Hỏi đáp về sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu hỏi 1. Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 được biên soạn theo quan điểm và định hướng nào?

Trả lời:

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 được biên soạn theo quan điểm và những định hướng sau:

  • Phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
  • Bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình.
  • Các hoạt động được thiết kế phù hợp với đặc trưng của Hoạt động trải nghiệm.
  • Kết nối tri thức với cuộc sống thực tiễn, giúp học sinh có năng lực thích ứng với cuộc sống.
  • Phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh lớp 6.
  • Tích hợp giáo dục kĩ năng sống, hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và một số nội dung giáo dục cần thiết khác.
  • Đảm bảo tính chỉnh thể, sự nhất quán và phát triển liên tục qua các lớp.
  • Mở, linh hoạt để giáo viên và học sinh phát huy tính sáng tạo trong quá trình tổ chức các hoạt động.

Câu hỏi 2. Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 có những điểm nào mới, ưu việt?

Trả lời:

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 có những điểm mới, ưu việt nổi bật sau:

  • Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục nhưng có cả sách giáo khoa và sách giáo viên.
  • Các hoạt động trong sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 được thiết kế theo Lí thuyết học tập trải nghiệm vận dụng vào hoạt động giáo dục theo 4 bước: Khám phá – Kết nối – Thực hành – Vận dụng, trong đó bước Thực hành và Vận dụng được đặc biệt coi trọng nhằm đảm bảo phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
  • Nội dung sách đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính thực tiễn, tính lôgic và phù hợp với đặc trưng của Hoạt động trải nghiệm.
  • Yêu cầu cần đạt trong chương trình được thể hiện nhất quán qua nội dung của 3 loại hình hoạt động: Sinh hoạt dưới cờ, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Sinh hoạt lớp. Các nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi hoạt động rõ ràng, cụ thể, thể hiện rõ tính trải nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học, tự rèn luyện của học sinh.
  • Nhiều nội dung về giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn đã được tích hợp, lồng ghép vào các chủ đề trong sách giáo khoa.
  • Phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần rèn luyện cho học sinh những năng lực cốt lõi, năng lực đặc thù và phẩm chất cần thiết quy định trong chương trình.
  • Ngôn ngữ được sử dụng trong sách giáo khoatrong sáng, dễ hiểu, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh lớp 6.
  • Hình thức trình bày đẹp. Sách được in 4 màu trên giấy trắng, dày. Các hình ảnh trong sách được thiết kế đảm bảo tính mĩ thuật, phù hợp với nội dung của hoạt động, trình độ của học sinhvà thực tiễn Việt Nam. Kênh chữ, kênh hình được kết hợp hài hòa, sinh động và hấp dẫn, có tác dụng khơi dậy hứng thú hoạt động và phát triển tư duy cho học sinh.

Câu hỏi 3. Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 được cấu trúc như thế nào?

Trả lời:

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 được cấu trúc thành 9 chủ đề. Mục tiêu của từng chủ đề được chuyển hóa từ yêu cầu cần đạt và bám sát yêu cầu cần đạt trong chương trình. Ba loại hình hoạt động trong mỗi tuần đều xoay quanh một trục nhằm thực hiện mục tiêu đã xác định.

Các chủ đề được sắp xếp theo trình tự các mạch nội dung trong chương trình nhằm đảm bảo tính lôgic, tính hệ thống của sách, đồng thời đảm bảo sự liên thông ngang với một số môn học có liên quan chặt chẽ với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 như môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử và Địa lí,... Riêng nội dung về xây dựng nhà trường được chuyển lên chủ đề 1 cho phù hợp với thực tế.

Cuối sách giáo khoa có bảng giải thích thuật ngữ nhằm giải thích một số thuật ngữ được sử dụng trong sách giáo khoa.

Câu hỏi 4. Cấu trúc chủ đề của sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 có gì khác biệt so với cấu trúc chủ đề các môn học?

Trả lời:

Mỗi chủ đề trong sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 được thực hiện trong 4 tuần. Riêng chủ đề 9 thực hiện trong 3 tuần. Mỗi tuần đều thực hiện 3 loại hình hoạt động:

  • Sinh hoạt dưới cờ: là hoạt động tổ chức chung cho học sinh toàn trường, được thực hiện vào ngày đầu tuần.
  • Hoạt động giáo dục theo chủ đề:Là hoạt động trọng tâm của hoạt động trải nghiệm và diễn ra sau hoạt động Sinh hoạt dưới cờ. Nội dung của Hoạt động giáo dục theo chủ đề được kết nối với nội dung Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp trong tuần. Hoạt động giáo dục theo chủ đề được cấu trúc theo 4 bước: Khám phá - Kết nối - Thực hành - Vận dụng (Hoạt động sau giờ học).

Trong sách giáo khoa, bước Khám phá và bước Kết nối được ghép với nhau thành bước Khám phá - Kết nối nhằm thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa hai bước này.

  • Sinh hoạt lớp: Là hoạt động tổ chức tại lớp, được thực hiện vào cuối tuần để học sinh chia sẻ kết quả thực hiện hoạt động vận dụng và cảm nhận của bản thân khi tham gia các hoạt động.

Các loại hình hoạt động trên đều được tổ chức thực hiện theo phương thức trải nghiệm

- Đánh giá chủ đề: Được thực hiện vào giờ sinh hoạt lớp ở tuần thứ tư của mỗi chủ đề. Các chỉ báo đánh giá được xây dựng dựa vào mục tiêu của chủ đề, bao gồm các chỉ báo định tính và định lượng. Việc đánh giá được thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDDT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT.

Câu hỏi 5. Trong sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6, Hoạt động giáo dục theo chủ đề là loại hình hoạt động mới. Vậy, cấu trúc của loại hình hoạt động này có gì khác so với cấu trúc bài học của các môn học?

Trả lời:

Theo Khung kế hoạch bài dạy trong Công văn số 5512/ BGD ĐT ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Bộ GDĐT, cấu trúc bài học của các môn học bao gồm 4 hoạt động chủ yếu là : Mở đầu - Hình thành kiến thức mới - Thực hành - Vận dụng. Về cơ bản, Hoạt động giáo dục theo chủ đề cũng được cấu trúc thành 4 hoạt động nhưng do đặc thù của hoạt động trải nghiệm nên nội hàm cấu trúc của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 có những điểm khác biệt cơ bản như sau:

- Hoạt động Khám phá (tương ứng với hoạt động mở đầu) được tổ chức thực hiện nhằm khai thác những hiểu biết học sinh đã tiếp thu được qua các môn học và kinh nghiệm học sinh đã có qua trải nghiệm thực tế.

- Hoạt động Kết nối (tương ứng với hoạt động hình thành kiến thức mới của các môn học). Ở hoạt động này trong sách giáo khoa không cung cấp kiến thức mới như các môn học mà yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ để kiến tạo, hình thành tri thức mới, kinh nghiệm mới trên cơ sở kết nối với những tri thức, kinh nghiệm đã có.

- Hoạt động thực hành: Hoạt động này được tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện cho học sinh vận dụng những tri thức mới, kinh nghiệm mới để giải quyết những tình huống, những vấn đề có thể gặp trong cuộc sống. Qua đó, củng cố, kiểm nghiệm và hiểu được ý nghĩa thực tiễn của những tri thức mới, kinh nghiệm mới, đồng thời khai thác cảm xúc tích cực của học sinh khi thực hành giải quyết vấn đề.

- Hoạt động vận dụng: Hoạt động này được thực hiện ở hoạt động sau giờ học nhằm giúp học sinh vận dụng những kinh nghiệm mới đã tiếp thu được vào hoạt động thực tiễn trong gia đình, cộng đồng, nhà trường. Qua đó, rèn luyện kĩ năng, hình thành năng lực, phẩm chất theo mục tiêu đã xác định.

Câu hỏi 6. Những yêu cầu cơ bản của phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thể hiện trong sách giáo khoa như thế nào?

Trả lời:

- Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; làm cho mỗi học sinh đều sẵn sàng tham gia trải nghiệm tích cực.

- Tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống; hình thành, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm.

- Tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ, phân tích, khái quát hoá những trải nghiệm để kiến tạo kinh nghiệm, kiến thức và kĩ năng mới.

- Lựa chọn linh hoạt, sáng tạo các phương pháp giáo dục phù hợp.

Câu hỏi 7. Những phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục cụ thể nào đã được thể hiện trong sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6?

Trả lời:

Trong sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6, cùng với việc thể hiện những phương pháp giáo dục truyền thống như: phương pháp trực quan, phương pháp vấn đáp, phương pháp thực hành…., nhiều phương pháp, hình thức giáo dục tích cực, mang tính trải nghiệm cao đã được đưa vào nội dung các hoạt động như: phương pháp nghiên cứu tình huống, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp thảo luận, phương pháp học theo dự án, phương pháp sắm vai, phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình, hình thức tham quan, trải nghiệm thực tế, diễn đàn, toạ đàm, giao lưu, tranh biện,… Sử dụng các phương pháp, hình thức giáo dục được thể hiện trong sách giáo khoa, giáo viên đã thực hiện được yêu cầu đa dạng hoá phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động, qua đó giúp học sinh hoàn thành được mục tiêu hoạt động đồng thời tạo được sự hấp dẫn và thu hút sự tham gia của học sinh. Tuy nhiên, như trên đã nêu, sách giáo khoa được biên soạn theo hướng mở để giáo viên có thể linh hoạt đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục. Do đó, trong quá trình lập kế hoạch bài dạy cũng như triển khai tổ chức các hoạt động trên lớp, giáo viên có thể thay đổi các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ, khả năng nhận thức của học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em khi tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Câu hỏi 8. Yêu cầu kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh khi tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 có được thể hiện trong sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 không?

Trả lời:

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 là hoạt động giáo dục, được đánh giá bằng hình thức nhận xét ở 2 mức độ: Đạt yêu cầu và Chưa đạt yêu cầu (theo Thông tư 26/ 2020/ TT- BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/ 2011/ TT- BGDĐT). Trong sách giáo khoa, hoạt động đánh giá được thực hiện vào cuối mỗi chủ đề nhằm đánh giá mức độ đạt được về năng lực, phẩm chất của học sinh so với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chủ đề. Học sinh dựa vào các tiêu chí/ chỉ báo đánh giá để tự đánh giá và đánh giá.

Về hình thức đánh giá: Kết hợp tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng của học sinh với đánh giá của giáo viên. Sự kết hợp này được thực hiện theo 3 hình thức: đánh giá cá nhân - Đánh giá đồng đẳng - Đánh giá trong lớp.

Về phương pháp đánh giá: Phương pháp đánh giá chủ yếu là phương pháp kiểm tra, đánh giá qua lời nói, sản phẩm và phương pháp quan sát.

Câu hỏi 9. Khi lập kế hoạch bài dạy cho Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6, giáo viên có nhất thiết phải theo đúng nội dung hướng dẫn trong sách giáo viên không?

Trả lời:

Khi lập kế hoạch bài dạy cho từng loại hình hoạt động (hay còn gọi là giáo án), giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung trong sách giáo khoa và hướng dẫn trong sách giáo viên để xác định:

+ Mục tiêu, bao gồm mục tiêu về kiến thức, về năng lực, về phẩm chất.

+ Thiết bị dạy học và học liệu mà giáo viên và học sinh cần chuẩn bị.

+ Các nội dung chủ yếu và phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động trong tiết học. Nội dung trong kế hoạch, nhất là kế hoạch Hoạt động giáo dục theo chủ đề phải thể hiện được 4 bước của chu trình học qua trải nghiệm. Khi soạn bài, chú ý đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động nhằm tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động.

+ Nội dung tổng kết hoạt động.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình là pháp lệnh, nhà trường và giáo viên phải theo đó thực hiện đúng. Sách giáo viên là tài liệu hỗ trợ cho giáo viên thực hiện được yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình. Do đó, điều quan trọng nhất khi lập kế hoạch bài dạy là giáo viên phải bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Còn đối với nội dung hướng dẫn tổ chức hoạt động trong sách giáo viên, giáo viên có quyền chủ động điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn, nhất là phương tiện, đồ dùng dạy học và phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 5.325
0 Bình luận
Sắp xếp theo