Ví dụ chứng minh công dân có quyền sáng tạo và phát triển 2024

Ví dụ chứng minh công dân có quyền sáng tạo và phát triển 2024. Quyền sáng tạo và phát triển là những quyền cơ bản của công dân, vậy hai quyền này được thực hiện như thế nào trên thực tế? Trong bài viết này, HoaTieu.vn sẽ đưa ra các ví dụ chứng minh công dân có quyền sáng tạo và phát triển.

Quyền sáng tạo và phát triển thể hiện một xã hội công bằng, phát triển, văn minh
Quyền sáng tạo và phát triển thể hiện một xã hội công bằng, phát triển, văn minh

1. Quyền sáng tạo là gì?

Quyền sáng tạo là quyền của mỗi người được tự do nghiên cứu khoa học, tự do tìm tòi, suy nghĩ để đưa ra các phát minh, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, hợp lí hóa sản xuất: quyền về sáng tác văn học, nghệ thuật, khám phá khoa học để tạo ra các sản phẩm, công trình khoa học về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Căn cứ Điều 40 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định:

Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.

Quyền sáng tạo gồm:

  • Quyền tác giả.
  • Quyền sở hữu công nghiệp.
  • Quyền hoạt động khoa học, công nghệ.

Nhà nước ta luôn quan tâm khuyến khích tự do sáng tạo nhưng đồng thời cũng có những chế tài trừng phạt nghiêm khắc những hành vi xâm phạm quyền sáng tạo của công dân và được ghi nhận trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2019.

2. Quyền phát triển là gì?

Mọi công dân đều có quyền được phát triển, học tập, giáo dục
Mọi công dân đều có quyền được phát triển, học tập, giáo dục

Quyền được phát triển là quyền của công dân được sống trong môi trường xã hội và tự nhiên có lợi cho sự tồn tại và phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức; có mức sống đầy đủ về vật chất; được học tập, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa; được cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏe; được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng.

Quyền phát triển bao gồm:

Quyền được hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ để phát triển toàn diện.

  • Mức sống, điều kiện nghỉ ngơi, giải trí phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
  • Được hưởng sự chăm sóc y tế, đặc biệt trẻ em được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh.
  • Được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, vui chơi, giải trí, tham gia vào các công trình văn hóa công cộng.

Quyền được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng.

  • Người phát triển sớm về trí tuệ có quyền được học trước tuổi, học vượt lớp, học rút ngắn thời gian so với quy định chung.
  • Người học giỏi, có năng khiếu được ưu tiên tuyển chọn vào các trường đại học.
  • Người có tài được tạo mọi điều kiện để làm việc và phát triển, cống hiến tài năng cho Tổ quốc.

Cả hai quyền sáng tạo và phát triển đều là quyền cơ bản của công dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước ta, tạo ra một xã hội phát triển, công bằng, ai ai cũng được học hành, được tiếp thu giáo dục. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển con người một cách toàn diện, tạo ra nguồn lao động cao, nhiều nhân tài cho đất nước.

3. Ví dụ chứng minh công dân có quyền sáng tạo và phát triển.

Hai quyền tự do sáng tạo và phát triển là những quyền tự do của công dân, tuy nhiên hai quyền này phải được thực hiện đúng đắn không nên sáng tạo những gì pháp luật nghiêm cấm. Hai quyền này là nhằm đảm bảo cho công dân có thể tự do sáng tạo và đem những sáng kiến đó cống hiến cho xã hội, đây là một trong những yếu tố phát triển con người và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

3.1. Ví dụ về quyền sáng tạo

Ví dụ về quyền sáng tạo của công dân?

Ví dụ 1: Để góp phần mang không khí sạch đến mọi nhà, cải thiện chất lượng không gian sống và sức khỏe cộng đồng trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhóm học sinh tại Hà Nội gồm học sinh Lê Thị Thanh Huyền, Trần Lan Chi lớp 11 D2 (Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy) và học sinh Nguyễn Khánh Linh, Hồ Nguyên An, Nguyễn Quang Minh lớp 8E (Trường Trung học Cơ sở Tô Hoàng) đã thực hiện thành công Đề tài "Mô hình máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi trong lớp học và hộ gia đình".

Đề tài này đã giành giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.

Ví dụ 2:  Anh Trịnh Quốc Tuấn ở Bình Dương đã sáng tạo ra chiếc máy ấp trứng cho gia cầm từ phế thải, giá thành rẻ, hiệu quả cao, áp dụng được hiệu quả này trong thực tiễn đem lại hiệu quả cho người dân. Năm 2010 anh đã được phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tăng giải thưởng Sáng tạo trẻ.

Như vậy quyền sáng tạo được thực hiện dựa vào sự chủ động của con người và sáng tạo được ứng dụng thường xuyên trong cuộc sống.

3.2. Ví dụ về quyền phát triển

- Quyền phát triển về hưởng chế độ chăm sóc y tế, trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập, được hỗ trợ đi học.

- Trong việc khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng thì những bạn học giỏi và đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia được tuyển thẳng vào đại học theo những chuyên ngành mà mình đạt giải.

- Nhà nước còn tạo điều kiện phát triển tối đa cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi có cơ hội được học tập và phát triển bản thân.

- Hoặc trong những trường học luôn có những học bổng, chế độ dành cho học sinh, sinh viên khó khăn có thành tích học tập tốt để các em có cơ hội học tập tốt hơn.

Tóm lại, quyền sáng tạo và phát triển đều là quyền cơ bản của công dân, được quy định trong Hiến pháp nước ta, cùng cụ thể hóa trong các Bộ luật dân sự 2015, Luật sở hữu trí tuệ (SĐBS 2019). Không chỉ được quy định chi tiết trong hệ thống pháp luật nước ta mà còn được ứng dụng trong thực tiễn đời sống, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước "của dân, do dân, vì dân".

Bài viết trên đã đưa ra các ví dụ về quyền sáng tạo và phát triển của công dân, mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Là gì? mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
8 10.079
0 Bình luận
Sắp xếp theo