Thị thực là gì? Miễn thị thực là gì 2024?

Thị thực là gì? Miễn thị thực là gì? Hiện nay Việt Nam miễn thị thực cho các nước nào? Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các bạn tổng hợp các thông tin mới nhất về thị thực cũng như danh sách các nước được miễn visa vào Việt Nam 2024. Mời các bạn cùng tham khảo.

Khi được miễn thị thực, công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có rất nhiều thuận lợi như không cần xin phép, không phải đóng phí… Vậy miễn thị thực là gì? Để trả lời câu hỏi này hãy cùng theo dõi các thông tin dưới đây của Hoatieu nhé.

1. Thị thực là gì?

Theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Thị thực khi dịch sang tiếng anh là “Visa”. “Visa” là từ được dùng nhiều hơn và được nhiều người biết đến hơn so với thuật ngữ thị thực quy định trong Luật.

Thị thực là gì? Miễn thị thực là gì?
Thị thực là gì? Miễn thị thực là gì?

Cần phân biệt, thị thực và hộ chiếu là 02 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Theo Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Theo khoản 2 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử chỉ có giá trị một lần.

Hiện nay, thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:

- Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

- Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

- Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Miễn thị thực là gì?

Miễn thị thực (miễn visa) là việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không phải xin thị thực hoặc xin visa (nếu không thuộc trường hợp miễn thị thực thì bắt buộc phải xin thị thực trước khi vào Việt Nam).

Các trường hợp được miễn thị thực:

- Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.

- Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

- Thuộc trường hợp đơn phương miễn thị thực.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

3. Việt Nam miễn thị thực cho các nước nào?

Theo Điều 1 Nghị quyết 32/NQ-CP ban hành ngày 15-3-2022, Chính phủ miễn thị thực cho công dân các nước: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam.

Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15-3-2022 đến hết ngày 14-3-2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nghị quyết 32/NQ-CP thay thế các Nghị quyết số 21 ngày 28-2-2020, số 23 ngày 2-3-2020, số 29 ngày 11-3-2020 và số 33 ngày 19-3-2020 của Chính phủ về tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương với các nước.

4. Ký hiệu các loại thị thực

Thị Thực NG1 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Thị Thực NG2 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; thành viên đoàn khách mời cùng cấp của Bộ trưởng và tương đương, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thị Thực NG3 – Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.

Thị Thực NG4 – Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ.

Thị Thực LV1 – Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thị Thực LV2 – Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thị Thực ĐT – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

Thị Thực DN – Cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thị Thực NN1 – Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Thị Thực NN2 – Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.

Thị Thực NN3 – Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.

Thị Thực DH – Cấp cho người vào thực tập, học tập.

Thị Thực HN – Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.

Thị Thực PV1 – Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.

Thị Thực PV2 – Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.

Thị Thực LĐ – Cấp cho người vào lao động.

Thị Thực DL – Cấp cho người vào du lịch.

Thị Thực TT – Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.

Thị Thực VR – Cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác.

Thị Thực SQ – Cấp cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này.

5. Thời hạn thị thực

Tùy theo mỗi kí hiệu trên thị thực quy định thời hạn cụ thể như sau:

  • Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày.
  • Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.
  • Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.
  • Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, DN, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.
  • Thị thực ký hiệu LĐ có thời hạn không quá 02 năm.
  • Thị thực ký hiệu ĐT có thời hạn không quá 05 năm.

Ngoài ra:

  • Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.
  • Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.

6. Biểu lệ phí xin cấp visa thị thực và thẻ tạm trú cho du khách nước ngoài

TT

Tên lệ phí

Mức thu

1

Cấp thị thực có giá trị một lần

25 USD

2

Cấp thị thực có giá trị nhiều lần:

a)

Loại có giá trị đến 03 tháng

50 USD

b)

Loại có giá trị trên 03 tháng đến 06 tháng

95 USD

c)

Loại có giá trị trên 06 tháng đến 01 năm

135 USD

3

Chuyển ngang giá trị thị thực, thẻ tạm trú, thời hạn tạm trú còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới

5 USD

4

Cấp thẻ tạm trú:

a)

Có thời hạn từ 01 năm đến không quá 02 năm

145 USD

b)

Có thời hạn từ 02 năm đến không quá 05 năm

155 USD

c)

Đối với người nước ngoài được Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực nhiều lần ký hiệu LĐ, ĐT thời hạn trên 01 năm

5 USD

5

Gia hạn tạm trú

10 USD

6

Cấp mới, cấp lại thẻ thường trú

100 USD

7

Cấp giấy phép vào khu vực cấm, vào khu vực biên giới; giấy phép cho công dân Lào sử dụng giấy thông hành biên giới vào các tỉnh nội địa của Việt Nam

10 USD

8

Cấp thẻ du lịch (đối với khách du lịch Trung Quốc đi trong tỉnh biên giới)

10 USD

9

Cấp thị thực cho khách quá cảnh đường hàng không và đường biển vào thăm quan, du lịch (theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Luật số 47/2014/QH13)

5 USD/người

10

Cấp thị thực trong trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh và nhập cảnh trở lại Việt Nam trong thời gian chưa quá 30 ngày

5 USD

11

Cấp giấy phép xuất nhập cảnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam không có hộ chiếu

200.000 VNĐ

Xem thêm

7. Đề xuất mở rộng đối tượng miễn, tăng thời hạn visa vào Việt Nam năm 2023

Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 04/11/2022 có nội dung về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Tại Nghị quyết 143/NQ-CP thì Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp thúc đẩy, kích cầu du lịch trong nước; đề xuất cụ thể giải pháp mở rộng đối tượng miễn visa nhập cảnh, tăng thời hạn visa vào Việt Nam... để thu hút khách du lịch quốc tế; tổ chức hội nghị đẩy mạnh du lịch quốc tế

Nên các thông tin trong bài Thị thực là gì? Miễn thị thực là gì 2024? mang tính chất tham khảo vì thông tin được cập nhật ở thời điểm cập nhật bài. Có thể sẽ có những thông tin thay đổi vào thời điểm các bạn xem bài. Do đó, nếu cần tra cứu thông tin chính xác nhất, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi hoặc Đại sứ quán, các lãnh sự quán để nắm được quy định mới.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 212
0 Bình luận
Sắp xếp theo