Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 590 năm Chiến thắng Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Tải về

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 590 năm Chiến thắng Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 590 năm Chiến thắng Chi Lăng, huyện Chi Lăng nhằm giúp mọi người hiểu được ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Chi Lăng, truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do đất nước. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề cương gợi ý trả lời câu hỏi cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống huyện Chi Lăng"

Bài dự thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 590 NĂM CHIẾN THẮNG CHI LĂNG,

HUYỆN CHI LĂNG (10/10/1427- 10/10/2017)

(Kèm theo Công văn số 764 - CV/BTGTU ngày 3 tháng 5 năm 2017

của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn)

I- BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Sau khi giải phóng được một vùng đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam, nghĩa quân Lam Sơn bước sang một giai đoạn chiến đấu hoàn toàn mới, với tư thế hiên ngang của đạo quân quyết chí thay đổi cục diện chiến trường: Chủ động tấn công và tiêu diệt quân xâm lăng bằng những trận quyết chiến chiến lược có quy mô lớn để rồi đè bẹp và quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi. Lê Lợi cùng với các tướng lĩnh, và quân sư: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý, Xa Khả Tham… giành nhiều thắng lợi.

Sau gần 10 năm dựng cờ khởi nghĩa kháng chiến chống quân Minh xâm lược, đến giữa năm 1427, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nghĩa quân Lam Sơn đã kiên trì, anh dũng chiến đấu, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, nhưng vẫn chưa hoàn toàn quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Do vậy, nghĩa quân quyết định vây các thành và diệt viện binh địch. Trước tình thế quân đồn trú trong các thành có thể bị tiêu diệt hoàn toàn, Nhà Minh vội điều quân tăng viện, ứng cứu, do Mộc Thạnh và Liễu Thăng chỉ huy tiến vào nước ta theo hai đường Vân Nam và Quảng Tây. Qua phân tích, đánh giá kỹ tình hình, Bộ Thống soái quyết định chọn đạo quân Quảng Tây do Liễu Thăng chỉ huy làm đối tượng tác chiến chủ yếu. Bởi lẽ, đạo quân này tuy có nhiều ưu thế, mạnh hơn, nhưng nếu bị tiêu diệt thì đạo quân Vân Nam dù không bị đánh cũng tự phải rút chạy. Nhiệm vụ đặt ra cho Nghĩa quân lúc này là phải tiếp tục vây hãm các thành, không cho địch hợp quân với viện binh; đồng thời, nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt (dựng rào, đắp luỹ); chọn những địa bàn hiểm yếu, “thuận” đối với ta, nhưng lại “nghịch” đối với địch để bố trí lực lượng mai phục; thực hiện nhiều mưu, kế, lừa, dụ địch vào thế trận đã bày sẵn để tiêu diệt.

Theo sử cũ nước ta, đạo quân của Liễu Thăng gồm 10 vạn quân và 2 vạn ngựa, đạo quân của Mộc Thạnh gồm 5 vạn quân và 1 vạn ngựa. Tổng số hai đạo quân lên đến 15 vạn. Liễu Thăng là viên tướng đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh thời Minh Thành Tổ (1403- 1425), đã từng lập nhiều chiến công nên được thăng quan rất nhanh. Sau ba lần tham gia bắc chinh đánh Mông Cổ, Liễu Thăng được tăng lên tước An Viễn hầu, làm thái tử thái bảo, trở thành một trụ cột quân sự của nhà Minh. Chức cao, tước lớn, lại cầm đầu 10 vạn quân và nhiều quan võ, quan văn cao cấp, y kiêu căng, coi thường quân ta. Nắm được đặc điểm của viên tướng này, Lê Lợi đã có kế hoạch tác chiến phù hợp nhằm tạo nhân tố bất ngờ rồi tiêu diệt từng bước đạo quân của viên tướng này từ địa đầu biên giới đến phía nam Lạng Sơn.

Nghe tin nhà Minh chuẩn bị điều 15 vạn quân sang tiếp viện cho Đông Quan, không ít tướng lĩnh Lam Sơn nôn nóng đề nghị phải nhanh chóng tấn công, lấy lại thành Đông Quan từ Vương Thông vì lo sợ quân viện binh nhà Minh sang tới nơi thì sẽ mất thời cơ lấy thành. Tuy vậy, Nguyễn Trãi lại tham mưu cho Bình Định Vương Lê Lợi rằng, tuyệt nhiên không nên đánh thành. Với lực lượng của Vương Thông đang có trong thành và sự kiên cố của thành Đông Quan, nếu lấy được thành, quân đội Lam Sơn cũng phải chịu tổn thất rất lớn. Khi ấy, mặc dù đã lấy được thành, nhưng với sự tổn hao binh lực như thế cũng khó giữ được thành trước lực lượng viện binh lớn đang ào ạt tiến quân sang Đại Việt. Kế hay nhất là vẫn vây hãm thành Đông Quan, đồng thời tiêu diệt viện binh ở những điểm xung yếu. Lê Lợi thuận theo kế của Nguyễn Trãi, phân công các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Văn Linh và Đinh Liệt mang quân đi mai phục ở Chi Lăng (Lạng Sơn) để đón đánh đạo quân chủ lực do Liễu Thăng cầm đầu; các tướng Lê Văn An, Nguyễn Lý mang theo quân sẵn sàng tiếp ứng khi tiền quân gặp nguy cấp. Mặt khác, Lê Lợi phân công Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả ém quân, sẵn sàng đối phó với cánh quân của Mộc Thạnh.

II- DIỄN BIẾN CHIẾN THẮNG CHI LĂNG

Ải Chi Lăng là cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ Phia Lũy đến Đông Quan, cách Phia Lũy khoảng 60 km.

Toàn bộ ải Chi Lăng như một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, dài khoảng 4km theo hướng Bắc - Nam, chỗ rộng nhất ở giữa khoảng hơn 1 km theo hướng Đông - Tây. Phía Tây, vách núi đá vôi dựng đứng bên dòng sông Thương. Phía Đông là dãy núi Thái Hòa và Bảo Đài trùng trùng điệp điệp. Lòng ải đã hẹp, lại có 5 ngọn núi đá nhỏ: Hàm Quỹ, Nà Nông, Nà Sản, Kỳ Lân, Mã Yên. Hai phía Bắc và Nam, mạch núi khép lại, tạo thành hai cửa ải hiểm trở. Ải Chi Lăng, với vị trí và địa thế của nó, đã bao lần là mồ chôn quân cướp nước từ phương Bắc xuống.

Chi Lăng với vị trí quân sự quan trọng như vậy, sách Việt kiệu thư (Trung Quốc) đã từng chép “là cổ họng của Giao Chỉ”, “là nơi hiểm yếu đại quân ra vào. Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã chọn ải Chi Lăng làm trận địa đánh đòn phủ đầu hết sức bất ngờ vào đạo viện binh Liễu Thăng. Một vạn quân tinh nhuệ trong đó có 5 voi chiến, 100 ngựa, đã chiếm giữ các vị trí lợi hại, mai phục sẵn sàng đợi địch. Đó là thế trận “phục binh giữ hiểm, đập gãy tiền phong” (Bình Ngô đại cáo).

Tại Ải Lưu[1], Liễu Thăng “thừa thắng” đuổi theo quân ta chiếm luôn ải Chi Lăng. Trong hàng ngũ tướng giặc có lang trung bộ lại Sử An và chủ sự Trần An và nhiều người lo ngại, sợ trúng kế quân ta, hết lời khuyên Liễu Thăng nên thận trọng. Tham tán quân vụ Lý Khánh đang ốm, cũng gượng dậy can gián Liễu Thăng không nên khinh quân ta. Nhưng với tính chủ quan, kiêu ngạo đã bị kích động cao độ, Liễu Thăng gạt bỏ mọi lời khuyên can, hạ lệnh tiếp tục tiến quân.

Ngày 10 tháng 10 năm 1427 (ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi), Liễu Thăng đích thân dẫn hơn 100 quân kỵ mã xông lên trước đội quân tiên phong hung hăng mở đường tiến vào Chi Lăng. Tướng Trần Lựu đã rút về Chi Lăng, lại đem quân ra đón đánh rồi “giả cách thua chạy”. Trên đoạn đường dài từ Phia Lũy đến Chi Lăng, Liễu Thăng chỉ thấy đội quân Trần Lựu vừa đánh vừa chạy. Hắn càng tức tối, thúc quân đuổi sát theo Trần Lựu, lao thẳng vào trận địa mai phục của ta.

Phía bắc ải Chi Lăng có Quỷ Môn quan hiểm dữ với câu “Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Phía nam ải Chi Lăng có ngọn núi Mã Yên. Dưới chân núi là một cánh đồng lầy lội, tiếng địa phương gọi là Nà Pùng - Nà Lúm, có cầu bắc qua. Liễu Thăng và hơn 100 kỵ binh vừa qua cầu thì cầu bị sập. Đội quân tiền phong theo chủ tướng, chưa kịp qua cầu. Đội hình của địch bị chia cắt.

Đúng lúc đó, phục binh của ta bốn bề nổi dậy, bất ngờ xông lên diệt địch. Hơn 100 kỵ binh của địch bị diệt gọn. Liễu Thăng bị chém đầu tại núi Mã Yên[2].

Cái chết của Liễu Thăng, tên chủ tướng cầm đầu 10 vạn quân là đòn phủ đầu choáng váng đánh mạnh vào tinh thần quân địch. Bị đánh bất ngờ, địch vô cùng hoang mang, lại mất chủ tướng quân lính càng rối loạn. Thừa thắng, quân ta chia cắt đội hình của địch. Quân chủ lực và dân binh địa phương từ khắp ngả lao ra hiệp đồng tác chiến. Diễn biến chiến trận không chỉ bó hẹp trong lòng ải Chi Lăng mà còn diễn ra từ Chi Lăng đến làng Đăng, làng Cóc. Bấy giờ ở xóm Lựu làng Đồng Mỏ có Đại Huề (có người gọi là Lý Huề) một người yêu nước địa phương đã tập hợp nhân dân trong thôn xóm lập ra đội “Tuần đinh tuần tráng” phối hợp cùng nghĩa quân diệt địch. Quân Đại Huề không lớn nhưng là người địa phương thông thuộc từng hẻm núi dòng khe, nắm rất vững địa hình. Các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt, Lê Lộng, Trần Lựu xông pha giữa trận tiền tận lực chiến đấu.

Trận chiến diễn ra trong một thung lũng hẹp kéo dài đến 8 km rộng hơn 1 km. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì địch bị tiêu diệt đến hàng vạn tên.

Chiến thắng Chi Lăng giết chết chủ tướng, tiêu diệt một phần sinh lực địch, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đúng như Lý Tử Tấn (1378 - 1457), nhà thơ đương thời, bạn chiến đấu của Nguyễn Trãi, có tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đã viết:

“Tiếng trống nổi vang, ba quân thật hùng cường bội sức,

Ngọn cờ thẳng tiến, các tướng đều hăng hái liều thân,

Phia Lũy, Chi Lăng oai hùng vang dội”

(Phú Lương Giang)

Liễu Thăng bị giết chết là sự thất bại nặng nề của quân địch, là thắng lợi giòn giã đầy ý nghĩa lịch sử. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí còn chép cả sự tích “Liễu Thăng thạch”, với chứng tích hòn đá cụt đầu. Và nhân chứng lịch sử, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ghi rõ: “Ngày mười tám, Liễu Thăng bị quân ta đánh thất thế ở đồng Chi Lăng Ngày hai mươi, Liễu Thăng bị quân ta đánh bại, bị giết chết ở núi Mã Yên”.

III- Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG CHI LĂNG

- Một chiến công của chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Ngày 10 tháng 10 năm 1427, trên mảnh đất Chi Lăng lịch sử, quân dân ta đã lập nên một chiến công vang dội trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng của phong kiến phương Bắc; bằng một chiến trận lợi hại và lối đánh mưu trí, tinh thần chiến đấu ngoan cường đã làm đảo lộn cả kế hoạch tiến công của nhà Minh. Trận Chi Lăng là trận mở đầu có ý nghĩa quyết định, dồn quân địch từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, từ thất bại này sang thất bại khác và cuối cùng bị đánh bại hoàn toàn, bị tiêu diệt toàn bộ.

Chiến thắng Chi Lăng là một biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chiến tranh nhân dân yêu nước chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng Chi Lăng cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Như Nguyệt, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi- Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, là những khúc ca hùng tráng biểu hiện sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, sức mạnh đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc ngoại xâm và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của dân tộc ta.

- Một cách kết thúc chiến tranh nhân đạo và hòa bình

Chiến thắng Chi Lăng diệt gọn đạo quân Liễu Thăng cùng với chiến thắng Lê Hoa đánh tan đạo quân Mộc Thạnh, giữ vai trò của trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch diệt viện đã gây chấn động mạnh mẽ, làm sụp đổ ý chí xâm lược của triều đình nhà Minh, làm tan rã hoàn toàn tham vọng và sức kháng cự của quân Minh ở nước ta. Trên đà thắng lợi, quân dân ta có đủ thế và lực để công phá và tiêu diệt khoảng 10 vạn quân địch bị vây hãm trong các thành do Vương Thông chỉ huy. Nhưng tiêu biểu cho lòng nhân đạo cao cả và ước vọng hòa bình tha thiết của dân tộc ta, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã chủ trương kết thúc chiến tranh vừa đảm bảo giành và giữ vững độc lập dân tộc, vừa đỡ tổn hại xương máu của nhân dân:

“Giặc cùng đường kiệt sức, bó tay chờ chết đến nơi

Ta mưu phạt tâm công, không đánh mà chúng phải khuất”

- Một đòn giáng trả đích đáng đối với quân xâm lược phương Bắc

Vào đầu thế kỷ XV, nhà Minh là một đế chế lớn mạnh nhất ở phương Đông, đang thực hiện tham vọng bành trướng dữ dội xuống phía Nam, nhất là vùng Đông Nam Á. Nhà Minh coi nước ta là mục tiêu trọng yếu hàng đầu. Chúng huy động hàng chục vạn quân xâm lược nước ta, rồi thực hiện mưu đồ đồng hóa bằng nhiều thủ đoạn hủy diệt thâm độc vừa để vĩnh viễn xóa bỏ nước ta, biến nước ta thành đất đai của nhà Minh, vừa là để đe dọa các nước và chuẩn bị bàn đạp mở rộng xâm lược xuống Đông Nam Á.

Chiến thắng Chi Lăng là thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường để kết thúc một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành lại trọn vẹn non sông đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền, bảo tồn nền văn hóa riêng, làm thất bại hoàn toàn mưu đồ đồng hóa, hủy diệt của kẻ thù. Ý nghĩa lịch sử của nó đã vượt qua giới hạn không gian và thời gian của nước Đại Việt lúc bấy giờ. Chiến thắng Chi Lăng được ghi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí quyết tâm và sức mạnh bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta, như một đòn giáng trả đích đáng đối với quân xâm lược phương Bắc.

Kỷ niệm 590 năm chiến thắng Chi Lăng lịch sử (10/10/1427- 10/10/2017) là dịp để thế hệ hôm nay và mai sau thể hiện sự tôn kính, khắc ghi công ơn của Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi cùng các bậc hiền tài, nghĩa sỹ và người dân Chi Lăng đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng. Đồng thời, khơi dậy, cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lạng Sơn phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

[1] - Ải Lưu: Nằm ở khoảng giữa hai xã Nhân Lý và Mai Sao, huyện Chi Lăng ngày nay.

[2] - Đại Việt Sử ký toàn thư - Bản Kỷ - Quyển X.

Đánh giá bài viết
1 199
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm