Top 60 Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích ngắn gọn lớp 6

Truyện truyền thuyết hoặc cổ tích từ lâu đã gắn bó với tuổi thơ, ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích là đề bài tập làm văn hay trong chương trình Ngữ văn 6 Cánh Diều. Dưới đây, HoaTieu.vn xin chia sẻ Top 60 mẫu Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích ngắn gọn, siêu hay, độc đáo để các em học sinh tham khảo nhằm học tốt và đạt điểm cao môn Văn lớp 6.

Thể loại Cấu trúcSố từBài liên quan
Dàn ýDàn ý chi tiết kể lại truyện truyền thuyết, cổ tíchĐủ 3 phần mở, thân, kết kèm định hướng6922
Sơn Tinh - Thủy TinhTruyền thuyếtĐủ 3 phần mở, thân, kết2451
Con Rồng Cháu TiênTruyền thuyếtĐủ 3 phần mở, thân, kết1950
Thánh GióngTruyền thuyếtĐủ 3 phần mở, thân, kết6002
Mỵ Châu - Trọng ThủyTruyền thuyếtĐủ 3 phần mở, thân, kết7592
Hồ Ba BểTruyền thuyếtĐủ 3 phần mở, thân, kết2951
Yết KiêuTruyền thuyếtĐủ 3 phần mở, thân, kết1902
Tấm CámCổ tíchĐủ 3 phần mở, thân, kết6632
Thạch SanhCổ tíchĐủ 3 phần mở, thân, kết4583
Cây tre trăm đốtCổ tíchĐủ 3 phần mở, thân, kết4211
Chử Đồng Tử và Tiên DungCổ tíchĐủ 3 phần mở, thân, kết4910
Sọ Dừa Cổ tíchĐủ 3 phần mở, thân, kết3741
bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích
Bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích lớp 6

Dàn ý, Các bước Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích

1. Định hướng:

a) Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích là dùng lời văn của mình kể lại nội dung một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích đã học (hoặc đã đọc, đã nghe).

b) Viết bài văn kể lại truyện truyền thuyết, cổ tích không phải là chép lại nguyên văn câu chuyện trong sách. Người kể có thể thay đổi từ ngữ, cách đặt câu; thêm một vài chi tiết; thêm các yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc nêu ra một kết thúc khác theo hình dung, tưởng tượng của mình.

c) Lựa chọn truyện: Nếu đề bài không yêu cầu kể một truyện nhất định, em nên chọn một truyện em thích.

2. Thực hành:

Ví dụ: Kể lại truyền thuyết “Thánh Gióng”.

a) Chuẩn bị

- Đọc lại truyền thuyết Thánh Gióng; ghi lại những sự kiện chính; tưởng tượng về nhân vật Thánh Gióng.

- Suy nghĩ về những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ biểu cảm có thể thêm vào (trong đó có cách kết thúc truyện).

Hướng dẫn

* Sự việc chính:

(1) Sự ra đời của Gióng;

(2) Gióng biết nói và nhận trách nhiệm đánh giặc;

(3) Gióng lớn nhanh như thổi;

(4) Gióng vươn vai thành tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận đánh giặc;

(5) Thánh Gióng đánh tan giặc;

(6) Thánh Gióng lên núi, cởi giáp sắt bỏ lại, bay về trời.

- Suy nghĩ về những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ biểu cảm có thể thêm vào

(7) Vua phong danh hiệu và lập đền thờ.

(8) Những dấu tích còn lại của chuyện Thánh Gióng.
b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý bằng cách đặt ra và trả lời các câu hỏi như:

+ Truyền thuyết Thánh Gióng kể lại chuyện gì?

+ Truyện có những sự kiện và nhân vật chính nào?

+ Diễn biến của cân chuyện (mở đâu, phát triển, kết thúc) ra sao?

+ Có thể thêm, bớt những chỉ tiết, hình ảnh,... của truyện này như thế nào?

+ Truyện gợi cho em những suy nghĩ, cảm xúc gì?

- Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được, sắp xếp lại theo ba phần lớn của bài văn, gồm:

1. Mở bài: Giới thiệu việc em kê lại truyền thuyết Thánh Gióng.

2. Thân bài: Dựa vào các sự kiện chính trong truyện Thánh Gióng đã học, hãy kể bằng lời văn của em. Ví dụ, kể theo trình tự sau:

* Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng.

+ Gióng xin đi đánh giặc và lớn nhanh như thối.

+ Gióng ra trận đánh giặc.

+ Giặc tan, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay vẻ trời.

+ Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng.

+ Gióng còn đề lại nhiều dấu tích.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về truyện hoặc nhân vật chính trong truyện Thánh Gióng.

Hướng dẫn

+ Truyền thuyết Thánh Gióng kể lại truyện về người anh hùng làng Gióng một mình đánh đuổi giặc Ân bảo vệ nước nhà

+ Diễn biến của cân chuyện (mở đâu, phát triển, kết thúc) dựa theo các sự kiện chính như đã nêu ở phần chuẩn bị

+ Có thể thêm bớt, thay đổi từ ngữ, cách đặt cây, thêm một vài chi tiết có yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc tưởng tượng thêm cái kết khác cho câu chuyện hấp dẫn hơn

+ Truyện cho em lòng biết ơn những người anh hùng đã xả thân bảo vệ hòa bình đất nước, tinh thần yêu nước quyết tâm xây dựng và bảo vệ non sông đất Việt

3. Sau khi nói

Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:

Người nghe

Người nói

- Yêu cầu người nói kể lại hay làm rõ những chi tiết liên quan đến các sự việc được kể.

- Nêu nhận xét về bài kể (từ ngữ, giọng kể, độ chính xác về nội dung,...).

- Bổ sung, làm rõ các chi tiết hoặc diễn biến câu chuyện.

- Trao đổi lại các ý kiến nhận xét của người nghe. Cảm ơn và tiếp thu những góp ý, nhận xét xác đáng.

1. Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích ngắn gọn (55 mẫu)

Sọ Dừa là câu chuyện cổ tích đầu tiên em được đọc, và đó cũng là câu chuyện em yêu thích nhất.

Chuyện kể về một người đàn bà, vì uống nước trong cái gáo dừa, mà mang thai và sinh ra đứa con có ngoại hình xấu xí, kì lạ. Thế là bà đặt tên cho con là Sọ Dừa. Tuy vẻ ngoài xấu xí, đi lại bất tiện, nhưng Sọ Dừa vẫn rất chăm chỉ, chịu khó. Chàng đã nhờ mẹ xin cho được đi chăn bò của nhà phú ông. Đáp lại sự nghi ngờ của mọi người, chàng không chỉ trông được đàn bò, mà còn chăm chúng béo tốt. Trong thời gian ấy, con gái út của phú ông không ngại vẻ ngoài của Sọ Dừa, mà vẫn mang cơm đến cho chàng. Cảm động, chàng nhờ mẹ đến hỏi cưới cô. Ngày cưới, Sọ Dừa trở về hình dáng bình thường, khôi ngô tuấn tú, lại có nhà rộng, gia nhân tấp nập khiến ai cũng ngạc nhiên. Không chỉ thế, sau khi kết hôn, Sọ Dừa còn chăm chỉ dùi mài kinh sử, thi đỗ Trạng Nguyên. Điều đó khiến cho hai chị gái của vợ chàng hết sức ghen ghét.

Nhân lúc Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị rủ cô em ra biển chơi, rồi đẩy cô xuống nước, hòng cướp đoạt vị trí vợ Trạng Nguyên. Nhưng may mắn, nhờ vào hòn đá lửa, con dao và mấy quả trứng gà Sọ Dừa dặn mang theo, mà cô em gái sống sót được. Cuối cùng, khổ tận cam lai, hai vợ chồng đoàn tụ được với nhau, sống hạnh phúc đến cuối đời. Còn hai cô chị xấu xa thì tủi hổ mà bỏ đi biệt xứ.

Qua câu chuyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã gửi gắm chúng ta bài học về cách đối nhân xử thế, không nên quan trọng vẻ bề ngoài, mà phải chú trọng đến phẩm chất. Một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng, thông minh thì mới là người đáng quý.

Tham khảo thêm:

2. Kể lại một truyền thuyết

2.1. Kể lại một truyền thuyết: Sơn Tinh - Thủy Tinh

Bạn có biết những cơn mưa và lũ lụt luôn kéo đến vào các thời điểm trong năm đều được người đời cho là bắt nguồn từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh không? Truyền thuyết kể rằng, Hùng Vương thứ mười tám có một nàng công chúa tên là Mị Nương. Nàng xinh đẹp tuyệt trần, tính tình hiền dịu nết na. Vua Hùng hết mực yêu thương nên muốn tìm cho con gái một người chồng xứng đáng.

Trong đó, có hai vị thần quyền năng muốn tham gia vào đại hội kén rể là Sơn Tinh - sơn thần của núi Tản Viên và Thủy Tinh - thủy thần cai trị biển cả. Hai vị thần đều ngang sức ngang tài chẳng ai nhường nhịn ai nên nhà vua đã bèn nghĩ ra lễ vật cầu hôn.

Ngạc nhiên là các món lễ vật đều ở trên cạn như 100 phần cơm nếp, 100 nồi bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Do sản vật đều nghiêng về Sơn Tinh nên chàng đã dâng lên nhà vua nhanh hơn Thủy Tinh.

Thủy Tinh rất tức giận và không cam tâm nên đã dâng nước lên đánh với Sơn Tinh nhưng lần nào phần thắng cũng thuộc về Sơn Tinh.

Do không bằng lòng với kết quả trên nên mỗi năm Thủy Tinh sẽ tiếp tục dâng nước lên thật cao để một ngày nào đó sẽ đánh bại Sơn Tinh.

Tham khảo thêm:

2.2. Kể lại truyền thuyết: Con Rồng Cháu Tiên

Trong chúng ta ai cũng muốn tìm hiểu nguồn gốc hình thành nên con người là như thế nào và ra sao. Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên sẽ cho bạn biết chúng ta được hình thành ra sao nhé. Truyện kể rằng, vào đời vua Lạc Long Quân vốn là con Rồng, chàng có cảm tình với nàng Âu Cơ vốn là con của Tiên.

Sau đó, cả hai được gia đình chấp thuận và lấy nhau làm vợ chồng. Âu Cơ cấn thai và đã sinh ra một bọc trăm trứng có trai có gái. Vì Âu Cơ là dòng dõi Tiên ở miền non cao, còn Lạc Long Quân là con cháu của Rồng ở dưới biển sâu, nên cả hai không thể ở chung để nuôi dạy con. Do đó họ quyết định đem 50 người con xuống biển với cha và 50 người con lên non cùng mẹ.

Trăm người con đó trở thành tổ tiên của tộc người Bách Việt. Người con trưởng ở đất Phong Châu được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương và truyền ngôi báu duy trì được 18 đời vua.

2.3. Kể lại 1 truyện truyền thuyết: Thánh Gióng

Từ thuở còn thơ bé, ta đã được nghe bao câu chuyện kể của bà, của mẹ về lịch sử hào hùng, về những truyền thuyết ly kỳ. Và có lẽ ai khi ấy cũng mang trong mình niềm tự hào và ngưỡng mộ những vị anh hùng trong truyền thuyết của dân tộc. Thánh Gióng là một vị anh hùng oai phong như thế.

Đời Hùng Vương thứ sáu, ở láng Gióng, có hai vợ chồng nông dân, vừa chăm chỉ làm ăn lại có tiếng phúc đức nhưng đến lúc sắp về già mà vẫn chứa có lấy một mụn con. Một ngày kia, bà vợ ra đồng, thấy một vết chân to, bèn đặt chân mình vào ướm thử. Về nhà bà liền mang thai, nhưng mười hai tháng mới sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Gióng. Điều kỳ lạ nữa là Gióng lên ba tuổi vẫn chẳng biết nói, chẳng biết cười, đặt đâu nằm đó, hai vợ chồng vừa buồn vừa lo lắng.

Thuở ấy, giặc Ân đem quân sang xâm lược bờ cõi nước ta, gây nên bao nhiêu tội ác, dân chúng vô cùng lầm than, khổ sở. Xét thấy thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp cả nước tìm người hiền tài cứu nước. Sứ giả đi đến mọi nơi, đi qua cả làng của Gióng. Nghe tiếng rao “Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước”, Gióng đang nằm trên giường bỗng cất tiếng nói đầu tiên:

- Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con.

Thấy vậy, bà mẹ rất bất ngờ vui mừng, vội đi ra mời sứ giả vào nhà. Gióng yêu cầu sứ giả về tâu với vua, chuẩn bị đầy đủ ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để cậu đi đánh giặc.

Kỳ lạ hơn, sau khi sứ giả trở về, Gióng ăn rất khỏe và lớn nhanh như thổi. Cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Mẹ cậu nuôi không đủ đành nhờ đến hàng xóm láng giềng. Bà con biết chuyện nên cũng rất phấn khởi, ngày đêm tấp nập nấu cơm, đội cà, may vá cho cậu rất chu đáo. Ai cũng hy vọng Gióng sớm ngày ra giết giặc giúp nước, trừ họa cho dân.

Ngày ấy, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sĩ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa. Cả người cả ngựa lao vun vút ra trận.

Trên chiến trường, Gióng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xung, giặc chết dưới tay như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhanh như chớp nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Khi trời đất đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa bay về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời.

Vua phong hiệu cho cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ phụng, ghi nhớ công ơn. Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa sắt thét ra lửa, lửa đã thiêu trụi một làng. Đến nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa in xuống ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau, là di tích minh chứng cho chiến công oanh liệt của Thánh Gióng.

Tham khảo thêm:

2.4. Kể lại một câu chuyện truyền thuyết: Mỵ Châu - Trọng Thủy

Truyền thuyết kể rằng: vua An Dương Vương xây Loa Thành cứ gần xong lại đổ, bèn lập đàn trai giới, cầu khấn thần linh. Ngày mồng bảy tháng ba, thần hiển linh thành một cụ già từ phương Đông tiến thẳng tới trước cửa thành. Cụ già nhìn thành mà than rằng: "Tiếc cho công sức của biết bao người!". Vua mừng rỡ đón cụ già vào điện, thi lễ và xin cụ già cho biết nguyên nhân vì sao việc xây thành lại chiếm nhiều công sức mà cứ xây xong lại đổ. Cụ già nói với nhà vua là sẽ có sứ Thanh Giang (một sứ giả đến từ dòng sông Xanh linh thiêng) đến giúp. Nói rồi, cụ già từ biệt nhà vua.

Quả nhiên, ngày hôm sau, nhà vua gặp được sứ Thanh Giang. Vị sứ giả này chính là Rùa Vàng (Thần Kim Quy) vật tổ linh thiêng của người Việt. Rùa Vàng đã giúp nhà vua xây thành chỉ nửa tháng là xong. Thành rộng hơn ngàn trượng xây hình trôn ốc nên gọi là Loa Thành (Quy Long Thành, Côn Lôn Thành).

Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt ra về, nhà vua cảm tạ và xin Thần Rùa kế sách giữ nước. Rùa tháo vuốt đưa cho nhà vua để chế làm lẫy nỏ và dặn: "Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận".

Vuốt Rùa được Cao Lỗ chế làm lẫy nỏ thần có thể bắn một phát trúng cả ngàn tên giặc khiến cho Triệu Đà bao lần xâm lược Âu Lạc đều thất bại phải xin hoà.

Không bao lâu, Đà xin cầu hôn. An Dương Vương gả con gái là Mỵ Châu cho con trai Đà là Trọng Thuỷ với mong muốn cuộc hôn nhân này sẽ nối lại hoà hiếu bang giao hai nước. Không ngờ cuộc hôn nhân này lại nằm trong mưu đồ xâm lược của Triệu Đà. Trọng Thuỷ sau khi lấy được Mỵ Châu đã dỗ nàng cho xem trộm nỏ thần rồi ngấm ngầm làm một cái lẫy nỏ khác giống hệt đánh tráo lẫy nỏ làm bằng vuốt Rùa Vàng. Xong việc, Trọng Thuỷ lấy cớ về phương Bắc thăm cha, đem lẫy nỏ thần về phương Bắc cho Triệu Vương. Trước khi đi, Trọng Thuỷ còn đề phòng "Bắc Nam cách biệt" hỏi Mỵ Châu cách tìm nàng khi có biến. Mỵ Châu mang áo gấm ra nói rằng nàng sẽ dứt lông ngỗng trên áo rải dọc đường làm dấu.

Trọng Thuỷ về nước, Triệu Đà cất quân đánh Âu Lạc, An Dương Vương chủ quan cậy có nỏ thần nên quân giặc đến gần vẫn điềm nhiên đánh cơ nói cười như không. Đến khi cầm nỏ mới biết lẫy thần đã bị mất, nhà vua lập tức hiểu hết sự tình. Nhà vua nhìn Mỵ Châu đầy trách móc, Mỵ Châu biết tội bèn quì xuống xin cha trừng phạt. Không nỡ giết con, An Dương Vương sai người lấy ngựa đem Mỵ Châu chạy trốn, còn mình thì nhanh chóng tập hợp quân sĩ quyết một phen tử chiến. Khi quân hai bên đánh nhau đến bờ biển, thế giặc mạnh không thể chống đỡ, An Dương Vương cùng đường, gọi: "Sứ Thanh Giang đâu! Mau mau giúp ta!". Rùa Vàng hiện lên, rẽ nước đưa nhà vua xuống Thủy cung.

Triệu Đà chiếm được Loa Thành. Trọng Thuỷ nhớ lời dặn bèn theo vết lông ngỗng mà tìm. Đến bờ biển, Trọng Thuỷ nhìn thấy Mỵ Châu đang nắm chặt chuôi kiếm đứng đợi. Trọng Thuỷ tiến lại gần, Mỵ Châu tuốt kiếm chĩa về phía Trọng Thuỷ mà rằng: "Chàng vì nghĩa vụ quốc gia mà trở thành kẻ lừa dối, phản bội. Thiếp vì yêu chàng mà đem trái tim đặt nhầm lên khối óc. Nhưng thiếp thề rằng, tấm lòng thiếp vẫn trong sáng và trung thành với vua cha và xã tắc. Nếu có lòng phản trắc, sau khi chết xin làm mồi cho cá. Ngược lại, xin được làm ngọc trai dưới biển Đông". Dứt lời, nàng vung kiếm tự vẫn. Trọng Thủy đem xác Mỵ Châu về chôn cất tại Loa Thành. Xong xuôi, chàng quá ân hận và thương nhớ Mỵ Châu bèn nhảy xuống giếng tự vẫn.

Người đời sau đem ngọc trai biển Đông về rửa ở giếng nước Trọng Thủy, viên ngọc bỗng sáng khác thường.

Tham khảo thêm:

2.5. Kể lại một truyền thuyết mà em yêu thích: Hồ Ba Bể

Ngày xửa ngày xưa, ở xã Nam Mẫu có tổ chức ngày hội cúng Phật rất đông người đến tham gia. Trong đó, xuất hiện một bà già xấu xí, bẩn thỉu, gớm ghiếc. Ai cũng sợ hãi và xa lánh bà ta.

Duy chỉ có hai mẹ con tốt bụng, tuy nghèo khó nhưng họ đã thương xót, đồng ý cho bà ăn uống và nghỉ ngơi lại nhà. Đêm hôm đó, người mẹ nhìn thấy chỗ bà già kia nằm ngủ phát ra ánh sáng thần kì. Nhìn kĩ, thì ở đó là một con Giao Long to lớn đang cuộn mình nằm ngủ. Sợ hãi, người mẹ không dám làm gì, đành nằm im ngủ tiếp.

Sáng hôm sau, bà lão rời đi. Trước khi đi, bà đưa cho hai mẹ con một túi tro dặn rắc quanh nhà và một mảnh trấu luôn mang theo mình. Bà bảo đó là phần thưởng cho tấm lòng thơm thảo của hai mẹ con. Còn những kẻ mang danh viếng Phật lại vô tâm ngoài kia sẽ phải chịu quả báo. Nói rồi hóa thành Giao Long bay đi.

Mấy hôm sau, từ dưới bàn thờ Phật dâng lên cột nước lớn, chẳng mấy chốc gây sạt lở, nhấn chìm hết toàn bộ vùng đất. Chỉ có ngôi nhà của hai mẹ con là còn nguyên. Thấy mọi người đau khổ trong biển nước, người mẹ thả miếng trấu được cho xuống dòng nước, thì nó đột nhiên biến thành chiếc thuyền lớn. Thế là hai mẹ con liền chèo thuyền đi cứu người.

Bây giờ biển nước ấy vẫn con, được đặt tên là hồ Ba Bể. Còn mỏm đất có ngôi nhà của hai mẹ con được gọi là Gò Bà Góa.

Tham khảo thêm:

2.6. Viết bài văn kể lại một truyền thuyết lớp 6: Yết Kiêu

Vào đời vua nhà Trần, có một danh tướng hùng dũng tên là Yết Kiêu. Lúc bấy giờ, quân Nguyên đang manh nha xâm lược nước ta, chúng luôn dựa vào đường sông hiểm trở mà đem quân chiếm đóng. Tuy nhiên với sức lực cường tráng và ý chí cao cả, Yết Kiêu đã diện kiến nhà vua xin đem một toán quân đến mai phục trong bụi lau sậy ven bờ sông.

Sau đó một mình ông sẽ dùng chiếc khoan nhọn khoan thủng các đáy thuyền của bọn quân Nguyên. Khoan xong một lỗ, ông lấy giẻ bịt lại và dùng dây buộc lại thành một chùm.

Chờ khi giặc ngủ say, Yết Kiêu giật các đầu dây và đoàn thuyền của giặc chìm trong biển nước. Sau đó, Yết Kiêu cho quân tiến đến và đánh tan quân giặc đang hoảng loạn. Vua Trần phong cho Yết Kiêu chức "Đệ nhất bộ đô soái thủy quân".

Từ đó, người dân luôn xem danh tướng Yết Kiêu là một vị anh hùng đã góp công làm nên chiến thắng vẻ vang của quân nhà Trần hùng hậu.

Tham khảo thêm:

3. Kể lại truyện cổ tích

3.1. Kể lại truyện cổ tích: Tấm Cám

Truyện Tấm Cám là câu chuyện cổ tích hay nhất mà em từng đọc.

Nhân vật chính của câu chuyện là cô Tấm xinh đẹp, hiền lành lại chăm chỉ, chịu khó. Bố mẹ mất sớm, cô Tấm sống với dì ghẻ và con riêng của bà là Cám. Suốt ngày, cô phải làm việc vất vả từ sớm đến khuya, nhưng vẫn không hề oán than.

Một ngày, dì ghẻ trao giải chiếc yếm đào cho người mò được nhiều cua ốc. Tấm chăm chỉ nhặt nhạnh cả chiều, nhưng bị Cám lừa mất, nên buồn lắm, bật khóc giữa đêm. Thế là ông Bụt hiện lên, chỉ cho cô chú cá Bống sót lại trong giỏ, đưa xuống giếng nuôi. Mỗi ngày, Tấm hát để gọi cá lên và cho cá ăn cơm, thân thiết như bạn bè. Thấy lạ, mụ dì ghẻ rình và quyết ăn thịt cá bống. Thế là mụ lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa, rồi ở nhà ăn thịt cá, vứt xương ở góc bếp. Về nhà không thấy cá, chỉ thấy cục máu đông trên giếng, biết cá gặp nạn, Tấm khóc nức nở. Bụt hiện lên, chỉ cô cách tìm xương cá bống. Sau khi được chú gà chỉ chỗ tìm xương, cô đem xương cá cho vào bốn cái lọ để ở chân giường như lời bụt dặn.

Năm ấy, vua mở hội tuyển vợ. Mẹ con Cám xúng xính áo váy đi hội. Còn Tấm bị bắt ở nhà, nhặt thóc và gạo rồi mới được đi. Vừa nhặt, nàng vừa khóc nức nở. Thế là bụt hiện lên, gọi chim sẻ giúp nàng nhặt thóc. Rồi còn chỉ nàng lấy váy áo, giày đẹp ở bốn cái lọ ở chân giường để mặc đi hội. Trên đường đi, nàng đánh rơi hài ở dưới nước, voi của vua đi qua mãi chẳng chịu đi tiếp. Vua cho lính nhặt được hài lên, và quyết định ai đi vừa sẽ là vợ của ngài. Thế là Tấm trở thành hoàng hậu.

Làm vợ vua, cô Tấm vẫn giữ những phẩm chất hiền thục ngày xưa. Giỗ cha, nàng về nhà, tự mình trèo lên cây cau để hái buồng cau thờ bố. Nào ngờ mụ dì ghẻ ở dưới chặt cây, hại cô ngã chết. Rồi bà ta lấy áo quần của Tấm cho Cám mặc vào kinh thay chị hầu vua.

Tấm chết, hóa thành chim vàng anh bay vào cung. Vua say tiếng hót của chim đi đâu cũng mang theo. Cám ghen ghét nên lét giết chim ăn thịt, đem lông vứt ở góc vườn. Từ lông chim lại mọc lên cây xoan lớn. Vua nhìn liền thích, đem võng ra nằm. Cám thấy vậy, liền chặt cây xoan làm thành khung cửi. Mỗi dần dệt lại vàng lên tiếng Tấm, sợ quá, ả đốt khung cửi đổ tro ra thật xa. Từ nắm tro, mọc lên cây thị to lớn, xum xuê nhưng chỉ có một trái duy nhất. Một bà hàng nước đã mang quả thị về để ngửi chứ không ăn. Từ quả thị, cô Tấm bước ra xinh đẹp, dịu dàng. Cô giúp bà cụ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, têm trầu. Khi bà phát hiện ra cô đã bước ra từ quả thị, thì xé vỏ quả thị, xin cô ở lại làm con gái bà. Một ngày nọ, nhà vua đi ngang qua quán nước của bà cụ, ngồi nghỉ lại thì thấy miếng trầu têm quen quá, xin được gặp người têm trầu. Gặp Tấm, ngài nhận ra ngay. Hai người mừng mừng tủi tủi, hạnh phúc cùng nhau trở về kinh thành. Mẹ con Cám tủi nhục quá, bỏ đi biệt xứ.

Thế là người tốt cuối cũng cũng được hưởng hạnh phúc. Ý nghĩa tuyệt vời của câu chuyện đã giúp cho dù bao lâu câu chuyện Tấm Cám vẫn vẹn nguyên giá trị trong lòng người đọc.

Tham khảo thêm:

3.2. Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em: Thạch Sanh

Từ khi em còn nhỏ, mỗi tối mẹ đều kể chuyện cổ tích ru em ngủ. Trong những câu chuyện ấy, em thích nhất là truyện kể về Thạch Sanh.

Truyện kể rằng, ở một làng nọ, có đôi vợ chồng nông dân già, tuy nghèo khó nhưng sống rất nhân hậu mà mãi vẫn chưa có con. Ngọc Hoàng thương tình bèn phái Thái tử xuống đầu thai làm con của ho. Và họ đặt tên con là Thạch Sanh. Hai vợ chồng già sớm qua đời, Thạch Sanh sống một mình ở gốc đa và kiếm sống bằng nghề hái củi.

Lý Thông ngồi hàng rượu thấy Thạch Sanh khỏe mạnh nên dỗ dành giả vờ kết nghĩa anh em để lợi dụng Thạch Sanh. Vì là người tốt bụng nên Thạch Sanh không mảy may nghi ngờ mà đồng ý làm em Lý Thông. Hắn đã lừa Thạch Sanh thay mình đi cúng mạng cho chằn tinh tại miếu thờ. Thạch Sanh đã giết chết chằn tinh, sau đó chàng đốt xác đó thì nhận được cây cung vàng. Nhưng lại một lần nữa, Lý Thông lại lừa Thạch Sanh, cướp công của chàng và được vua ban thưởng đồng thời phong làm Quận Công. Còn Thạch Sanh lại về sống ở gốc đa.

Công chúa bị đại bàng khổng lồ bắt, Thạch Sanh thấy được, lấy cung bắn đại bàng và chàng theo dấu máu, biết được nơi cư trú của đại bàng. Nhà vua sai Lý Thông đi cứu công chúa. Lý Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng và cứu được công chúa, và khi công chúa lên khỏi hang, hắn sai người lấp hang để giết Thạch Sanh. Và được nhà vua gả công chúa cho. Tại hang, Thạch Sanh lại cứu được con vua Thủy Tề và được vua tặng cho cây đàn thần.

Khi công chúa trở về cung, nàng chẳng nói năng gì, nhà vua rất lo lắng. Còn Thạch Sanh bị chằn tinh và đại bàng trả thù vu oan nên bị bắt giam vào ngục. Chàng bèn lấy đàn ra gảy, thì công chúa khỏi bệnh và đem mọi chuyện kể cho vua cha nghe, Thạch Sanh được minh oan, mẹ con Lý Thông tuy được tha nhưng vì độc ác nên trên đường về bị sét đánh chết hóa thành thạch sùng.

Thạch Sanh được vua gả công chúa và trở thành phò mã. Các thái tử nước chư hầu vì không được gả công chúa nên đã đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra đánh, đẩy lùi được quân 18 nước và thết đãi họ cơm trong niêu thần ăn rồi lại đầy.

Nhà vua nhường ngôi báu cho Thạch Sanh.

Tham khảo thêm:

3.3. Kể lại một truyện cổ tích mà em yêu thích: Cây tre trăm đốt (5 mẫu)

Khi còn nhỏ, em thường được nghe ông và bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích rất ý nghĩa. Một trong số truyện cổ tích ông kể mà em ấn tượng nhất là truyện Cây tre trăm đốt, ông kể trong lúc em và ông cùng đi chặt tre làm diều.

Ngày xưa có một phú ông nhà giàu nhưng lại bủn xỉn keo kiệt, ông ta thuê anh nông dân nghèo có tính cần cù chịu thương chịu khó cày ruộng. Ông ta chỉ muốn anh nông dân làm cho mình mà lại không mất tiền thuê nên đã hứa hẹn rằng "Anh hãy chịu khó cày ruộng cho ta trong ba năm, hết thời gian đó ta sẽ gả con gái cho anh". Anh chàng này tưởng thật, làm ngày làm đêm không quản mệt nhọc, mang về cho phú ông lúa thóc chất đầy kho.

Cuối cùng cũng đến hạn ba năm, đang háo hức được lấy con gái phú ông thì anh nông dân lại bị lão ta lừa. Một mặt phú ông bảo anh vào rừng chặt cây tre trăm đốt về làm đũa mời cỗ cả làng, mặt khác sau khi anh đi lão ta bèn mở tiệc gả con gái cho tên nhà giàu khác. Ở bên này anh nông dân sau khi vào rừng chặt hết cả rặng tre, quần áo rách tơi tả, chân tay bị cứa chảy máu vẫn không tìm được cây tre đủ 100 đốt. Nghe tiếng khóc của anh đã có một ông bụt hiện lên và trao cho anh câu thần chú "Khắc nhập, khắc xuất", anh chặt đủ 100 đốt tre, đọc câu "khắc nhập" là từng đốt tre nhập thành cây tre đủ 100 đốt. Anh vui mừng đem tre về thì phát hiện ra phú ông lừa mình, anh liền đọc câu thần chú "khắc nhập" nhốt ông vào cây tre, sau khi nghe ông ta van xin và hứa không bày mưu lừa hại anh nữa anh mới đọc "khắc xuất" để thả ông ta ra. Từ đó anh nông dân lấy con gái phú ông và sống hạnh phúc đến cuối đời.

Tuy chỉ là truyện cổ tích nhưng thực sự rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phú ông và cây tre trăm đốt giống như những khó khăn, thử thách và chướng ngại mà ta phải vượt qua trong cuộc sống. Hãy luôn cố gắng và sống thật tốt, mọi chuyện sẽ luôn có cách giải quyết.

Tham khảo thêm:

3.4. Kể lại truyện cổ tích Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Trong những truyện cổ tích đã đọc, em ấn tượng và yêu thích nhất là truyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Câu chuyện kể về tình yêu nhưng sâu xa hơn là thể hiện cho khát vọng hạnh phúc lứa đôi của nhân dân lao động Việt Nam ngàn đời nay. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã cùng nhau vượt qua khó khăn, bước qua những định kiến xã hội, phân biệt giai cấp để có được cuộc sống tự do, hạnh phúc ấm êm.

Chuyện kể rằng ngày xưa, có hai cha con, người cha tên là Chử Cù Văn và người con tên là Chử Đồng Tử. Vì nhà nghèo rớt mồng tơi nên hai cha con chỉ có một chiếc khố để mặc, chỉ ai có việc đi đâu thì đóng khố. Sau này, người cha lâm bệnh mà chết, dặn con cứ lấy khố mà dùng nhưng Chử Đồng Tử không nở nhìn cha trần truồng vào lúc lâm chung nên đã lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn.

Lúc này có một nàng công chúa tên là Tiên Dung nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành nhưng chưa chịu lấy chồng cho cha mẹ yên tâm. Trong một lần dạo thuyền trên sông nàng thấy cảnh đẹp nên đã xuống tắm. Bất ngờ thay, nàng đã thấy Chử Đồng Tử đang giấu mình trong cát vì ngượng ngùng, nàng mới hỏi ra nguyên do và từ đó hai người kết duyên với nhau.

Vì sợ vua cha mắng nhiếc nên Tiên Dung đã ở lại sống cùng Đồng Tử. Sau một thời gian ăn nên làm ra, nàng Tiên Dung đã khuyên Đồng Tử ra biển tìm vật lạ để đem bán kiếm thêm tiền. Tuy nhiên trên đường đi, Đồng Tử gặp một vị sư tên là Phật Quang và được thầy truyền phép.

Chàng đã ở lại và học đạo, sau khi xong xong chàng được tặng một cây gậy và chiếc nón có phép lạ. Nhờ những món vật thần thánh ấy mà Tiên Dung và Đồng Tử đã dựng nên một cơ đồ đáng mơ ước. Khi nhà vua biết tin và nghĩ rằng họ làm loạn nên đã sai quân sang đánh nhưng khi đến thì họ đã bay lên trời. Bãi đất họ bay lên đã được người dân lập đền thờ ngay trên bãi.

Truyện là bài ca ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do đã đi vào lịch sử văn hoá Việt như là một mối tình đẹp nhất, chung thuỷ, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyền thuyết về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả trên thế giới. Hình tượng Tiên Dung và Chủ Đồng Tử lung linh, đẹp mãi, tỏa rạng đến hôm nay và mai sau, vượt cả biên giới để soi những ánh sáng nhân văn ở miền đất mới.

3.5. Kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa

Ngày xưa có hai vợ chồng già, vừa nghèo lại chẳng có con, ấy thế mà đến lúc chỉ uống nước từ cái sọ dừa mà lại mang thai, sinh ra một cậu con trai tròn y như trái dừa, không tay không chân, nhưng vẫn biết nói, liền đặt tên là Sọ Dừa.

Dù không chân tay nhưng Sọ Dừa rất thông minh và ngoan ngoãn. Trong lúc đi chăn bò cho phú ông, nhân lúc không có người Sọ Dừa lại trở lại hình dáng con người, thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, vừa chăn bò vừa thổi sáo rất hay. Nhà phú ông có ba cô con gái thì chỉ có cô út là thương và đối xử tử tế với Sọ Dừa, còn lại hai cô kia vì hình dáng kì lạ của Sọ Dừa nên thường hắt hủi.

Do một lần nhìn trộm nên cô út biết Sọ Dừa chính là chàng trai khôi ngô, hình dáng kì lạ kia chỉ là phép thử vì thế đem lòng yêu mến. Đến cuối mùa ở, Sọ Dừa hỏi cưới con gái phú ông, dù phú ông đòi lễ vật rất khó nhưng Sọ Dừa đều mang đến đủ cả và cưới được cô út. Hai vợ chồng Sọ Dừa sống rất vui vẻ và hạnh phúc, cho đến khi Sọ Dừa thi đỗ Trạng Nguyên phải đí sứ. Nhân lúc Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị của cô út đã hãm hại em của mình nhằm thay thế muốn làm bà Trạng. Cô út nhờ những vật dụng mà Sọ Dừa để lại là con dao, cục đá và hai quả trứng gà nên dù có bị rơi xuống biển, cá nuốt vào bụng vẫn sống sót trên đảo hoang. Đến một ngày thuyền quan trạng của Sọ Dừa đi qua, gà trống gáy lên báo hiệu Sọ Dừa hãy vào đảo hoang đón vợ. Hai vợ chồng đoàn tụ trong vui mừng, còn hai người chị đành phải bỏ đi biệt xứ.

Nói chung, cốt truyện có thể ly kỳ nhưng vẫn hướng đến những ước mơ giản dị, niềm tin vào chiến thắng của cái thiện trước cái ác, sự công bằng cho con người.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên nhóm Ngữ văn 6 Cánh Diều thuộc chuyên mục Lớp 6: Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
287 73.893
3 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • Mỹ Duyên
    Mỹ Duyên

    Yo wai mo 

    Thích Phản hồi 09/11/23
    • Mỹ Duyên
      Mỹ Duyên

      Gojo satoru

      Thích Phản hồi 09/11/23
      • thien kieu dinh
        thien kieu dinh

        🥰


        Thích Phản hồi 21:07 25/02
        Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm