Cách xây dựng thang bảng lương năm 2024 mới nhất

Hướng dẫn cách xây dựng thang bảng lương 2024, việc xây dựng thang lương, bảng lương mới hiện nay đã có nhiều thay đổi kể từ khi Nghị định 38/2022/NĐ-CP bị thay thế bởi Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Mời bạn tham khảo chi tiết tại đây.

Hoatieu.vn sẽ giúp các bạn kế toán, nhất là các bạn kế toán mới tham khảo và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định mới nhất về yêu cầu xây dựng thang bảng lương tại các công ty, doanh nghiệp. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Cách xây dựng thang bảng lương 2024

Công ty các bạn đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chắc chắn hàng tháng sẽ cần phải trả lương cho người lao động, nhưng công ty các bạn đã biết cách xây dựng THANG BẢNG LƯƠNG? và nếu chưa nộp thang bảng lương 2024 có bị phạt không?

Cụ thể, khi xây dựng thang bảng lương thì phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Lưu ý: Trước đây Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động 2012 quy định người sử dụng lao động phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động đồng thời với việc công khai tại nơi làm việc. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 không còn yêu cầu người sử dụng lao động phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan nhà nước nữa.

Chỉ khi người sử dụng lao động là các công ty, doanh nghiệp, tổ chức,... đảm bảo thực hiện các nguyên tắc xây dựng thang bảng lương thì thang bảng lương sau khi công bố mới được người lao động chấp thuận ủng hộ.

2. Đăng ký thang lương, bảng lương của doanh nghiệp

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp không còn phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan nhà nước nữa mà chỉ cần thực hiện như sau:

(1) Xây dựng hệ thống thang bảng lương.

(2) Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.

(3) Công khai thang lương, bảng lương và mức lao động trước khi thực hiện.

3. Hệ thống thang, bảng lương của doanh nghiệp tự xây dựng 2024

Quy định về thang bảng lương 2024
Quy định về thang bảng lương 2024

Hệ thống thang, bảng lương của doanh nghiệp tự xây dựng cần chuẩn bị:

1. Hệ thống, bảng lương doanh nghiệp tự xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung.

2. Bản quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh ngành nghề công việc trong thang, bảng lương (quy định rõ các tiêu chuẩn và điều kiện về trình độ chuyên môn, vi tính, ngoại ngữ, kinh nghiệm yêu cầu về công việc đối với từng chức danh trong công ty).

3. Quyết định ban hành hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng trong doanh nghiệp

4. Ý kiến tham gia của BCH công đoàn cơ sở hoặc BCH lâm thời (trường hợp không có công đoàn thì lấy ý kiến tham gia của toàn thể người lao động trong công ty).

Lưu ý: Đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, khi xây dựng hệ thống thang, bảng lương cần nghiên cứu kỹ các văn bản sau:

  • Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
  • Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Việc xây dựng bảng lương năm 2024 cho doanh nghiệp có một số điểm khác biệt so với bảng lương năm 2022, nên các bạn cần hết sức lưu ý.

4. Hồ sơ đăng ký thang bảng lương 2024

1. Hệ thống thang bảng lương

2. Công văn đề nghị đăng ký thang bảng lương

3. Quyết định ban hành hệ thống thang, bảng lương

4. Biên bản thông qua hệ thống thang bảng lương

5. Bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng chức danh

Đó là bộ hồ sơ để các bạn xây dựng hệ thống THANG, BẢNG LƯƠNG.

5. Thang bảng lương người lao động năm 2024

Theo quy định mới tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng năm 2024 như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.960.000

23.800

Vùng II

4.410.000

21.200

Vùng III

3.860.000

18.600

Vùng IV

3.450.000

16.600

Bậc 1 trong thang bảng lương theo tháng từ ngày 01/7/2024 phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo tháng tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP (Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III: 3.860.000 đồng/tháng và Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng), trường hợp thang bảng lương đang áp dụng mà thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì người sử dụng lao động phải thực hiện việc điều chỉnh lại.

Với sự thay đổi này, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại thang bảng lương cho người lao động sao cho phù hợp với các nguyên tắc được quy định.

6. Bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng với từng chức danh công việc

Mời bạn tham khảo mẫu bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghiệp, công việc trong thang bảng lương tại đây do Hoatieu.vn tổng hợp.

Mẫu chỉ mang tính chất tham khảo, các bạn hãy trực tiếp chỉnh sửa mẫu trên trang để phù hợp với mục đích sử dụng của bản thân hoặc tải về mẫu file chuẩn theo đường liên kết trong bài hoàn toàn miễn phí.

CÔNG TY .......CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

QUY ĐỊNH
(V/v: tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với chức danh trong công ty)

- Căn cứ vào Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

- Căn cứ vào tình hình thực tế của công ty.

1/ Công ty quy định tiêu chuẩn từng chức danh trong công ty như sau.

STTChức danhTrình độCông việc phải làm
1Giám đốc- Tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp với công việc được đảm nhiệm. sức khỏe tốt, trình độ năng lực quản lý, có khả năng lãnh đạo.
- Là người đại diện theo pháp luật của công ty, có đủ năng lực hành vi nhân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý theo quy định của luật doanh nghiệp….
Là người quản lý cao nhất và chịu trách nhiệm cuối cùng với công ty về việc triển khai chiến lược kinh doanh, hệ thống quản lý và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
2Phó giám đốc-  Tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp với công việc được đảm nhiệm. sức khỏe tốt, trình độ năng lực quản lý, có khả năng lãnh đạo.
- Tối thiểu 03 năm kinh nghiệm ở vị trí tương đương.
- Am hiểu Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, các văn bản pháp quy, văn bản hành chính liên quan.
- Sử dụng tốt Tiếng Anh. Thành thạo Microsoft Ofice và các phần mềm ứng dụng trong công việc.
- Có kỹ năng truyền đạt, thuyết phục, trình bày, đào tạo, huấn luyện.
- Có kỹ năng quản lý.
- Tự tin, chững chạc, phong thái chuyên nghiệp.
- Nhạy bén trong đánh giá và giải quyết các vấn đề phát sinh.
- Có khả năng làm việc với áp lực công việc cao, có khả năng đi công tác.
- Chịu trách nhiệm chung về điều hành, giám sát các mặt hoạt động thuộc lĩnh vực kinh doanh, marketing.
- Tham mưu, đề xuất những chính sách, chế độ đối với thị trường, khách hàng, dịch vụ sau bán hàng cho Giám đốc đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời trong sản xuất, kinh doanh.
- Hoạch định và thực hiện phát triển nguồn nhân lực trong kinh doanh. Tổ chức hướng dẫn, đào tạo và quản lý nghiệp vụ kinh doanh trong toàn Công ty.
3Kế toán trưởng- Tốt nghiệp đại học trở lên, chuyên ngành kế toán.
- Có chứng chỉ kế toán trưởng
- Sử dụng thành thạo phần mềm kế toán.
- Thành thạo tin học văn phòng
- Tham mưu cho ban giám đốc trong lĩnh vực tài chính kế toán của công ty.
- Thực hiện các công việc liên quan đến công tác Kế Toán của Doanh Nghiệp
- Giải quyết các công việc được giám đốc ủy quyền…
4Kế Toán Viên- Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành kế toán.
- Có kinh nghiệm 1 năm làm kế toán tổng hợp.
- Chịu được áp lực công việc cɑo.
- Nhɑnh nhẹn và nhiệt tình trong công việc.
- Giɑo tiếp tốt
- Trung thực, cận thận.
- Ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Thực hiện và đảm bảo tính chính xác, kịp thời, quản lý sổ sách trong mọi lĩnh vực kế toán.
- Thiết lập đầy đủ và gửi đúng hạn các báo cáo kế toán Thuế theo qui định.
- Kiểm tra việc bảo quản, lưu trữ các tài liệu kế toán.
- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của kế toán Trưởng.
5Nhân viên
Kinh doanh
- Tốt nghiệp Cao Đẳng trở lên.- Thành thạo Vi tính văn phòng.
- Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và đàm phán tốt.
- Giao tiếp tốt, tự tin, am hiểu xã hội, sẵn sàng làm việc với cường độ cao. Không nói ngọng, nói lắp, ưu tiên những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo báo chí, khai thác tài trợ.
- Nhanh nhẹn, chịu được áp lực công việc và có trách nhiệm.
- Tìm kiếm các thông tin về khách hàng.
- Tư vấn và giới thiệu cho khách hàng về dịch vụ của công ty.
- Chăm sóc khách hàng, lấy ý kiến của khách hàng về chất lượng dịch vụ.
6Nhân viên
Văn Phòng
- Tốt nghiệp trung cấp trở lên, ngành nghề phù hợp với công việc được đảm nhận….
- Kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt
- Thành thạo tin học văn phòng
Làm việc theo sự phân công trực tiếp của giám đốc…

2/ Chế độ nâng lương

- Khi người lao động làm việc trong công ty từ 01 năm trở lên được công ty xét duyệt nâng lương.

- Tiêu chuẩn nâng bậc:

  • Có ít nhất 01 năm làm việc tại công ty.
  • Không bị kỷ luật từ khiển trách trở lên
  • Hoàn thành tốt các công việc được giao

- Căn cứ vào các tiêu chuẩn trên, hàng năm ban giám đốc công ty tổ chức xét duyệt nâng lương. Thời hạn nâng lương đúng, trước hoặc có thế chậm lại phụ thuộc và yếu tố năng lực công tác và mức độ hoàn thiện nhiệm vụ của mỗi cá nhân.

- Những người có sang kiến chất lượng đem lại lợi ích đáng kế cho công ty sẽ được xét nâng lương trước thời hạn.

........, ngày . ...tháng .... năm 20....

GIÁM ĐỐC

(Ký, họ tên)

7. Mẫu quyết định ban hành hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng trong doanh nghiệp

Hoatieu.vn mời các bạn tải về mẫu quyết định file Word, PDF theo đường liên kết trong bài hoặc tiến hành trực tiếp chỉnh sửa trên trang mẫu tại đây. Mời các bạn cùng tham khảo.

Công ty ...............CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
-----o0o------
Số: .../QĐ-.................., ngày ... tháng ... năm 20....

QUYẾT ĐỊNH
(Về việc ban hành hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng trong doanh nghiệp)

Giám Đốc Công ty .....................

- Căn cứ Luật lao động 45/2019/QH14 Ban hành ngày 20/11/2019.

- Căn cứ Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành hệ thống bảng lương của Công ty ..........................

Điều 2: Thời gian thực hiện kể từ ngày ...........................

Điều 3: Các phòng ban Công ty và cán bộ nhân viên công ty có liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định này.

Nơi nhận:Giám đốc
(Ký tên và đóng dấu)

- Các phòng ban công ty.

- Lưu VT

8. Mẫu biên bản họp lấy ý kiến của người lao động

8.1. Mẫu biên bản họp lấy ý kiến của người lao động số 1

Theo như nguyên tắc, khi xây dựng thang lương, bảng lương thì người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hoatieu.vn mời bạn cùng tham khảo mẫu biên bản họp lấy ý kiến của người lao động tại đây:

CÔNG TY ..........CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
 ............., ngày ... tháng .... năm ............

BIÊN BẢN HỌP LẤY Ý KIẾN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

(V/v Xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương)

Hôm nay, ngày ... tháng .... năm 20...., tại Văn phòng Công ty ............

Địa chỉ: ............................................................, diễn ra cuộc họp thống nhât hệ thống thang lương, bảng lương của Công Ty ............................

Cuộc họp bắt đầu lúc ............. phút.

Đại diện các bên gồm có:

I. Đại diện người sử dụng lao động

1. Ông/Bà: .................... Chức vụ: Giám Đốc – Chủ tọa cuộc họp

2. Ông/Bà: .................... Chức Vụ: Nhân Viên Kinh Doanh – Thư Ký

II. Tập thể nhân viên công ty: Gồm ............... người.

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

Sau khi nghe ban lãnh đạo Công ty TNHH ..................... công bố hệ thống thang bảng lương của Công Ty áp dụng cho từng cán bộ nhân viên, từng bộ phận, hai bên đi đến thống nhất như sau:

1. 100% Cán bộ, nhân viên đồng ý với hệ thống thang lương, bảng lương mà đơn vị đã xây dựng và được áp dụng từ ngày ... tháng ... năm 20.....

2. Khi có sự thay đổi về hệ thống thang lương, bảng lương phải có sự bàn bạc thống nhất bằng văn bản của hai bên.

Biên bản kết thúc vào lúc ...h....phút cùng ngày, trước sự có mặt và đồng ý của tập thể nhân viên công ty.

3. Các thành viên tham gia cuộc họp ký nhận

STTHọ và tênKý nhận

THƯ KÝ

ĐẠI DIỆN NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

8.2. Mẫu biên bản họp lấy ý kiến của người lao động số 2

Mời bạn tham khảo mẫu biên bản lấy ý kiến ban chấp hành công đoàn về thang, bảng lương của danh nghiệp tại đây.

Số: ........

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

............., ngày ... tháng ... năm .........

Kính gửi: Phòng Lao động Thương binh và Xã hội ........

Ý KIẾN BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN
VỀ THANG, BẢNG LƯƠNG CỦA DOANH NGHIỆP

- Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

- Căn cứ Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;

- Căn cứ vào tình hình thực tế hoạt động sản xuất tại đơn vị.

Sau khi xem xét và trao đổi với Ban Tổng Giám đốc ........, Ban chấp hành Công đoàn của Công ty thống nhất với Hệ thống Thang lương, bảng lương này đúng và phù hợp với quy định của Pháp luật Lao động về mức lương tối thiểu áp dụng đối với người lao động trong Công ty.

Kính đề nghị Phòng Lao động Thương binh và Xã hội ........ chấp thuận tạo điều kiện để Công ty áp dụng thực hiện Hệ thống Thang lương, bảng lương.

Trân trọng!

 Nơi nhận:

- Như trên;

- Lưu VT;

TM. BCH CÔNG ĐOÀN CÔNG TY

CHỦ TỊCH 

9. Thay đổi lương tối thiểu vùng, phải đăng ký lại bảng lương?

Quy định pháp luật về mức lương tối thiểu vùng được nhà nước thay đổi thì cơ quan doanh nghiệp cần rà soát và điều chỉnh lại sao cho phù hợp, bởi vì mức lương tối thiểu vùng mà nhà nước đặt ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nếu như doanh nghiệp có bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì cần thiết thay đổi bảng lương khi có quy định mới.

Trường hợp không thay đổi bảng lương trong khu mức lương trong bảng lương đó thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì sẽ bị nhà nước xử phạt.

Như vậy việc thay đổi bảng lương khi có quy định mới là tuỳ vào bảng lương của doanh nghiệp có còn phù hợp với quy định pháp luật hay không.

10. Mức xử phạt về thang lương, bảng lương 2024

Hiện nay, mức phạt liên quan tới thực hiện thang lương, bảng lương vẫn được quy định tại Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp có bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc có những vi phạm về thang, bảng lương thì sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

Điều 17. Vi phạm quy định về tiền lương

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;

b) Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;

c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;

d) Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;

đ) Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

...

3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

....

Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Biểu mẫu liên quan trên trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
17 39.893
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi