ được thấy nét ngộ nghĩnh đáng yêu, các em thể hiện thật nhanh nhẹn và nghệ thuật, và cũng tại đây các vị đại biểu, các bậc phụ huynh lại được chứng kiến tài sắp xếp sách nghệ thuật theo các hình khối sinh động của các em học sinh và phần thuyết trình ý tưởng thật giản dị, song chứa đựng đầy ý nghĩa như: Trái tim yêu thương, Con thuyền mơ ước, Văn miếu quốc Tử Giám, Tầm cao tri thức, Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Hình Chữ S của đất nước Việt Nam,... Nếu ai đã từng đến với Ngày Hội đọc sách của nhà trường chắc hẳn rằng sẽ là một lần phải suy nghĩ hơn nữa về vai trò của mỗi cuốn sách trong đời sống phát triển của mỗi con người nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.

​Ngày Hội đọc sách khép lại, song với sự thành công của Ngày Hội đọc sách này chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng tinh thần của “Ngày hội đọc” sẽ không chỉ thấm sâu trong tiềm thức mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên và các em học sinh của nhà trường mà tinh thần ấy còn lan tỏa sâu rộng tới mọi thành viên của ngày hội hôm nay với nhiều nội dung phong phú và đầy bổ ích lý thú.

3. Bài văn kể về ngày hội đọc sách lớp 6 số 3

Tuần vừa qua, trường em đã tổ chức ngày hội đọc sách. Ngày hội đã diễn ra vô cùng tốt đẹp và để lại trong em nhiều cảm xúc.

Đúng 8 giờ sáng thứ sáu, lễ khai mạc chính thức được diễn ra trong khuôn viên trường với sự tham gia của toàn bộ các quý thầy cô và học sinh trong nhà trường. Thầy hiệu trưởng thay mặt nhà trường phát biểu khai mạc, tiếp theo đó là các hoạt động văn nghệ hát mua chào mừng.

Sân trường được bố trí thành nhiều gian hàng, mỗi gian hàng là một loại sách, báo, ấn phẩm: khu sách tham khảo, sách tiếng anh, truyện hiện đại,...Gian hàng nào cũng trang trí vô cùng bắt mắt, thu hút rất nhiều khách hàng tới thăm quan, tham khảo và lựa chọn cuốn sách mình yêu thích.

Thu hút nhất có lẽ là phần mini game, rất nhiều những phần quà thú vị được chuẩn bị, các câu hỏi được đặt ra cũng rất có ý nghĩa. Em cũng đã tham gia trò chơi và được tặng một cuốn sách rất đẹp.

Khoảng 5 giờ chiều, hội sách kết thúc trong không khí hân hoan, ai trông cũng có vẻ mệt mỏi nhưng ánh mắt đều toán lên vẻ hài lòng. Em rất vui khi được tham gia ngày hội, mong sắp tới sẽ được tham gia nhiều hoạt động hơn nữa.

4. Bài văn thuyết minh về ngày hội đọc sách lớp 6 số 4

Hưởng ứng ngày hội sách do trường Tiểu học ............ tổ chức, nhằm tôn vinh vai trò của sách, người làm sách và phát động văn hoá đọc trong cộng đồng. Nhằm giới thiệu nguồn tri thức mà thư viện hiện đang lưu giữ đến với đông đảo bạn đọc.Hôm nay gian sách lớp 3A và 3B xin giới thiệu đến bạn đọc với chủ đề “Ngôi nhà tri thức- Đọc sách cho ngày mai”

Sau một thời gian phát động, xây dựng đến nay tủ sách hai lớp đã có .....quyển sách với nhiều thể loại phong phú như: truyện tranh, truyện cổ tích, thơ, truyện cười, sách khám phá khoa học, sách tham khảo, các loại báo…

Nhiều cuốn sách trang trí đẹp mắt, nội dung hấp dẫn được rất nhiều bạn yêu thích.Những cuốn sách trên được sắp xếp dưới mô hình ngôi nhà. Một ngôi nhà tri thức mà tất cả chúng ta cùng vào trong để khám phá:

- Thềm nhà được lát bằng những cuốn báo Măng non, Thiếu nhi, Nhi đồng Chăm học…. Đây là thứ không thể thiếu được trong các câu lạc bộ ở trường bởi nó giúp cho các bạn được giao lưu và thể hiện tài năng của mình với các học sinh khác trên mọi miền Tổ quốc.

- Tường nhà được xây bằng những cuốn truyện của nhà xuất bản Kim Đồng – Nhà xuất bản Mĩ Thuật như: truyện dài tập Doremon nói về chú mèo máy đến từ tương lai với những câu chuyện ly kì, hấp dẫn quay quanh chú. Và Nhóm truyện tranh hiện đại: nội dung cuốn hút, tranh vẽ ngộ nghĩnh với những tình huống hài hước lôi cuốn các bạn như Conan, Shin cậu bé bút chì,…. Còn nữa Sau những tiết học căng thẳng cười sẽ giúp chúng ta thoải mái, vui vẻ hơn. Chính vì thế gian sách không thể thiếu nhóm truyện cười, truyện ngụ ngôn được.

- Mái nhà được lợp bằng nhóm sách tham khảo của nhà xuất bản Giáo dục như: Toán- Tiếng Việt nâng cao; Những bài văn hay chọn lọc; Các loại từ điển; Sổ tay chính tả ; Giúp em học giỏi toán, Toán ôn tập cuối tuần,….Giúp các bạn tìm hiểu thêm những kiến thức có liên quan đến môn học, bài học rất bổ ích.

- Các bạn hãy nhìn kìa , trong vườn hoa nở rộ những bông hoa tươi thắm và đang tỏa ngát hương thơm . Đó chính là gian trưng bày VSCĐ, những cuốn vở sạch chữ đẹp của các bạn học sinh đã được chọn lọc từ các tổ nhóm. Trên từng trang viêt, các nét chư nắn nót, cẩn thận đó là sự khéo léo, kiên trì, bền bỉ trong học tập của các bạn và là thành quả , công lao chăm chút của thầy cô giáo trên bục giảng

- Nếu bạn nào muốn tìm về thế giới cổ tích xa xưa để gặp cô Tấm hiền lành, nàng Bạch tuyết xinh đẹp, chàng Thạch Sanh hiền lành chất phác hay Mai An Tiêm siêng năng và sống tự lập … hãy đến với góc Vườn cổ tích này.

- Còn ai trở về theo dòng lịch sử để làm phong phú thêm hiểu biết về những trang sử vẻ vang và tự hào về dân tộc ViệtNamhào hùng đừng bỏ qua những cuốn sách truyện tranh về lịch sử nhé.

Các bạn ạ! Thông qua những cuốn sách chúng ta như thấy được quá khứ, hiện tại và tương lai, mở ra con đường tươi sáng nhưng cũng vô cùng chông gai. Bởi chinh phục tri thức là chinh phục đỉnh núi trí tuê. Đó là cả một quá trình gian khổ nhưng nó sẽ cho ta trái ngọt, hoa thơm. Kiên trì đọc hết một cuốn sách thì thứ chúng ta thu được là thứ vô cùng quý giá. Sau hội thi này, em mong sẽ có nhiều bạn đọc sách và giữ gìn sách cẩn thận hơn nữa. Đây là thông điệp mà chúng em muốn gửi đến tất cả các bạn học sinh. Trong thời gian có hạn, em không thể giới thiệu hết những cuốn sách này được. Nếu bạn nào muốn khám phá thì xin mời hãy đến với thư viện sách lớp ....và lớp .....nhé. Em xin chân thành cảm ơn Ban giám khảo, các thầy cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe.

5. Thuyết trình về ngày hội đọc sách ngắn gọn số 5

Lịch sử như tiếng thở dài của dân tộc, chiến tranh là vết thương sâu, đau trong lòng mỗi con người để lại. Ba mươi năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Đất nước không ngừng đổi mới và phát triển, nước biển vẫn trong xanh, bãi đá Gạc Ma còn đó nhưng 64 người lính dũng cảm ấy sẽ không bao giờ trở lại. Các anh ngã xuống không phải để ra đi mãi mãi mà để ôm lấy hòa bình của đất nước, để mãi mãi thắp sáng ngọn hải đăng trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến với hội thi hôm nay, trường TH ........ xin giới thiệu đến quý vị và các bạn mô hình gấp sách nghệ thuật với chủ đề: “Thắp sáng hải đăng Trường Sa” được tạo nên từ hơn 350 cuốn sách đặc biệt trong hội thi. Có 7 cuốn sách quý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam và 3 cuốn tạp chí do học sinh sưu tầm được.

Trước mặt em và các bạn là ngọn hải đăng sáng ngời – biểu tượng cho lý tưởng sống cao cả của người Việt Nam. Từ xa xưa, ngọn hải đăng luôn là người dẫn đường tin cậy của những người đi biển. Những con tàu ngày đêm lênh đênh trên biển cần một ngọn hải đăng dẫn đường, soi sáng để họ tìm được bến bờ bình yên an toàn. Chúng ta cũng vậy, ngoài ta ngọn hải đăng là lý tưởng sống – nó chắp cánh cho ta bay cao với những ước mơ và chỉ đường cho ta đến bến bờ hạnh phúc. Nhà văn Nga Lép Tôn -xtôi cho rằng: “Tư tưởng là ngọn đèn soi đường, không có lý tưởng thì không có phương hướng vững vàng, không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Và lý tưởng của chúng ta – đó là lý tưởng sống vì Tổ quốc quyết tâm giữ gìn biển đảo quê hương, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Xưa ta có rừng đêm, ngày nay ta có trời biển. bãi biển dài, đẹp chúng ta phải giữ nó.”

Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải trên quần đảo, Hải đăng còn là cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông. Hiện nay, trên đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng như vậy, nhìn từ xa giống như ngọn bút viết lên trời xanh. Một số đảo có Hải đăng như đảo nổi Song Tử Tây, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Tiên Nữ, đảo Sơn Ca…

Những ngọn hải đăng không bao giờ tắt hôm nay là do ngày hôm qua không bao giờ quên sự hy sinh của những con người quả cảm – những tấm gương yêu nước sáng ngời. Biển Đông mấy hôm nay không có bão lớn nhưng vẫn không ngừng cuộn sóng ngầm. Đứng trước những âm mưu, thủ đoạn xâm phạm biển, đảo của Tổ quốc của kẻ thù, là người dân Việt Nam, chúng ta phải làm gì?

Độc giả thân mến. Ngay từ bây giờ, các em hãy trang bị cho mình những kiến ​​thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biển đảo, giá trị to lớn của chủ quyền mà ông cha ta đã đấu tranh xây dựng; về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo qua sách báo. Ví dụ: sách: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam – Tiếng nói hòa bình và công lý – Nxb Văn hóa truyền thống; xuất bản năm 2014, Hải chiến trường – Những người bất tử – NXB VHTT; xuất bản năm 2013…. Và nhiều loại sách khác các em có thể mượn tại thư viện trường ........, thư viện huyện ......, thư viện tỉnh ..........

Những trang sách mà chúng ta cầm trên tay hôm nay có thể chưa nói hết những điều chứa đựng, nhưng sẽ phần nào lay động lòng người.

6. Thuyết minh về ngày hội đọc sách mà em được tham gia lớp 6 số 6

Hàng năm, để chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, huyện em thường tổ chức hội chợ sách. Có thể nói, đây là điểm đến thu hút sự chú ý của mọi người. Ai ai cũng cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi được cầm trên tay những quyển sách hay.

Khoảng hai tuần trước ngày 21/4, Uỷ ban nhân dân huyện đã phát thông báo tới tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn về ngày hội chợ sách với chủ đề "Cánh cửa tri thức". Trong thông báo có ghi rõ những thông tin cần thiết như: thời gian diễn ra là ba ngày, từ 21/4 đến 23/4; địa điểm ở quảng trường huyện. Gần tới ngày hội, nhiều nhà xuất bản, công ty sách đã mang theo vô vàn sách báo cùng đồ dùng tới dựng gian hàng. Vào mấy ngày ấy, sân quảng trường ngợp màu trắng xám của phông bạt. Nhìn từ xa, các gian hàng hình chữ nhật giống như những hộp diêm được sắp xếp ngay ngắn, thẳng lối, trông vô cùng thích mắt.

9h sáng ngày 21/4, lễ khai mạc chính thức diễn ra. Đầu tiên, chị MC lên sân khấu tuyên bố lí do và giới thiệu đại biểu tham dự. Sau đó, bác chủ tịch huyện thay mặt các lãnh đạo phát biểu về ngày hội. Khoảng hơn 1 tiếng sau, lễ khai mạc kết thúc. Mọi người bắt đầu giải tán, lục tục đi đến khu vực bày bán sách.

Tùy vào mỗi gian hàng mà cách sắp xếp, trưng bày sách lại khác nhau. Qua quan sát, em nhận thấy hầu hết các gian hàng đều lựa chọn cách trưng bày dựa vào phần trăm giảm giá: giảm 50%, 30% và 70%. Số khác thì sắp đặt theo kiểu: sách bán chạy, sách được yêu thích và sách mới nhất.

Càng về trưa, không khí của hội chợ càng náo nhiệt, nhộn nhịp. Ngày khai mạc diễn ra vào đúng thứ bảy nên mọi người tham gia rất đông đảo. Quầy sách nào cũng tấp nập người ra, kẻ vào. Có người mua một lúc dăm bảy cuốn sách. Họ biết đến những cuốn sách này từ lâu, chờ đợi dịp giảm giá để mua. Có người lại không chuẩn bị gì, đi hội chợ với tâm thế thấy quyển nào ưng, hay thì mua. Để thúc đẩy doanh thu và thu hút khách hàng, nhiều gian hàng còn tổ chức các hoạt động thú vị, bổ ích như: bốc thăm trúng thưởng, vòng quay may mắn, kể tên chính xác 10 quyển sách của nhà xuất bản hoặc công ty sách đó. Mọi người tham gia vô cùng sôi nổi.

Hai ngày tiếp theo, hội chợ vẫn hết sức tấp nập. Người ghé thăm hội chợ đến từ các tầng lớp, ngành nghề, độ tuổi khác nhau. Vài nhóm học sinh thường tụ tập tại khu vực bán truyện, sách thiếu nhi. Các bác lớn tuổi lại thích tới gian hàng trưng bày sách văn học kinh điển, sách về quê hương, biển đảo. Tầng lớp thanh thiếu niên thì có nhiều lựa chọn hơn.

Cuối ngày 23/4, hầu hết gian hàng đều được tháo dỡ. Nhân viên của các công ty, nhà xuất bản bận rộn thu dọn sách báo, đồ dùng. Quảng trường mới ngày nào còn đông vui, rộn ràng, giờ lại vắng vẻ, buồn tẻ.

Có thể nói, hội chợ đã để lại cho em nhiều cảm xúc. Em cảm thấy vui mừng và hạnh phúc khi mua được nhiều cuốn sách hay. Đồng thời, biết trân trọng những ngày hội ý nghĩa như này hơn. Qua hội chợ, em mong rằng cộng đồng sẽ phát triển và lan tỏa phong trào đọc sách ngày càng lớn mạnh. Từ đó, ai ai cũng xây dựng cho mình một thói quen lành mạnh: đọc sách.

7. Thuyết trình về ngày hội đọc sách ngắn gọn số 7

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, “Sách” đóng vai trò rất quan trọng, là chìa khóa vạn năng mở cánh cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. “Sách” thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy cho chúng ta biết sống có ích và sống có lý tưởng. Có thể nói “Sách” là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn sâu kín trong chúng ta. Và từ lâu đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của con người.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự phát triển của CNTT phong trào đọc sách có chiều hướng đi xuống. Nhưng cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó, gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử. Và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc, ngày 24/2/2014 thủ tướng chính phủ đã kí quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày sách Việt Nam với hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa đọc. Đây là một sự kiện văn hóa đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Kách mệnh” của chủ tịch Hồ Chí Minh – tác giả đầu tiên được in bởi những người thợ in Việt Nam. Và trong tháng 4 cũng là tháng diễn ra “Ngày sách và bản quyền thế giới” (23/4). Việc tổ chức “Ngày sách Việt Nam” vào thời điểm này vừa có ý nghĩa sâu sắc, vừa cho thấy chúng ta ngày càng hội nhập thế giới. Bên cạnh đó, ngày sách cũng nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Như Lê Nin đã nói “Không có sách thì không có trí thức, không có trí thức thì không có chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản”. Bởi sách là kho tàng, tri thức của nhân loại là tài sản vô giá vì vậy, con người đã xây dựng nhiều nơi để lưu gữi bảo quản và giữ gìn sách, báo, tài liệu như: Thư viện, tủ sách gia đình, các cơ quan, trung tâm học liệu,.. Nhưng phổ biến nhất đó là “Thư viện”.

Thư viện trường………. cũng vậy. Đó là một trong những nơi lưu trữ, bảo quản và giữ gìn sách, báo, tài liệu phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Thư viện nhà trường có 8814 cuốn sách và 1879 đầu sách. Sách ở đây chủ yếu là của các nhà xuất bản: Giáo dục, ........, Thanh niên,… Bên cạnh đó thư viện còn có máy tính, thiết bị nghe nhìn phục vụ cho việc đọc và khai thác thông tin của bạn đọc.

Vừa rồi tôi đã trình bày với các thầy, cô giáo và các em học sinh về sự ra đời “Ngày sách Việt Nam” và giới thiệu về thư viện trường ……….. Phần tiếp theo tôi xin trình bày với các thầy, cô giáo và các em học sinh về “Văn hóa đọc”.

Văn hóa đọc là một khái niệm có 2 nghĩa: một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Nghĩa rộng: Văn hóa đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của các cơ quan quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước, ứng xử đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử đọc của các nhân trong xã hội. Con nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân.

Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của các cơ quan quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hóa. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh đến với những người đọc khác nhau và sự thuận tiện của tài liệu đọc (thông qua các cửa hàng sách và các loại hình thư viện, phòng đọc sách). Nghĩa là người đọc không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, nơi cư trú, giới tính, nghề nghiệp… đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc có giá trị mà bạn đọc mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống của họ. Đó chính là đường lối phát triển nền công nghiệp sách (từ người viết, người làm sách tới quá trình hình thành sách tới tay người đọc) có chất lượng cao, giá cả hợp lý và phân phối trên toàn quốc.

Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội là sự phát triển các hội nghề nghiệp liên quan tới việc đọc như hội tác gia, hội nhà báo, hội nhà xuất bản, hội Thư viện… Ứng xử đọc là truyền thống văn hóa tôn vinh người viết sách, người đọc và người truyền thụ kiến thức, kể cả giáo dục kỹ năng đọc và hướng dẫn đọc.

Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng của mỗi người. Trước hết, cần tạo ra và phát triển thói quen đọc sách suốt cuộc đời cho mỗi người, xây dựng thói quen đọc phải bắt đầu từ tuổi ấu thơ và trong suốt cuộc đời. Đó là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Trong quá trình học tập mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường của mình.

Thói quen và kỹ năng đọc mang tính chất đồng loạt còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân cụ thể. VD: Có người thích đọc thơ, có người thích tiểu thuyết, hay truyện ngắn, có người thích nghiên cứu sách… Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú nhiều màu sắc cho nền văn hóa đọc trong xã hội.

Văn hóa đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả 3 yếu tố trên. Nếu một người có thói quen đọc nhưng thiếu kỹ năng đọc hiệu quả sẽ không cao, thậm chí không có hiệu quả chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc nhưng không tạo ra thói quen đọc cũng chẳng thu lượm kiến thức là bao nhiêu.

Như vậy, ở nghĩa rộng văn hóa đọc nói chung hay nói nền văn hóa đọc của mỗi quốc gia nói riêng phải bao gồm đủ 3 thành phần: Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các cơ quan quản lý và cơ quan Nhà nước; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi thành viên trong xã hội.

Nếu ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước là lành mạnh có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thân thiện cho mỗi người dân dễ dàng tiếp cận sách, báo có chất lượng cao nhưng thiếu ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của cộng động xã hội và mọi người dân thì cũng không thể tạo ra một nền văn hóa đọc phát triển. Ngược lại, ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và của cá nhân trong xã hội là lành mạnh nhưng ứng xử, giá trị và chuẩn mực của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước không lành thì cũng không thể có một nền văn hóa đọc phát triển. Thậm chí còn có nguy cơ làm suy thoái ứng xử, giá trị và chuẩn đọc lành mạnh của các thành viên trong xã hội và cộng đồng xã hội.

Còn nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này gồm 3 thành phần: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, việc học suốt đời, là yêu cầu cũng là thách thức của xã hội hiện đại.

8. Bài diễn thuyết Ngày hội đọc sách và trưng bày giới thiệu sách

Tham khảo chi tiết:

9. Bài văn kể về ngày hội đọc sách của học sinh

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 6: Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
125 38.800
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm