Hỏi đáp về sách Âm nhạc lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 6 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Âm nhạc lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Âm nhạc lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu hỏi 1. Xin được biết những điểm chung nhất về sách giáo khoa Âm nhạc 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống?

Trả lời:

Sách giáo khoa Âm nhạc 6 ( SGKAN 6) được biên soạn bám sát Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26 tháng 12 năm 2018; Và thông tư 33 bàn hành ngày 22 tháng 12 năm 2017 về tiêu chuẩn biên soạn Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nội dung của sách đã triển khai 06 mạch được qui định tại Chương trình môn học Âm nhạc, cụ thể:

- Hát

- Nghe nhạc

- Đọc nhạc

- Nhạc cụ, bao gồm: nhạc cụ tiết tấu và nhạc cụ giai điệu.

- Lý thuyết âm nhạc

- Thưởng thức Âm nhạc, bao gồm : Tìm hiểu nhạc cụ, Tác giả tác phẩm, Hình thức biểu diễn, Âm nhạc và đời sống.

Trong đó, nội dung nhạc cụ tiết tấu và nhạc cụ giai điệu là mạch nội dung hoàn toàn mới so với chương trình hiện hành. Cấu trúc các bài học dược thiết kế theo các chủ đề. Đồng thời cũng có sự kết nối và tích hợp các mạch nội dung của chương trình môn học và các lĩnh vực gần gũi trong đời sống, để hướng tới mục tiêu giáo dục và phát triển phẩm chất, năng lực cho HS.

Câu hỏi 2. Khi tiếp cận với cuốn sách Âm nhạc 6 của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” chúng tôi thấy cấu trúc của sách viết theo chủ đề, dung bài học phong phú, hình thức trình bày và màu sắc đẹp, đảm bảo tính thẩm mĩ. Sách bao gồm 8 chủ đề, cấu trúc mỗi chủ đề bao gồm 4- 5 nội dung. Vậy xin cho hỏi số tiết dành cho mỗi chủ đề là bao nhiêu để triển khai phù hợp với quĩ thời gian 35 tiết của khung chương trình môn học.

Trả lời:

Sách Âm nhạc 6 biên soạn theo cấu trúc của SGK phát triển năng lực, được thiết kế gồm 8 chủ đề và chia thành hai nhóm cấu trúc: nhóm cấu trúc 1 gồm chủ đề 1,3,5,7, nhóm cấu trúc 2 gồm các chủ đề 2,4,6,8. Mỗi chủ đề dự kiến 3- 4 tiết, cộng với phần ôn tập đánh giá định kì sau các chủ đề 4 (HK1) sau chủ đề 8 (HK 2), đảm bảo tổng thời lượng là 35 tiết theo qui định của chương trình. Tiêu đề và ngữ liệu của mỗi bài học đều được khai thác từ những hình ảnh, chất liệu gần gũi trong cuộc sống. Các hoạt động được thiết kế đa dạng có tính đến đặc điểm tâm lý, lứa tuổi nên hấp dẫn và hứng thú với học sinh.

Câu hỏi 3. Khi xem sách chúng tôi thấy cấu trúc của mỗi chủ đề đều có từ 4 - 6 nội dung, mở đầu luôn bằng bài hát và kết thúc là mục Vận dụng- Sáng tạo. Vậy cách triển khai từng tiết học ở mỗi chủ đề sẽ triển khai như thế nào? Xin cho biết?

Trả lời:

Ở SGK ÂN 6, mỗi chủ đề đều mở đầu bằng bài hát và kết thúc là mục Vận dụng- Sáng tạo (VD- ST). Khi triển khai các nội dung của chủ đề, các giáo viên (GV) có thể linh hoạt, chủ động chọn một trong những nội dung (trừ toàn bộ nội dung mục Vận dụng – Sáng tạo) để triển khai độc lập ở tiết 1.Thông thường, tiết 1 sẽ dạy bài hát hoặc có thể là bài đọc nhạc, sau đó ở các tiết 2, 3 hay tiết 4 sẽ kết nối các nội dung còn lại như: đọc nhạc/ Lý thuyết âm nhạc/ nhạc cụ/ nghe nhạc hay giới thiệu nhạc cụ (tùy theo cấu trúc và các nội dung cụ thể ở từng chủ đề) với cách thức vừa dạy vừa kết hợp ôn tập ở các tiết tiếp theo. Những chủ đề có nội dung Lý thuyết âm nhạc luôn được triển khai gắn kết/ lồng ghép với bài hát, bài đọc nhạc... để giúp cho GV thuận lợi trong triển tổ chức dạy học, HS dễ dàng tiếp cận với nội dung bài học, và nhất là, việc vận dụng- sáng tạo các kiến thức của bài học ngay sau khi được học. Điểm lưu ý là: khi thiết kế các bài dạy, GV phải bám sát cấu trúc bài học phát triển năng lực theo các thành phần: Mở đầu (nhận diện) – Kiến thức mới ( khám phá)- Luyện tập ( thực hành – luyện tập) – Vận dụng- sáng tạo.

Với mục Vận dụng – Sáng tạo ở cuối chủ đề thường gồm 3 câu, tương ứng với 3 mức độ của khung năng lực (Biết; Hiểu; Vận dụng - sáng tạo). Do đó, tùy theo nội dung và yêu cầu của từng tiết, khi thiết kế bài dạy, GV có thể lựa chọn các câu ở mục VD - ST để lồng ghép vào nội dung phù hợp ở các tiết học. Cách triển khai nội dung bài học của sách bám sát với yêu cầu HS biết vận dụng, sáng tạo những hiểu biết, kiến thức đã được học ở chủ đề vào giải quyết các nhiệm vụ của bài học và kết nối tri thức với cuộc sống. GV cần thiết kế và tổ chức sinh động, hấp dẫn các hoạt động dạy - học ở mỗi bài học, những cảm xúc tươi mới, những hoạt động phù hợp với khả năng của HS sẽ giúp các em ngày càng thêm yêu thích, hứng thú, phát triển các phẩm chất và năng lực âm nhạc của cá nhân qua môn học.

Câu hỏi 4:

Xin cho biết, để triển khai dạy học theo tinh thần của bộ sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ hỗ trợ giáo viên như thế nào về nguồn tư liệu, học liệu, tài nguyên số để triển khai hiệu quả sách giáo khoa Âm nhạc 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống?

Trả lời:

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ cung ứng các học liệu, tư liệu hình ảnh, nhạc cụ, video clip, file mp3, mp4… theo các mạch nội dung ở mỗi chủ đề. Các gợi ý về phương án tổ chức các tiết học/ các bài học ở SGV, vở bài tập để GV tham khảo trong khi thiết kế và tổ chức hoạt động dạy - học. (Tham khảo phần hướng dẫn tổ chức dạy học câu 1, 2, 3 mục VDST CĐ 1– SGV).

Việc cung cấp hệ thống học liệu phong phú sẽ hỗ trợ giáo viên rất tiện ích và sẽ giảm bớt các thao tác cơ học, giúp GV dành được nhiều thời gian của tiết học vào tổ chức các hoạt động cho HS. Đặc biệt, với kinh nghiệm và vốn tri thức nền tảng của HS từ bậc tiểu học, khi hệ thống học liệu điện tử cung cấp đồng bộ với SGK giấy, HS lớp 6 có thể chủ động tra cứu, tự học qua SGK điện tử và các kênh/ trang thông tin của chuyên ngành.

Câu hỏi 5: Nội dung Hát ở các chủ đề của SGK ÂN 6 được thiết kế bao gồm các lệnh hoạt động, các yêu cầu về nội dung và hệ thống câu hỏi. Xin cho biết cách triển khai tổ chức dạy học như thế nào để đúng với quan điểm dạy học phát triển năng lực?

Trả lời:

Để tổ chức hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu dạy hát theo yêu cầu phát triển năng lực, GV cần dựa trên sự gợi ý từ các câu hỏi/ câu lệnh/ các hình ảnh minh hoạ ở SGK để thiết kế/ tổ chức các hoạt động/ trò chơi, tạo cho HS sự hứng thú, tích cực tương tác với giáo viên/ tự khám phá nội dung lời ca, tiết tấu. Ngoài việc sử dụng các câu hỏi ở sách giáo khoa/ các câu hỏi khác phù hợp với mặt bằng thực tế của HS để gợi ý và khuyến khích HS cùng tương tác với GV trong khi chia câu, đoạn lời ca và cảm nhận nội dung và giai điệu của bài hát trước khi vào học hát.

Khi dạy hát, ngoài việc tiến hành theo qui trình đặc thù của môn học, GV cần lưu ý phân hoá học sinh theo khả năng để đưa ra các yêu cầu/ nhiệm vụ phù hợp. Từ đó sẽ giúp HS tự tin và phát triển năng lực thể hiện và cảm thụ âm nhạc trong khi học hát theo khả năng tiềm ẩn và sở trường của mình. Với các nhóm/ cá nhân HS còn hạn chế về một trong những năng lực của môn học, GV sẽ có sự hướng dẫn/ hỗ trợ học sinh khắc phục các lỗi sai, những phần còn hạn chế của mỗi học sinh. GV cần tích cực và sáng tạo khai thác các động tác vận động cơ thể để giúp các HS hạn chế về khả năng hát sẽ có nhiều cơ hội thể hiện các động tác vận động cơ thể trong bài tập tổ hợp mà GV đưa ra yêu cầu.

Trong tiến trình dạy học của chủ đề, ngay khi HS đã hát thành thục bài hát, GV cần khích lệ, động viên HS suy nghĩ để đưa ra các ý kiến/ phương án/ ý tưởng mới để thể hiện bài hát theo cách cảm nhận của cá nhân hay là phương án thống nhất sau khi thảo luận với nhóm. Dạy học phát triển năng lực, coi trọng học tích cực, học nhóm, học hợp tác và tôn trọng các ý kiến tranh luận/ phản biện của mọi HS.

Câu hỏi 6: Nội dung đọc nhạc không phải là nội dung mới ở SGK ÂN 6. Vậy xin cho biết cách triển khai dạy nội dung đọc nhạc sẽ có những điểm gì khác/ mới để đáp ứng yêu cầu dạy học của SGK ÂN phát triển năng lực.

Trả lời:

Cấu trúc và nội dung Đọc nhạc ở các bài của SGK ÂN 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã được thể hiện tường minh và thống nhất trong toàn bộ sách. Do đó, ngoài việc triển khai theo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đặc thù của môn học, tuỳ theo nội dung của bài và khả năng thực tế của HS, GV cần khai thác các câu hỏi/ tình huống/ trò chơi/ bài tập trả lời ngắn... tạo sự hấp dẫn và hứng thú cho HS trước khi vào bài học. Đồng thời, cũng khai thác và phát huy các tri thức, kinh nghiệm đã có của HS, để giúp các em tự tin trình bày/ trả lời các câu hỏi về những kiến thức đã biết, VD: tên nốt và cao độ, giá trị trường độ, loại nhịp..., đồng thời, HS cũng phát hiện các nội dung/ kiến thức mới cần khám phá, luyện tập theo quan điểm của dạy học “tự phát hiện”, tiếp nối, GV tổ chức các hoạt động luyện tập, vận dụng... ( tập thể/ nhóm/ căp đôi/ cá nhân) đa dạng để HS cùng khám phá - kiến tạo - vận dụng các tri thức vào giải quyết nhiệm vụ của bài học, vào thực tiễn đời sống, phát triển các phẩm chất và năng lực chung phù hợp với nội dung của từng bài. (Tham khảo chủ đề 2, 5 –SGK và SGV ÂN 6).

Câu hỏi 7: Nhạc cụ là nội dung mới, xin cho biết khi tổ chức hoạt động dạy học nội dung Nhạc cụ ở SGKAN 6 như thế nào để đảm bảo yêu cầu của CT môn học gắn với phát triển các năng lực âm nhạc của mỗi HS?

Trả lời:

Nội dung dạy học nhạc cụ với nhạc cụ tiết tấu và nhạc cụ giai điệu ở SGK ÂN 6 đã được triển khai nối tiếp theo tính hệ thống của SGK ÂN bộ Kết nối tri thức với cuộc sống ở bậc Tiểu học.

Nhạc cụ tiết tấu: ở SGK ÂN 6 đã tiếp tục triển khai các nhạc cụ đã học ở bậc tiểu học. Về nội dung cụ thể ở mỗi bài đã có yêu cầu mở rộng việc gõ đệm nhạc cụ đơn bè với việc kết hợp và hoà tấu 2- 3 nhạc cụ để gõ đệm cho bài hát/ bài đọc nhạc/ bài nghe nhạc. Tuỳ theo tính chất của mỗi bài, sách đã đưa ra các âm hình tiết tấu, các nhạc các cụ/ các bè gõ đệm. Tiến trình dạy học được gợi ý khá cụ thể và cũng có hướng mở ở SGV để hỗ trợ GV thuận tiện trong việc dạy học nội dung nhạc cụ tiết tấu.

Nhạc cụ giai điệu: Nội dung nhạc cụ giai điệu của sách đã triển khai tiếp nối hai nhạc cụ Recorder và Kèn Phím (Pianika) đã được triển khai ở bậc tiểu học đối với các trường sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. ( Lưu ý : ND nhạc cụ giai điệu được triển khai ở những địa phương có đủ điều kiện và chỉ triển khai dạy học một trong hai nhạc cụ trên). Do đó, ngay ở chủ đề 2 ( bài đầu có nội dung nhạc cụ giai điệu) sách đã biên soạn nội dung ôn tập những kiến thức và yêu cầu HS đã được học theo chương trình ở bậc tiểu học để giúp các GV tổ chức hoạt động luyện tập cho HS trước khi học tiếp các nội dung mới.

Thực tế cũng sẽ có những trường HS chưa được học nhạc cụ giai điệu recorder và kèn phím trên ở bậc tiểu học, thì những kiến thức cơ bản đấu tiên của nội dung nhạc cụ cũng cung cấp đầy đủ để GV và HS cùng bắt đầu từ bài học đầu tiên. Phần trình bày ở trang sách cũng tách riêng nội dung và yêu cầu của từng loại nhạc cụ để GV và HS cùng dễ dàng theo dõi và thực hiện. Phần hướng dẫn GV tổ chức dạy học nhạc cụ giai điệu cũng được thể hiện rõ ở SGV.

( Tham khảo chủ đề 2, 5, 8 – SGK ÂN 6)

Câu hỏi 8. . Xin các tác giả làm rõ những điểm mới về phương pháp dạy học mạch nội dung Thường thức âm nhạc ở SGK ÂN 6.

Trả lời:

Nội dung thường thức âm nhạc ở SGK Âm nhạc 6 bao gồm 4 nội dung, đó là: Giới thiệu nhạc cụ, Tác giả tác phẩm, Hình thức biểu diễn, Âm nhạc và đời sống.

Về cơ bản, qui trình và phương pháp dạy học vẫn kế thừa những điểm phù hợp, tôn trọng tính đặc thù của của việc dạy học và giáo dục nghệ thuật ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý với GV là việc dạy học các nội dung này cần có sự kết nối ở nội môn và tích hợp với các nội dung của các môn học/ lĩnh vực khác một cách phù hợp. Một số điểm lưu ý khi triển khai dạy học đó là:

- Nội dung giới thiệu nhạc cụ: Ngoài việc tiến hành các bước dạy học theo trình tự như hiện hành, GV nên tăng cường thời lượng nghe và cảm nhận âm sắc, tiết tấu của nhạc cụ khi nghe/ xem biểu diễn các tác phẩm và cảm thụ qua việc gõ đệm/ vận động theo nhịp điệu âm nhạc. Khuyến khích GV sử dụng nhạc không lời để phát triển khả năng cảm nhận, óc tưởng tượng, sự sáng tạo và hình thành thị hiếu, thẩm mĩ âm nhạc cho mỗi HS.

- Về nội dung Âm nhạc và đời sống:

Sách đã lựa chọn và khai thác các thể loại/ tác phẩm/chân dung nhạc sĩ tiêu biểu và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Do đó, triển khai dạy học, GV cần linh hoạt về phương pháp và cách thức tiếp cận để tạo cơ hội cho HS trải nghiệm, liên kết các hiểu biết chung, các kiến thức của môn học với nội dung cụ thể của bài học.

- Về nội dung Tác giả tác phẩm & Hình thức biểu diễn, GV lưu ý thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học đề cao tính thực hành/ cảm thụ và gắn với các nhiệm vụ cụ thể, đa dạng để giúp HS hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực âm nhạc của cá nhân, khả năng giao tiếp và hợp tác với thầy cô, bạn bè. GV cần khai thác, gợi mở để HS tự khám phá qua SGK, tư liệu hỉnh ảnh/ âm thanh/ các nhân vật, mạnh dạn chia sẻ các kinh nghiệm đã có của HS,... để xâu chuỗi được gì đã quan sát/ trải nghiệm với những hiểu biết/ kiến thức mới của bài học,... từ đó giúp HS hiểu, thực hành/ thể hiện theo yêu cầu chung của bài học và sau đó là sự vận dung- sáng tạo ( cho dù ở mức độ ít nhiều).

Câu hỏi 9. Xin cho hỏi ở những địa phương/ vùng miền còn nhiều khó khăn và điều kiện về các phương tiện, thiết bị hạn chế,...chúng tôi sẽ phải làm như thế nào để triển khai dạy học theo Chương trình và SGK lớp 6 mới?

Trả lời:

Trước hết SGK Âm nhạc 6 là tài liệu minh họa về cách cấu trúc, thiết kế các chủ đề/ bài học bám sát mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt qui định ở Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, do đó, GV được phép linh hoạt lựa chọn, thiết kế các nội dung (có thể thay đổi ngữ liệu nào đó ở sách nhưng phải đảm bảo tính khoa học của chương trình môn học, phù hợp với HS và thẩm mĩ âm nhạc) phương pháp, hình thức và các điều kiện về phương tiện, thiết bị ở địa phương thay thế (nếu cần) để thiết kế các kế hoach dạy học phù hợp với HS. GV có thể điều chỉnh tăng/ giảm số tiết ở những chủ đề đầu năm để phù hợp với mặt bằng của HS nhưng vẫn đảm bảo tổng thời lượng chung theo kế hoạch môn học.

Nếu địa phương gặp khó khăn về các điều kiện về điện, máy tính, mạng internet,... không sử dụng được nguồn học liệu điện tử, chúng tôi có những hướng dẫn GV sử dụng các vật liệu tự nhiên có trong đời sống như: tranh ảnh/ tình huống/ câu chuyện/ bài hát. Các nhạc cụ tự chế như: đũa/ thìa/ ống bơ/ chai nhựa tái sử dụng, thước kẻ, chìa khóa, vỏ quả dừa, dùng tay búng/ vỗ vào bàn học, vận động cơ thể ( đi, chạy, nhún nhảy, … để HS tạo ra âm thanh theo các âm hình tiết tấu, nhịp điệu của bài hát/ đọc nhạc/ vận động theo nhịp điệu âm nhạc.

Câu hỏi 10. Việc đánh giá năng lực của HS theo chương trình SGK Âm nhạc lớp 6 có điểm gì mới?

Trả lời:

Quy trình đánh giá và xếp loại kết quả học tập của HS bám sát những qui định tại Chương trình môn học âm nhạc 2018 và thông tư 26 ban hành ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có một số điểm mới lưu ý sau:

- Điểm mới về nội dung:

HS được lựa chọn một trong các nội dung đã học theo năng lực của mình để tham gia đánh giá.

Điểm mới về hình thức:

HS có thể thực hiện các nội dung đánh giá ở hình thức cá nhân, nhóm.

Coi trọng đánh giá thường xuyên (quá trình) kết hợp với đánh giá định kì.

Khi đánh giá thường xuyên: GV cũng dựa trên các mức độ hoàn thành để đánh giá năng lực của HS ( theo qui định của chương trình). GV lưu giữ kết quả nắm bắt được sự tiến bộ của HS trong quá trình để khuyến khích HS, hoặc nắm được những điểm hạn chế của HS để động viên và đưa ra các biện pháp giúp HS khắc phục.

Đánh giá căn cứ vào 3 mức độ của khung năng lực môn học - Chương trình môn học âm nhạc như sau:

- Mức độ 1: Hoàn thành tốt

- Mức độ 2: Hoàn thành

- Mức độ 3: Chưa hoàn thành

Ví dụ: Nội dung đánh giá ở Chủ đề 1 ở SGK Âm nhạc 6 được triển khai cụ thể như sau:

Mức 1: Biết

+ Biết hát theo lời ca và giai điệu của bài hát Con đường học trò

+ Biết đọc bài đọc nhạc số 1 kết hợp vỗ tay/ gõ đệm theo phách

+ Nhớ dược các thuộc tính cơ bản của âm thanh âm nhạc

+ Nhớ tên và mô tả được cách chơi đàn Piano

Mức 2: Hiểu

+ Hát đúng lời ca, giai điệu bài hát Con đường học trò, thể hiện được cảm xúc vui tươi, hồn nhiên khi hát; Biết kết hợp vỗ tay theo nhịp, vận động cơ thể theo nhịp điệu của bài hát kết hợp nhịp nhàng với nhạc đệm.

+ Đọc đúng cao độ, trường độ, sắc thái của bài đọc nhạc; biết đọc kết hợp đánh nhịp 2/4

+ Nhận ra các yếu tố của âm thanh âm nhạc khi xem/ nghe bài hát/ bản nhạc

Mức độ 3: Vận dụng - Sáng tạo

+ Biết phối hợp với nhóm/ cặp đôi khi biểu diễn bài hát Con đường học trò với các hình thức được học và có những ý tưởng sáng tạo mới.

+ Biết vận dụng kiến thức Lý thuyết âm nhạc đã học để giải quyết bài tập vận dụng

+ Biết ứng tác lời ca theo định hướng của chủ đề và chất liệu âm hình tiết tấu khai thác trong bài hát.

+ Tích cực chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ bạn trong các hoạt động học và biểu diễn ở nhà trường và cộng đồng.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
5 2.646
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm