Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng ngắn gọn lớp 6

Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện: Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng ngắn gọn bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6 ngắn gọn, siêu hay. Dưới đây là bài văn Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6 do HoaTieu.vn sưu tầm và tổng hợp để các em học sinh tham khảo nhằm viết cho mình một bài văn hay, lôi cuốn người đọc.

Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6
Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6

Dàn ý Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6

I. Mở bài

Giới thiệu về về Lễ hội đền Hùng: là một trong những lễ hội lâu đời bậc nhất ở nước ta, diễn ra vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ về công ơn dựng nước của các vua Hùng, nhớ về cội nguồn dân tộc, thể thiện truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn"...

II. Thân bài:

  • Lễ hội đền Hùng được tổ chức ở đâu?
  • Lễ hội đền Hùng diễn ra như thế nào?

Giới thiệu những đặc điểm của lễ hội theo trình tự thời gian một cách thật logic.

– Trình bày thời gian tổ chức lễ hội, địa điểm, nguồn gốc lễ hội:

  • Thời gian cụ thể (thời gian ấy gắn với ý nghĩa lịch sử như thế nào): mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
  • Lễ hội đền Hùng được tổ chức ở đâu?
  • Nguồn gốc, lí do tổ chức lễ hội: tưởng nhớ về công ơn dựng nước của các vua Hùng, nhớ về cội nguồn dân tộc, thể thiện truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn"...

– Giới thiệu các công việc chuẩn bị cho lễ hội:

  • Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn.
  • Chuẩn bị cho việc rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…
  • Chuẩn bị về địa điểm…

– Lễ hội đền Hùng diễn ra như thế nào? Giới thiệu diễn biến của lễ hội theo trình tự thời gian. Thường lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội.

  • Phần lễ: rước kiệu lễ, dâng hương lễ vật, các hình thức diễn xướng dân gian, các đoàn khách thập phương.

– Đánh giá về ý nghĩa lễ hội.

III. Kết bài:

  • Khẳng định lại ý nghĩa lễ hội.

1. Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6 số 1

Câu ca dao cổ xưa: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba" được lưu truyền tự bao đời nay của người Việt Nam nhắc nhở con cháu các thế hệ nhớ về công lao dựng nước và giữ nước to lớn của các Vua Hùng, về cội nguồn dân tộc, về đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn.

Như cô và các bạn đã biết, ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn của cả dân tộc. Đây không chỉ là dịp để người dân Việt Nam nhớ về cội nguồn của mình mà còn là dịp để mỗi người thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lễ hội Đền Hùng được tổ chức từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 10 tháng ba hàng năm tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội được chia làm hai phần chính bao gồm: phần lễ và phần hội.

Trước hết, lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu u Cơ sẽ được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng ba âm lịch. Đến ngày mồng 10, ngày chính của lễ hội, người dân sẽ tiến hành lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Rước kiệu vua xuất phát từ dưới chân núi, đi qua lần lượt các đền rồi kết thúc tại đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Trong lễ dâng hương, người dân sẽ dâng lễ vật lên ban thờ các vị vua để thể hiện lòng thành của mình.

Sau tế lễ, có rất nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị diễn ra như đánh trống đồng, đâm đuống tại khu vực nhà Công Quán, trình diễn Hát Xoan làng cổ, trình diễn múa rối nước. Một số hội thi và trò chơi dân gian được tổ chức càng làm cho bầu không khí của buổi lễ thêm phần náo nhiệt, tươi vui hơn, có thể kể đến như hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy, giải bơi chải trên hồ công viên Văn Lang,... Đây đều là những hoạt động được người dân và du khách tham quan mong chờ, tham gia, hưởng ứng.

Bởi mang trong mình những ý nghĩa thiêng liêng mà Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam, mang giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc, thể hiện đạo lí "uống nước nhớ nguồn" và tinh thần đoàn kết, gắn bó của toàn thể dân tộc Việt Nam.

2. Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng ngắn gọn số 2

Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng ngắn gọn
Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng ngắn gọn

Bác Hồ đã từng nói: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Công lao của các vua Hùng to lớn, thiêng liêng là vậy. Nên con cháu các thế hệ dân tộc Việt Nam đã lấy ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tổ chức lễ hội đền Hùng nhằm tưởng nhớ công ơn của các đời vua Hùng vương.

Lễ hội đền Hùng được coi là một trong những lễ hội lâu đời, quan trọng nhất trong tâm thức người Việt. Được tổ chức hàng năm tại tỉnh Phú Thọ.

Cụm di tích Đền Hùng trên một ngọn núi cao hùng vĩ. Bàn thờ Tổ được đặt trên ngọn núi Nùng (Nghĩa Lĩnh) thuộc thôn cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Núi Nùng cao 175m nổi lên án ngự vùng đồi Phong Châu Bạch Hạc. Đền Hùng là tên chung chỉ bốn ngôi đền và một ngôi lăng trên Núi Nùng. Từ cổng chính đi lên là Đền Hạ, theo truyền thuyết đây là nơi bà Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con tạo thành sức mạnh Việt Nam.

Lên nữa là Đền Trung nơi các vua Hùng bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng và trên đỉnh núi là Đền Thượng với bốn chữ vàng “Nam Việt Triệu Tổ” (Tổ muôn đời nước Việt Nam). Đây là nơi Vua Hùng thờ Thánh Gióng và làm lễ tế trời đất cầu mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân ấm no. Cạnh Đền Thượng là ngôi Lăng nhỏ thường gọi là mộ Tổ mang ý nghĩa tượng trưng. Từ Lăng đi xuống về hướng Đông, dưới chân núi là Đền Gióng nơi xưa hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con Vua Hùng thứ 18 soi gương nước trang điểm, vì thế giếng còn có tên là Giếng Ngọc. Giếng ấy nay ở trong lòng đền.

Đứng trước Đền Thượng (đỉnh Hùng Sơn) nhìn ra tám phương bốn hướng, trải ra trước mắt một vùng trung du tươi đẹp và bạt ngàn đồi cây xanh tốt, lấp lánh ánh nước ngã ba sông. Những ngôi nhà mới và những nhà máy mọc lên khiến cho cảnh vật thêm sinh động. Con người cảm thấy thực sự nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Sự đổi thay của đất và người Phú Thọ đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho khu di tích Đền Hùng lịch sử. Sừng sững phía Đông là dãy Tam Đảo chạy dài như bức trường thành.

Phía Tây chót vót ngọn Tản Viên trấn ngự. Sông Đà, sông Lô, sông Thao hợp nước chầu về Đền Hùng càng làm tăng vẻ hùng vĩ cho khu di tích: “Xem địa thê trùng trùng long hổ Tả đảo Sơn mà hữu Tản Viên Lô, Đà hai nước hai bên Giữa sông Thao thủy dòng trên Nhị Hà” Cố đô Văn Lang xưa, Nghĩa Lĩnh - Việt Trì là cái nôi của huyền thoại. Sông núi cỏ cây mang nặng hồn đất nước, đem đến cho khách thập phương những câu chuyện nửa thực nửa hư mà rất đẹp. Làng Lúa xưa là nơi Vua Hùng dạy dân trồng lúa. Các xã dọc sông Lô là nơi Vua Hùng đi săn cùng các Lang và các Mỵ Nương. Làng Hương Trầm, xã Lâu Thượng là nơi hoàng tử Lang Liêu làm ra bánh chưng, bánh dày dâng lễ chúc thọ Vua Hùng.

Ngã ba sông là nơi Vua Hùng thứ 18 lập lầu kén rể chọn chồng cho công chúa, nơi diễn ra cuộc so tài giữa thần Núi và thần Nước để giành người đẹp… “Tháng ba nô nức hội đền Là ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay”. Về hội Đền Hùng là tìm về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tìm về tuổi ấu thơ trong chiếc nôi với lời ru sông núi của mẹ Âu Cơ; là nhớ về tổ tiên một thời lập quốc với dấu tích của một thời đại Vua Hùng, về với Đền Hùng là về với nguồn cội, về với bản sắc văn hóa của người Việt Nam, cùng cầu chúc mọi điều tốt đẹp đến với tất cả mọi người.

3. Bài văn Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6 hay nhất số 3

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

Dù ở phương trời nào, cứ đến ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3 hàng năm, tâm thức mỗi người dân đất Việt lại hướng về mảnh đất Phú Thọ - nơi diễn ra Lễ hội đền Hùng - lễ hội tưởng nhớ công ơn to lớn các vua Hùng.

Giỗ tổ Hùng Vương là lễ hội có nguồn gốc bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông, năm 1470. Đến đời vua Lê Kính Tông năm 1601, vua chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ. Rồi đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2, vua chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên. Lễ hội diễn ra tại đền Hùng – Phú Thọ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Lễ gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Đầu tiên là phần lễ với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Lễ hội đền Hùng hiện được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành tổ chức lớn vào những năm chẵn. Phần lễ được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Có hai lễ được cử hành cùng thời điểm của ngày chính hội, đó là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đám rước kiệu đa dạng màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Lễ dâng hương được cử hành bởi những người hành hương từ mọi nơi, những người này tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, có nhiều trò chơi dân gian. Đó là những thi hát xoan tức hát ghẹo – một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ với lời ca tinh tế mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hoá vùng Trung du đất tổ. Ngoài ra còn có những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi chải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến. Ngày nay, hội còn là nơi giao lưu văn hoá giữa các vùng. Các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời dóng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hoà, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương là một phong tục rất đẹp trong đời sống tâm linh của dân tộc người Việt. Phong tục này mang những giá trị về văn hóa lịch sử vô cùng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Chính bởi vậy mà đã từ lâu, Phú Thọ được coi là thánh địa của cả nước, là cái nôi của dân tộc. Trải qua một quãng thời gian rất dài với biết bao thăng trầm trong lịch sử, nhà nước vẫn cố gắng tổ chức lễ hội Đền Hùng để tưởng nhớ tới những vị vua khai sáng ra nước Việt ta. Những người hành hương tới với nơi đây đều mang trong mình những niềm thành kính, mong muốn gửi lên tấm lòng chân thành của mình tới tổ tiên. Với những giá trị và ý nghĩa to lớn như vậy, vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ tổ Hùng Vương thực sự là một trong những lễ hội truyền thống lớn của dân tộc. Lễ hội đã góp phần tô điểm cho nền văn hóa dân tộc, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam. Đây là niềm tự hào của Việt Nam – một đất nước với bề dày về văn hóa lịch sử, về nguồn gốc con rồng cháu tiên ngàn đời.

4. Bài văn Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng ngắn gọn số 4

Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hoá của dân tộc. Vào những năm chẵn (5 năm một lần), Giỗ Tổ được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Việc tổ chức lễ hội Giỗ Tổ rất chặt chẽ, bao gồm hai phần: lễ và hội.

Lễ hội Rước Kiệu được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, các địa phương trong toàn quốc, được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Từ chiều ngày mùng 9, làng nào được Ban tổ chức lễ hội cho phép rước kiệu dâng lễ đã tập trung tại nhà bảo tàng dưới chân núi, trên kiệu đặt lễ vật. Sáng sớm ngày mùng 10, các đoàn đại biểu tập trung ở một địa điểm tại thành phố Việt Trì, có xe tiêu binh rước vòng hoa dẫn đầu, diễu hành tới chân núi Hùng.

Các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau kiệu lễ, lần lượt lên đền theo tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước thềm của “Điện Kính Thiên”, đoàn dừng lại, kính cẩn dâng lễ vào thượng cung đền Thượng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh (năm chẵn là nguyên thủ quốc gia hoặc đại biểu đại diện Bộ Văn hoá), thay mặt cho tỉnh và nhân dân cả nước đọc chúc căn lễ Tổ. Toàn bộ nghi thức hành lễ được hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin hoặc tường thuật trực tiếp để đồng bào cả nước có thể theo dõi lễ hội. Đồng bào dâng lễ trong các đền, chùa trên núi, ai cũng có tâm nguyện cầu mong tổ tiên chứng giám, phù hộ độ trì cho con cháu.

Lễ Dâng Hương sẽ được diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá hơn xưa. Các hình thức văn hoá truyền thống và hiện đại được đan xen nhau. Trong khu vực của hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hoá phẩm, các cửa hàng dịch vụ ăn uống, các khu văn thể được tổ chức và duy trì một cách trật tự, quy củ. Tại khu văn thể, các trò chơi văn hoá dân gian được bảo lưu có chọn lọc như: đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, rước kiệu, kéo lửa nấu cơm thi, đánh cờ tướng (cờ người). Có năm còn diễn trò “Bách nghệ khôi hài”, “Rước chúa gái”, “Rước lúa thần” và trò “Trám” tại khu vực hội. Cạnh đó là sân khấu của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: chèo, kịch nói, hát quan họ.

Hội ngày nay chính là nơi để thi tuyển và giao lưu văn hoá giữa các vùng. các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời gióng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hòa, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc. Những làn điệu Xoan – Ghẹo với lời ca tinh tế, mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hóa vùng Trung du Đất Tổ. Một điểm quan trọng nằm ở giữa trung tâm lễ hội là nhà bảo tàng Hùng Vương, ở đây lưu giữ vô số những cổ vật đích thực của thời đại các Vua Hùng.

Thời đại của chúng ta ngày nay đang ngày càng góp sức tô điểm và phát huy sự cao đẹp của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Hàng năm, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần tín ngưỡng của người Việt Nam. Không phân biệt già trẻ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo. Tất cả những người con đang sống trên mọi miền Tổ quốc, những người con xa xứ đều bình đẳng về mộ Tổ, thăm đền và dự lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.

5. Thuyết minh về Lễ hội đền Hùng lớp 6 ngắn nhất số 5

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam. Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, hàng vạn người từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về đền Hùng để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Đền Hùng là một khu du lịch nổi tiếng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phúc cách Hà Nội 100km về phía Bắc. Đó là một quần thể kiến trúc bao gồm lăng tẩm, đền, miếu cổ kính. Do những biến động của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, các kiến trúc ở đền Hùng đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 1922. Từ chân núi đi lên, qua cổng đền, điểm dừng chân của du khách là đền Hạ, tương truyền là nơi bà Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất).

Qua đền Hạ là đền Trung, nơi các vua Hùng dùng làm nơi họp bàn với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng là lăng Hùng Vương thứ sáu (trong dân gian gọi là mộ tổ) từ đền Thượng đi xuống phía Tây nam là đền Giếng, nơi có cái giếng đá quanh năm nước trong vắt. Tương truyền ngày xưa các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ mười tám, thường tới gội đầu tại đó.

Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống… Dưới tán lá mát rượi của những cây trò, cây mỡ cổ thụ và âm vang trầm bổng của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi Thiêng.

Góp phần vào sự quyến rũ của ngày lễ hội, ngoài những nghi thức rước lễ còn những hoạt động văn hóa quần chúng đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Vĩnh Phú, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

Người hành hương tới đền Hùng không chỉ để vãn cảnh hay tham dự vào cái không khí tưng bừng của ngày hội mà còn vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người hành hương đều cố thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Trẩy hội Đền Hùng là truyền thống văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong rất nhiều những ngày hội được tổ chức trên khắp đất nước, hội đền Hùng vẫn được coi là hội linh thiêng nhất bởi đó là nơi mỗi người Việt Nam nhớ về cội nguồn và truyền thống oai hùng, hiển hách của cha ông.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
107 34.410
0 Bình luận
Sắp xếp theo