Nói đi đôi với làm và nêu gương về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Nói đi đôi với làm và nêu gương về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ tài hoa và vĩ đại của dân tộc Việt Nam, suốt cả cuộc đời Người cống hiến, hy sinh vì nước vì dân. Trong công tác giáo dục, đào tạo cán bộ Đảng viên tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc, Người luôn áp dụng phương châm "Nói đi đôi với làm" hay "Học đi đôi với hành". Phương châm ấy đã trở thành hành động bất diệt trong thời đại Hồ Chí Minh và nó luôn có giá trị thực tiễn sâu sắc để Đảng ta vận dụng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Bài viết dưới đây, HoaTieu.vn xin đi sâu vào phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về "Học đi đôi với hành", "Nói đi đôi với làm", và liên hệ bản thân vận dụng vào thực tiễn. Mời các bạn cùng tham khảo.

Học tập tư tưởng phong cách Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm
Học tập tư tưởng phong cách Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 'Nói đi đôi với làm"

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Học đi đôi với hành"

Xuất phát từ học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông". Hồ Chí Minh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau để mọi người dễ hiểu: "Lý luận đi đôi với thực tiễn", "Lý luận kết hợp với thực hành", "Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”, "Lý luận phải liên hệ với thực tế”.

Từ thực tiễn, Người nói: “Có những kẻ miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”. Nói thì cứ nói, nhưng làm thì cứ làm. Người nói: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Nhưng điều cốt lõi nhất mà Người muốn nhấn mạnh: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn”, từ đó "nói phải đi đôi với làm”.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: cán bộ là gốc của mọi công việc và muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Người xác định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; và để huấn luyện cán bộ đạt hiệu quả thì phải thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”. Đây là quan điểm mang tính phương pháp luận sâu sắc, không những có ý nghĩa chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và cả hệ thống chính trị, mà còn trong xây dựng nền giáo dục mới của nước nhà.

Trong hành trình tìm đường cứu nước đầy gian nan, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tự học tập và thực hiện gắn kết giữa học và hành để bổ sung những kiến thức mới trong kho tàng tri thức nhân loại, nhằm mục tiêu cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhờ đó, Người đã vươn tầm trở thành một lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, được nhiều nhà chính trị và cả những nhà văn hóa nổi tiếng trên thế giới cảm phục, yêu mến, ngưỡng mộ bởi cả đạo đức trong sáng, mẫu mực và trí tuệ lỗi lạc, uyên bác.

Khi sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và bắt tay vào công việc trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam, tại các lớp huấn luyện lý luận chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm 1925 - 1927, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện nhất quán phương châm học đi đôi với hành. Chương trình đào tạo luôn có sự gắn kết giữa kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn, giữa truyền dạy lý thuyết và thảo luận, đặc biệt là thực hành, rèn luyện các kỹ năng tuyên truyền, làm báo, diễn thuyết, đi thực tế... Sau những khóa học, các học viên được đưa về nước hoạt động, thâm nhập thực tế đời sống nhân dân lao động, vận dụng những kiến thức đã học để vừa tuyên truyền, xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng; vừa tìm kiếm, chọn lựa những học viên mới đưa sang Tổng bộ Thanh niên đào tạo.

Phương pháp huấn luyện cán bộ rất hiệu quả đó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lý giải được vì sao từ lúc ban đầu mới chỉ có 09 hội viên thì đến năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển nhanh chóng các cơ sở về trong nước, trải rộng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam với số lượng hàng trăm hội viên và ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần hình thành nên lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại mà đầy giản dị của dân tộc Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại mà đầy giản dị của dân tộc Việt Nam

Trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua, việc gắn liền giữa học và hành không chỉ là phương châm trong công tác huấn luyện cán bộ, mà còn được xác định là một trong năm nhiệm vụ (trách nhiệm) của cán bộ, đảng viên, đó là: “Phải thực hành cho được chánh sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản”. Người phê bình các cuộc hội nghị của tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ chỉ đưa ra “các lời đề nghị đều có ý mênh mông, không thấy đề nghị thế nào để tất cả đảng viên, tất cả chi bộ thảo luận và thực hành được các nghị quyết án của Trung ương; không thấy đề nghị kế hoạch thiết thực cho mỗi địa phương”.

Phương châm học đi đôi với hành tiếp tục được Nguyễn Ái Quốc chú trọng trong việc tổ chức huấn luyện cán bộ vào những năm 1941-1942 và trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ sau này. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, sự thiếu hụt cán bộ có năng lực lãnh đạo, quản lý đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng vừa quan tâm chỉ đạo mở những lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ; vừa chú ý uốn nắn những lệch lạc trong công tác huấn luyện, học tập lý luận chính trị. Người phê phán một số cán bộ: “Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Người nhấn mạnh, người cán bộ đã đọc được sách, đã học được lý luận thì phải ra sức thực hành, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế, phải chữa bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.

Từ vai trò là một trong những phương châm chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, rồi trở thành một nhiệm vụ, trách nhiệm của người đảng viên, phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực hành được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là một trong 12 tiêu chuẩn của một đảng cách mạng chân chính: “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết và thực hành, trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực hành là một chỉnh thể không thể tách rời trên thực tế của quá trình nhận thức. Sự phân định ra từng khâu trong quá trình nhận thức chỉ mang ý nghĩa tương đối, để thực hiện một cách hiệu quả, hoàn toàn không bị biệt lập.

Người nhấn mạnh: “Hiểu biết do thực hành mà ra. Hiểu biết lại trải qua thực hành mà thành lý luận. Lý luận ấy lại phải dùng vào thực hành. Sự tiến tới của hiểu biết chẳng những ở chỗ từ cảm giác tiến đến lý luận, mà cốt nhất là từ lý luận tiến đến thực hành cách mạng. Đã nắm được quy luật thế giới, thì phải dùng nó vào thực hành cải tạo thế giới, thực hành tăng gia sản xuất, thực hành giai cấp đấu tranh, dân tộc đấu tranh. Đó là quá trình liên tiếp của hiểu biết”. Vì vậy, Người phê bình những sai lầm, hạn chế xảy ra do tách rời giữa việc học và hành, lý thuyết và thực hành: “Những bệnh duy tâm, máy móc, mạo hiểm, chủ quan,v.v, đều vì tách rời điều kiện khách quan với chủ quan, tách rời lý luận với thực hành mà có”. Đây là sự cảnh báo có ý nghĩa thời sự rất cao đối với công tác lãnh đạo, quản lý nói chung; việc xây dựng chủ trương, chính sách, biện pháp nói riêng.

Trước khi về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trăn trở dặn lại một trong những công việc cần phải làm sau ngày nước nhà thống nhất là: “Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”. Đó là mô hình các trường học gắn liền giữa học và hành, giữa chương trình học trên lớp và thực tế đầy sinh động của cuộc sống.

2. Liên hệ bản thân về việc nêu gương Nói đi đôi với làm

Theo Hồ Chí Minh: “Bất kỳ ở từng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt:

  • Mình đối với mình.
  • Mình đối với người.
  • Mình đối với công việc.

Vì thế, thực hành “nói đi đôi với làm” cần phải được tiến hành nghiêm túc trong tất cả các quan hệ đó. Những người Đảng viên phải làm thế nào để vận dụng tốt phương châm " nói đi đôi với làm", để thực sự trở người Đảng viên gương mẫu, xứng đáng với trọng trách mà tổ chức Đảng và nhà nước giao phó? Nội dung dưới đây là phần liên hệ bản thân theo ba quan hệ trên.

Thứ nhất, “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với mình.

- Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn tự đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt và tự thực hành “nói đi đôi với làm” nghiêm túc, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo thực hiện yêu cầu đó. Từ những câu chuyện kể về Bác Hồ cho thấy, Người luôn coi trọng thực hành - tức là làm và hành động, làm nhiều hơn nói, hoặc chỉ lặng lẽ, kiên trì nêu gương mà không nói. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Người là những câu chuyện sinh động, tấm gương mẫu mực về “nói đi đôi với làm”, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cùng các phẩm chất: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” và phong cách: làm việc, tư duy, diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt,… chỉ vì: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

- Học tập, làm theo tấm gương của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ được giao, tự hình thành ý tưởng, đặt ra những kế hoạch cụ thể, khoa học, phù hợp với khả năng và quyết tâm thực hiện bằng được, nhằm chuyển hóa thành hiện thực.

Đây là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết với thực hành. Mỗi người đảng viên luôn phải rèn luyện ý chí, nghị lực quyết tâm thực hiện cho kỳ được mục tiêu, nhiệm vụ được giao, phải đạt được kết quả trong hoạt động thực tiễn. Đồng thời, trong quá trình thực hành, dù là cá nhân hay tổ chức cũng phải thường xuyên tự kiểm điểm, đánh giá chính xác kết quả đạt được, kịp thời bổ sung, điều chỉnh theo hướng đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nhưng vừa sức, bảo đảm hiệu quả thực hành “nói đi đôi với làm” ngày càng cao trong quan hệ mình đối với mình.

Thứ hai, thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình với người khác.

- Cùng với tấm gương sinh động về “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình với người khác, Hồ Chí Minh còn vận dụng nhuần nhuyễn tinh hoa văn hóa phương Đông về tư tưởng: “dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” - trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói để cảm hóa, giáo dục người khác theo phương châm: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

- Không chỉ đề cao nêu gương của bản thân, Người còn yêu cầu mỗi cá nhân phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm. Đồng thời, phải hoan nghênh người khác phê bình mình; việc gì cũng thiết thực, nói được, làm được. Người dạy thanh niên: “Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết. Như thế thì ai cũng phải yêu mến kính phục thanh niên và phong trào thanh niên nhất định sẽ ăn sâu lan rộng”.

- Như vậy, học tập và làm theo Bác về “nói đi đôi với làm” trong mối quan hệ mình với người khác đặt ra yêu cầu đối với mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là cán bộ, đảng viên, người giữ các trọng trách cao càng phải gắn trách nhiệm, danh dự cá nhân với lời nói của mình và phải quyết tâm thực hiện bằng được những gì đã nói, đã công bố trước tập thể, hoặc người khác. Có như vậy, mới giữ được chữ “tín” của mình đối với người khác, bởi “một sự mất tín, vạn sự mất tin”.

- Cùng với đó, luôn tự kiểm điểm và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình khi mình có khuyết điểm, chưa thực hiện được những gì đã nói. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi xu nịnh, vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, các biểu hiện: “nói nhiều làm ít”, “nói hay, làm dở”, “nói một đường làm một nẻo”, thậm chí “nói nhưng không làm”, v.v.

Thứ ba, yêu cầu thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với công việc.

- Đây là quan hệ quyết định hiệu suất, hiệu quả công việc, uy tín của cá nhân, tổ chức trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương sáng, gương mẫu về thực hành nói đi đôi với làm trong mọi công việc mà còn yêu cầu: “Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ” và “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích”; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

- Người chỉ rõ: “Mỗi người công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, viên chức, đều phải hiểu rõ nghĩa vụ vẻ vang của mình là phục vụ sản xuất. Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”. Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức trước hết vẫn là con người, vì thế dù là tổ chức nào thì hạt nhân vẫn là con người và do đó, để mỗi tổ chức hoàn thành tốt phận sự của mình thì hạt nhân của tổ chức phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của quần chúng mà thực hành: chủ trương một, biệp pháp mười, quyết tâm hai mươi.

Trở thành một người Đảng viên nghĩa là phải gánh trên vai trọng trách nặng nề của Đảng, của đất nước, dân tộc và mỗi người Đảng viên phải tự ý thức được điều này khi viết lá đơn xin vào tổ chức Đảng. Bởi vậy, sẽ không có sự ngoại lệ, tha thứ nào cho sự không gương mẫu, suy đồi đạo đức, bệnh giáo điều, hứa xuông, nói mà không làm, không thực hiện được nhiệm vụ được giao và lời hứa với nhân dân. "Nói đi đôi với làm" là tiêu chuẩn của người Đảng viên chân chính, đồng thời sẽ luôn là kim chỉ nam cho hành động, lời nói, chuẩn mực đạo đức, lối sống, phương châm sống trường tồn, vĩnh cửu của các thế hệ Đảng viên dù hiện tại hay mai sau.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, không chỉ là bài học tư tưởng quý giá, mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi người cán bộ, đảng viên ngày hôm nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế, song hành cùng đó là ra sức đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Để Việt Nam ngày càng định vị trên bản đồ thế giới về tầm nhìn lý luận chính trị, sức mạnh về kinh tế, bề dày về văn hóa và đi đầu trong mọi hành động quốc tế.

Mời các bạn tham khảo các Tài liệu có liên quan trên chuyên mục Bài thu hoạch, bài dự thi của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
10 3.771
0 Bình luận
Sắp xếp theo