Hỏi đáp về sách Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu 1. Môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Mức độ tích hợp được thể hiện ở ba cấp độ: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lí); tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung.

- Mạch nội dung của phân môn Lịch sử được sắp xếp theo logic thời gian lịch sử từ thời nguyên thuỷ, cổ đại, trung đại, đến cận đại và hiện đại. Trong từng thời kì, không gian lịch sử được tái hiện từ lịch sử thế giới, khu vực đến lịch sử Việt Nam để đối chiếu, lí giải, làm sáng rõ những vấn đề lịch sử.

- Mạch nội dung của phân môn Địa lí được sắp xếp theo logic không gian là chủ đạo, đi từ địa lí tự nhiên đại cương đến địa lí các châu lục, sau đó tập trung vào các nội dung của địa lí tự nhiên Việt Nam, địa lí dân cư và địa lí kinh tế Việt Nam.

Mặc dù hai mạch nội dung được sắp xếp theo logic khác nhau, nhưng nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Bốn chủ đề chung mang tính tích hợp cao được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp (lớp 7, 8, 9).

Câu 2. Theo Chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS được tiếp nối với môn Lịch sử và Địa lí ở cấp Tiểu học như thế nào?

Trả lời:

- Ở cấp Tiểu học, từ lớp 4, 5 môn Lịch sử và Địa lí là một môn học bắt buộc. Cấu trúc nội dung chương trình môn Lịch sử và Địa lí ở Tiểu học chú trọng lựa chọn “điểm”. Đối với lịch sử, các kiến thức lịch sử không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại mà lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, của quốc gia, khu vực, của một số giai đoạn lịch sử. Đối với địa lí, mỗi vùng miền, quốc gia, khu vực chỉ lựa chọn một số kiến thức địa lí tiêu biểu, đặc trưng cho từng vùng, dựa trên nét đặc trưng về tự nhiên và vai trò lịch sử của vùng đất đó.

- Cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lí tiếp tục là một môn học bắt buộc đối với HS. Như vậy, mạch kiến thức có sự liên thông, lôgic, đồng tâm từ cấp Tiểu học lên cấp THCS: Phần Lịch sử các tri thức Lịch sử theo niên đại từ thế giới đến khu vực và Việt Nam, phần Địa lí là sự đồng tâm từ kiến thức đại cương về tự nhiên, kinh tế - xã hội đến kiến thức về địa lí tự nhiên, kinh tế - xã hội của các châu lục, khu vực, Việt Nam và địa phương. Sự liên thông, đồng tâm này giúp HS hình thành các kiến thức, kĩ năng, năng lực và phẩm chất chung cũng như đặc thù của môn Lịch sử và Địa lí, để vận dụng giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống cũng như phục vụ cho việc chọn ngành nghề lao động, trở thành một công dân có trách nhiệm với môi trường, địa phương và Tổ quốc.

Câu 3. Thời lượng của môn Lịch sử và Địa lí lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 có gì thay đổi so với hai môn Lịch sử, Địa lí lớp 6 theo Chương trình GDPT 2006?

Trả lời:

Thời lượng dạy học môn Lịch sử và Địa lí lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 tăng lên 105 tiết (trong đó 52,5 tiết dành cho phân môn Lịch sử và 52,5 tiết dành cho phân môn Địa lí) so với 70 tiết (mỗi môn 35 tiết) theo Chương trình 2006.

Câu 4. Cơ sở tích hợp hai môn Lịch sử và Địa lí thành môn Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS là gì?

Trả lời:

- Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lí khi học Lịch sử đòi hỏi HS biết đặt các sự kiện lịch sử trong các bối cảnh địa lí, biết đánh giá tác động của các nhân tố địa lí đối với tiến trình lịch sử. Ví dụ, đối với sự hình thành các vương quốc cổ, đó là các điều kiện cổ địa lí hình thành nên các quốc gia đó. Việc sử dụng thường xuyên các bản đồ lịch sử trong dạy học sẽ nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử.

- Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lí đòi hỏi HS khi học Địa lí biết phân tích tầm cỡ ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đối với các quá trình địa lí, phân tích các đối tượng địa lí trong sự vận động và phát triển, biết đặt các phân tích địa lí trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Khi xem xét một hiện tượng địa lí có quá trình hình thành, phát triển, biến đổi, suy thoái là đã thấm nhuần quan điểm lịch sử.

- Trong mạch nội dung hai môn Lịch sử và Địa lí có những nội dung gần nhau hoặc giao nhau, là điều kiện để xây dựng các chủ đề chung. Ví dụ: Các cuộc đại phát kiến địa lí; Đô thị: Lịch sử và hiện tại; Các nền văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông,… Với các chủ đề này, đặt ra vấn đề tích hợp lịch sử - địa lí là tạo ra không gian chung trong một môn học. Ở đó học sinh có thể vận dụng các khái niệm cơ bản của lịch sử và địa lí, tìm hiểu thêm các tư liệu lịch sử và địa lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên, rèn luyện tư duy lịch sử và tư duy địa lí.

Câu 5. Theo Chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS được cấu trúc như thế nào? Trong nội dung và yêu cầu của Chương trình thể hiện tính tích hợp giữa hai phân môn như thế nào?

Trả lời:

- Cấu trúc môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS theo Chương trình 2018: được cấu trúc gồm 2 phân môn: phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí. Mỗi phân môn lại được cấu trúc theo các mạch nội dung riêng. Có một số chủ đề chung cho cả hai phân môn (6 chủ đề), được phân bổ trong chương trình các lớp 7, 8, 9.

- Tính tích hợp giữa hai phân môn thể hiện trong nội dung và yêu cầu của Chương trình:

Cần hiểu rằng môn học Lịch sử và Địa lí ở THCS không phải là môn học tích hợp sâu của hai phân môn Lịch sử và Địa lí. Nội dung giáo dục của mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Tính tích hợp của môn học được thể hiện ở ba cấp độ: tích hợp trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lí; tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung (lớp 7, 8, 9).

Câu 6. Nội dung mỗi phân môn Lịch sử và Địa lí theo Chương trình GDPT 2018 có sự điều chỉnh như thế nào so với Chương trình GDPT 2006?

Trả lời:

a) Phân môn Lịch sử

* Thay đổi ở các cấp:

- Theo Chương trình GDPT 2006, cả ba cấp đều học thông sử từ nguồn gốc cho đến nay, nội dung có tính đồng tâm, tất nhiên được nâng cao dần về yêu cầu nhận thức ở các cấp trên.

- Chương trình GDPT 2018 có thay đổỉ:

+ Tiểu học: tích hợp sâu nội dung lịch sử với nội dung địa lí.

+ Cấp THCS: nội dung theo thông sử.

+ CấpTHPT: theo các chủ đề và chuyên đề.

* Cấu trúc giữa các mạch nội dung về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam:

- Chương trình GDPT 2006: học lịch sử thế giới trước sau đó là học về lịch sử Việt Nam theo cách phân chia: từ thời cổ đai, đến thời trung đại, cuối cùng là thời cận - hiện đại.

- Chương trình GDPT 2018 cấu trúc theo mô hình: lịch sử thế giới – lịch sử khu vực – Lịch sử Việt Nam theo tiến trình thời gian.

b) Phân môn Địa lí

Ở Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018 về cơ bản đi theo trình tự từ địa lí tự nhiên, kinh tế - xã hội đại cương đến địa lí các châu lục, khu vực, cuối cùng là đến địa lí Việt Nam. Đối với chương trình Địa lí lớp 6 mạch kiến thức bao gồm các kiến thức về địa lí tự nhiên: bản đồ, Trái Đất, khí hậu, nước, đất, sinh vật trên Trái Đất; khác so với SGK Địa lí 6 hiện hành, chương trình mới có thêm nội dung về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Đây là nội dung gắn với mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; học sinh học về tự nhiên để hiểu mối quan hệ giữa tự nhiên với con người, từ đó có cách ứng xử đúng đắn với tự nhiên, chung sống hòa hợp với tự nhiên.

Câu 7. Môn Lịch sử và Địa lí theo Chương trình GDPT 2018 sẽ do một giáo viên đảm nhiệm dạy chung hay vẫn do giáo viên chuyên môn nào thì dạy phân môn đó?

Trả lời:

- Do Chương trình GDPT 2018 được thiết kế thành hai phân môn nên khi triển khai chương trình, mỗi giáo viên có thể dạy phần nội dung phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Đây là giải pháp mà các nước phát triển như Anh, Mĩ,… vẫn đang thực hiện.

- Trong quá trình thực hiện chương trình, những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng có thể học thêm một số tín chỉ ở trường sư phạm để một mình đảm nhiệm được việc dạy trọn vẹn một môn học. Việc học theo tín chỉ không đòi hỏi tập trung trong thời gian ngắn nên mỗi năm giáo viên có thể học một số tín chỉ tùy theo điều kiện của mình cho đến khi hoàn thành chương trình đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện đang xây dựng Chương trình bồi dưỡng cho giáo viên hai môn học này.

Câu 8. Điểm mới nổi bật của SGK Lịch sử và Địa lí 6 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là gì?

Trả lời:

- SGK Lịch sử và Địa lí 6 được biên soạn hỗ trợ dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, gồm 4 phần: Mở đầu, Hình thành kiến thức mới, Luyện tập, Vận dụng.

- Nội dung: giảm kiến thức thức hàn lâm, giảm bớt kênh chữ, tăng cường sử dụng kênh hình, tư liệu gắn với yêu cầu hoạt động, hoặc câu hỏi để định hướng HS khai thác, giúp hình thành kiến thức, phát triển năng lực cho HS; chú trọng nội dung liên hệ, kết nối với thực tiễn.

- Sách được thiết kế 4 màu, đẹp, sinh động, tăng cường hứng thú cho HS.

Câu 9. Phần Mở đầu chương, mở đầu mỗi bài học mới có ý nghĩa như thế nào? Cần khai thác như thế nào cho hiệu quả?

Trả lời:

- Phần mở đầu chương là một điểm mới, thu hút sự chú ý của HS với thiết kế gồm hình ảnh, trục thời gian liên quan đến nội dung của chương, cùng với đó là những nội dung cơ bản, cốt lõi và câu hỏi có tính gợi mở dẫn dắt HS vào nội dung của chương. GV có thể khai thác trang mở đầu chương này tạo thành một hoạt động nhỏ, yêu cầu HS quan sát hình ảnh, đọc thông tin, trả lời một số câu hỏi, trên cơ sở đó GV dẫn dắt vào nội dung chương.

- Phần Mở đầu một bài học cũng là điểm mới so với SGK theo Chương trình 2006, đây cũng có hoạt động bắt buộc được hướng dẫn trong Thông tư 32 về biên soạn SGK của Bộ GD-ĐT. Hoạt động mở đầu đóng vai trò nêu vấn đề mới, tạo hứng thú, cũng như nhắc lại, huy động những kiến thức đã có của HS. GV có thể linh hoạt sử dụng phần mở đầu được gợi ý trong SGK cũng có thể tự sáng tạo ra hoạt động mở đầu phù hợp với điều kiện dạy học và hoàn cảnh thực tế ở địa phương, đặc điểm nhận thức của HS, để tạo hứng thú cho HS bước vào bài học mới.

Câu 10. Để giúp HS hình thành kiến thức mới cần khai thác như thế nào cho hiệu quả?

Trả lời:

- Hoạt động hình thành kiến thức mới ở SGK Lịch sử và Địa lí 6 – bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, được biên soạn trên quan điểm dễ dạy, dễ học, trực quan, giúp HS có thể tự chủ, tự học bằng việc đọc thông tin, khai thác tư liệu, hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, mô hình, bản đồ, bảng số liệu,… Cùng hệ thống câu hỏi trong bài, HS có thể tự rút ra được các kiến thức cũng như rèn luyện phát triển được các kĩ năng, năng lực môn học.

- Với quan điểm biên soạn như vậy, người GV thực chất đóng vai trò là người hướng dẫn, theo dõi quá trình tự nhận thức của HS, có sự giám sát điều chỉnh kịp thời những nhận thức chưa đúng, chưa phù hợp đối với HS.

Câu 11. Kênh hình trong SGK Lịch sử và Địa lí 6 và phần tư liệu (trong phân môn Lịch sử) có vai trò như thế nào trong việc hình thành kiến thức mới?

Trả lời:

Kênh hình (bao gồm hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, mô hình, tranh vẽ, lát cắt, bản đồ,…) và tư liệu (chữ viết) được cung cấp trong SGK có vai trò hết sức quan trọng, là nguồn thông tin cung cấp kiến thức cho HS. HS đọc, khai thác kênh hình, tư liệu thông qua các câu hỏi, yêu cầu hoạt động liên quan, qua đó tăng cường các hoạt động tự học tập của HS, giúp HS chủ động nắm bắt kiến thức, chứ không bị động tiếp nhận và sau đó phải ghi nhớ một cách máy móc. Hơn nữa, thông qua khai thác kênh hình, tư liệu góp phần hình thành và phát triển các kĩ năng, năng lực môn học cho HS.

Câu 12. Phương pháp khai thác kênh hình và tư liệu nên lưu ý điều gì để đạt hiệu quả tối ưu?

Trả lời:

- Để khai thác kênh hình hiệu quả GV cần phải đặt ra mục tiêu và định hướng phương pháp khai thác phù hợp với từng loại kênh hình cụ thể. GV đưa ra mục đích, yêu cầu cụ thể của việc quan sát, làm việc với hình ảnh trước đối với HS, để HS có định hướng làm việc với kênh hình, từ đó khai thác kênh hình hiệu quả hơn. Đối với mỗi loại kênh hình, GV cần hướng dẫn cách thức khai thác cho HS. Ví dụ đối với bản đồ: Cần đọc tên bản đồ để nhận biết đối tượng, lãnh thổ, nội dung,… mà bản đồ thể hiện; sau đó đọc bảng chú giải để hiểu các đối tượng trên bản đồ được thể hiện như thế nào; tiếp đó quan sát các đối tượng theo yêu cầu khai thác để nhận biết, xác định, nêu đặc điểm của từng đối tượng, cuối cùng là quan sát các đối tượng xung quanh để tìm ra mối quan hệ giữa các đối tượng khác nhau.

- Đối với nguồn tư liệu chữ viết (phần Lịch sử): cần xác định được mục đích của tư liệu để làm gì, nội dung cốt lõi của tư liệu, cách khai thác tư liệu như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu. Cần đặt ra những câu hỏi, yêu cầu hoạt động để khai thác tư liệu đạt được mục đích đề ra. Khi hướng dẫn HS làm việc với tư liệu, GV hướng dẫn HS tìm ra những “từ khoá” thể hiện nội dung cốt lõi của tư liệu hay qua đó giúp HS có được những suy luận, hay rút nhận xét, khái quát,… về một vấn đề lịch sử.

Câu 13. Những nội dung mở rộng như “Em có biết”, “Kết nối”,… có ý nghĩa như thế nào? Có cần chú ý khai thác trong quá trình hình thành kiến thức cho học sinh không?

Trả lời:

Nội dung “Em có biết” trong cuốn sách là kênh thông tin bổ trợ, giải thích, làm rõ hơn cho nội dung kênh chính; là nguồn tài liệu tham khảo cho HS cũng như GV mở rộng hơn vốn kiến thức của nội dung bài học. Tùy đối tượng và trình độ nhận thức của HS, GV khai thác thông tin này cho phù hợp. Đây là những nội dung không bắt buộc HS phải nắm được sau bài học.

Câu 14. Các câu hỏi và yêu cầu hoạt động trong mỗi bài học (trong các mục và trong phần Luyện tập và Vận dụng cuối bài) có ý nghĩa như thế nào? Nên khai thác như thế nào để giúp phát triển năng lực cho học sinh?

Trả lời:

- Trong mỗi mục của bài học đều có hệ thống các câu hỏi, yêu cầu học tập nhằm khai thác kiến thức và rèn luyện kĩ năng, phát triển năng lực cho HS. Các câu hỏi được biên soạn dựa trên nội dung thông tin, tư liệu, kênh hình được cung cấp trong SGK, cũng có thể dựa trên vốn hiểu biết của HS. Hệ thống các câu hỏi, yêu cầu hoạt động này cũng lưu ý đến trình tự nội dung bài học, mức độ nhận thức của HS, từ đơn giản đến phức tạp,… GV có thể khai thác, sử dụng để tổ chức các hoạt động học tập của HS bám sát theo yêu cầu cần đạt,cũng như phát triển kĩ năng, năng lực phù hợp cho HS. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống câu hỏi, yêu cầu này cũng không cứng nhắc, chỉ là những định hướng, gợi ý, GV có thể linh hoạt, chủ động và sáng tạo để xây dựng thêm hoặc lược bớt một số câu hỏi sao cho phù hợp với đặc điểm, trình độ nhận thức của HS từng lớp, từng địa phương.

Câu hỏi và bài tập cuối bài, cuối chương mang tính chất là chất liệu hỗ trợ các hoạt động luyện tập và vận dụng của HS. Các câu hỏi, yêu cầu trong phần này được sắp xếp theo các mức độ, từ luyện tập, thực hành, củng cố, vận dụng thấp và vận dụng cao. Các câu hỏi, bài tập có tính chất vận dụng thường là những tình huống, vấn đề trong thực tế cuộc sống, giúp các em giải quyết các vấn đề ở địa phương, liên hệ với thực tế bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh; các bài tập vận dụng cao có tính chất tổng hợp từ đó các em phải vận dụng các năng lực của mình để thu thập, xử lí thông tin, tư liệu, cuối cùng là tạo ra được một sản phẩm, đưa ra được các quyết định giải quyết vấn đề thực tiễn.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
5 6.225
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi