Hỏi đáp về sách Toán lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa Toán lớp 6 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Toán lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Toán lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu hỏi

Trả lời

1. Nội dung trong sách Toán 6 có điểm gì khác so với sách Toán 6 theo CT 2000?

SGK Toán 6 được xây dựng bám sát chương trình môn Toán trong CTGDPT 2018. Nội dung được xây dựng xoay quanh theo ba mạch kiến thức: Số và Đại số, Hình học và Đo lường, Thống kê và Xác suất.

+ Mạch Số và Đại số có vài điều chỉnh nhỏ như chưa đề cập giá trị tuyệt đối, các phép toán về số thập phân được chú ý hơn, nhất là nhân và chia.

1. Tập hợp: Sử dụng được cách cho tập hợp, không nêu yêu cầu về giao của hai tập hợp.
2. Số tự nhiên: Biểu diễn số tự nhiên trong hệ thập phân và (quan hệ) thứ tự trong tập các số tự nhiên. Vận dụng các tính chất của phép cộng và nhân số tự nhiên trong tính toán, nhất là tính nhẩm, tính nhanh hợp lí. Giải quyết một số vấn đề thực tiễn nhờ tính toán số tự nhiên.

3. Số nguyên: Chưa đề cập giá trị tuyệt đối; Vận dụng các tính chất của phép cộng và nhân số nguyên trong tính toán, nhất là tính nhẩm, tính nhanh hợp lí. Giải quyết một số vấn đề thực tiễn nhờ số nguyên.
4. Phân số và số thập phân: Chỉ đề cập hỗn số dương. Các phép toán về số thập phân được chú ý hơn, nhất là nhân và chia, do ở Tiểu học, HS chỉ học tính toán số thập phân ở mức hạn chế: nhân, chia cho “các số thập phân có không quá hai chữ số khác 0 ở dạng: 0,a và 0,ab”, và do yêu cầu của thực tiễn đời sống. Ngoài ra, vấn đề làmtròn số thập phân và ước lượng trong tính toán, đo lường cũng được chú trọng.

+ Mạch Hình học và Đo lường gồm HH trực quan là nội dung mới và tiếp nối từ Tiểu học và HH phẳng là bắt đầu có suy luận.

1. Hình học phẳng: Không đưa vào các khái niệm góc kề, hai góc phụ nhau, hai góc kề bù, tia phân giác, đường tròn, tam giác.

2. Hình học trực quan: Đây là một yêu cầu hoàn toàn mới mẻ ở lớp 6, cả về nội dung kiến thức lẫn phương pháp tiếp cận.

• Về kiến thức, chương trình yêu cầu HS nhận dạng được tam giác đều, lục giác đều và một số tứ giác đặc biệt như: hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành, hình thoi, hình thang cân; mô tả một số yếu tố cơ bản trong các hình đó (thực chất là vài tính chất của các yếu tố như cạnh, góc, đường chéo, chu vi, diện tích); nhận biết tính đối xứng (đối xứng trục và đối xứng tâm) và vai trò của những hình có tính đối xứng trong thế giới tự nhiên khi quan sát trên hình ảnh 2 chiều.

• Về phương pháp tiếp cận, chương trình không đòi hỏi suy luận, tư duy Toán học chặt chẽ, nhưng rất coi trọng kết nối với đời sống thực tế, và coi trọng thực hành như: lắp ghép hình, sử dụng các công cụ học tập để vẽ hình, cắt giấy,...

+ Mạch Thống kê và Xác suất là nội dung mới và tiếp nối từ Tiểu học.

2. SGK Toán 6 có điểm gì nổi bật?

Các điểm nổi bật của SGK Toán:

1. Giúp HS yêu thích môn Toán và hứng thú học tập Toán:

- Sách được thiết kế với màu sắc tươi sáng, hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi.

- Trong bài học có sự đồng hành của ba nhân vật Tròn, Vuông, và anh Pi làm tăng hiệu ứng tương tác, gần gũi, giúp việc học tập trở nên vui vẻ, hấp dẫn.

2. Giúp GV chuẩn bị bài dạy dễ dàng và nhanh chóng: Việc thiết kế bài học dưới dạng các hoạt động giúp GV dễ triển khai và tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài học.

3. Đảm bảo tính vừa sức: Hệ thống bài tập đảm bảo tính vừa sức nhưng không bỏ qua phân hóa, tăng cường bài tập vận dụng.

4. Đảm bảo tích hợp nội môn, liên môn; tăng cường ứng dụng Toán học trong thực tiễn.

5. Góp phần phát triển các năng lực môn Toán học

3. Giáo viên có cần tuân theo đúng phân phối chương trình của sách Toán 6 khi giảng dạy không?

PPCT của sách Toán 6 chỉ là một gợi ý thực hiện nội dung dạy học để GV và nhà trường tham khảo chứ không bắt buộc phải tuân theo. Tùy theo trình độ học sinh và đặc điểm từng địa phương, GV và nhà trường có thể đề xuất kế hoạch dạy học cho phù hợp.

4. Cấu trúc mỗi bài học trong SGK Toán 6 thể hiện như thế nào?

Cấu trúc mỗi bài học tuân theo quy trình dạy học bốn bước: Khởi động -> Hình thành kiến thức -> Luyện tập -> Vận dụng.

- Ngay sau tên bài học, sách đưa ra Khái niệm, thuật ngữ và Kiến thức, kĩ năng rõ ràng cho mỗi bài học nhằm hình thành, phát triển năng lực tự học; đồng thời hỗ trợ trong việc kiểm tra, đánh giá.

- Mỗi bài học thường bắt đầu bằng một bài toán hoặc tình huống có vấn đề hay một đoạn dẫn dắt và kết nối giúp kích thích tư duy và dẫn dắt kiến thức.

- Hình thành kiến thức được thực hiện bởi hai cấu phần: Tìm tòi – Khám phá (HS tiếp cận kiến thức thông qua các hoạt động) và Đọc hiểu Nghe hiểu (HS tiếp nhận kiến thức thông qua nghe giảng và tự đọc).

- Luyện tập, củng cố được thực hiện bởi các cấu phần: Ví dụ, Luyện tập, Thực hành. Giúp học sinh củng cố kiến thức và hình thành kĩ năng giải toán.

- Cấu phần Vận dụng hướng đến việc ứng dụng các kiến thức và kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong thực tiễn, đồng thời tích hợp với môn học khác, tích hợp giáo dục STEM, giáo dục văn hóa,...

- Ngoài ra, hai cấu phần Tranh luận, Thử thách nhỏ giúp học sinh đào sâu suy nghĩ, phát triển năng lực giao tiếp và tư duy phản biện; góp phần làm phong phú hoạt động trong lớp học và gia tăng giá trị cho bài học.

5. SGK Toán 6 mới hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy như thế nào?

Nếu SGK trước đây chỉ trình bày kiến thức thì mỗi bài học trong SGK Toán 6 lại được thiết kế dưới dạng các hoạt động, tăng cường cho HS trải nghiệm và tuân theo quy trình dạy học bốn bước:

Mở đầu => Hình thành kiến thức => Luyện tập => Vận dụng.

Đây chính là cách để Toán 6 hỗ trợ GV đổi mới phương pháp dạy học, giúp GV dễ dàng chuẩn bị bài dạy và tổ chức dạy học hấp dẫn.

6. Các hoạt động trong sách có bắt buộc phải thực hiện hết ở trên lớp không?

Các hoạt động mở đầu, hình thành kiến thức thì nên thực hiện và có thể thay đổi chất liệu tuỳ giáo viên. Tuy nhiên các hoạt động vận dụng, tranh luận và thử thách nhỏ thì tùy thuộc vào trình độ HS, GV có thể chủ động giao cho học sinh về nhà học nhóm, tìm hiểu rồi báo cáo kết quả.

7. Thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống” thể hiện trong Toán 6 như thế nào?

Tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong SGK các môn học và hoạt động giáo dục của bộ sách này thể hiện qua thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Với thông điệp này, các tác giả thể hiện quan điểm đổi mới SGK theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực của người học, nhưng không xem nhẹ vai trò của kiến thức. Kiến thức trong SGK không chỉ cần hiểu và ghi nhớ, mà phải là “chất liệu” quan trọng hướng đến mục tiêu của giáo dục là giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực mà các em cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Trong SGK Toán 6 – CT 2018, nhiều nội dung các môn lịch sử, địa lí, văn học,... được lồng ghép không chỉ giúp HS cảm thấy sự gần gũi của toán học mà còn tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em.

8. Cách tiếp cận kiến thức trong sách Toán 6 có điểm gì đặc biệt?

SGK Toán 6 tiếp cận kiến thức đơn giản, trực quan, gắn với thực tiễn.

- Với các khái niệm, nội dung mới, sách TOÁN 6 lựa chọn con đường chủ yếu là:

Thực tiễn ® Trực quan ® Trừu tượng

Được cụ thể hóa bởi cấu phần Tìm tòi – khám phá: HS tiếp cận kiến thức thông qua hoạt động tìm tòi, khám phá.

- Với nhiều nội dung HS đã được học, được làm quen ở Tiểu học, sách TOÁN 6 chọn con đường tiếp cận là:

Trải nghiệm + Gợi nhớ điều đã học ® Phát triển kiến thức

Được cụ thể hóa bởi cấu phần Đọc hiểu – nghe hiểu: HS tiếp nhận kiến thức thông qua nghe giảng và tự đọc.

9. Dạy bài học cung cấp kiến thức mới như thế nào?

Có nhiều cấu trúc GV có thể áp dụng cho một bài học, tuy nhiên với mô hình dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, GV nên áp dụng cấu trúc giúp HS được trải nghiệm, tìm tòi khám phá. Chẳng hạn một cấu trúc 4 bước như sau:

- Hoạt động mở đầu.

- Hoạt động hình thành kiến thức mới.

- Hoạt động luyện tập, củng cố.

- Hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn.

SGK Toán 6 đã cố gắng thiết kế để GV có thể dễ dàng soạn theo cấu trúc trên. Với mỗi bài học, các cấu phần chính đã được viết theo hướng các chuỗi hoạt động như Tìm tòi khám phá; Đọc hiểu nghe hiểu; Hộp kiến thức; Luyện tập; Vận dụng... Kèm theo đó là cấu phần phụ với những giải thích hoặc cung cấp thêm những thông tin liên quan.

Khi dạy học bài cung cấp kiến thức mới, GV cần lưu ý thêm:

- Hoạt động mở đầu: Trong dạy học dựa trên trải nghiệm, giáo viên cần tạo ra các tình huống gợi vấn đề liên quan đến kiến thức mới để học sinh được trải nghiệm bằng cách huy động các kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tiễn để suy nghĩ, tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

- Hoạt động tìm tòi, khám phá: Qua hoạt động trải nghiệm, học sinh đã bước đầu tiếp cận được với kiến thức mới của bài học. Do đó, hoạt động phân tích – rút ra bài học cần phải được thiết kế với các hình thức tổ chức học tập phong phú giúp học sinh biết huy động kiến thức, chia sẻ và hợp tác trong học tập để thu nhận kiến thức mới. Sau khi học sinh đã phát hiện ra kiến thức mới, giáo viên là người chuẩn hoá lại kiến thức cho học sinh để rút ra hộp kiến thức.

- Hoạt động thực hành, luyện tập: Hoạt động này cần được thiết kế sao cho mỗi học sinh đều được tự mình giải quyết vấn đề rồi chia sẻ với bạn về cách giải quyết vấn đề. Khi thiết kế hoạt động này, GV cần xác định được những thuận lợi và khó khăn của học sinh, dự kiến được những tình huống học sinh cần sự trợ giúp trong học tập. Hoạt động này giúp học sinh củng cố kiến thức mới vừa học và huy động, liên kết với kiến thức đã có để thực hiện giải quyết vấn đề. GV cần tổ chức các hoạt động học tập phong phú để tránh sự nhàm chán cho học sinh.

- Vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn: GV có thể tổ chức cho học sinh vận dụng kiến thức bài học vào thực tiễn hoặc đưa ra yêu cầu, hoặc dự án học tập nhỏ để học sinh thực hiện theo cá nhân, nhóm.

10. Dạy học nội dung Hình học trực quan khác gì so với dạy học nội dung Hình học phẳng?

Việc dạy học nội dung Hình học trực quan có sự khác biệt so với nội dung Hình học phẳng.

- Hình học trực quan: học sinh được học hình học thông qua hình ảnh trực quan hoặc các dụng cụ (vật thật), … cùng với các thao tác quan sát, đo đạc, vẽ, gấp, cắt ghép hình, … chứ không có yếu tố suy luận. Trong CT 2018, toàn bộ nội dung hình học ở tiểu học là thuộc mạch nội dung Hình học trực quan.

- Hình học phẳng: học sinh tìm hiểu các hình hình học và quan hệ giữa chúng một cách đẩy đủ và chính xác hơn thông qua suy luận Toán học. Trong CT 2018, ở lớp 6, học sinh bước đầu được làm quen với suy luận Toán học trong chương VIII – Các hình hình học cơ bản.

11. Giáo viên cần lưu ý những gì khi dạy học nội dung Thống kê và Xác suất?

Trong CT 2018, mạch Thống kê và Xác suất là mạch nội dung hoàn toàn mới so với trước đây, được đưa vào bắt đầu từ lớp 2 và trải dài đến lớp 12.

Nội dung Thống kê nhấn mạnh đến các kĩ năng thu thập dữ liệu, phân loại và biểu diễn dữ liệu (dưới dạng bảng thống kê, biểu đồ tranh, biểu đồ cột/cột kép). Khi dạy học nội dung này, GV nên tăng thời gian thực hành, lồng ghép tổ chức hoạt động dạy học dự án nhằm rèn luyện kĩ năng cho HS.

Nội dung Xác suất là mới nên trước khi dạy học nội dung này, GV nên dành thời gian nghiên cứu thật kĩ SGK, SGV. Khi dạy học nội dung Xác suất lớp 6, GV nên chuẩn bị đẩy đủ đồ dùng dạy học, tạo cơ hội để HS có thời gian tự thực hiện các thí nghiệm/trò chơi, từ đó rút ra kiến thức.

12. Giáo viên có thể khai thác nguồn tài nguyên sách và các học liệu điện tử của NXBGDVN ở trang web nào?

NXBGDVN cam kết thực hiện việc hỗ trợ GV, cán bộ quản lí trong việc sử dụng nguồn tài nguyên sách và học liệu điện tử sử dụng hai nền tảng Hành trang số (hanhtrangso.nxbgd.vn) và Tập huấn (taphuan.nxbgd.vn). Thường xuyên cập nhật kho tài nguyên bao gồm: học liệu điện tử hỗ trợ việc dạy và học (như SGK, SGV, STK điện tử,…), công cụ hỗ trợ giảng dạy và tự luyện tập, tài liệu tập huấn GV, video các tiết học minh hoạ,....

13. Giáo viên có thể lấy những hình ảnh phù hợp với nội dung bài học ở đâu?

Nguồn học liệu điện tử tại trang web hành trang số của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam http://hanhtrangso.nxbgd.vn gồm sách giáo khoa, sách tham khảo điện tử và video các tiết học mẫu để giáo viên, phụ huynh, học sinh có thể tham khảo.

14. Giáo viên hướng dẫn học sinh tổng hợp kiến thức như thế nào khi sử dụng sách Toán 6?

Học sinh có thể xem ở bài ‘’ Chúng ta đã học những gì trong…’ cuối mỗi chương. Bài này bao gồm sơ đồ tóm tắt toàn bộ nội dung của chương và các bài tập có tính tổng hợp cao hơn trong các bài học khác. Với mục đich giúp HS không những ôn tập toàn bộ kiến thức của chương mà còn tự kiểm tra năng lực của chính mình.

15. Dạy học Hoạt động trải nghiệm trong Toán 6 như thế nào?

Những điểm cần lưu ý khi chuẩn bị bài giảng

Đối với GV: Nghiên cứu bài học, chuẩn bị các vật liệu, đồ dùng dạy học, chuẩn bị máy tính được cài phần mềm phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm trong bài. Nghiên cứu và lựa chọn phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của người học, giúp HS có cơ hội hoạt động, trải nghiệm.
– Đối với HS: Tùy theo mức độ, điều kiện cụ thể mà GV yêu cầu HS chuẩn bị cho phù hợp. Gợi ý tổ chức các hoạt động dạy học chủ yếu GV phân chia và tổ chức dạy học các hoạt động trong bài một cách linh hoạt, phù hợp với trình độ của HS và điều kiện thực tế của địa phương.

16. Giáo viên hướng dẫn HS tra cứu nội dung trong sách như thế nào?

Một điểm mới của SGK Toán 6 giúp HS dễ dàng tra cứu nội dung trong sách, đó là mục THUẬT NGỮ cuối sách. Khi muốn tìm kiếm một nội dung trong sách, HS có thể tra cứu số trang dựa vào Mục lục hoặc Thuật ngữ; muốn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các đơn vị kiến thức, HS có thể sử dụng Sơ đồ tổng kết cuối mỗi chương.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 6.859
0 Bình luận
Sắp xếp theo