Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức? Ý nghĩa và phương pháp luận?

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức? Ý nghĩa và phương pháp luận? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm. Để biết câu trả lời chi tiết nhất, mời các bạn tham khảo nội dung bài viết của Hoatieu.vn nhé.

Theo quan điểm duy vật biện chứng: vật chất và ý thức tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động lẫn nhau thông qua hoạt động thực tiễn; trong mối quan hệ đó, vật chất giữ vai trò quyết định đối với ý thức.

1. Vật chất và ý thức là gì?

Vật chất được hiểu là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan tồn tại bên ngoài không phụ thuộc vào cảm giác, ý thức của con người đem lại cho con người trong cảm giác và được chép lại, chụp lại, phản ánh và không lệ thuộc vào cảm giác.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì ý thức là sự phản ánh một cách năng động, sáng tạo thể hiện ở việc ý thức có thể tạo ra những hiểu biết mới về sự vật, có thể hình dung ra những gì không có trong thực tế vào trong bộ óc con người, ý thức có thể dự đoán, đoán trước được tương lai, có thể tạo ra những lý thuyết khoa học và lý thuyết rất trừu tượng là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.

2. Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là gì?

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ biện chứng mà trong đó vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức và quyết định ý thức nhưng không thụ động mà có thể tác động trở lại vật chất qua hoạt động của con người.

Theo Lê-nin thì vật chất là một phạm trù triết học để chỉ thực tại khách quan, đem đến cho con người trong cảm giác, được cảm giác của con người chép lại, chụp lại, phản ánh lại và không tồn tại lệ thuộc vào cảm giác.

Đặc điểm của vật chất:

  • Vật chất tồn tại bằng vận động và thể hiện sự tồn tại thông qua vận động.
  • Không có vận động ngoài vật chất và không có vật chất không có vận động;
  • Vật chất vận động trong không gian và thời gian;
  • Không gian và thời gian là thuộc tính chung vốn có của các dạng vật chất cụ thể và là hình thức tồn tại của vật chất.

Bên cạnh vật chất, ý thức là kết quả của quá trình phát triển tự nhiên và lịch sử xã hội. Ý thức mang bản chất là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, chính là sự phản ánh tích cực, tự giác, chủ động thế giới khách quan và bộ não con người thông qua hoạt động thực tiễn.

3. Phân tích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Phân tích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức
Phân tích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ biện chứng.

Thứ nhất: Vật chất quyết định ý thức

- Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định rằng: Vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức, nội dung này được hiểu theo hai ý sau đây:

+ Vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau:

Ý thức là ý thức của con người, không tách rời con người, nhưng sự ra đời của con người cũng có giới hạn còn thế giới vật chất thì tồn tại vĩnh viễn, vô hạn. Do đó có thể khẳng định rằng thế giới vật chất là cái có trước con người, vì vậy thế giới vật chất phải có trước ý thức.

Con người xuất hiện trên trái đất này chỉ có lịch sử hơn 6 triệu năm, bản thân thế giới vật chất vĩ mô hơn con người có lịch sử 4,5 tỷ năm. Trong khi đó quan điểm về thế giới vật chất là vô cùng, vô tận không do ai sinh ra, cũng không ai làm mất đi thế giới khách quan, chúng ta không thể nào đếm được điểm khởi đầu của thế giới vật chất cũng như dự đoán được điểm kết thúc của thế giới vật chất. Vì những lý lẽ trên cho thấy thế giới vật chất phải có trước ý thức, vũ trụ phải có trước trái đất, trái đất phải có trước con người và có con người rồi mới có ý thức.

Vì vậy, vai trò của vật chất với ý thức được thể hiện ở chỗ vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau.

+ Vật chất là nguồn gốc của ý thức:

Nguồn gốc của ý thức bao gồm cả nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội. Trong đó nguồn gốc tự nhiên của ý thức gồm có bộ não người và thế giới khách quan cùng với quá trình phản ánh năng động, sáng tạo giữa chúng, tác động qua lại giữa chúng. Nguồn gốc xã hội của ý thức đó chính là lao động và ngôn ngữ.

Khi phân tích nguồn gốc của ý thức, chúng ta thấy bộ óc người thực ra là một dạng vật chất có tổ chức cao, chứa đựng trong nó hàng tỷ noron thần kinh có khả năng sao lại, chụp lại, chép lại và phản ánh thế giới khách quan bằng một cách năng động, sáng tạo. Như vậy, yếu tố tạo nên ý thức là bộ não người là một dạng vật chất.

Thế giới khách quan thực chất là thế giới vật chất. Bản chất của ý thức chỉ là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan vào trong bộ óc con người. Nếu không có thế giới khách quan, bộ óc con người sẽ không có đối tượng để phản ánh và do đó chắc chắn không có ý thức.

Lao động chính là hoạt động vật chất, mang tính tất yếu nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của con người. Nhờ lao động mà con người có thể chủ động, tác động vào thế giới khách quan làm cho nó bộc lộ những thuộc tính, kết cấu bản chất, quy luật vận động qua đó phản ánh vào bộ óc người, hình thành những tri thức về tự nhiên, về xã hội.

Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu vật chất nhưng mang nội dung ý thức. Ngôn ngữ chính là lớp vỏ vật chất của tư duy.

- Vật chất quyết định nội dung và mọi sự biến đổi của ý thức.

Thứ hai: Vai trò của ý thức đối với vật chất

Ý thức có tính độc lập tương đối và có thể tác động ngược trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Ý thức tác động vào vật chất theo hai hướng:

- Hướng tích cực khi con người có tri thức đúng đắn, có nghị lực, ý chí và tình cảm tích cực thì con người có khả năng hành động hợp quy luật khách quan.

- Hướng tiêu cực khi con người không có tri thức đúng đắn, thiếu tình cảm, ý chí cách mạng sẽ nhận thức sai lầm và hành động trái quy luật.

4. Ví dụ mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, Hoatieu xin chia sẻ ví dụ về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức dưới đây để các bạn rõ hơn:

Ý thức có tính độc lập tương đối, tính năng động sáng tạo có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động của con người, vì vậy cùng với việc xuất phát từ hiện thực khách quan, cần phát huy tính năng động chủ quan, tức là phát huy mặt tích cực của ý thức, hạn chế mặt tiêu cực của ý thức.

Ví dụ: Trước khi thực hiện một trận đánh chung ta làm quyết tâm thư; thực hiện tự phê bình và phê bình; rút ra các nhược điểm để tiến bộ, khắc phục những mặt tiêu cực. Thực hiện giáo dục nhận thức thông qua các phong trào, thực tiễn tư tưởng cục bộ địa phương và đạo đức giả.

Hay, giữa vật chất và ý thức chỉ có những mặt đối lập tuyệt đối trong phạm vi nhận thức luận. Bên ngoài lĩnh vực đó, sự phân biệt là tương đối. Vì vậy một chính sách đúng đắn là cơ sở để kết hợp hai điều này.

5. Bài thu hoạch về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Lịch sử triết học thế giới đã trải qua nhiều cuộc tranh luận, phản biện để tồn tại và phát triển. Cũng từ những đấu tranh đó mà tư duy nhân loại đã có bướ tiến quan trọng, tích lũy được những tư tưởng có giá trị đóng góp vào kho tàng tư tưởng của thế giới. Dựa trên cơ sở những giá trị tư tưởng của các nhà triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại như: Talet, Anaximen, Heraclit, Democrit.... và các nhà khoa học như Tomson, Beccoren... mà triết học Mác - Lênin dần hình thành và phát triển. Chủ nghĩa Mác - Lênin bao hàm nội dung rộng lớn với những giá trị khoa học và thực tiễn. Trong đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng chính là hạt nhân lý luận của triết học Mác. Theo Mác - Ăngghen, vấn đề cơ bản lớn nhất của mọi triết học, đặc biệt là triết học hiện đại là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Nói cách khác, mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại hay mối quan hệ giữa vật chất và ý thức có vai trò quan trọng với sự phát triển của một con người, xã hội, quốc gia, đất nước.

Trong bài viết dưới đây, em xin phân tích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức và rút ra ý nghĩa phương pháp luận từ mối quan hệ này. Bản thân đã vận dụng vào học tập và cuộc sống như thế nào và cho ví dụ minh họa việc vận dụng.

1. Phân tích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, vật chất và ý thức có mối quan hệ biện chứng, trong đó vật chất quyết định ý thức, còn ý thức tác động tích cực trở lại vật chất.

a) Vật chất quyết định ý thức

- Thứ nhất, vật chất quyết định nguồn gốc của ý thức.

+ Vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức nên vật chất là cái có trước, là tính thứ nhất. Ý thức chỉ là hình thức phản ánh của vật chất vào trong bộ óc con người nên ý thức là cái có sau, là tính thứ hai.

+ Phải có sự vận động của vật chất trong tự nhiên (bộ óc người và thế giới khách quan) và vật chất trong xã hội (lao động và ngôn ngữ) thì mới có sự ra đời ý thức.

- Thứ hai, vật chất quyết định nội dung của ý thức.

+ Dưới bất kỳ hình thức nào, ý thức đều là phản ánh hiện thực khách quan. Nội dung của ý thức là kết quả của sự phản ánh hiện thực khách quan trong đầu óc con người.

+ Sự phát triển của hoạt động thực tiễn là động lực mạnh mẽ nhất quyết định tính phong phú và độ sâu sắc nội dung của ý thức con người qua các thế hệ.

- Thứ ba, vật chất quyết định bản chất của ý thức.

+ Bản chất của ý thức là phản ánh tích cực, sáng tạo hiện thực khách quan, tức là thế giới vật chất được dịch chuyển vào bộ óc con người và được cải biên trong đó. Vậy nên vật chất là cơ sở để hình thành bản chất của ý thức.

- Thứ tư, vật chất quyết định sự vận động, phát triển của ý thức.

+ Mọi sự tồn tại, phát triển của ý thức đều gắn liền với sự biến đổi của vật chất. Vật chất thay đổi thì ý thức cũng phải thay đổi theo.

+ Vật chất luôn vận động và biến đổi nên con người cũng ngày càng phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, thì dĩ nhiên ý thức cũng phát triển cả về nội dung và hình thức phản ánh.

Ví dụ: Tục ngữ có câu “có thực mới vực được đạo”, nghĩa là có ăn uống đầy đủ thì mới có sức để đi theo đạo, hoàn cảnh sẽ quyết định lối suy nghĩ, đời sống vật chất phải được đáp ứng thì chúng ta mới hướng tới đời sống tinh thần. Điều này đã chứng minh cho quan niệm vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất quyết định ý thức.

Ví dụ: Hiện nay, ở Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, công dân số. Tuy nhiên, dù đã được đầu tư nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn thiếu, trình độ CBCC chưa đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, bên cạnh đó, một số người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, đặc biệt là vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Điều này đã khẳng định điều kiện vật chất ra sao thì cũng phản ánh ý thức như vậy.

b) Ý thức có tính độc lập tương đối và tác động trở lại vật chất

- Thứ nhất, tính độc lập tương đối của ý thức thể hiện ở chỗ ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất vào trong đầu óc con người nhưng khi đã ra đời thì ý thức có “đời sống” riêng, không lệ thuộc máy móc vào vật chất mà tác động trở lại thế giới vật chất.

- Thứ hai, sự tác động của ý thức đối với vật chất phải thông qua hoạt động thực tiễncủa con người. Nhờ hoạt động thực tiễn, ý thức có thể làm biến đổi những điều kiện, hoàn cảnh vật chất để phục vụ cho cuộc sống con người.

- Thứ ba, vai trò của ý thức thể hiện ở chỗ chỉ đạo hoạt động, hành động của con người, nó có thể quyết định làm cho hoạt động của con người đúng hay sai, thành công hay thất bại. Ý thức không trực tiếp tạo ra hay làm thay đổi thế giới mà nó trang bị cho con người tri thức về hiện tượng khách quan để con người xác định mục tiêu, kế hoạch, hành động nên làm. Sự tác động của ý thức đối với vật chất diễn ra theo hai hướng:

+ Tích cực: Khi phản ánh đúng đắn hiện thực, ý thức sẽ là động lực thúc đẩy vật chất phát triển.

+ Tiêu cực: Khi phản ánh sai lạc hiện thực, ý thức có thể kìm hãm sự phát triển của vật chất.

- Thứ tư, xã hội càng phát triển thì vai trò của ý thức ngày càng to lớn, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà tri thức khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

- Tính năng động, sáng tạo của ý thức mặc dù rất to lớn nhưng không thể vượt quá tính quy định của những tiền đề vật chất đã xác định, phải dựa vào các điều kiện khách quan và năng lực chủ quan của các chủ thể hoạt động.

Ví dụ : Có nhận thức đúng đắn về thực tế kinh tế đất nước, từ sau Đại hội VI, Đảng ta chuyển nền kinh tế tự cung, quan liêu sang nền kinh tế thị trường để phát triển đất nước như hôm nay. Điều này cho thấy ý thức đã phản ánh được thực tiễn và đưa ra mục tiêu, phương hướng để tác động lại vật chất, tạo sự phát triển cho vật chất.

Ví dụ : Sai lầm từ nhận thức "việc nhẹ lương cao" của một bộ phận người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tin vào những lời dụ dỗ, cơ hội đổi đời của các đối tượng lừa đảo qua mạng, đã bị chúng lừa bán vào ổ mại dâm trá hình, hoặc sang Campuchia làm việc, bị đánh đập và không đảm bảo quyền lợi lao động. Điều này cho thấy ý thức có thể quyết định hành động của con người, dựa trên ý thức đúng hay sai mà hành động của con người đúng hoặc sai theo nhận thức.

2. Ý nghĩa phương pháp luận từ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

-Tôn trọng tính khách quan kết hợp với phát huy tính năng động chủ quan. Mọi nhận thức, hành động, chủ trương, đường lối, kế hoạch, mục tiêu đều phải xuất phát từ thực tế khách quan, từ những điều kiện, tiền đề vật chất hiện có. Cần phải tránh chủ nghĩa chủ quan, bệnh chủ quan duy ý chí. Không được lấy tình cảm làm điểm xuất phát cho chiến lược và sách lược cách mạng.

- Phải phát huy tính năng động sáng tạo của ý thức, phát huy vai trò của nhân tố con người, chống tư tưởng, thái độ thụ động, ỷ lại, ngồi chờ, bảo thủ, trì trệ, thiếu tính sáng tạo. Điều này đòi hỏi con người phải coi trọng ý thức, coi trọng vai trò của tri thức, phải tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, đồng thời phải tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý chí, nghị lực của bản thân.

- Phải nhận thức và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, xã hội dựa trên thái độ khách quan.

3. Vận dụng vào học tập và cuộc sống của bản thân tôi.

- Đầu tiên, vì vật chất quyết định ý thức nên nhận thức và hoạt động của tôi phải xuất phát từ thực tế khách quan. Bản thân tôi phải nhận thức được các điều kiện thực tiễn ảnh hưởng đến học tập, cuộc sống của mình để tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.

Ví dụ: Trong học tập, tôi cần phải xác định được nội quy trường học, giờ học, thời khóa biểu, những yếu tố thực tế để có ý thức chấp hành đúng quy định, tham gia các tiết học đầy đủ và hoàn thành các nhiệm vụ giảng viên đề ra.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh để thực hiện các phương pháp phòng tránh dịch, tuân thủ quy tắc 5K, ở yên tại nhà để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Thứ hai, ý thức cũng có sự tác động trở lại với vật chất nên cần phải phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức. Tôi phải chủ động tìm kiếm và trau dồi tri thức cho bản thân mình, bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết cho bản thân, không quá phụ thuộc vào người khác mà phải tự phát huy tính sáng tạo, suy nghĩ mới lạ.

Ví dụ : Trước mỗi giờ học, tôi phải chủ động xem trước giáo trình của ngày hôm đó để đánh dấu những chỗ mình vẫn chưa hiểu. Trong giờ học tôi thường xuyên tích cực phát biểu và thảo luận để hiểu rõ hơn bài học. Sau giờ học tôi sẽ tìm thêm bài tập và tài liệu để luyện tập thêm, trau dồi thêm kiến thức. Ngoài ra để cải thiện kỹ năng mềm tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các phong trào của các tổ chức xã hội.

Không chỉ bồi dưỡng kiến thức, tôi còn cố gắng rèn luyện đạo đức, phẩm chất của mình qua việc đọc sách, tập yoga, tham gia các buổi trao đổi, thảo luận.

- Thứ ba, tôi phải tiếp thu chọn lọc các ý kiến mới, không để bản thân thụ động, bảo thủ, không chủ quan trước mọi tình huống.

Ví dụ : Khi tham gia thảo luận nhóm, tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu những điều hay mà các thành viên góp ý cho mình để hoàn thành công việc theo kế hoạch. Hay khi đăng ký học phần, tôi không chủ quan vào năng lực của mình mà đăng ký quá nhiều môn tránh cho bản thân không kham nổi.

Trong cuộc sống, trước khi đánh giá một người nào đó, tôi phải tiếp xúc với người đó và lắng nghe những đánh giá của những người xung quanh về người đó,không thể chủ quan “trông mặt mà bắt hình dong”, không thể chỉ dựa vào cảm xúc cá nhân mà đánh giá người đó.

6. Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

- Phải luôn xuất phát từ hiện thực khách quan trong mọi hoạt động

Tri thức mà con người thu nhận được sẽ thông qua chu trình học tập, nghiên cứu từ các hoạt động quan sát, phân tích để tác động vào đối tượng vật chất và buộc những đối tượng đó phải thể hiện những thuộc tính, quy luật.

Để cải tạo thế giới khách quan đáp ứng nhu cầu của mình, con người phải căn cứ vào hiện thực khách quan để có thể đánh giá, xác định phương hướng biện pháp, kế hoạch mới có thể thành công.

Bên cạnh đó cần phải tránh xa những thói quen chỉ căn cứ vào nhu cầu, niềm tin mà không nghiên cứu đánh giá tình hình đối tượng vất chất.

- Phát huy tính năng động, sáng tạo, sức mạnh to lớn của yếu tố con người.

Con người muốn ngày càng tài năng, xã hội ngày càng phát triển thì phải luôn chủ động, phát huy khả năng của mình và luôn tìm tòi, sáng tạo cái mới. Bên cạnh đó, con người phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao năng lực và không bỏ cuộc giữa chừng.

Con người tuyệt đối không được thụ động, ỷ lại trong mọi trường hợp để tránh việc sa vào lười suy nghĩ, lười lao động.

7. Từ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức rút ra ý nghĩa thực tiễn cho bản thân

Thứ nhất: Bản thân phải xác định được các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, vì vật chất quyết định ý thức nên con người cần phải ý thức được những vật chất của cuộc sống còn thiếu thốn để có hành động phù hợp với thực tế khách quan.

Thứ hai: Phải phát huy tính năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động hàng ngày. Kết cấu của ý thức thì tri thức là quan trọng nhất nên mỗi chúng ta cần chú trọng phát triển tri thức của bản thân.

Thứ ba: Cần phải tiếp thu có chọn lọc kiến thức mới và không chủ quan trong mọi tình huống.

Thứ tư: Khi giải thích một hiện tượng cần phải xét có yếu tố vật chất lẫn tinh thần, cả yếu tố khách quan và điều kiện khách quan.

8. Vận dụng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức vào học tập và cuộc sống

Bài làm

Sau khi Liên Xô tan rã, bên cạnh những thành tựu to lớn của chủ nghĩa tư bản, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ, song, qua các cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2008 - 2009 hay dịch bệnh Covid-19 hiện nay và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế đã càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Dân chủ chỉ là hình thức, không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố cốt lõi nhất của dân chủ.

Trong quá trình xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, ta đã bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa và đi thẳng lên xã hội chủ nghĩa, nhờ vậy mà ta xóa được áp bứt bốc lột, được độc lập và được làm chủ. Những thành tựu trong thời gian qua đã chứng minh được tiềm lực của Đảng và Nhà nước ta, của những những chính sách và chế độ mà đất nước ta đang theo đuổi. Bước vào một thời kỳ mới, quan hệ của ta với các nước trên bốn bể năm châu được mở rộng, khả năng giữ vững độc lập của ta không bị suy giảm mà ngược lại ngày càng tăng lên. Cùng với đó là sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, nhằm hướng đến mục tiêu cao cả là thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch kinh tế và chuyển mình đời sống xã hội.

Bên cạnh những cơ hội trong kỷ nguyên chuyển đổi số là những thách thức to lớn, như do ta là một nước đang phát triển, điểm xuất phát thấp mà môi trường lại cạnh tranh gay gắt nên nguy cơ tụt hậu ngày càng cao.

Trước tình hình đó, thanh niên – đặc biệt là sinh viên, là tầng lớp tri thức chủ chốt cho vận mệnh tương lai đất nước cần phải càng được giáo dục bài bản, để là tầng lớp đi đầu trong công cuộc đổi mới, về cả kinh tế, chính trị, xã hội để đưa đất nước ngày càng vững mạnh.

Sự ứng dụng của bản thân trong học tập và trong cuộc sống:

* Trong học tập:

Với cương vị là một sinh viên năm nhất, khi bắt đầu vào một môi trường mới, tạm rời xa những điều quá đỗi quen thuộc khi trước, em cảm thấy mình cần xác định rõ các điều kiện vật chất, hoàn cảnh sống, các điều kiện khách quan, thiết lập tư duy, cảm xúc để đạt được những mục tiêu đã để ra. Nếu như được tiếp xúc với cơ sở vật chất tốt, phương pháp giảng dạy hiệu quả từ các giảng viên, khả năng tiếp thu tri thức của em khi ấy sẽ tốt hơn.

Cụ thể, một tiết học Triết ở phòng mát mẻ, đầy đủ tiện nghi cùng với một giảng viên tâm huyết, có kinh nghiệm giảng dạy, thấu hiểu tâm lý sinh viên sẽ khiến mình yêu thích môn này, và ra sức để tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài, sau đó sẽ cùng nhau thảo luận với giảng viên. Ngược lại, khi một ngày nóng bức, giảng viên thiếu tâm huyết, sẽ sinh ra tâm lý chán nãn không muốn học môn đó. Đấy chính là vật chất quyết định ý thức.

Thấu hiểu được điều này, em đã vận dụng để góp phần nâng cao năng suất học tập của bản thân như: rút kinh nghiệm dần để tìm ra phương pháp học tập phù hợp, sắp xếp góc học tập gọn gàng,..

Ngoài ra, em còn áp dụng nguyên tắc tôn trọng thực tế khách quang thông qua việc đi học đầy đủ, không đi trễ, làm theo những gì giảng viên hướng dẫn. Do trong học kỳ này em vừa bắt đầu việc làm thêm, nên việc học tập có đôi chút trễ này, em lười nhát và bắt đầu không tập trung nghe giảng viên giảng, tuy nhiên khi thấy việc học dần sa sút, em đã tự kìm chế, nhắc nhở và động viên bản thân, tự mày mò và khắc phục những lỗ hỏng kiến thức do mình gây nên, dành thời gian tự học và tự mở rộng kiến thức.

Bên cạnh đó, em biết rằng, mình cần phải chống lại “bệnh” chủ quan duy ý chí cũng như căn
bệnh đeo bám biết bao lớp trẻ, là bệnh bảo thù và trị trệ. Tiếp thu cái mới là điều nên làm nhưng cũng cần phải có chọn lọc, học hỏi và lắng nghe góp ý. Ví dụ như khi em đảm nhận vai trò nhóm trưởng trong khi làm nhóm học phần Kinh tế vĩ mô, em đều để mọi người đưa ra ý kiến và cùng nhau thảo luận, nhận xét, góp ý để cùng nhau hướng đến phương án tốt nhất.

Cuối cùng, khi giải thích các hiện tượng xã hội cần tính đến các điều kiện vật chấtlẫn yếu tố tinh thần, điều kiện khách quan lẫn yếu tố khách quan. Trước khi điền nguyện vọng khi xét tuyển vào các trường đại học, em đã tham khảo và cân nhắc rất nhiều ngôi trường để cân bằng giữa tài chính gia đình và năng lực bản thân. Và em đã chọn Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM) làm điểm đến cho hành trình sinh viên sau này của mình, một ngôi trường gia đình có thể đáp ứng được mức học phí cũng như khả năng em có thể đậu vào.

* Trong cuộc sống hàng ngày:

Thứ nhất, theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, vật chất quyết định ý thức, nên em cần phải xác định các điều kiện khách quan làm ảnh hưởng đến lối sống của mình. Ví dụ vật chất quyết định ý thức, cụ thể đôi khi em rơi vào trạng thái “sùng bái đồng tiền”, xem tiền quan trọng hơn nhiều thứ, để rồi khi có hoạt động xung quanh thì em lại hững hờ vì có tư tưởng chưa chính chắn, như công việc đó có đem lại lợi ích vật chất gì cho em không.

Thứ hai, em cần chú ý tôn trọng tính khách quan và hành động theo quy luật khách quan như lặp ra danh sách những việc cần làm trong ngày thì phải cố gắng hoàn thành nó, tuân thủ theo các nội quy trong kí túc xá, công ty.

Ý thức tác động trở lại vật chất nên cần phát huy năng động tính chủ quan. Luôn biết cách nghiên cứu, học hỏi, đặt óc tò mò và tìm tòi mọi thứ. Vì khả năng tự học là kỹ năng quan trọng nhất, sẽ theo em suốt cuộc đời. Xây dựng tinh thần có trách nhiệm, kỷ luật, đoàn kết trong môi trường chung như kí túc xá.

Ngoài ra, em cũng hỗ trợ truyền đạt những điều tích cực đến các bạn sinh viên khác như ngày thứ 7 xanh trong kí túc xá, để chúng mình cùng nhau xây dựng nên một cộng đồng đầy những điều tốt đẹp.

9. Vận dụng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức vào thực tiễn

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là một trong những vấn đề cốt lõi của triết học, nhưng nó không chỉ dừng lại ở lý thuyết. Khi hiểu rõ và vận dụng mối quan hệ này vào thực tiễn, chúng ta có thể giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề trong cuộc sống và công việc.

Ví dụ cụ thể về việc vận dụng mối quan hệ vật chất và ý thức vào thực tiễn:

Trong giáo dục:

- Nội dung giảng dạy: Cần đảm bảo nội dung giảng dạy phải gắn liền với thực tế cuộc sống, giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của kiến thức trong việc giải quyết các vấn đề thực tế.

- Phương pháp giảng dạy: Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích học sinh tự khám phá, tự trải nghiệm để hình thành kiến thức sâu sắc.

- Môi trường học tập: Tạo ra một môi trường học tập vật chất và tinh thần lành mạnh, kích thích sự sáng tạo và ham học hỏi của học sinh.

Trong sản xuất kinh doanh:

- Nghiên cứu thị trường: Hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

- Đổi mới công nghệ: Không ngừng nghiên cứu và áp dụng những công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Quản lý nhân sự: Tạo ra một môi trường làm việc tốt, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới của nhân viên.

Trong giải quyết các vấn đề xã hội:

- Nâng cao nhận thức: Tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu rõ về các vấn đề xã hội và tích cực tham gia giải quyết.

- Xây dựng các chính sách: Ban hành các chính sách phù hợp để giải quyết các vấn đề xã hội một cách căn bản và lâu dài.

- Thay đổi hành vi: Khuyến khích mọi người thay đổi hành vi để góp phần xây dựng một xã hội văn minh.

Có thể thấy, mối quan hệ giữa vật chất và ý thức có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống. Khi hiểu rõ và vận dụng mối quan hệ này vào thực tiễn, chúng ta có thể giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề, từ những vấn đề nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đến những vấn đề lớn của xã hội.

Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức? Ý nghĩa và phương pháp luận? Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
42 112.116
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm