Hỏi đáp về sách Ngữ Văn lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Ngữ Văn lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Ngữ Văn lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu hỏi 1. Sự khác biệt cơ bản giữa SGK Ngữ văn 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, với SGK Ngữ văn 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 là gì?

Tích hợp các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe trong cùng một bài học; tích hợp kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn học với hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

Câu hỏi 2. SGK Ngữ văn 6 đã thực hiện việc kết nối tri thức với cuộc sống như thế nào?

Trả lời: Trước hết, để học SGK Ngữ văn 6, HS phải huy động các hiểu biết, trải nghiệm về cuộc sống của chính các em. Sách xây dựng hệ thống các chủ đề và lựa chọn các ngữ liệu gần gũi với đặc điểm tâm sinh lí, vốn sống của HS và đặt ra các nhiệm vụ học tập phù hợp với các em. Những hoạt động HS cần thực hiện, những câu hỏi HS cần trả lời trong Ngữ văn 6 đều đòi hỏi các em huy động những gì đã biết, đã trải qua để có được kiến thức, kĩ năng mới, chẳng hạn làm quen với một người bạn mới, chia sẻ tình cảm với người thân, giúp đỡ một người tình cờ gặp, xúc động trước một sự việc,… đều góp phần quan trọng vào việc giúp các em thực hiện hiệu quả các hoạt động đọc, viết, nói và nghe. Mối liên hệ giữa những vấn đề đặt ra trong bài học với những kinh nghiệm sống của HS giúp các em không chỉ hiểu sâu sắc hơn VB đọc mà còn có chất liệu thực tế để thực hành viết, nói và nghe.

Đến lượt mình, những kiến thức và kĩ năng mới có được từ việc đọc, viết, nói và nghe sẽ giúp HS giải quyết những vấn đề trong đời sống của chính các em, nhất là kĩ năng đọc sách và tự học, kĩ năng viết, kĩ năng trao đổi, tranh luận và thuyết phục.

Câu hỏi 3. Các bài học trong SGK Ngữ văn 6 được triển khai theo nguyên tắc nào?

Trả lời: Ngữ văn 6 thiết kế hệ thống bài học theo hệ thống chủ đề và thể loại, loại VB, bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực của HS. Sách có 10 bài học. Tên bài cũng chính là tên chủ đề (trừ bài 10 là một dự án đọc sách). Các VB được lựa chọn làm ngữ liệu trong mỗi bài vừa có nội dung gắn với chủ đề vừa có đặc điểm của thể loại, loại VB trọng tâm của bài đó. Cụ thể: 1. Tôi và các bạn (thể loại chính: truyện); 2. Gõ cửa trái tim (thể loại chính: thơ); 3. Yêu thương và chia sẻ (thể loại chính: truyện); 4. Quê hương yêu dấu (thể loại chính: thơ); 5. Những nẻo đường xứ sở (thể loại chính: kí); 6. Chuyện kể về những người anh hùng (thể loại chính: truyền thuyết); 7. Thế giới cổ tích (tập trung vào truyện cổ tích); 8. Khác biệt và gần gũi (loại VB chính: nghị luận); 9. Trái Đất – ngôi nhà chung (loại VB chính: VB thông tin); 10. Cuốn sách tôi yêu (dự án đọc sách).

Hệ thống chủ đề trong cả bộ sách được sắp xếp từ gần gũi (bản thân, gia đình, bè bạn: Tôi và các bạn, Gõ cửa trái tim) đến rộng lớn (xã hội, quê hương, đất nước: Yêu thương và chia sẻ, Quê hương yêu dấu, Những nẻo đường xứ sở); từ những câu chuyện đời xưa (Chuyện kể về những người anh hùng, Thế giới cổ tích) đến những vấn đề của cuộc sống hiện tại (Khác biệt và gần gũi, Trái Đất – ngôi nhà chung). Tuy tên các bài học dựa vào tên chủ đề (nội dung), nhưng các VB được lựa chọn và cách khai thác thì không chỉ dựa vào chủ đề mà còn dựa vào đặc điểm thể loại, loại VB của VB được lựa chọn. Các thể loại, loại VB được phân bố đan xen để bảo đảm HS không phải học một thể loại, loại VB trong hai bài liên tục.

Câu hỏi 4. Cấu trúc của mỗi bài học được xây dựng như thế nào?

Trả lời: Mỗi bài học trong sách Ngữ văn 6 được dự kiến hoàn thành trong khoảng 12 – 16 tiết. Các bài đều có cấu trúc thống nhất, trừ bài 10 (Cuốn sách tôi yêu) có mạch riêng và thời gian tổ chức hoạt động dạy học khác biệt. Các bài học trong Ngữ văn 6 được tổ chức theo mạch hoạt động chính gồm các phần: Đọc – Viết – Nói và nghe. Có phần mở đầu bài học nhằm giúp GV và HS nắm được định hướng chung và yêu cầu cần đạt của bài học, tạo cảm hứng khám phá bài học, đồng thời trang bị cho HS một số tri thức ngữ văn để các em có công cụ đọc hiểu VB một cách hiệu quả, sau đó vận dụng vào việc tạo lập VB.

Mạch nội dung chính của các bài học bám sát yêu cầu cần đạt theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018. Những yêu cầu cần đạt này được thực hiện thông qua các hoạt động chính của mỗi bài học: đọc, viết, nói và nghe. Các hoạt động này được kết nối chặt chẽ với nhau. Hoạt động đọc giúp HS nắm được nội dung VB, đặc điểm của thể loại, loại VB, huy động vốn sống, trải nghiệm để hiểu VB. Từ những kiến thức, kĩ năng, vốn sống, trải nghiệm có được từ việc đọc, HS được hướng dẫn viết kiểu VB tương đương, theo một quy trình cụ thể, bài bản. Hoạt động nói và nghe được tổ chức trên cơ sở sản phẩm của hoạt động đọc hoặc viết. Như vậy, việc lấy hoạt động đọc làm cơ sở, cung cấp chất liệu cho các hoạt động viết, nói và nghe có thể xem là một điểm nhấn quan trọng của Ngữ văn 6.

Câu hỏi 5. Ngữ liệu trong SGK Ngữ văn 6 được lựa chọn căn cứ vào những tiêu chuẩn nào?

Trả lời: Ngữ liệu trong SGK Ngữ văn 6 trước hết phải tuân thủ quy định về ngữ liệu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, cụ thể là ngữ liệu cần bảo đảm:

– Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

– Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lí của học sinh ở từng lớp học, cấp học; bảo đảm mục tiêu giáo dục phẩm chất, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mĩ và phù hợp với tâm lí học sinh.

– Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu VB và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.

– Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hoá dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

Tuân thủ quy định chung đó, Ngữ văn 6 đã lựa chọn ngữ liệu rất kĩ càng, vừa đáp ứng yêu cầu cần đạt trong mỗi bài học vừa bảo đảm sự cân bằng giữa VB của tác giả Việt Nam (chiếm phần lớn, khoảng 80%) với VB của tác giả nước ngoài (một tỉ lệ nhỏ, khoảng 20%), giữa VB viết về các vùng miền, địa phương khác nhau, giữa VB thuộc các thể loại, loại VB khác nhau.

Tuy chương trình chỉ quy định chung về các thể loại, loại VB, không nêu rõ tỉ lệ, nhưng Ngữ văn 6 đã tính toán kĩ tỉ lệ các thể loại, loại VB trong các bài học, trong đó truyện chiếm tỉ lệ lớn hơn cả: 4/ 9 bài (trong đó có 2 bài dành cho truyện dân gian) (không tính bài 10 có tính chất tổng hợp về thể loại, loại VB), sau đó là thơ: 2/ 9 bài, kí: 1/ 9 bài, VB nghị luận: 1/ 9 bài, VB thông tin: 1/ 9 bài (có một phần VB thông tin được học trong bài 6). Tỉ lệ các thể loại, loại VB được phân bổ như vậy vừa đáp ứng được yêu cầu của chương trình vừa phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS lớp 6.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
2 5.247
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm