Hỏi đáp về sách Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Khoa học tự nhiên  lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu 1. Môn Khoa học Tự nhiên được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Môn Khoa học Tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học Vật lí, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái Đất, có đối tượng nghiên cứu là các sự vật, hiện tượng, quá trình, thuộc tính cơ bản về sự tồn tại và vận động của thế giới tự nhiên. Môn KHTN ở cấp THCS được xây dựng trên cơ sở tích hợp các nguyên lí và khái niệm chung nhất của các lĩnh vực khoa học vật lí, hoá học, sinh học thông qua bốn chủ đề lớn: Chất và sự biến đổi của chất; Vật sống; Năng lượng và sự biến đổi; Trái Đất và bầu trời, đồng thời bảo đảm tính logic bên trong của các mạch nội dung của từng khoa học riêng biệt.

Câu 2. Môn Khoa học Tự nhiên ở cấp THCS được tiếp nối với các môn học ở cấp Tiểu học như thế nào?

Trả lời:

Ở cấp Tiểu học, lớp 1 đến lớp 3 có phần Tự nhiên trong môn Tự nhiên và Xã hội; lớp 4 và lớp 5 có môn Khoa học. Khi đến cấp THCS phát triển thành môn Khoa học Tự nhiên. Như vậy, mạch kiến thức có sự liên thông và logic từ cấp Tiểu học đến cấp THCS, kế thừa, tiếp nối các kiến thức đã học ở cấp Tiểu học để hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh kiến thức và kĩ năng nền tảng để tiếp tục học lên bậc học cao hơn, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Câu 3. Thời lượng môn Khoa học Tự nhiên theo chương trình GDPT 2018 so với 3 môn Vật lý, Sinh học, Hoá học theo chương trình hiện hành như thế nào?

Trả lời:

Về thời lượng, không tăng thời lượng dạy học. Môn Khoa học Tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018 được xây dựng cả cấp học là 560 tiết, chiếm 12% tổng số giờ của tất cả các môn học cấp THCS. So với chương trình của một số nước, môn Khoa học Tự nhiên chiếm từ 11 đến 14%, như vậy môn Khoa học Tự nhiên theo chương trình GDPT 2018 ở mức trung bình. So với chương trình hiện hành (tổng số 3 môn Vật lý, Hoá học và Sinh học là 595 tiết), số tiết của môn Khoa học Tự nhiên giảm 35 tiết.

Câu 4. Về nội dung môn Khoa học Tự nhiên có sự điều chỉnh như thế nào?

Trả lời:

Về nội dung, môn Khoa học Tự nhiên có sự điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn và hấp dẫn hơn đối với người học do không đi sâu mô tả các đối tượng mà đi thẳng vào chức năng và ý nghĩa ứng dụng thực tiễn của chúng, làm cho nội dung có ý nghĩa thực tiễn và gần gũi với cuộc sống hơn.

Ví dụ, khi học về thực vật học, chương trình không tập trung vào mô tả cấu trúc của các cơ quan thực vật mà tập trung vào chức năng hoạt động và ý nghĩa thực tiễn của các cơ quan, hệ cơ quan. Khi học về Hoá học, Vật lí và Sinh học, các khái niệm, định luật... được tiếp cận theo phương pháp làm nổi rõ bản chất, ý nghĩa khoa học, tránh làm cho chương trình nặng hơn.

Câu 5. Môn Khoa học Tự nhiên được điều chỉnh nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học như thế nào?

Trả lời:

Môn KHTN theo chương trình GDPT 2018 được điều chỉnh giảm nội dung trùng lặp giữa các phân môn vật lý, hoá học và sinh học. Ví dụ, nội dung protit, lipit, gluxit đã dạy trong kiến thức hoá học thì sẽ không dạy trong kiến thức sinh học; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dung hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung vật lý; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn học sẽ được tích hợp chung trong một chủ đề Năng lượng và sự biến đổi.

Câu 6. Chương trình hiện hành môn hoá học được giảng dạy từ lớp 8, môn KHTN theo chương trình GDPT 2018, kiến thức phần hoá được giảng dạy từ lớp 6. Như vậy thời lượng kiến thức phần hoá có nặng hơn so với chương trình hiện hành hay không. Học sinh lớp 6 có gặp khó khăn khi tiếp cận kiến thức phần hoá học?

Trả lời:

Về thời lượng: Môn Khoa học Tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018 được xây dựng cả cấp học là 560 tiết, trong đó phân môn hoá học được phân bố như sau: lớp 6 chiếm 15%, lớp 7 chiếm 20%, lớp 8 chiếm 29% và lớp 9 chiếm 31%. Trong cả cấp học phần Hoá học được phân bố 133 tiết, giảm so với chương trình hiện hành (tổng số tiết của môn hoá lớp 8, lớp 9) được phân bố 140 tiết. Mặc dù kiến thức hoá học được đưa vào từ lớp 6 nhưng với dung lượng ở lớp 6 chiếm tỉ lệ ít (15%) và được tăng dần ở các lớp tiếp theo.

Về nội dung: Phần kiến thức Hoá học trong SGK Khoa học Tự nhiên 6 nằm trọn trong chủ đề “Chất và sự biến đổi chất”. Các nội dung của Chủ đề “Chất và sự biến đổi của chất” trong của môn Khoa học Tự nhiên không phải là nội dung hoàn toàn mới mà được phát triển ở mức độ cao hơn trên cơ sở các kiến thức nền tảng, mang tính chất cụ thể, trực quan đã được học ở môn Khoa học lớp 4, 5. Vì vậy, học sinh lớp 6 hoàn toàn có thể thích ứng tốt khi học Chủ đề “Chất và sự biến đổi của chất.”

Câu 7. Việc sắp xếp, phân công, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy môn KHTN như thế nào để triển khai dạy học môn KHTN hiệu quả?

Trả lời:

Môn KHTN được thiết kế vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của hoá học, vật lý hay sinh học sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phân công GV dạy học. Trường hợp đơn giản nhất, GV hiện đang dạy môn học nào vẫn tiếp tục dạy được mạch nội dung liên quan đến môn đó.

Ví dụ: GV đang dạy môn vật lí sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung Năng lượng và sự biến đổi, GV đang môn hoá học sẽ rất thuận lợi khi dạy về mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, GV đang dạy môn sinh học sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung Vật sống. GV đang dạy môn học nào cũng có thể dạy được Phần mở đầu về KHTN.

Tùy theo năng lực của mỗi GV, có những GV chỉ dạy được một mạch nội dung nhưng cũng có nhiều GV dạy được hai hoặc cả ba mạch nội dung. Do vậy, căn cứ vào đội ngũ và năng lực GV hiện có mà nhà trường có kế hoạch phân công hợp lí. Đồng thời, cũng cần xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng để GV có thể đảm nhận được việc giảng dạy nhiều mạch nội dung hơn.

Câu 8. Vai trò của môn KHTN trong việc thúc đẩy giáo dục STEM như thế nào?

Trả lời:

Khoa học Tự nhiên là môn học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của HS, có vai trò nền tảng trong việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của học sinh cấp trung học cơ sở. Cùng với các môn Toán học, Công nghệ và Tin học, môn Khoa học Tự nhiên góp phần thúc đẩy giáo dục STEM, một trong những hướng giáo dục đang được quan tâm phát triển trên thế giới cũng như ở Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá của đất nước.

BỘ KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG

Câu 9. Phần “Mở đầu” mỗi bài học có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Phần mở đầu thường có một hình vẽ hoặc ảnh kèm theo các câu hỏi nhằm: a) Giúp HS tiếp cận với bài học mới bằng cách kích thích sự ham hiểu biết của HS, tạo cho HS động lực và hứng thú học tập bài mới b) Lôi cuốn HS vào bài học bằng cách khơi dậy sự tò mò của các em thông qua một số sự vật, hiện tượng bất ngờ, kì lạ, thậm chí đến không tưởng đối với HS, liên quan đến những nội dung sẽ học trong bài mới c) Làm bộc lộ những ý niệm ban đầu thường chưa đầy đủ, chưa chính xác của HS về sự vật, hiện tượng, khái niệm,… sẽ được học trong bài để giúp GV có thể dựa vào đó tìm cách làm cho HS hiểu đầy đủ và chính xác các sự vật, hiện tượng, khái niệm này. Hoạt động này dựa trên lí thuyết dạy học kiến tạo.

Câu 10. Phần “Khám phá” có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Phần khám phá thường được bắt đầu bằng một đoạn đọc hiểu ngắn kèm theo hình ảnh minh hoạ, cung cấp cho HS từ khoá, dữ liệu ban đầu, giúp HS hình thành kiến thức mới dựa trên các trải nghiệm, tìm tòi, khám phá.

Câu 11. Phần “Câu hỏi” và Phần “Hoạt động” có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Phần “Câu hỏi” giúp HS hiểu rõ vấn đề của bài học, nâng cao năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức đã học được để giải quyết các vấn đề học tập cũng như của thực tế cuộc sống.

- Phần “Hoạt động” tạo điều kiện cho HS trực tiếp tham gia vào các hoạt động phát hiện, hình thành và vận dụng kiến thức. HS sẽ được hướng dẫn thực hiện các hoạt động quan sát, thu thập và xử lí dữ liệu, xây dựng phương án thí nghiệm, làm thí nghiệm, trải nghiệm thực tế,… dưới hình thức cá nhân hoặc nhóm, tổ.

Câu 12. Phần “Em đã học” và “Em có thể” có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Phần “Em đã học” tóm tắt các kiến thức, kĩ năng cơ bản của bài; Phần “Em có thể” đưa ra yêu cầu về năng lực, đặc biệt là năng lực sử dụng những điều đã học trong cuộc sống mà HS sẽ làm được sau khi học bài mới. Ngoài ra ở một số bài còn có Phần “Em có biết”. Phần này không phải là nội dung học tập bắt buộc cho mọi HS mà là nội dung mở rộng kiến thức dành cho những HS yêu thích môn học này.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
3 8.067
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi