Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT

Chương trình giáo dục an ninh quốc phòng THPT mới nhất

Chương trình Giáo dục quốc phòng trung học phổ thông mới được áp dụng theo Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ngày 24/11/2020 bao gồm Chương trình Giáo dục quốc phòng lớp 10, Chương trình Giáo dục quốc phòng lớp 11, Chương trình Giáo dục quốc phòng lớp 12. Sau đây là nội dung chi tiết Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT mới nhất. Mời các bạn cùng theo dõi.

Chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT có tổng thời lượng môn học là 105 tiết, chia đều 35 tiết cho mỗi khối lớp 10, 11 và 12, bao gồm cả lý thuyết và thực hành.

Chương trình giáo dục an ninh quốc phòng THPT mới nhất

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
MÔN GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

(Cấp Trung học phổ thông)

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 46/2020/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

V. NỘI DUNG GIÁO DỤC

1. Nội dung khái quát

2. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp

2.1. Lớp 10

2.2. Lớp 11

2.3. Lớp 1

VI. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh giữ vai trò chủ chốt trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, góp phần giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng niềm tự hào tự tôn dân tộc. Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác góp phần hình thành ở học sinh các phẩm chất, năng lực chung được quy định trong chương trình tổng thể, thông qua nội dung môn học hình thành năng lực nhận thức các vấn đề về quốc phòng, an ninh và vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống.

Ở cấp tiểu học, trung học cơ sở giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc về lực lượng vũ trang nhân dân và ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Ở cấp trung học phổ thông là môn học chính khóa, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng trên cơ sở các quan điểm sau:

1. Tính kế thừa và hiện đại

Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Được xây dựng dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn truyền thống kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông, nghệ thuật quân sự Việt Nam và cập nhật thành tựu của khoa học quân sự, sư phạm quân sự hiện đại.

2. Phát triển phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù

Chương trình xác định rõ các phẩm chất, năng lực có thể hình thành và phát triển ở học sinh thông qua môn học: một mặt chương trình căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực làm cơ sở và xuất phát điểm để lựa chọn nội dung giáo dục; mặt khác chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu, vận dụng nội dung môn học vào thực tiễn.

3. Tính thực hành, thực tiễn

Chương trình xác định thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là phương thức thiết thực, hiệu quả để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Nội dung này chú trọng việc vận dụng kiến thức quốc phòng, an ninh và kĩ năng vận dụng vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển các năng lực đặc thù môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh.

4. Tính dân tộc và nhân văn

Giúp học sinh nhận thức đúng về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, nhân văn, sự đoàn kết toàn dân của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước; tinh thần đoàn kết quốc tế; giúp học sinh phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng, hòa bình, hòa hợp, hợp tác và vì sự tiến bộ và phát triển xã hội.

5. Tính mở, liên thông

Trên cơ sở đảm bảo nội dung theo các chủ đề thống nhất trong cả nước, chương trình dành thời lượng nhất định để các nhà trường hướng dẫn học sinh tìm hiểu các vấn đề về quốc phòng, an ninh, truyền thống và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của địa phương, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương.

Chương trình môn học, bố trí bài giảng phù hợp có tính liên thông bổ trợ kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12, đáp ứng yêu cầu về dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, phù hợp với nhận thức, phát triển thể lực và đặc thù môn học.

III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh giúp học sinh phát triển các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm; giáo dục tình yêu quê hương đất nước, tinh thần nhân ái, nhân văn, ý thức trách nhiệm của công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự xã hội, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Góp phần phát triển ở học sinh các năng lực chung: năng lực tự chủ, tự học; năng lực hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo thông qua các năng lực chuyên biệt như: năng lực nhận thức về các vấn đề quốc phòng, an ninh; năng lực vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống.

IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

1. Yêu cầu cần đạt về các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

Môn Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định trong Chương trình tổng thể ban hành kèm theo Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

Môn Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể thông qua các năng lực đặc thù của môn học là: năng lực nhận thức các vấn đề quốc phòng, an ninh và năng lực vận dụng các kiến thức, kĩ năng quân sự đã học vào cuộc sống. Yêu cầu cần đạt về các năng lực đặc thù như sau:

Năng lực

Yêu cầu cần đạt

Nhận thức các vấn đề về quốc phòng, an ninh

- Trình bày được vai trò, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước qua các thời kì lịch sử;

- Nêu được quy định của pháp luật về các nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật;

- Phân tích và trình bày được những vấn đề cơ bản về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia hiện nay;

- Nêu được nội dung cơ bản của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An ninh mạng...; biết phòng chống các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội; quy định của pháp luật về các tệ nạn xã hội và trách nhiệm của công dân trong việc phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong và ngoài trường học;

- Trình bày được những kĩ năng cơ bản về điều lệnh đội ngũ; kĩ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật bộ binh; cách sử dụng súng tiểu liên AK, lựu đạn; các công cụ hỗ trợ và cách sử dụng, trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ;

- Nêu được các nội dung phòng không nhân dân, phòng chống bom, mìn, vũ khí hóa học, sinh học, vũ khí công nghệ cao, thiên tai, dịch bệnh và cháy nổ...; kĩ năng quan sát, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo; biết tìm và giữ phương hướng, biết lợi dụng địa hình, địa vật và vận dụng được kĩ thuật, chiến thuật cá nhân trong thực hành các kĩ năng quân sự.

Vận dụng kiến thức, kĩ năng quân sự đã học vào cuộc sống

- Xác định được vai trò, vị trí, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;

- Thực hiện được trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc phù hợp với lứa tuổi;

- Nhận diện được các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tội phạm và biện pháp phòng, chống; tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm;

- Biết phát huy khả năng bản thân, dụng cụ, phương tiện, vật chất sẵn có để vượt qua những thử thách trong cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với tình huống có bạo loạn, chiến tranh;

- Thực hiện được những kĩ năng cơ bản về điều lệnh đội ngũ; kĩ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật bộ binh; biết sử dụng súng tiểu liên AK; biết nhìn nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo; biết tìm và giữ phương hướng, biết lợi dụng địa hình, địa vật và vận dụng được kĩ thuật, chiến thuật cá nhân trong thực hành các kĩ năng quân sự;

- Thực hiện được pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng và chống ma túy, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống; có kĩ năng phòng và chống thiên tai, dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng;

- Thực hiện được một số kĩ năng cơ bản về phòng không nhân dân;

- Thực hiện được một số kĩ năng phòng chống bom, mìn, vũ khí hóa học, sinh học, vũ khí công nghệ cao, thiên tai, dịch bệnh và cháy nổ...;

- Biết vận dụng kiến thức về phòng thủ dân sự, kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân trong cuộc sống.

V. NỘI DUNG GIÁO DỤC

1. Nội dung khái quát

Mạch nội dung môn học được cấu trúc theo 05 chủ đề đó là: một số hiểu biết chung về quốc phòng và an ninh; điều lệnh đội ngũ; kĩ thuật chiến đấu bộ binh; chiến thuật bộ binh; một số hiểu biết về phòng thủ dân sự; kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân.

Chủ đề

Nội dung

Lớp 10

Lớp 11

Lớp 12

1. Một số hiểu biết chung về quốc phòng và an ninh

1. Lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

*

2. Nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam

*

3. Ma túy, tác hại của ma túy

*

4. Phòng, chống vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông

*

5. Bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

*

6. Một số hiểu biết về an ninh mạng

*

7. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

*

8. Phòng chống tệ nạn xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế

*

9. Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

*

10. Pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

*

11. Luật Nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh

*

12. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975

*

13. Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam

*

14. Công tác tuyển sinh, đào tạo trong các trường Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam

*

15. Một số hiểu biết về chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam

*

16. Truyền thống và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của địa phương

*

2. Điều lệnh đội ngũ

1. Một số nội dung Điều lệnh quản lý bộ đội và Điều lệnh Công an nhân dân

*

2. Đội ngũ từng người không có súng

*

3. Đội ngũ tiểu đội

*

3. Kĩ thuật chiến đấu bộ binh

1. Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo

*

2. Kĩ thuật sử dụng lựu đạn

*

3. Kĩ thuật bắn súng tiểu liên AK

*

4. Chạy vũ trang

*

4. Chiến thuật bộ binh

1. Các tư thế, động tác cơ bản vận động trong chiến đấu

*

2. Lợi dụng địa hình, địa vật

*

3. Nhìn nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo

*

4. Tìm và giữ phương hướng

*

5. Vận dụng các tư thế, động tác cơ bản khi vận động trong chiến đấu

*

5. Một số hiểu biết về phòng thủ dân sự, kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

1. Thường thức phòng tránh một số loại bom, mìn, đạn, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí công nghệ cao, thiên tai, dịch bệnh và cháy nổ

*

2. Kĩ thuật cấp cứu và chuyển thương

*

3. Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

*

2. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt mỗi lớp

Lớp 10:

Nội dung dạy học

Thời gian

Yêu cầu cần đạt

Tổng số tiết

Lí thuyết

Thực hành

Lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

2

2

- Nêu được những nét chính về lịch sử, bản chất, truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ;

- Từ những truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang rút ra được nét cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam qua mỗi giai đoạn.

Nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam

2

2

- Phân tích và trình bày được những nội dung cơ bản của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân;

- Tích cực, chủ động thực hiện được trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quốc phòng và an ninh.

- Qua nghiên cứu về nội dung luật, có định hướng nghề nghiệp sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an phấn đấu được ở lại phục vụ Quân đội, Công an lâu dài cũng như đăng ký thi vào các học viện, nhà trường Quân đội và Công an.

Ma túy, tác hại của ma túy

2

2

- Nêu được quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy;

- Phân tích được tác hại của ma túy và những hình thức, con đường gây nghiện;

- Chủ động, tích cực vận động người thân, cộng đồng trong việc đấu tranh phòng, chống ma túy.

Phòng, chống vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông

2

2

- Trình bày được một số nội dung cơ bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông;

- Tự giác tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông và tham gia giao thông an toàn, biết tuyên truyền vận động mọi người và chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

2

2

- Nêu được tình hình bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an toàn xã hội;

- Nêu được nhiệm vụ của công dân trong việc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội;

- Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội;

- Tích cực chủ động thực hiện trách nhiệm của công dân trong việc phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Một số hiểu biết về an ninh mạng

2

2

- Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng;

- Bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng...

Thường thức phòng tránh một số loại bom, mìn, đạn, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí công nghệ cao, thiên tai, dịch bệnh và cháy nổ

3

2

1

- Phân tích được tác hại của bom, mìn, đạn, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí công nghệ cao, thiên tai và cháy nổ;

- Nhận diện được một số loại bom, mìn, đạn, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí công nghệ cao, vật liệu nổ; nguy cơ xảy ra mất an toàn do thiên tai, dịch bệnh và cháy nổ gây ra;

- Biết cách phòng, tránh và hướng dẫn phòng, tránh tác hại của bom, mìn, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí công nghệ cao, thiên tai, dịch bệnh và cháy nổ.

Một số nội dung Điều lệnh quản lý bộ đội và Điều lệnh Công an nhân dân

2

2

- Nêu được một số nội dung chính trong Điều lệnh quản lý bộ đội và Điều lệnh Công an nhân dân;

- Biết vận dụng những kiến thức được học vào cuộc sống.

Đội ngũ từng người không có súng

4

4

- Nêu được các động tác đội ngũ từng người không có súng;

- Thực hiện được một số động tác điều lệnh đội ngũ cá nhân chính xác, nhanh, mạnh, đẹp, thống nhất.

Đội ngũ tiểu đội

3

3

- Nêu được thứ tự động tác tập hợp đội hình cơ bản của tiểu đội để vận dụng trong các hoạt động chung của nhà trường;

- Biết cách điều khiển, tập hợp đội hình cơ bản của tiểu đội.

Các tư thế, động tác cơ bản vận động trong chiến đấu

3

3

- Nêu được ý nghĩa, tác dụng các tư thế, động tác kĩ thuật cơ bản vận động trong chiến đấu của cá nhân.

- Thực hành được các động tác kĩ thuật vận động trong chiến đấu và bước đầu biết vận dụng phù hợp với các loại địa hình, địa vật và trong các tình huống cụ thể.

Kĩ thuật cấp cứu và chuyển thương

4

4

- Nắm được kiến thức cơ bản, ban đầu về các tai nạn thông thường, về các kĩ thuật cầm máu tạm thời, cố định xương gãy, sơ cứu bỏng, hô hấp nhân tạo, kĩ thuật băng bó vết thương và chuyển thương;

- Biết cách sơ cứu ban đầu các tai nạn thông thường;

- Làm được các động tác cầm máu tạm thời, cố định xương gãy, hô hấp nhân tạo; biết băng bó vết thương bằng băng cuộn và ứng dụng các phương tiện sẵn có tại chỗ, biết cách chuyển thương.

Kiểm tra

4

2

2

Cộng

35

18

17

Lớp 11:

Nội dung dạy học

Thời gian

Yêu cầu cần đạt

Tổng số tiết

thuyết

Thực hành

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2

2

- Nêu được những nội dung cơ bản Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới;

- Nêu và phân tích được những nội dung cơ bản về chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia; những nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; Luật biển Việt Nam; những khái niệm về biên giới và đường biên giới đất liền, trên biển, thềm lục địa, trên không, trong lòng đất, đặc biệt là chủ quyền 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam;

- Xác định và thực hiện được ý thức trách nhiệm của công dân trong quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia.

Luật Nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh

2

2

- Nêu được những nội dung chính của Luật Nghĩa vụ quân sự; Nghị định của Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

- Biết đăng ký và thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Phòng chống tệ nạn xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế

2

2

- Nêu được một số loại hình tội phạm và tệ nạn xã hội; hình thức, cách thức hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế;

- Nêu được quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm công nghệ cao;

- Tích cực, chủ động thực hiện trách nhiệm của công dân trong thực hiện quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm công nghệ cao;

- Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống không để các đối tượng tội phạm móc nối, lôi kéo bản thân và gia đình vi phạm pháp luật.

Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

2

2

- Nêu được nội dung cơ bản, ý nghĩa của môi trường trong pháp luật bảo vệ môi trường; an ninh môi trưòng (đất, nước, không khí..), vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, di cư tự do..

- Biết cách tuyên truyền, phối hợp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

3

3

- Nêu được những kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân, phương thức tiến công, sự phá hoại của kẻ thù bằng đường không;

- Biết cách phòng, tránh khi bị kẻ thù tiến công bằng đường không.

Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo

7

3

4

- Nhận biết, phân loại được một số loại súng bộ binh, một số loại thuốc nổ, vật cản, vũ khí tự tạo;

- Nêu được tính năng, tác dụng của một số loại thuốc nổ thường dùng; cấu tạo, tác dụng của các loại đồ dùng gây nổ; tính năng, cấu tạo, tác dụng của một số loại vật cản và vũ khí tự tạo;

- Nêu được tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động và nguyên tắc tháo, lắp súng tiểu liên AK và biết thực hành tháo, lắp súng tiểu liên AK.

Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

2

2

- Nêu được những nội dung cơ bản pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Biết tuyên truyền, vận động người thân không tàng trữ, buôn bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái pháp luật.

Lợi dụng địa hình, địa vật

3

3

- Phân tích được khái niệm, ý nghĩa, yêu cầu của các tư thế, động tác lợi dụng địa hình, địa vật;

- Thực hành được các động tác kĩ thuật phù hợp với các loại địa hình, địa vật trong các tình huống diễn ra.

Nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo

3

3

- Nêu được ý nghĩa, yêu cầu, hành động nhìn, nghe, phát hiện địch chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo làm cơ sở vận dụng trong chiến đấu và học chiến thuật;

- Thực hành được hành động của chiến sĩ nhìn, nghe, phát hiện địch chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo. Vận dụng được các nội dung đã học vào luyện tập các tình huống cụ thể.

Kĩ thuật sử dụng lựu đạn

5

1

4

- Nêu được tính năng, cấu tạo và cách sử dụng một số loại lựu đạn thường dùng;

- Thực hành được động tác đứng, quỳ, nằm ném lựu đạn.

Kiểm tra

4

2

2

Cộng

35

19

16

Lớp 12:

Nội dung dạy học

Thời gian

Yêu cầu cần đạt

Tổng số tiết

Lí thuyết

Thực hành

Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975

3

3

- Nêu được giá trị lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới;

- Tích cực, chủ động rèn luyện và thực hiện ý thức trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam

3

3

- Nêu được chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trong Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam;

- Nhận biết được cấp bậc quân hàm, quân hiệu, phù hiệu, trang phục các quân, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng chuyên môn của Công an nhân dân Việt Nam.

Công tác tuyển sinh, đào tạo trong các trường Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam

3

3

- Nêu được hệ thống nhà trường trong Quân đội, Công an và tuyển sinh vào các trường quân đội, công an; định hướng được nghề nghiệp quân sự, công an;

- Tìm hiểu được các lĩnh vực nghề nghiệp theo nhóm ngành; định hướng học tập, nghiên cứu để theo học các ngành, nghề trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Một số hiểu biết về chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam

2

2

- Nêu được một số nội dung cơ bản về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ đối với cách mạng Việt Nam;

- Biết cách phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch tại địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông tin trên các trang mạng xã hội.

Truyền thống và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của địa phương

4

4

- Nêu được một số nét chính về truyền thống và nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang địa phương, phát huy truyền thống cha ông, tự giác tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng với truyền thống quê hương;

- Chủ động thực hiện được trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, bảo vệ, gìn giữ phát huy truyền thống quê hương.

Kĩ thuật bắn súng tiểu liên AK

7

1

6

- Nêu được một số nội dung cơ bản về lí thuyết bắn và động tác, kĩ thuật bắn mục tiêu cố định ban ngày bằng súng tiểu liên AK;

- Biết thực hành bắn trúng mục tiêu cố định ban ngày bằng súng tiểu liên AK.

Tìm và giữ phương hướng

2

2

- Nêu được kĩ thuật, phương pháp tìm và giữ phương hướng trong hoạt động cá nhân;

- Biết tìm và giữ phương hướng của cá nhân trong các điều kiện khác nhau.

Vận dụng các tư thế, động tác cơ bản khi vận động trong chiến đấu

3

3

- Nêu được ý nghĩa, yêu cầu, các nguyên tắc vận động vào gần địch trên một số loại địa hình làm cơ sở học kĩ thuật, chiến thuật cá nhân và vận dụng trong chiến đấu;

- Biết vận dụng được các nội dung đã học để vận dụng trong các tình huống, địa hình khác nhau, nhằm tiêu diệt địch, hoàn thành nhiệm vụ.

Chạy vũ trang

4

1

3

- Nêu được kĩ thuật mang, vác trang bị, kĩ thuật thở, vận động trong quá trình chạy vũ trang;

- Thực hiện được động tác chạy vũ trang và vận dụng được kĩ thuật chạy vũ trang trong thực hành kĩ, chiến thuật cá nhân và vận động trong chiến đấu.

Kiểm tra

4

2

2

Cộng

35

19

16

VI. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

1. Định hướng chung

1.1. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học để học sinh có thể tìm hiểu, mở rộng vốn tri thức, tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; chú trọng rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức quốc phòng và an ninh để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

1.2. Vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Giáo viên có thể phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề. Các phương pháp dạy học theo truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,...) được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến trên cơ sở khai thác những thành tựu về khoa học và công nghệ trong giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, đặc biệt là áp dụng cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra, thông tin và truyền thông nhằm đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (thảo luận, đóng vai, thực hành,...). Các hình thức tổ chức dạy học được thực hiện đa dạng và linh hoạt; kết hợp các hình thức học cá nhân và học nhóm, học trong lớp và học ở ngoài lớp học.

Giáo viên dạy học và học sinh học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cần có kĩ năng khai thác và tham khảo những kiến thức về quốc phòng, an ninh trong nước và trên thế giới thông qua hệ thống các cổng thông tin điện tử chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép phát hành trên mạng, nhằm củng cố, bổ sung và cập nhật kịp thời những kiến thức mới, phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu và dạy học.

2. Vận dụng các phương pháp giáo dục cụ thể

2.1. Khi dạy các bài học lí thuyết, giáo viên cần sử dụng phương pháp nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề, giúp học sinh chủ động trong vận dụng những hiểu biết về kiến thức phổ thông trong các môn học, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới, phát huy tinh thần ham học, độc lập sáng tạo trong học tập, nghiên cứu.

2.2. Khi dạy các bài thực hành, giáo viên cần vận dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với làm động tác mẫu trên vũ khí, trang bị và các giáo cụ trực quan, công nghệ và phương tiện hỗ trợ trong giảng dạy, đặc biệt là công nghệ mô phỏng, phim video v.v... ; tổ chức luyện tập một cách khoa học để tạo điều kiện cho học sinh quan sát và thực hành chính xác, hiệu quả; đặc biệt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người học và người dạy.

2.3. Cần tận dụng tối đa các phương tiện dạy học hiện đại, công nghệ số ứng dụng trong giảng dạy và hướng dẫn thực hành.

2.4. Cần coi trọng tổ chức hội thi, hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu giáo dục và điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương, lấy đây là một phương pháp giáo dục đặc thù của môn học.

VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

Việc đánh giá kết quả môn Giáo dục quốc phòng và an ninh là đánh giá mức độ đạt được của học sinh về phẩm chất và năng lực so với các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp học nhằm xác định vị trí và ghi nhận sự tiến bộ của mỗi học sinh tại thời điểm nhất định trong quá trình phát triển của bản thân; đồng thời cung cấp thông tin để giáo viên điều chỉnh việc dạy học và cơ quan quản lí giáo dục thực hiện phát triển chương trình.

Về hình thức đánh giá, cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh; kết hợp kiểm tra miệng, kiểm tra viết, thực hành, dự án nghiên cứu; kết hợp đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận. Việc đánh giá kết quả môn học cần thực hiện theo các quy định sau:

1. Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ

- Đánh giá thường xuyên: Bao gồm đánh giá chính thức (thông qua các hoạt động nắm kiến thức trên lớp, thực hành tập luyện, trình diễn, hội thao...) và đánh giá không chính thức (bao gồm quan sát trên lớp, kiểm tra bài cũ, đối thoại, học sinh tự đánh giá,...) nhằm thu thập những thông tin về quá trình hình thành phát triển phẩm chất và năng lực của từng học sinh.

- Đánh giá định kĩ: Được tổ chức ở cuối học kì và cuối năm học bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan và tự luận hoặc thực hành; nội dung đánh giá chú trọng đến nhận thức, kĩ năng thực hành; phối hợp với đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin để phân loại học sinh và điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục.

2. Việc đánh giá kết quả môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Giải thích từ ngữ

1.1. Một số thuật ngữ chuyên môn sử dụng trong chương trình

- Phòng học chuyên dùng: Là phòng học bộ môn, được tích hợp dùng cho cả học lý thuyết và thực hành môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, phòng học được thiết kế với các mô - đun: hình ảnh, mô hình, trang thiết bị phục vụ môn học nằm trong danh mục trang thiết bị tối thiểu phục vụ môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh.

- Bãi tập: Bãi rộng (sân trường, sân vận động, khu đất trống...) dùng để học tập và thục luyện các nội dung thực hành.

- Thiết bị dạy học: Là trang thiết bị phục vụ môn học được quy định trong danh mục trang thiết bị tối thiểu phục vụ môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh.

1.2. Một số từ ngữ mô tả mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

Chương trình môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của người học. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể.

Trong quá trình dạy học, đặc biệt là đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trên trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ

Động từ mô tả mức độ

Biết

Nêu được, mô tả được, so sánh được, giới thiệu được, chỉ ra được, đánh giá được, phân biệt được.

Hiểu

Thực hiện được, hướng dẫn được, rèn luyện được, biểu diễn được, tự làm được, xử lý được, xác định được, lập kế hoạch cho bản thân được.

Vận dụng

Thực hành được, điều chỉnh được, đồng tình, ủng hộ, nhắc nhở, khích lệ, đấu tranh, phản bác, áp dụng được, có khả năng tham gia, đề xuất và thực hiện.

2. Thời lượng thực hiện chương trình

2.1. Thời lượng thực hiện chương trình ở các lớp

Tổng thời lượng cho cả môn học là 105 tiết, trong đó: Lớp 10: 35 tiết, lớp 11: 35 tiết, lớp 12: 35 tiết. Căn cứ vào chương trình năm học các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm đủ thời gian.

2.2. Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục

Thời lượng kiến thức dành cho từng nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và thực tế dạy học.

3. Giáo viên

Giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh được quy định thống nhất theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định của Chính phủ và Thông tư quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% giáo viên có trình độ được đào tạo đạt chuẩn hoặc trên chuẩn; được xếp loại đạt trở lên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; giáo viên được đảm bảo các quyền theo quy định của Điều lệ trường trung học phổ thông và của pháp luật; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông và đặc thù môn học.

4. Thiết bị dạy học

Thiết bị dạy và học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo qui định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh và các văn bản pháp luật có liên quan.

5. Thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh

5.1. Chương trình được xây dựng để bố trí giảng dạy theo phân phối chương trình cả năm học, các bài lý thuyết dạy theo phân phối chương trình, các bài thực hành dạy tập trung theo lớp, dứt điểm theo bài (không quá 3 tiết /buổi/tuần).

5.2. Chương trình này bố trí nội dung, thời lượng chung. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường phân chia thời lượng, lựa chọn địa điểm, hình thức dạy học cho phù hợp./.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 14.377
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo